Banner trang chủ

Nhìn lại tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang

23/09/2019

    Kiên Giang là tỉnh có diện tích tự nhiên 634.878 ha, được chia thành 15 đơn vị hành chính, với 13 huyện, 2 thành phố, với 117 đơn vị hành chính cấp xã; Dân số có hơn 1,723 triệu người.

    Về xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2009, tỉnh Kiên Giang được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn xã Định Hòa, huyện Gò Quao làm mô hình thí điểm xây dựng xã NTM. Trước khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM (năm 2011), thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 23,1 triệu đồng (1.086 USD), tỷ lệ hộ nghèo còn 7,2%. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, nhất là giao thông nông thôn (năm 2011 toàn tỉnh có 26,6% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa)... Đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 5,5 tiêu chí/xã, 100% số xã không đạt 4 tiêu chí là: Quy hoạch, trường học, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Thực hiện Quyết định 491/2009/QĐ-TTg và Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2011 triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020, đề ra mục tiêu đến năm 2015 có 18 xã và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới; giai đoạn 2016 - 2020 có thêm ít nhất 2 huyện, nâng tổng số tòan tỉnh có 59 xã đạt chuẩn và tiêu chí bình quân đạt 16,6 tiêu chí/xã.

 

 

    Đến nay, toàn tỉnh có 64/117 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 54,7%; tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,7 tiêu chí/xã. Bình quân thu nhập khu vực nông thôn đến nay là 42,7 triệu đồng/người/năm (năm 2015: 29,5 triệu đồng), mức đạt cao nhất trên 60 triệu đồng, trung bình mức có thu nhập khá (43 - 53 triệu đồng). So với chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2020, toàn tỉnh cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết về xã đạt chuẩn và chỉ tiêu bình quân/xã. Riêng chỉ tiêu 2 huyện nông thôn thôn mới, Kiên Giang có khả năng đạt vào năm 2020, cụ thể, Ban chỉ đạo tỉnh đã chọn 4 huyện Vĩnh Thuận, Gò Quao, Giồng Riềng và Kiên Lương trong kế hoạch thực hiện huyện NTM đến năm 2020.

   Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ góp phần tích cực vào thực hiện đạt các nội dung và 19 tiêu chí nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cuả tỉnh đạt các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2016 - 2020 đề ra. Hệ thống thủy lợi cơ bản phục vụ tưới tiêu, kiểm soát lũ, mặn để sản xuất lúa nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, phục vụ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, đảo có hiệu quả. Hệ thống giao thông nông thôn được tỉnh ưu tiên đầu tư xây có 100% xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm; 60% đường ấp - liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Hệ thống đường nội xã, liên ấp đã hoàn thành cứng hóa 5.582/7.084 km. Riêng giai đoạn 2016 – 2018, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 998,44 km, với tổng vốn đầu tư 939,54 tỷ đồng, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông các xã NTM trên địa bàn tỉnh (kế hoạch đến năm 2020 đạt 80%). Toàn tình có 107/117 xã đạt tiêu chí chiếm 91,5%. Hệ thống điện được đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp, giai đoạn 2010 - 2019 tổng vốn đầu tư là 2.317,98 tỷ đồng, đã có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt cho vùng lõm, vùng sâu, vùng xa, nâng số xã có điện sinh hoạt đạt 100%, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 98,6% và có 110/117 xã đạt chuẩn tiêu chí số 4 về điện.

    Để thực hiện Chương trình có hiệu quả hơn, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện những giải pháp sau:

   Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc thực hiện Nghị quyết là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, gắn với các chương trình, hành động cụ thể của các ngành, các cấp. 

    Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030. Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch; tổ chức lại sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương; bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ổn định diện tích lúa vừa bảo đảm an ninh lượng thực vừa phục vụ xuất khẩu; hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản, hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh.

    Tích cực thực hiện chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là công tác giống, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ làm khoa học - kỹ thuật có trình độ cao. Tập trung  nghiên cứu các biện pháp phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu, nhất là ở những vùng có nguy cơ bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

    Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển các loại hình hợp tác trong sản xuất kinh doanh; xây dựng mô hình doanh nghiệp nông nghiệp thích hợp gắn với liên kết hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện đưa công nghiệp vào phục vụ nông nghiệp. Tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn và tiêu thụ nông sản; khuyến khích mở rộng các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa...

 

Minh Thành

Ý kiến của bạn