Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Vai trò của giới trong quản lý chất thải

05/08/2022

    Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong quản lý chất thải. Dân số ngày càng tăng cùng với đô thị hóa, phát triển kinh tế và mức độ tiêu thụ tương ứng khiến tốc độ phát sinh chất thải tăng nhanh ở mức đáng lo ngại. Theo đó, những vấn đề về chất thải đã tác động lên nam giới và nữ giới khác nhau, trong đó nữ giới cũng như các nhóm bị tổn thương và ảnh hưởng. Điều này tiếp tục hạn chế tiếng nói và tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong quá trình đưa ra quyết định ở các quốc gia khác nhau.

    Kết nối xã hội với lĩnh vực chất thải

    Với vai trò và trách nhiệm xã hội khác nhau, nam giới và nữ giới thường có những ưu tiên khác nhau đối với các vấn đề quản lý chất thải. Trên khắp thế giới, phụ nữ chịu trách nhiệm về rác thải sinh hoạt. Phụ nữ thường đảm nhận vai trò dọn dẹp, nấu nướng và chăm sóc nhà cửa, do đó thường chịu trách nhiệm phân loại và xử lý rác thải. Một nghiên cứu cho thấy, phụ nữ là người quản lý rác thải sinh hoạt duy nhất ở 95% số hộ gia đình ở Bangalore, Ấn Độ và 75% ở các thành phố ở Inđônêxia [1]. Tương tự, thiết kế của dịch vụ rác thải đô thị có thể có ảnh hưởng khác nhau đến nam giới và nữ giới. Nữ giới có thể thích thu gom rác tận cửa do hạn chế đi lại và sử dụng thường xuyên, trong khi nam giới có thể thích đổ rác tập trung một lần với chi phí thấp hơn. Ở Ecuador, nam giới và nữ giới có sở thích khác nhau về tần suất thu gom rác thải, khoảng cách đi đổ rác, thời gian dành cho rác thải, nữ giới cho rằng, việc xử lý rác mất nhiều thời gian hơn nam giới [2].

    Ở châu Âu, có thể thấy thái độ và hành vi khác nhau theo giới đối với việc ngăn ngừa rác thải, phụ nữ có xu hướng cân nhắc nhiều hơn về môi trường khi đưa ra quyết định tiêu thụ và xử lý [3]. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy, nam giới và nữ giới có quan điểm khác nhau về các phương pháp quản lý chất thải. Theo đó, nữ giới hay đề cập các ưu tiên liên quan đến thay đổi hành vi, còn nam giới viện dẫn các ưu tiên liên quan đến cải thiện hoạt động. Dựa trên những hiểu biết này, khác biệt về giới có thể có tác động mạnh mẽ đến thiết kế và mục tiêu tối ưu của dịch vụ chất thải địa phương. Với việc thực hiện tham vấn cân bằng giới, chính quyền địa phương có thể dễ dàng đạt được kết quả mong muốn hơn thông qua giáo dục và can thiệp về chất thải nhằm công nhận các nhu cầu, sở thích riêng và thúc đẩy bình đẳng giới.

    Giới trong việc làm quản lý chất thải chính thức

    Khác biệt về giới trong quản lý chất thải cũng liên quan đến việc làm chính thức. Thông thường, những bất bình đẳng hiện tại trong cấu trúc xã hội và kinh tế định hướng trải nghiệm của nữ giới khi làm việc trong quản lý chất thải. Thu gom chất thải chính thức có xu hướng là nghề của nam giới, và ít khi thấy nữ giới trong vai trò giám sát hoặc vai trò trọng yếu trong các công ty chất thải tư nhân[4][5]. Trong hệ thống chất thải chính thức, nam giới và nữ giới thường thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Nam giới thường được tuyển dụng vào các công việc mang vác nặng và vận hành máy móc, như bốc xếp xe tải. Nữ giới thường được giao nhiệm vụ chuyển đổi vật liệu tái chế thành sản phẩm hoặc nguyên liệu, và những công việc tốn thời gian, yêu cầu kỹ năng vận động tốt và lặp đi lặp lại, như dọn dẹp và phân loại. Phụ nữ cũng thường được giao nhiệm vụ hành chính và ít tham gia ở cấp lãnh đạo. Kết quả là các nghiên cứu cho thấy, nam giới tìm việc làm chính thức trong quản lý chất thải dễ dàng hơn. Ở một số quốc gia, hầu hết những người thu gom rác thải chính thức là nam giới.

