Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Hiệu quả từ các mô hình bảo vệ môi trường của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình

30/12/2022

    Tỉnh Ninh Bình nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, với diện tích tự nhiên gần 1.400 km2, dân số khoảng 1 triệu người, trong đó nông dân chiếm 70%, được tạo hóa ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo và sở hữu những di dản văn hóa - lịch sử giá trị. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến phát triển bền vững, Ninh Bình gặp nhiều thuận lợi, thời cơ, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, trong đó, BVMT là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước cũng như sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân. Để chung tay giải quyết bài toán này, thời gian qua Hội Nông dân (HND) tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần cải thiện chất lượng môi trường.

    Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong BVMT

    Xác định việc phối hợp hành động BVMT là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội, hàng năm Ban Thường vụ HND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về các quy định của Luật BVMT, đồng thời chỉ đạo HND các cấp vận động, kêu gọi hội viên và cộng đồng tích cực tham gia các phong trào, sự kiện quan trọng về môi trường như mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày Môi trường thế giới”, “Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn”; treo băng rôn, khẩu hiệu BVMT trên các trục đường chính, công sở làm việc; tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt câu lạc bộ, chi, tổ Hội nội dung liên quan đến môi trường; tổ chức Hội thi nông dân tìm hiểu pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường dưới hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền trên Bản tin công tác Hội hàng quý và website HND tỉnh Ninh Bình… Toàn tỉnh hiện có 141 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; 136 tủ sách pháp luật, góp phần phát huy tác dụng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cung cấp thông tin hoạt động của Hội về công tác BVMT.

Đại diện Lãnh đạo HND tỉnh bàn giao thùng đựng rác cho hội viên, nông dân xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư

    Từ năm 2010 đến nay, Hội Nông dân (HND) tỉnh phối hợp với Trung tâm Môi trường Nông thôn, Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông vận (Trung ương HND Việt Nam); Chi cục BVMT, Trung tâm nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình) tổ chức 65 lớp tập huấn BVMT cho 7.150 lượt hội viên, nông dân; 185 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trồng rau quả theo tiêu chuẩn VietGap; xây dựng 20 mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi... giúp nông dân dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng xấu đến môi trường, chuyển sang sản xuất hiện đại, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, các Phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ - sạch từ ngõ vào nhà”, “Ăn sạch - ở sạch - uống sạch”… do HND phát động đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng, mỗi chi hội đăng ký với chính quyền nhận quản lý một tuyến đường tự quản về vệ sinh môi trường. Mặt khác, để khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong việc tham gia BVMT, hàng năm Hội còn đưa nội dung “Xây dựng mô hình nông dân tham gia BVMT” thành chỉ tiêu thi đua quan trọng để đánh giá, xếp loại các đơn vị.

    Xây dựng, nhân rộng các mô hình

    Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Môi trường Nông thôn, Trung ương HND Việt Nam, HND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp Hội tiến hành khảo sát, lựa chọn những điểm nóng về môi trường cùng một số làng nghề, khu du lịch để triển khai xây dựng 7 mô hình điểmm gồm: “Thu gom rác thải tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn” tại xã Gia Thịnh; “HND thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt (RTSH) đến bãi để xử lý bằng lò đốt rác công nghệ CNC 300” tại xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn); “HND tham gia thu gom, phân loại, xử lý rác thải (XLRT) và xử lý nước thải làng nghề bún bánh” tại thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh); “HND thu gom phân loại, xử lý chất thải, rác thải nông thôn” tại xã Lạng Phong, xã Phú Lộc (huyện Nho Quan); “Nông dân thu gom RTSH làng nghề thêu truyền thống Ninh Hải gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức BVMT khu du lịch và xây dựng NTM” tại xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) với tổng kinh phí thực hiện hơn 1 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của 5.861 hộ gia đình và 21.347 hộ được hưởng lợi. Với việc trang bị cho hội viên nông dân 66 xe thu gom rác thải; 70 thùng đựng rác công cộng; 1.928 thùng đựng rác tại các hộ gia đình; 2 bể XLRT gắn biển “Điểm du lịch không có rác”; vận động thành lập các câu lạc bộ “Nông dân BVMT”, đội thu gom rác thải tại các địa phương triển khai mô hình điểm đã đi vào nề nếp, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Ngoài ra, hội viên, nông dân còn hăng hái tham gia, tự nguyện đóng góp ngày công, kinh phí, sáng kiến để thu gom, vận chuyển rác thải, cải tạo môi trường, xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 106/116 xã đạt chuẩn NTM; 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 102 thôn (xóm) đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu, góp phần đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch sạch đẹp, văn minh. 

