Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Đưa yếu tố môi trường vào quá trình xây dựng và lan tỏa các hệ giá trị trong cuộc sống

30/12/2022

    Từ lâu, Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm và đưa vào nghị quyết các giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống, trên cơ sở đó xây dựng, hình thành các giá trị, hệ giá trị Việt Nam trong thời đại mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đến Đại hội XIII, Đảng tiếp tục đề ra yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Chưa đầy một năm sau khi có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra một loạt nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có các vấn đề "xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc". Như vậy, cho đến nay, Đảng ta ngày càng xác định rõ và khẳng định những yếu tố chính làm nên những hệ giá trị của quốc gia, dân tộc. Ngày 29/11/2022, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và một số đầu cầu trong cả nước nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phân tích nội hàm các hệ giá trị, mối quan hệ các giá trị với nhau, chủ thể trong xây dựng các hệ giá trị, đưa hệ giá trị vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong Hội thảo vừa qua cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa thấy ý kiến nào đề cập một khía cạnh của vấn đề cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay khi xây dựng các hệ giá trị quốc gia, dân tộc, đó là yếu tố môi trường (cả môi trường sinh thái và môi trường nhân văn).

    Trước hết, xin khái lược về giá trị và hệ giá trị nói chung. Các giá trị phổ quát chung mà nhân loại tiến bộ đã xây dựng và luôn luôn hướng tới là cái CHÂN, cái THIỆN, cái MỸ. Chân là chân lý, là khoa học, là cái đúng đắn. Thiện là quan hệ đạo đức tốt đẹp, lành mạnh, hướng tới đề cao lương tâm, danh dự, trách nhiệm và nghĩa vụ của CON NGƯỜI (viết hoa). Mỹ là cái đẹp, sự hài hòa và hoàn thiện trong sự sáng tạo vật chất, tinh thần của con người. Bản chất của con người là luôn luôn sáng tạo theo quy luật của cái Đẹp. Các giá trị và hệ giá trị là sợi dây gắn kết cộng đồng, cá nhân trong xã hội; định hướng tư tưởng, hành động vì sự phát triển, khát vọng vươn tới của con người vì sự tiến bộ xã hội; đánh giá, thẩm định, điều chỉnh ý nghĩ, việc làm của các tổ chức, thành viên, cá nhân trong xã hội. Trong quá trình phát triển, nhất là hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, khách quan, thì nhiều nước đã xây dựng những giá trị chung mang tính tổng quát, coi đây là "tấm căn cước" đi ra thế giới. Chẳng hạn, các nước Bắc Âu có chung một hệ giá trị là cùng hướng tới mục tiêu củng cố bình đẳng, dân chủ, tôn trọng quyền con người, BVMT và hòa nhập, là nền tảng của thịnh vượng và phát triển bền vững. Vào năm 2012, Ủy ban châu Âu đưa ra 5 giá trị được người dân châu Âu đề cao là: Hòa bình; dân chủ; nhân quyền; tuân thủ pháp luật; tinh thần đoàn kết. Nhiều nhà nghiên cứu châu Á đã chỉ ra những hệ giá trị nổi bật ở các nước này là: đề cao đức tính cần cù, yêu lao động; giá trị hiếu học; giá trị gia đình, huyết tộc; giá trị cộng đồng, trách nhiệm xã hội. Nhật Bản cũng xác nhận có 8 giá trị truyền thống là: Đoàn kết; kỷ luật; nhẫn nại; trung thành; trách nhiệm; lịch sự; tự chủ; tránh làm phiền người khác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Nhật Bản xác định 5 giá trị cốt lõi để hội nhập quốc tế: Cộng sinh, cộng tồn; biết điều chỉnh bản thân; tư duy độc lập; biết sáng tạo cái mới; tôn trọng sự khác biệt. Còn đất nước Malaixia xác định 5 nguyên tắc quốc gia gồm: tin vào Thượng đế; trung thành với nhà vua và đất nước; tuân thủ hiến pháp; cai trị bằng pháp luật; hành vi tốt, đạo đức tốt. Đất nước Singapo đã xây dựng "hệ giá trị chung Singapo” gồm: dân tộc trước cộng đồng, xã hội trên cá nhân; gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội; hỗ trợ cộng đồng và tôn trọng cá nhân; đồng thuận, không xung đột; hòa hợp chủng tộc và tôn giáo… Ở đây, yếu tố môi trường có thể nói rõ trong các hệ giá trị (như ghi rõ "BVMT" ở các nước Bắc Âu), cũng có thể ẩn ý trong các giá trị như "trách nhiệm"; "tuân thủ Hiến pháp, pháp luật"; "cộng sinh", "cộng tồn"; "hành vi, đạo đức tốt"… nhưng khi cụ thể hóa các hệ giá trị bằng chính sách, pháp luật, đạo đức, gia đình, xã hội và cá nhân thì người ta đều rất chú ý đến yếu tố môi trường.

