Banner trang chủ

Dồn lực tháo gỡ khó khăn, quyết tâm về đích nông thôn mới đúng lộ trình và thời hạn

15/11/2021

    Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với hành trình hơn một thập kỷ qua đã tạo dựng những dấu ấn phát triển đặc biệt, góp phần mang lại diện khởi sắc cho bức tranh nông thôn của Thủ đô. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên thời gian qua, công tác xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn TP. Hà Nội cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2021, Hà Nội sẽ tập trung, dồn lực để tháo gỡ mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm về đích NTM đúng lộ trình và thời hạn.

    Những con số biết nói

    Tính đến nay, toàn TP. Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Trong số 6 huyện chưa đạt, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định; các huyện: Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021; Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022. Toàn thành phố cũng có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn NTM; 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó toàn bộ các xã của huyện Đan Phượng đang phấn đấu đạt huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2021. Theo đăng ký của các huyện, thị xã, trong năm 2021, có 29 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện các xã đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí chưa đạt và cơ bản đạt theo quy định, phấn đấu đến cuối năm 2021 hoàn thiện hồ sơ trình Thành phố xem xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Từ nay đến cuối năm, Thành phố đang đẩy mạnh ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng tiêu chí đô thị; ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU

Nguyễn Thị Tuyến tham quan mô hình sản xuất rau an toàn tại huyện Hoài Đức

    Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, kết quả công cuộc xây dựng NTM tại địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 90,1%. Có 100% số xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt, 4 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức) không còn hộ nghèo, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Ứng Hòa 0,08%; Quốc Oai 0,08%... Riêng quý III/2021, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM của địa phương đạt gần 15.500 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Thành phố là 8.453 tỷ đồng (chiếm 54,5%); ngân sách huyện là 6.020 tỷ đồng (chiếm 38,9%); ngân sách xã là 445 tỷ đồng (2,9%); vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 574 tỷ đồng (chiếm 3,7%).

    Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM TP. Hà Nội Chu Phú Mỹ chia sẻ, Hà Nội đã thực hiện xây dựng NTM văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa. Trong nông nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như năm 2008, tổng giá trị sản xuất Nông - Lâm - Thủy sản trên địa bàn đạt 20.137 tỷ đồng thì đến năm 2020, giá trị này đã lên tới 54.492 tỷ đồng. Hà Nội cũng đã huy động được hơn 165.355 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn, đây là nguồn lực rất lớn để kiến thiết hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả khu vực. Đồng thời, tại nhiều địa phương, người dân tham gia tích cực vào Chương trình xây dựng NTM bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển thương mại dịch vụ, tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương... Quý III/2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến việc triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 04-CTr/TU tại địa phương, nhất là trong công tác xây dựng NTM, song, hoạt động sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn tiếp tục phát triển, nhiều vùng chuyên canh tập trung, vùng chăn nuôi xa khu dân cư đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa cây cảnh, vùng rau an toàn, rau hữu cơ, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung... các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đáng chú ý, năng suất lúa ước đạt 58,4 tạ/ha (tăng 0,6 tạ/ha) tương ứng tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020; tổng đàn trâu, bò, lợn đều tăng so với cùng kỳ, trong đó đàn lợn hiện có 1,37 triệu con, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm năm 2021 ước đạt 168.000 tấn (tăng 6,4%)... Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường, nhiều hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm được ký kết; bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được các chủ thể coi trọng, sản phẩm OCOP hiện nay thực sự đem lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế…

Xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của huyện Phú Xuyên ngày càng thêm trù phú

    Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Nguyễn Thị Tuyến, đánh giá, trong quý III/2021, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, Thành phố phải giãn cách xã hội trong gần 2 tháng, song sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, nhất là bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân, qua đó góp phần vào ổn định của thành phố và khẳng định ngành nông nghiệp là một trụ đỡ quan trọng. Về phương hướng nhiệm vụ trong quý IV/2021, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, các huyện, thị xã cần đẩy mạnh trồng, chăm sóc cây, con vụ Đông; quan tâm phòng, chống tốt dịch tả lợn châu Phi và dịch cúm gia cầm; tiếp tục tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp gắn với đổi mới phương thức sản xuất, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô hộ gia đình; đồng thời, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Chương trình OCOP năm 2021. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2021, 4 huyện: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mê Linh phải về đích NTM, các huyện còn lại tiếp tục tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, nhất là tiêu chí về nước sạch, môi trường và đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp để bảo đảm phát huy hiệu quả. Cùng với đó, quan tâm phát triển kinh tế trang trại, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất cho các làng nghề, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

    Vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng NTM

    Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM TP. Hà Nội Chu Phú Mỹ, do hiện nay Trung ương chưa ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Bộ tiêu chí NTM các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu), Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương có căn cứ thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều tiêu chí đã đạt chuẩn NTM thiếu bền vững nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Do vậy, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, UBND các huyện, thị xã cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng những biện pháp, giải pháp phù hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa đảm bảo hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM năm 2021 theo đúng lộ trình và kế hoạch đã đề ra.

Đổi thay từ xây dựng NTM ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì

    Ông Chu Phú Mỹ cho biết, từ nay đến cuối năm, Văn phòng điều phối NTM Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân; kịp thời phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các hội nghị và  phương tiện truyền thông hiện có của địa phương, đặc biệt là những vấn đề, nội dung mang tính bức thiết, nhằm động viên, huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân. Các huyện, thị xã căn cứ chỉ tiêu đăng ký xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tiến hành thẩm tra đánh giá cụ thể thực tế mức độ đạt từng tiêu chí của từng xã, gửi hồ sơ về Văn phòng Điều phối NTM Thành phố. Phấn đấu đến hết năm 2021 có thêm 14 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 3 huyện (Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa) đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM.

    Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lúa, cây rau màu ngắn ngày; đẩy mạnh sản xuất giống lúa chất lượng cao đạt trên 60% diện tích gieo trồng, giống lúa lai chiếm khoảng 5% diện tích gieo trồng, mở rộng diện tích sản xuất các giống hoa, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao như: hoa lily, hồng, lan, cây cảnh, hoa thảm, hoa chậu... Đồng thời, tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô trong công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh với phương châm “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ”; thiết lập trạng thái bình thường mới để ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2021, thu nhập của người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm.

    Ngày 11/102021, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM tại 100% số huyện, xã đạt chuẩn NTM; 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

    Về phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Thành phố sẽ tăng cường sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm từ 2,5 - 3%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Triển khai có hiệu quả Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

    Thành phố cũng sẽ tập trung đánh giá, phân hạng 2.000 sản phẩm OCOP trở lên; triển khai Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội; mỗi huyện, thị xã xây dựng được ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Công nhận trên 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; 100% số làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường. Thành phố phấn đấu trên 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

    Bên cạnh đó, phấn đấu thu nhập bình quân của nông dân đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55 - 60%; các địa phương cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố; 100% hộ dân được cung cấp nước sạch; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn theo quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải đạt 100%. Đồng thời, duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên; tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa đạt 65%; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 86 - 88%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 80 - 85%; 100% thôn có nhà văn hóa - khu thể thao thôn.

    Để thực hiện các mục tiêu đề ra, UBND TP. Hà Nội sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp; tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để đầu tư cho Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021 - 2025 với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng 15% so với giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư là 83.700 tỷ đồng; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách là 8.980 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn trên, ngân sách Thành phố sẽ bổ sung cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố hàng năm khoảng 400 tỷ đồng để cho vay lãi suất ưu đãi theo quy định đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại, người lao động thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân trên địa bàn.

Gia Linh

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

 

Ý kiến của bạn