Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Phát huy vai trò tế bào - Hạt nhân xã hội để thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới

06/12/2022

    Luật BVMT năm 2020 là một Luật lớn, toàn diện, cơ bản, chi tiết, cụ thể và có nhiều điểm mới. Một trong những điểm mới là lần đầu tiên, "cộng đồng dân cư" được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT. Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị nước ta đạt khoảng 37% so với diện tích đất xây dựng; dân số thành thị của nước ta là trên 33 triệu người (chiếm 34,4% tổng dân số); dân số nông thôn là khoảng 63 triệu người (chiếm 65,4% tổng dân số). Cho dù không phải tất cả, thì một số lượng rất lớn những người dân sống ở nông thôn đều làm nông nghiệp hoặc làm dịch vụ gắn với nông nghiệp. Xét dưới góc độ văn hóa, lối sống, thói quen thì tuy là dân số đô thị có tăng, nhưng ở nhiều người, nhiều khu dân cư vẫn mang nặng tính chất của văn hóa làng, với cả mặt tích cực và hạn chế, trong đó tình trạng "nông thôn hóa thành thị" là rất phổ biến, trong đó có cách nghĩ, việc làm không lợi cho môi trường sống. Chính vì vậy, một trong những địa bàn rất rộng lớn, trọng điểm, nơi chiếm phần lớn dân cư cả nước và có rất nhiều vấn đề khó khăn, nan giải đặt ra trong công tác BVMT là nông thôn, cư dân sản xuất, dịch vụ nông nghiệp. Chính vì vậy, Luật BVMT 2020 dành hẳn một điều (Điều 58) quy định về BVMT nông thôn. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường “chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung, tiêu chí về BVMT nông thôn, biện pháp thu gom và xử lý chất thải phù hợp, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, khắc phục ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường nông thôn". Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nội dung về BVMT nông thôn được quy định tại Luật BVMT. Việc thực hiện Điều 58 có một thuận lợi, tiền đề rất quan trọng và cơ bản là qua nhiều năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã có tiêu chí môi trường và ở nhiều nơi có kinh nghiệm rất tốt trong công tác này, như phong trào "5 không ba sạch". Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có các nội dung, tiêu chí BVMT, một trong những tiêu chí khó thực hiện và nan giải để duy trì bền vững. Một điểm nhấn, mới rất quan trọng nữa là Luật BVMT năm 2020 lần đầu tiên quy định "BVMT đối với hộ gia đình, cá nhân" (Điều 60) cũng như "trách nhiệm" của hộ gia đình và cá nhân trong công tác BVMT. Đây là nhân tố rất quan trọng trong thực hiện Luật BVMT và xây dựng NTM.

    Có nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình, trong đó có Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ghi: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này”. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) coi "gia đình là yếu tố tự nhiên và cơ bản, một đơn vị kinh tế - xã hội và là một giá trị vô cùng quý báu của nhân loại cần được giữ gìn và phát huy". Văn kiện Đại hội đồng Liên hợp quốc về trẻ em năm 2002 đã ghi: "Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, cần được củng cố (...). Không có gia đình tốt, không thể có xã hội tốt. Không có đứa con tốt, không thể có một người công dân tốt". Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "gia đình là hạt nhân của xã hội. Mọi gia đình đoàn kết cộng lại thành xã hội đại đoàn kết", rằng "Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt". Điều 60 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân". Đối với mỗi cá nhân, gia đình chính là “trường học” đầu tiên, quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của con người. Gia đình là tổ ấm của mỗi người, vì chỉ có ở gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung. Đặc biệt, gia đình đồng thời là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, là thiết chế giữ được nhiều nhất những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Truyền thống là chỉ hệ thống quan niệm giá trị cơ bản thể hiện bản chất đặc thù của cộng đồng con người do lịch sử liên tục lưu truyền lại. Văn hóa truyền thống là văn hóa dân tộc, do lịch sử liên tục lưu truyền, kế thừa và phát triển. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, những chuẩn mực giá trị truyền thống tốt đẹp như: yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường, sống hài hoà, thân thiện với môi trường, thiên nhiên... được nhiều thế hệ gia đình giữ gìn, vun đắp và phát huy, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

    Với vai trò, vị trí quan trọng của gia đình Việt Nam và với tư cách là "hạt nhân", là "tế bào" của xã hội và những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình được lưu truyền, phát huy tác dụng tích cực trong mọi mặt của đời sống xã hội thì nhất thiết cần phát huy những mặt tích cực của nó trong đời sống xã hội, trong đó có công tác BVMT. Hiện nay, các gia đình ở nông thôn Việt Nam vừa là đối tượng sáng tạo, thực hiện vừa là đối tượng thụ hưởng của rất nhiều chương trình, kế hoạch nhằm phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, trong đó, chương trình xây dựng NTM mới là kết quả của một quá trình phát triển nông thôn theo định hướng chiến lược mới, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và thể chế mới ở nông thôn trong các điều kiện cụ thể của từng vùng, miền. Nếu xem xét gia đình Việt Nam dưới góc độ BVMT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và những quy định tại Luật BVMT năm 2020, nối lên một số vấn đề cần quán triệt và hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

