Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/04/2024

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường

23/09/2022

    Ngày 22/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT. Theo đó, Bộ TN&MT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Trụ sở Bộ TN&MT

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ TN&MT

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các nghị quyết, cơ chế, chính sách, dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc ngành, lĩnh vực do bộ quản lý.

3. Trình Thủ tướng Chính phủ các dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ.

4. Phê duyệt chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; các dự án đầu tư theo phân cấp và ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

5. Ban hành thông tư, quyết định và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ sau khi được phê duyệt, ban hành; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TN&MT; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng, ban hành chỉ tiêu quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, chỉ tiêu thống kê, định mức kinh tế - kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

    Nghị định cũng quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ TN&MT đối với lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước; địa chất và khoáng sản; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khí tượng thủy văn; đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý; quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo; biến đổi khí hậu; viễn thám.

    Riêng về môi trường, Bộ TN&MT có nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Hướng dẫn việc xây dựng nội dung BVMT trong quy hoạch tỉnh; tổ chức xây dựng nội dung BVMT trong quy hoạch vùng; tổ chức lập, trình phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch BVMT quốc gia theo quy định của pháp luật;

b) Hướng dẫn công tác thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; có ý kiến đối vói nội dung đánh giá môi trường chiến lược; tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thấm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm đối với cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện quản lý nhà nước về chất thải rắn theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, hoạt động tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra đối với cơ sở sử dụng phế liệu nhập khấu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải;

e) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện: công tác quản lý chất lượng môi trường, cải tạo và phục hồi môi trường, công tác BVMT trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; nội dung, tiêu chí về BVMT nông thôn theo quy định của pháp luật; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng môi trường không khí, quản lý chất lượng môi trường nước mặt, xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm đất đặc biệt nghiêm trọng; đánh giá chất lượng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh theo quy định của pháp luật;

g) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức hiện công tác quan trắc môi trường, thông tin, cảnh báo về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật, bao gồm: tổ chức xây dựng, quản lý mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia; quản lý chất lượng, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật; quản lý số liệu quan trắc môi trường, việc truyền, nhận và công bố kết quả quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật; công bố kết quả quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật quản lý số liệu quan trắc môi trường;

h) Hướng dẫn và tổ chức lập, công bố báo cáo hiện trạng môi trường, báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia; hướng dẫn, tổ chức xây dựng báo cáo công tác BVMT;

i) Hướng dẫn công tác thống kê môi trường;

k) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận về môi trường theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc tiếp nhận đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật;

l) Hướng dẫn bộ, ngành, địa phương về chuyên môn, nhiệm vụ trọng tâm về BVMT tổng hợp để đề xuất phân bổ dự toán ngân sách nhà nước cho hoạt động BVMT của các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hướng dẫn việc thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; hướng dẫn việc thống kê, theo dõi và công bố nguồn chi cho BVMT;

m) Đề xuất chính sách về thuế, phí BVMT, phát hành trái phiếu xanh và các công cụ kinh tế khác để huy động, sử dụng nguồn lực cho BVMT theo quy định của pháp luật;

n) Tổ chức quản lý Quỹ BVMT Việt Nam; làm cơ quan đầu mối quốc gia: Quỹ môi trường toàn cầu; thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, Công ước Basel về kiếm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng; các điều ước và thỏa thuận quốc tế khác về môi trường theo phân công của Chính phủ.

Cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT

    Theo Nghị định, Bộ TN&MT gồm 27 đơn vị, trong đó có 22 đơn vị là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Đất đai; Vụ Môi trường; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường; Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; Cục Địa chất Việt Nam; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Khoáng sản Việt Nam; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; Cục Viễn thám quốc gia. 5 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ gồm: Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT; Báo TN&MT; Tạp chí TN&MT; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT.

    Bộ trưởng Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn; ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ.

    Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc bộ, không bao gồm đơn vị quy định tại khoản 10 Điều này.

    Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2022, thay thế Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT.

Châu Long

Ý kiến của bạn