    Cùng với đó, HND tỉnh Ninh Bình xây dựng các Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”; “Nông dân Ninh Bình hạn chế sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần”. Kết quả, các cấp Hội đã xây dựng được 459 mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; 2 mô hình sản xuất lúa hữu cơ thân thiện môi trường với diện tích hơn 10 ha; thành lập 25 cửa hàng nông sản an toàn; 10 điểm bán hàng hạn chế sử dụng túi ni lông; gắn biển 5 điểm “Dịch vụ du lịch thân thiện môi trường” tại cửa hàng thêu Minh Trang, Nhà hàng Chay Buddha Belly, cửa hàng Tam Cốc Mart (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư), xã Gia Sinh, Gia Vân (huyện Gia Viễn) thuộc các khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Chùa Bái Đính, Khu đất ngập nước Vân Long. Riêng năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 27 mô hình trình diễn sử dụng chế phẩm sumitri để xử lý rơm rạ sau thu hoạch với diện tích hơn 94 ha trên địa bàn tỉnh, qua đó giảm thiểu đáng kể tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước; xây dựng mô hình chi HND vận động cán bộ, hội viên nông dân sử dụng “Thùng rác thân thiện với môi trường” tại thị trấn Yên Ninh, xã Khánh Hòa, Khánh Mậu (huyệnYên Khánh); HND các cấp thực hiện cắm 46 biển mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” với 2.029 thùng đựng vỏ thuốc BVTV ngoài đồng… Năm 2022, HND tỉnh và Bưu điện tỉnh ký kết Chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa; phối hợp với Công ty Viễn thông Ninh Bình xây dựng mã tem điện tử truy xuất nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của hội viên nông dân lên sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART; tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình vườn mẫu, mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV”; Phong trào “5 không, 3 sạch”; Phong trào “Toàn dân tổng vệ sinh môi trường vào ngày mùng 4 hàng tháng”; “Tuyến đường bích họa”; “Đường hoa phụ nữ”; tổ tự quản “Dòng sông Xanh - Sạch - Đẹp”; “Cổng trường an toàn giao thông” và Phong trào “Thắp sáng đường quê”. Đồng thời, tổ chức 3 hội nghị tập huấn, bàn giao thiết bị mô hình phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và khu dân cư bằng chế phẩm sinh học” tại các huyện Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn. Mặt khác, hội viên nông dân toàn tỉnh đóng góp 20.725 ngày công lao động để xây dựng, sửa chữa 78 km đường giao thông, kiên cố hóa 16 km kênh mương và hơn 4,8 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ 6 điểm bán hàng thân thiện với môi trường; xây dựng 9 mô hình chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn…

Người dân xã Yên Thái, huyện Yên Mô  thực hiện mô hình Nông dân thu gom, phân loại, XLRT hữu cơ thành phân bón