    Môi trường hiện nay đang là vấn đề nóng bỏng của mọi quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ, dù đó là quốc gia phát triển hay là quốc gia đang phát triển, không phân biệt thể chế chính trị, dân tộc, tôn giáo... Sự ô nhiễm, suy thoái và những sự cố môi trường diễn ra ngày càng ở mức độ cao đang đặt con người trước những "sự trả thù" ghê gớm của thiên nhiên. Một trong những nguy cơ đối với đất nước, dân tộc ta là nguy cơ "tụt hậu xa hơn về kinh tế" so với thế giới và các nước trong khu vực đã được Đảng ta đề ra từ năm 1994. Nguy cơ này ngày càng thể hiện rõ vì những ảnh hưởng của các yếu tố môi trường. Trong hơn 35 năm đổi mới đất nước, kinh tế - xã hội phát triển, nhưng môi trường tự nhiên - xã hội lại có những bước thụt lùi. Nhu cầu cuộc sống hàng ngày của chúng ta và của xã hội xung đột mạnh mẽ với sự cần thiết phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Việt Nam đứng trong số những quốc gia đang phát triển và là nước đối đầu gay gắt với nhiều vấn nạn môi trường. Do vậy, nhìn vào các hệ giá trị của Việt Nam, chúng ta thấy có nhiều khái niệm mà hoàn toàn có thể đưa các yếu tố môi trường khi cụ thể hóa trong nội hàm của chúng.

    "Dân giàu" chính là giàu cả về đời sống vật chất và tinh thần. Vật chất và tinh thần của người dân phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên. Cơm chúng ta ăn, quần áo chúng ta mặc, không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, cảnh đẹp thiên nhiên chúng ta ngắm, nói tóm lại "cả bánh mỳ và hoa hồng" đều phụ thuộc phần lớn vào môi trường. Học tập và làm theo lời Bác "Sống như trời đất của ta/Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa" (Tố Hữu) và hòa hợp với thiên nhiên. Người dân không thể có cuộc sống "hạnh phúc" khi môi trường bị hủy hoại, tàn phá, những yếu tố thiết yếu cho cuộc sống như không khí, nước sạch, lương thực, thực phẩm bị thiếu thốn, ô nhiễm, nảy sinh nhiều dịch bệnh luôn đe doạ, tàn phá sức khỏe con người.

    Ngày nay, một nước được gọi là "nước mạnh" thì không thể không có một nền kinh tế phát triển bền vững. Nước mạnh ở đây còn có nghĩa là mạnh về kinh tế, văn hóa, mạnh về con người và nhất thiết không thể không mạnh về công tác giữ gìn, BVMT. Nhìn vào các nước phát triển, không thấy có nước mạnh nào mà không đầu tư nhiều cho công tác BVMT. Ấy vậy mà nhiều nước giàu mạnh hàng năm vẫn bị thiệt hại rất nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão lũ, hỏa hoạn, cháy rừng, nước biển dâng... Trong tương lai, nếu không đầu tư nhiều hơn, quan tâm quyết liệt hơn nữa đến công tác BVMT thì nước "mạnh" có lúc lại trở thành nước "yếu". Việt Nam muốn hoàn thành tiêu chí "nước mạnh" thì ắt phải mạnh về công tác BVMT.