    Giới trong quản lý chất thải phi chính thức

    Bất bình đẳng giới đặc biệt rõ rệt trong khu vực phi chính thức. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nữ giới chiếm đa số trong các vai trò phi chính thức. Ở một số thành phố của Ấn Độ, khoảng 80% số người nhặt rác là nữ giới và trong số các nhóm nhặt rác được khảo sát ở Braxin, 56% là phụ nữ [6]. Có thể có số lượng lớn phụ nữ tham gia hoạt động nhặt rác vì hoạt động phi chính thức mang lại sự linh hoạt trong cân bằng giữa tạo thu nhập với trách nhiệm gia đình không được trả lương. Tuy nhiên, với lý do tương tự thì phụ nữ làm nghề tái chế thường xuyên làm việc ít giờ hơn so với nam giới, nhận mức lương thấp hơn và có vị thế thấp hơn [7].

    Cũng như với khu vực chính thức, nam giới thường có lợi thế hơn trong lĩnh vực chất thải phi chính thức, có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với vật liệu thải có giá trị tái chế cao và đảm nhận những vai trò sinh lợi và an toàn hơn so với nữ giới [8]. Nữ giới thường phân loại và xử lý rác thải còn lại. Ở Mexico, có thể quan sát thấy hệ thống phân cấp trong đó lãnh đạo nam và những người gần gũi với lãnh đạo được tiếp cận vật liệu chất lượng cao trong khi nữ giới nhận được chất thải có giá trị thấp hơn và phải phân loại chất thải từ khu dân cư nghèo và bệnh viện [9]. Ở Philipin, phụ nữ phân loại và sau đó chuyển những lô nhỏ rác tái chế cho nam giới tổng hợp. Do tiếp xúc gần với chất thải hỗn hợp và chất thải còn lại, phụ nữ nhặt rác thường tiếp xúc quá nhiều với hóa chất độc hại, sinh vật gây bệnh, và rủi ro liên quan về sức khỏe.

Phụ nữ Ấn Độ phân loại chất thải từ khu dân cư nghèo

    Một số nghiên cứu cho thấy, nguồn vốn cũng là một nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận với quy mô. Nam giới thường sở hữu nhiều phương tiện và thiết bị hơn như xe đẩy và xe ba bánh, còn nữ giới có xu hướng sử dụng giỏ và bao tải để thu gom. Thành kiến, thiếu hụt kỹ năng, và cơ hội sử dụng thiết bị đều là những vấn đề phải được giải quyết để cải thiện cơ hội việc làm và thăng tiến của nữ giới trong quản lý chất thải.

    Hành động hướng tới quản lý chất thải bình đẳng giới

    Ở cấp quốc gia, Chính phủ nên thiết lập tiêu chuẩn về bình đẳng giới trên toàn quốc, như thông qua chiến lược giới. Những tiêu chuẩn quốc gia này sau đó sẽ trở thành cơ sở để xây dựng kế hoạch và chiến thuật của địa phương nhằm đạt được các mục tiêu về giới, và dẫn tới nỗ lực phối hợp ở các địa phương khác nhau. Chính phủ cũng có thể khuyến khích chính quyền địa phương áp dụng thông lệ nhạy cảm về giới, đảm bảo để bản thân các cơ quan giải quyết các vấn đề nhạy cảm về giới trong quản lý chất thải cũng là tấm gương về bình đẳng. Là những khái niệm phụ thuộc về xã hội, các chính sách và thực tiễn về giới có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi những người chủ trì thiết kế, do mỗi người đều có quan điểm riêng về giới dựa trên bản sắc riêng. Theo cách này, sự đa dạng trong quy hoạch có thể tạo ra kết quả đầu ra khác nhau. Ở cấp địa phương, chính quyền và nhà quy hoạch có thể thúc đẩy hoạt động quản lý chất thải bình đẳng giới trong sáu lĩnh vực chính dưới đây:

    Tham vấn: Các sáng kiến về chất thải địa phương cần tích hợp cả các ưu tiên và quan điểm của hai giới trong quy hoạch chất thải. Với việc thu hút cả nam giới và nữ giới tham gia quá trình ra quyết định về quản lý chất thải, các cơ quan chức năng có thể cải thiện việc phân chia trách nhiệm, đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với nguồn lực, tạo cơ hội việc làm, và cải thiện hòa nhập xã hội trong lĩnh vực chất thải. Tham vấn cân bằng giới có thể dẫn đến tập hợp các chính sách và thiết kế đa dạng, đáp ứng sự ưa thích và nhu cầu đa dạng, nhờ đó đạt được các mục tiêu về môi trường và vệ sinh, cũng như quan hệ công chúng mạnh mẽ. Tham vấn trong xây dựng chương trình cũng có thể tăng cường vai trò làm chủ và gắn kết trong quá trình thực hiện.