    Đặc biệt, HND tỉnh đã triển khai hiệu quả mô hình XLRT hữu cơ thành phân bón tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô. Được biết toàn xã có 13 mô hình thu gom rác thải do các thôn, xóm đảm nhận, định kỳ 7 ngày/lần. Tuy nhiên, do lượng rác thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt phát sinh rất lớn, khoảng cách giữa các lần thu gom lại khá dài, trong khi không có thùng chứa rác công cộng nên các hộ dân thường vứt rác tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan nông thôn. Hơn nữa, ngân sách địa phương còn khó khăn, kinh phí đầu tư cho các hoạt động BVMT có phần hạn chế, không đủ điều kiện đầu tư để thực hiện thu gom, XLRT một cách hiệu quả. Từ thực tế trên, năm 2021, với sự hỗ trợ của Trung tâm Môi trường Nông thôn, Trung ương HND Việt Nam, HND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Dự án mô hình điểm “Nông dân thu gom, phân loại, XLRT hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, cụm dân cư, góp phần BVMT và xây dựng NTM”. Mô hình được triển khai tại xóm Dầu dưới hình thức các hộ tự nguyện viết đơn, tổ chức họp dân, đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, hội viên, nông dân về lợi ích của việc phân loại, XLRT hữu cơ tại nguồn thành phân bón cho cây trồng, từ đó giúp người dân thay đổi hành vi, lối sống thân thiện với môi trường. Thực hiện Dự án, HND tỉnh trực tiếp tập huấn kỹ thuật phân loại, thu gom, XLRT tại hộ thành phân bón cho cây trồng; hướng dẫn cách đặt thùng ủ phân hữu cơ, xô phân loại rác và dán tờ rơi tại những vị trí phù hợp, thuận tiện cho việc thu gom, phân loại, XLRT tại nguồn… Với ưu điểm dễ thực hiện, chi phí thấp, giúp cây trồng phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đến thời điểm hiện tại, mô hình đã được nhân rộng tại 7 chi hội thuộc 7 xã trên địa bàn với trên 100 hộ tham gia. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 thùng đựng rác riêng biệt hữu cơ, vô cơ và một thùng chứa lớn để ủ. Nhờ đó, lượng rác thải ra môi trường cũng như chi phí cho công tác thu gom, xử lý giảm đáng kể, mang lại lợi ích cho cả người dân và chính quyền địa phương.

    Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong thời gian tới

    Có thể nói, những việc làm cụ thể, thiết thực của các cấp HND tỉnh Ninh Bình vừa khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong việc tạo dựng cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, vừa tạo chất keo gắn bó với hội viên và thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, HND tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên trong thực hiện các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, BVMT nông thôn, tập trung cao cho Đại hội HND các cấp, nhiệm kỳ 2023 - 2028; phát động phong trào xây dựng tuyến đường, cơ quan, công sở, trường học Xanh - Sạch - Đẹp; phát huy tối đa vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn đúng như lời Bác Hồ đã nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; vận động nhân dân đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh... Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, cần có sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền; xác định, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể; nghiên cứu, tìm hiểu những bài học tốt, cách làm hay, vận dụng sáng tạo và điều chỉnh phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội của từng vùng miền, địa phương.

    Song song với đó, không ngừng hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ việc triển khai các nội dung của Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, chú trọng chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác BVMT nông thôn; xác định từng nhóm chủ thể riêng biệt trên cùng một địa bàn nông thôn (nhóm gây ô nhiễm và nhóm bị ảnh hưởng, tác động do ô nhiễm; nhóm cần được ưu đãi hỗ trợ và nhóm cần áp dụng các biện pháp, chế tài có tính răn đe cao...). Đồng thời, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư; phân định rõ trách nhiệm của “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để tìm ra những phương thức đầu tư, vay vốn tín dụng, ưu đãi cho xây dựng cảnh quan, xử lý chất thải nông nghiệp và khu vực nông thôn. Mặt khác, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải (chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt...); công nghệ canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) đảm bảo an toàn, bền vững về môi trường, hướng đến một nền kinh tế nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, không phát sinh chất thải.

Hoàng Thu Hiền

Hội Nông dân Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2022)

    Tài liệu tham khảo

    1. Những mô hình BVMT tiêu biểu của HND Việt Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (Nhà xuất bản Thanh Niên)

    2. https://nbtv.vn/mo-hinh-phan-loai-xu-ly-rac-thai-huu-co-thanh-phan-bon-o-huyen-yen-mo-38428.html

Ý kiến của bạn