Banner trang chủ

Quảng Nam: Thúc đẩy kinh doanh tín chỉ các bon rừng

23/07/2022

    Quảng Nam là địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021 - 2025). Với 628.000 ha rừng tự nhiên, ước tính mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ các bon rừng, góp phần giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn.

    Từ năm 2007, thế giới hình thành thị trường tín chỉ các bon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc. Theo cơ chế trao đổi tín chỉ các bon, các nước phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ/giấy phép các bon rừng từ kết quả hoạt động REDD+ tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

    Đây là loại hình thị trường các bon tự nguyện ngoài Nghị định thư Kyoto trên cơ sở hợp tác theo thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia trong mua bán, chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng được hình thành từ các dự án REDD+. Hiệp định Paris thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2015 đã khuyến khích các nước tự do trao đổi, chuyển nhượng thương mại tín chỉ các bon rừng.

Ảnh minh họa

    Trong khuôn khổ hoạt động REDD+, Dự án Trường Sơn Xanh đã xây dựng bản đồ rủi ro mất rừng cấp độ cao cho Quảng Nam với diện tích 46.687ha, chủ yếu là rừng tự nhiên thuộc các huyện Phước Sơn, Nông Sơn, Bắc Trà My, Phú Ninh và Thăng Bình. Đây là vùng ưu tiên thực hiện các hoạt động REDD+, tạo ra các tín chỉ các bon rừng. Trong các dịch vụ môi trường rừng, riêng loại dịch vụ về hấp thụ, lưu giữ các bon rừng đang thí điểm triển khai với 2 doanh nghiệp (gồm nhà máy sản xuất than điện thuộc Công ty CP Than – điện Nông Sơn và Nhà máy sản xuất xi măng Thạnh Mỹ thuộc Công ty CP Tập đoàn Thái group chi nhánh Quảng Nam).

    Trước khi xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ khí CO2 rừng, Quảng Nam có nhiều năm chuẩn bị triển khai kế hoạch REDD+. Theo đó, các huyện miền núi thuộc diện ưu tiên phục hồi rừng gồm Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Tây Giang, Tiên Phước, Núi Thành, Phú Ninh, Nông Sơn. Trong giai đoạn thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng, tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký hợp đồng đầu tư, thu mua tín chỉ các bon rừng. Hiện, nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đã quan tâm đầu tư và mong muốn mua tín chỉ các bon rừng của Quảng Nam. Nếu làm được Đề án, thì bình quân mỗi năm tỉnh Quảng Nam sẽ thu được từ 5 - 10 triệu USD. Từ nguồn thu ngoài ngân sách trên, cùng với nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, Quảng Nam sẽ tập trung nguồn lực để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là phát triển rừng gỗ lớn; tập trung đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn, hướng đến sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao thay vì duy trì trồng rừng gỗ nhỏ, có giá trị gia tăng thấp như hiện nay.

Tín chỉ các bon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ các-bon được xác nhận là 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e). Tín chỉ các bon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động REDD+. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ các bon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường các bon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính thông qua REDD+.

Phương Linh

Ý kiến của bạn