    Chính quyền địa phương có thể bắt đầu với việc tìm hiểu bối cảnh của quan hệ giới và chuẩn mực xã hội, vì không địa phương nào giống nhau và các chuẩn mực thay đổi theo thời gian. Thông tin này có thể giúp lãnh đạo địa phương hiểu về các nguyên nhân gây tình trạng dễ tổn thương cũng như các vấn đề tâm lý để có ứng xử phù hợp. Do phụ nữ thường là giới chịu thiệt thòi trong lĩnh vực chất thải, lãnh đạo địa phương nên đặc biệt tham vấn phụ nữ (và các nhóm yếu thế khác) để bảo đảm bảo vệ nhu cầu và địa vị của đối tượng này.

    Việc làm: Chính quyền địa phương có thể nỗ lực cải thiện bình đẳng giới về việc làm trong quản lý chất thải, trong đó có cả sắp xếp việc làm chính thức và không chính thức. Ở cấp thành phố, chính quyền có thể bắt đầu bằng cách thiết lập chính sách ưu đãi để khuyến khích bình đẳng giới trong các lĩnh vực việc làm. Chính quyền cũng có thể thực hiện đào tạo để cải thiện cơ hội tiếp cận việc làm. Các chương trình đào tạo có thể giúp phụ nữ xây dựng kỹ năng quản lý và kỹ thuật cần thiết để tiếp cận nguồn lực, thương lượng với các bên liên quan và ra quyết định dựa trên đầy đủ thông tin. Ngoài ra, chính quyền địa phương có thể trao quyền cho các nhóm giới tính bị thiệt thòi thông qua việc chính thức hóa hoặc chính thức hóa một phần để cải thiện khả năng đàm phán và tiền lương. Người lao động có thể được hưởng lợi từ việc thành lập hợp tác xã cũng như các thỏa thuận chính thức về việc làm.

    Tiếp cận vốn và kinh tế: Việc bảo đảm trao quyền đi đôi với cơ hội tiếp cận nguồn lực. Để bắt đầu, chính quyền có thể hỗ trợ bình đẳng giới trong tiếp cận nguồn lực vật chất như xe đẩy gom rác, xe đạp, và phương tiện cơ giới được sử dụng để xử lý rác thải nặng và mở rộng quy mô doanh nghiệp quản lý chất thải. Vì theo truyền thống nữ giới ít khi có quyền sở hữu hoạt động kinh doanh chất thải, có thể cải thiện bình đẳng giới nếu các tổ chức tài chính bảo đảm rằng nam giới và nữ giới có quyền tiếp cận bình đẳng với nguồn lực tài chính. Các tổ chức cũng cần đảm bảo rằng nữ giới được tiếp cận công bằng với thông tin, như giá vật liệu tái chế và địa điểm thu mua, cũng như môi trường làm việc an toàn bao gồm đồ bảo hộ và máy móc phân loại để giảm nhẹ rào cản đối với việc tiếp cận một số việc làm nhất định.

    Tuy nhiên, các cơ quan địa phương phải đảm bảo để việc áp dụng máy móc và công nghệ không làm tăng thêm bất lợi về kinh tế xã hội của nữ giới. Trong khi việc tiếp cận công cụ làm giảm sự cần thiết phải sử dụng sức mạnh thể chất trong các công việc quản lý chất thải, việc này cũng có thể tạo ra cơ cấu công việc về chất thải mà nam giới có lợi thế. Đặc biệt nếu tự động hóa dẫn đến giảm việc làm, chính quyền phải đảm bảo để nữ giới được tiếp cận với cơ hội việc làm mới. Tự động hóa và giảm quy mô lực lượng lao động có thể ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới, vì nam giới thường được ưu tiên tiếp cận các công việc chính thức trong lĩnh vực chất thải.