    Ngày nay, không một ai có thể gọi một nước bằng tính từ "nhân văn" hay "văn minh" khi màu xanh hệ sinh thái ngày càng bị suy kiệt, diện tích rừng nguyên sinh ngày càng giảm qua từng năm bởi nạn chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm hàng ngày bị săn lùng làm thức ăn, làm đồ trang sức được bày bán công khai hay tiêu thụ lén lút trên "thị trường ngầm". Tiêu chí "Dân chủ, văn minh" của nước ta dứt khoát phải khắc phục những biểu hiện nói trên. 

    Làm tốt vai trò, "trách nhiệm" của mỗi người chúng ta, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi ngành, cấp, địa phương trong hệ thống chính trị nước ta đối với công tác BVMT sẽ góp phần rất quan trọng nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Chính vì vậy, xây dựng các hệ giá trị và cụ thể hóa, đưa vào cuộc sống, trong đó nhất thiết phải đặc biệt quan tâm đến các yếu tố môi trường. Thế giới ngày càng đặt ra yêu cầu rất cao đối với yếu tố môi trường khi nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn, tiếp nhận hàng hóa, đối tác làm ăn...

    Có rất nhiều việc phải làm trong quá trình tìm ra nội hàm, gìn giữ những giá trị truyền thống, xây dựng, đưa yếu tố môi trường vào các hệ giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam, bước đầu cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp then chốt và nổi bật sau đây:

    Thứ nhất, đặt công tác xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị mà Đảng ta đề ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, lũ lụt, hạn hán... đã và đang diễn ra ngày càng khốc liệt, phức tạp, khó lường; Xây dựng các giá trị và hệ giá trị trong khi hàng ngày, hàng giờ chúng ta đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề và mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa lũ, hạn hán, ô nhiễm môi trường và bệnh tật.

    Thứ hai, Luật BVMT năm 2020 là một Luật lớn, có nhiều điểm mới như vị trí, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, của hộ gia đình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp... trong công tác BVMT. Đây cũng chính là những chủ thể trong việc xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị. Do vậy, trong thời gian tới, việc lồng ghép yếu tố môi trường vào các giá trị, hệ giá trị sẽ có nhiều thuận lợi, có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

    Thứ ba, xây dựng hệ văn hóa, chuẩn mực con người là những nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam. Hệ giá trị văn hóa, trong đó có các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước ta thường được hình thành và phát triển từ nền kinh tế nông nghiệp, văn minh lúa nước, xã hội nông thôn nhưng theo thời gian đã phát triển và biến đổi, gắn bó với môi trường sinh thái, môi trường nhân văn. Một trong những biểu hiện của hệ giá trị văn hóa truyền thống là văn hóa môi trường. Còn với cán bộ, công chức, đảng viên thì là đạo đức cách mạng, một trong những cốt lõi trong tính cách của con người Việt Nam. Khi xác định nội hàm, xây dựng hệ giá trị văn hóa, cần chú trọng truyền thống văn hóa của dân tộc ta trong sống hòa hợp với thiên nhiên, BVMT.

    Thứ tư, với tư cách là tế bào, hạt nhân của xã hội thì một trong những trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội là cùng với cộng đồng dân cư BVMT của chúng ta. Luật BVMT năm 2020 đã quy định rõ trách nhiệm của gia đình trong giữ gìn môi trường sống và BVMT. Cần thiết cụ thể hóa nội dung này trong xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam, nhất là chuẩn mực của những người chủ, "cái nóc" của mỗi ngôi nhà…

Nhà báo Vũ Lân

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2022)

Ý kiến của bạn