    Một là, nâng cao và đặt gia đình đúng với vai trò, vị trí "hạt nhân", "tế bào" xã hội trong đó có nhiệm vụ BVMT. Việc giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức, tuyên truyền các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, về vị trí, vai trò của gia đình cũng như những giá trị của văn hóa gia đình đối với sự phát triển đất nước nói chung và vấn đề BVMT sống của các thế hệ người Việt Nam nói riêng. Điều này phải trở thành nhiệm vụ vừa thường xuyên, cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi những đứt gãy trong hệ giá trị, trong mối quan hệ giữa các thành viên trong mỗi gia đình, theo tinh thần, đặt gia đình trong mối quan hệ biện chứng "xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt". Lấy gia đình làm tế bào, hạt nhân trong việc thực hiện Điều 60 Luật BVMT chính là làm cho xã hội tốt lên, theo đó, các gia đình cũng ngày càng sống tốt hơn;  

    Hai là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức, cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền, sự phối hợp, tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, ngay cả lãnh đạo các khu dân cư, thôn, làng, ấp, bản là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, "trăm dâu đổ đầu tằm", cuối cùng thì công tác BVMT ghi trong Điều 60 là do ý thức tự giác, trách nhiệm của từng gia đình cũng như của tất cả mọi thành viên trong "tế bào, hạt nhân" của xã hội. Chẳng hạn, việc thu gom, phân loại đúng chất thải, để đúng nơi quy định; việc giữ gìn vệ sinh trong chuồng, trại chăn nuôi, không để nguồn phân, nước thải chăn nuôi ô nhiễm môi trường; việc không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường... là sự tự giác, là trách nhiệm của từng hộ gia đình và của tất cả các thành viên trong gia đình, không trừ một người nào. Các hoạt động kinh tế, dịch vụ, sinh hoạt trong gia đình yêu cầu mọi thành viên phải thật sự có ý thức tự giác và trách nhiệm từ trẻ nhỏ đến các người già, ông bà, bố mẹ…không hẳn chỉ có chủ gia đình;

    Ba là, trong những năm qua, việc bình xét, công nhận khu dân cư văn hoá, thôn, bản, ấp văn hóa, nhất là “Gia đình văn hóa” là cần thiết, phần nào có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng chưa được quan tâm giám sát, kiểm tra là việc giữ gìn, vệ sinh, BVMT nơi ở, nơi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là ở các làng nghề, không để vật nuôi phóng uế bừa bãi, không gây tiếng ồn vượt mức cho phép... Chính vì vậy, trong những năm tới, khi triển khai Luật BVMT, các cấp, các ngành cần chú trọng việc phối hợp, đề ra tiêu chí môi trường trong xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” trên cơ sở lấy hạt nhân, tế bào của xã hội là việc bình xét, công nhân "Gia đình văn hoá". Bám sát các quy định trong Luật bảo vệ môi trường về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, của hộ gia đình, cá nhân, thành viên gia đình trong công tác BVMT;

    Bốn là, "hạt nhân", "tế bào" có lành mạnh thì cơ thể xã hội mới lành mạnh và phát triển bền vững. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, nhất là tổ chức, cấp uỷ đảng, các đoàn thể, thôn, làng, ấp, bản, đặc biệt là chủ gia đình, chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường văn hóa, môi trường sinh thái, môi trường nhân văn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong điều kiện mới, trong đó có tiêu chí phát triển bền vững. Gia đình là “cái nôi” đầu đời giáo dưỡng nhân cách, phẩm chất của con người, giáo dục gia đình bao giờ cũng đi trước giáo dục xã hội, nhất là việc giáo dục trẻ em có ý thức BVMT ngay từ tấm bé, từ những việc làm đơn giản, nhỏ nhặt nhất. Đặc biệt, những người chủ gia đình là cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, ông, bà, bố mẹ, anh chị em... phải nêu gương về đạo đức, lối sống, xây dựng và thực hiện hiệu quả Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó nhấn mạnh nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, trong đó có việc ứng xử thân thiện với môi trường, coi đó là một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn về văn hóa - đạo đức;

    Thứ năm, "lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lành đạo". Đó là quy luật, là nguyên tắc lãnh đạo của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện Luật BVMT nói riêng và xây dựng NTM nói chung. Tuy nhiên, đối với địa bàn nông thôn, cư dân nông nghiệp, các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, nhất là thôn, làng, ấp, bản, cần nhận thức sâu sắc, vận dụng mềm dẻo truyền thống văn hoá với pháp luật của Nhà nước về BVMT. Cần kết hợp hài hòa giữa pháp luật của Nhà nước với các quy ước, hương ước của thôn, làng, ấp, bản với việc xây dựng NTM mà môi trường là tiêu chí quan trọng hàng đầu và khó duy trì thường xuyên. Phát huy mặt tích cực của truyền thống văn hoá làng xã để xây dựng hương ước, quy ước của thôn, làng, ấp, bản đóng vai trò như một “Bộ luật riêng" trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, cơ sở với sự tham gia của các hộ, thành viên gia đình. Truyền thống "đói cho sạch, rách cho thơm ", "Giấy rách phải giữ lấy lề" là những giá trị tinh thần để các tổ chức, đơn vị, cá nhân dựa trên hương ước, quy ước để kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh gia, nhắc nhở các gia đình, thành viên gia đình trong thực hiện nếp sống văn hóa, trong đó có quy định về BVMT. Trong việc xây dựng và thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở đang được Quốc hội thảo luận, cần có quy định về dân chủ trong BVMT ở khu dân cư, trong các hộ gia đình. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước NTM trong giai đoạn tới đây cần gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với các quy định của Luật BVMT, trong đó lấy gia đình làm hạt nhân, tế bào của xã hội làm khâu đột phá trong giữ gìn và BVMT sống của chúng ta và muôn đời con cháu mai sau.

Vũ Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2022)

Ý kiến của bạn