Banner trang chủ

Tham vấn Kế hoạch hành động quốc gia và lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện kinh tế tuần hoàn

15/03/2023

    Ngày 14/3/2023, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn đề cương Kế hoạch hành động quốc gia và lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Quang cảnh Hội thảo

    Hiện nay, tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang được áp dụng rộng rãi và trở thành xu hướng phổ biến trên thị trường tài chính quốc tế. Thống kê trên thế giới cho thấy, đến nay ước tính có khoảng hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến sẽ xây dựng các lộ trình thực hiện KTTH như: Kế hoạch hành động KTTH lần thứ 2 của Liên minh châu Âu ban hành lần thứ 2 kèm theo khung giám sát và các chỉ tiêu về KTTH để định hướng chung cho toàn khối. Đặc biệt, năm 2021, Ủy ban ASEAN ban hành Khung KTTH cho Cộng đồng kinh tế ASEAN. Khung KTTH cho Cộng đồng kinh tế ASEAN đặt ra tầm nhìn dài hạn với các tham vọng về KTTH dựa trên các sáng kiến hiện có và xác định các trọng tâm ưu tiên để hành động với các yếu tố để đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa nền KTTH trong khối ASEAN.

    Tại Việt Nam, Luật  BVMT năm 2020 đã đưa ra quy định về KTTH (Điều 142); hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện KTTH một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả, như: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu; tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh...

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng ISPONRE cho biết, thực hiện Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ISPONRE được Bộ TN&MT giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH.

    Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Viện đã xây dựng Dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH. Dự thảo Đề cương đã được gửi xin ý kiến tham vấn của các Bộ ngành và các đơn vị có liên quan. Hội thảo hôm nay sẽ tiếp thu, thảo luận những ý kiến góp ý của đại diện cơ quan quản lý chính sách, các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước nhằm hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH  trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2023.

    Báo cáo tại Hội thảo, TS. Lại Văn Mạnh - đại diện ISPONRE cho biết, Dự thảo đề cương Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH tại Việt Nam, bao gồm 6 nội dung: Quan điểm, cách tiếp cận; phương pháp luận, tầm nhìn; các chỉ tiêu KTTH cấp quốc gia; ngành, lĩnh vực, sản phẩm và mô hình trọng tâm thực hiện KTTH; nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình ưu tiên thực hiện; tổ chức thực hiện.

    Theo đó, Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường. Phát triển các thói quen tốt, tiến tới tạo dựng nét văn hóa trong áp dụng KTTH; hình thành xã hội tuần hoàn, áp dụng các mô hình sản xuất và tiêu dùng, mô hình kinh doanh tuần hoàn trở thành phổ biến trong xã hội.

    Đồng thời, khai thác triệt để tiềm năng về đổi mới, sáng tạo để áp dụng KTTH ngay từ giai đoạn thiết kế và triển khai các hệ thống sản xuất bền vững và hiệu quả hơn. Lựa chọn áp dụng mô hình KTTH phổ biến và phù hợp với đặc trưng của từng vùng, miền, ngành và lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên, tác động tích cực và bền vững đến cuộc sống của con người và môi trường.

    Kế hoạch cũng đề ra một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng tâm thực hiện KTTH bao gồm: Khai thoáng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; giao thông vận tải; năng lượng; chế biến, chế tạo; xây dựng; xử lý, cung cấp nước; dịch vụ sửa chữa, tân trang, phục hồi, tư vấn, đánh giá; du lịch và thương mại; thông tin, truyền thông; quản lý chất thải (ưu tiên chuyển hoá thành tài nguyên, năng lượng).

    Chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản trong xây dựng lộ trình KTTTH, TS. Ichiro Adachi - Cố vấn chính sách quản lý môi trường của JICA tại Bộ TN&MT, cho biết, từ nguy cơ cạn kiệt tài nguyên trong tương lai, các vấn đề môi trường toàn cầu, hóa chất độc hại, Nhật Bản xác định chuyển đổi từ hệ thống kinh tế sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ hàng loạt sang hình thành hệ thống KTTH. Đến năm 2020, Nhật Bản đã chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh tuần hoàn: thúc đẩy các hoạt động tự nguyện từ các doanh nghiệp không chỉ bằng cách sử dụng các công cụ luật pháp mềm như hướng dẫn và đặt ra các mốc quan trọng, cùng với các biện pháp luật pháp tối thiểu, mà còn bằng cách sử dụng các công cụ khác như đầu tư, cho vay, tài trợ hay trợ cấp. Theo đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: Nhựa, dệt may, các bon Fiber Reinforced Polymer (CFRP), pin, PV Panels.

    Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi về các lĩnh vực trọng tâm và tiêu chí KTTH phù hợp cho Việt Nam. Đa số các ý kiến cho rằng cần thu gọn danh sách ngành, lĩnh vực trọng tâm phù hợp với thực tiễn, cần phân tích từ sản phẩm, cân nhắc các sản phẩm theo quy định EPR để xác định các ngành nghề. Các chỉ tiêu đánh giá nên cân nhắc để phù hợp với hoạt động thống kê gắn với các ngành, lĩnh vực. Cần bổ sung chương trình đào tạo nhân lực về KTTH và có các giải pháp về hỗ trợ phát triển thị trường cung - cầu.

    Ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Quỹ HSF tại Việt Nam, cũng đề xuất, để xây dựng thành công Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH, cần phải huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp để cùng thảo luận, đóng góp sáng kiến, giải pháp xây dựng và sớm có mô hình thành công về phát triển KTTH ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; góp phần đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam và thế giới. Thời gian tới, Quỹ HSF sẽ tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng ISPONRE để có thể hiện thực hóa KTTH, thúc đẩy các biện pháp phát triển bền vững.

Châu Loan

Ý kiến của bạn