    Bảo trợ xã hội và y tế: Các cơ quan địa phương cũng nên đánh giá xem liệu các chương trình quản lý chất thải có bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ hay không. Các biện pháp trao quyền cho phụ nữ trong xã hội mà phụ nữ đảm nhận trách nhiệm với gia đình có thể bao gồm chăm sóc trẻ em trong giờ làm việc hoặc đào tạo, giáo dục trẻ em, và chăm sóc sức khỏe cho gia đình. Bằng cách tăng cường khả năng hoàn thành công việc gia đình của nữ giới, nữ giới có thể tham gia nhiều hơn vào những công việc có thu nhập cao hơn. Mạng lưới an toàn sức khỏe sẽ đặc biệt mang lại lợi ích cho nữ giới, vì nữ giới thường phải làm những công việc ô nhiễm nhất trong khu vực phi chính thức và do đó chịu rủi ro sức khỏe cao nhất. Hơn nữa, đào tạo nghề mang lại sự an toàn và cơ hội ngoài lĩnh vực chất thải cho nữ giới.

    Truyền thông: Phương thức truyền thông mà chính quyền địa phương sử dụng trong ngành chất thải có thể củng cố hoặc thách thức các định kiến về giới. Truyền thông cũng có thể được sử dụng để tăng cường chấp thuận của xã hội đối với nữ giới trong vai trò lãnh đạo quản lý chất thải và giảm kỳ thị đối với các vai trò giới không điển hình, như tuyên dương nữ giới thu gom chất thải địa phương trên các phương tiện truyền thông. Với vai trò của nữ giới trong giáo dục trẻ em về môi trường, các chương trình truyền thông về chất thải đôi khi hướng đến nữ giới để tăng tác động của các sáng kiến.

    Giám sát và đánh giá: Tất cả các chính sách và chương trình của chính quyền Trung ương và địa phương cần được đánh giá về tác động đối với cả nam giới và nữ giới để không nhóm nào bị phân biệt đối xử. Cần xây dựng các chỉ số trong giai đoạn thiết kế chương trình dựa trên các mục tiêu của địa phương. Những chỉ số này cần nêu bật thành tựu hoặc thiếu hụt về cơ hội tiếp cận nguồn lực kinh tế, vai trò đại diện, và bình đẳng về kinh tế.

    Các quyết định về chất thải hiếm khi thiếu tác động giới và lĩnh vực chất thải mang lại nhiều cơ hội để chính quyền địa phương xây dựng một xã hội công bằng. Với việc áp dụng phương thức nhạy cảm về giới trong quản lý chất thải, các cơ quan địa phương có thể cải thiện điều kiện làm việc cho mọi người, đặc biệt là cho nữ giới, thúc đẩy cơ hội và vị thế bình đẳng trong ngành, và tăng cường chuỗi giá trị cho rác tái chế song song với cải thiện sức khỏe môi trường. Cuối cùng, việc trao quyền cho tất cả các giới trong quản lý chất thải có thể đóng vai trò cải thiện bền vững cho chính quyền địa phương, cho phép chính quyền thực hiện các mục tiêu về bình đẳng xã hội, trong khi đạt được tiến bộ đối với tiêu dùng có trách nhiệm và xây dựng các thành phố bền vững.

Lê Thị Hường

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2022)

    Tài liệu tham khảo: 

    [1]  Vai trò Giới trong quản chất thải: Quan điểm Giới về chất thải ở Ấn Độ, Inđônêxia, Philipin và Việt Nam, Ocean Conservancy, 2019

     [2]   Grieser, Mona Barbara Rawlins, Vấn đề môi trường đô thị nông thôn: Báo cáo về giới của GreenCOM, USAID, 1996

    [3] Buckingham, Susan và Michelle Perello, Lồng ghép Giới trong quy hoạch chất thải, Liên minh châu Âu và Chất thải đô thị, 2019

    [4]  Abarca, Lilliana, Chrisje Van Schoot, Không năng lực chất thải: Mô-đun đào tạo Giới chất thải. Liên minh Giới Nước, 2010

    [5] Quan hệ Giới Rác thải: Kinh nghiệm từ Bhutan, Mông C Nepal, UNEP-IETC GRID-Arendal, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), 2019

    [6]  Dias, Sonia Lucia Fernandez, Hợp lực mạnh mẽ: Bình đẳng Giới, phát triển kinh tế bền vững môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, 2012

    [7] Kusakabe, Ken, và Veena N. Bình đẳng Giới trong quản lý môi trường đô thị: Tình huống. Viện Công nghệ Châu Á

    [8]  Giới quản chất thải, Trung tâm Công nghệ Môi trường Quốc tế (IETC), 2016

     [9]  Giới Tái chế: Công cụ thiết kế thực hiện dự án, sáng kiến khu vực về tái chế hòa nhập, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, 2013.

 

                 

Ý kiến của bạn