Banner trang chủ

Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở Điện Biên

03/10/2018

     Tỉnh Điện Biên hiện có gần 761,77 ha rừng, được phân chia thành 3 loại rừng, trong đó: rừng đặc dụng là 118.500ha; rừng phòng hộ 358.210ha; rừng sản xuất 285.060 ha. Thời gian qua, tình trạng di dân tự do đã tác động đến hiện trạng rừng, nhiều diện tích rừng đã bị chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy… Để quản lý bền vững tài nguyên rừng, tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng”, giai đoạn 2017 - 2020 (REDD+).

     Kế hoạch REDD+ được triển khai nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường trữ lượng các bon rừng, qua đó hỗ trợ đạt được mục tiêu của chương trình hành động Quốc gia về giảm thiểu biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động REDD+ Quốc gia. Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện còn, từng bước phát triển thêm diện tích, chất lượng rừng nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Thúc đẩy công tác bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, thông qua việc cải tiến các vấn đề liên quan tới kỹ thuật lâm sinh, phục hồi rừng, đẩy mạnh kinh tế lâm nghiệp và hướng tới xã hội hóa ngành lâm nghiệp.

     Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, Kế hoạch REDD+ đề ra mục tiêu: Bảo vệ 367.450 ha diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh; Phấn đấu đến năm 2020 độ che phủ rừng cả tỉnh đạt 42%; Số vụ phá rừng làm nương bình quân/năm giảm 10% trở lên so với giai đoạn 2010 - 2016; Đảm bảo việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác tác động tối thiểu lên tài nguyên rừng; Số vụ cháy rừng bình quân/năm giảm 10% so với giai đoạn 2010 - 2016; Nâng cao hiệu quả của hệ thống theo dõi diễn biến rừng; cải thiện sinh kế nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học và chức năng của hệ sinh thái rừng…

     Triển khai hợp phần 1 của Kế hoạch REDD+, Điện Biên đã đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng. Năm 2017, nhiều chỉ tiêu về trồng rừng, chăm sóc rừng, trồng cây phân tán, khoán bảo vệ rừng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo vệ tốt, tình trạng cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng giảm, số vụ vi phạm về các quy định về quản lý, bảo vệ rừng giảm so với cùng kỳ năm 2016, độ che phủ rừng tăng 2% so với cùng kỳ…Diện tích rừng trồng, chăm sóc tập trung tại các địa phương đạt trên 2.887ha, rừng khoanh nuôi tái sinh đạt trên 7.600ha, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 38,68%. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng thực hiện trồng trên 516ha rừng thay thế, tỷ lệ đã thực hiện đạt trên 91%.Trong đó, dẫn đầu các địa phương trên địa bàn tỉnh về công tác trồng rừng là huyện Mường Ẳng, năm 2017, nhân dân 8 xã trên địa bàn huyện trồng được gần 400 ha rừng, đạt 153% kê hoạch giao và tỷ lệ nghiệm thu cây sống đạt từ 90 - 95%.

 

Cán bộ kiểm lâm và nhân dân xã Mường Phăng triển khai công tác trồng rừng

 

     Bên cạnh đó, tỉnh luôn sát xao chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng. Năm 2017, Chi cục kiểm lâm Điện Biên phát hiện 512 vụ vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (giảm 17 vụ so với cùng kỳ năm 2016), gây thiệt hại 141,88ha rừng. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 376/512 vụ, xử lý hình sự 21 vụ với 37 bị can; tịch thu 123,7m3 gỗ các loại; 28,58kg lâm sản ngoài gỗ. Tổng số tiền thu, nộp ngân sách Nhà nước 2,54 tỷ đồng. Ðặc biệt, trong năm qua, Chi cục kiểm lâm Điện Biên đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai Dự án Quản lý thiên nhiên bền vững (SNRM) thực hiện thử nghiệm công nghệ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng bằng công nghệ không gian địa lý. Với ứng dụng khoa học này, giúp lực lượng chức năng quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, phát hiện nhanh, sớm các biến động tăng, giảm của rừng qua ảnh vệ tinh. Trước đây, rừng ở địa bàn vùng sâu, xa, cán bộ kiểm lâm phải đi bộ cả ngày đường mới đến thì nay có thể theo dõi diễn biến rừng tại các khu vực đó mà không phải đến trực tiếp. Sau 1 năm ứng dụng công nghệ không gian địa lý vào theo dõi diễn biến rừng, toàn tỉnh đã phát hiện 1.857 vị trí rừng có biến động giảm và 10.847 vị trí rừng có biến động tăng. Tỷ lệ chính xác khoảng 75 - 80%.

     Triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), năm 2017, tỉnh Điện Biên có khoảng 241.143ha diện tích rừng được chi trả DVMTR, với tổng số tiền đã thực hiện chi trả cho các chủ rừng đạt gần 82 tỷ đồng. Trong các địa phượng được nhận tiền DVMTR lớn, điển hình có bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, vừa qua đã nhận được 2,2 tỷ đồng và có chủ rừng nhận được đến 115 triệu đồng/ha.  Đây là một nguồn lực rất lớn để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ổn định đời sống. Từ đó, người dân đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ rừng, có kế hoạch trồng rừng. Theo dõi qua các năm của huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa Mường Chà, Mường Lay, Nậm Pồ… diện tích chi trả DVMTR tương đối ổn định, hạn chế tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn còn 87.706 ha rừng chưa được giao và cho thuê, UBND tỉnh Điên Biên đã chỉ đạo các huyện, xã xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển những diện tích rừng này để làm cơ sở chi trả tiền DVMTR.

     Trong thời gian tới, nhằm hạn chế suy thoái rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung thực hiện hợp phần 2 của Kế hoạch REDD+, trong đó, tập trung xây dựng hệ thống tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện giảm phát thải và tăng cường trữ lượng cac bon rừng. Nâng cao năng lực tiếp cận và triển khai các hoạt động của REDD+. Nâng cấp hệ thống theo dõi diễn biến rừng, xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội; xây dựng cơ chế quản lý tài chính và chia sẻ lợi ích từ REDD+.

     Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp thuê đất phải cam kết và có trách nhiệm đào tạo nghề cho cộng đồng. Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước để tổ chức trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng. Khai thác nguồn tài chính chi trả từ chi trả  DVMTR và chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải các bon. Hỗ trợ cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng để giảm các áp lực tiêu cực đến nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng;phát triển các hoạt động sinh kế (chăn nuôi, trồng trọt, lâm sản ngoài gỗ, nông lâm kết hợp); kiểm soát và giảm thiểu tình trạng chăn thả gia súc tự do; hỗ trợ các cộng đồng dân cư thôn/bản rà soát, điều chỉnh quy ước quản lý, sử dụng rừng; triển khai hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng…

 

Nguyễn Hà

Tổng cục Lâm nghiệp

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn