Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Bảo tồn và giữ gìn màu xanh của những cánh rừng Mường Nhé

20/09/2022

    Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé với tổng diện tích 45.581 ha, trải dài qua 5 xã biên giới của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên: Sín Thầu, Nậm Kè, Mường Nhé, Chung Chải và Leng Su Sìn. Nơi đây có rất nhiều rừng nguyên sinh có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao như: rừng thường xanh trên đất thấp, rừng thường xanh núi thấp, rừng thường xanh trên núi cao, rừng tre nứa được bảo tồn nguyên vẹn và là nơi lưu giữ nguồn gen của nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm. Vượt qua khó khăn nơi rừng thiêng nước độc, những con người làm nhiệm vụ giữ rừng của KBTTN Mường Nhé vẫn ngày đêm miệt mài làm việc để bảo tồn và nuôi dưỡng những cánh rừng đại ngàn mãi thêm xanh.

Giá trị đa dạng sinh học Khu BTTN Mường Nhé

    Tiền thân của KBTTN Mường Nhé là khu rừng cấm quốc gia được thành lập theo Quyết định số 6/QĐ-TKNN ngày 8/7/1976 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) và được Nhà nước công nhận theo Quyết định số 194/CT ngày 9/8/1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) với diện tích 182.000 ha. Sau khi chia tách, thành lập 2 tỉnh Lai Châu mới và Điện Biên (năm 2004), diện tích quy hoạch KBTTN Mường Nhé bị thu hẹp vì phần lớn diện tích thuộc địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đến năm 2008, UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 593/QĐ-ND, ngày 23/5/2008 phê duyệt Dự án Quy hoạch chi tiết KBTTN Mường Nhé, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008 - 2020 với diện tích 45.581 ha.

    KBTTN Mường Nhé nằm trong vùng có đặc điểm khí hậu nhiệt đới, đất đai phì nhiêu, nhiều sông suối, thuận lợi để hình thành một hệ động, thực vật rừng phong phú, đa dạng trong KBT. Thời gian qua, KBTTN Mường Nhé đã bổ sung được 248 loài mới (198 loài bướm, 34 loài lưỡng cư, 16 loài bò sát) nâng tổng số loài đã thống kê được trong KBT lên 742 loài thực vật, thuộc 502 chi, 158 họ; động vật có 60 loài thú, 257 loài chim, 77 loài bò sát, 40 loài lưỡng cư, 198 loài bướm. Trong đó, có 37 loài thực vật (sơn tuế, pơ mu, ba gạc Ấn Độ, ngũ gia bì gai, trầm hương, lan kim tuyến...) và 31 loài động vật (gấu ngựa, gấu chó, vượn bạc má, vượn đen, các loài khỉ, cầy, tê tê, gà lôi, trăn mốc, rái cá, các loài rắn hổ, bướm phượng cánh chim...) thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm cần bảo vệ đặc biệt.

    Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Mường Nhé là 125.797,30 ha, chiếm 80,17% tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện. Diện tích có rừng chiếm 55,5% (82,308,83 ha), trong đó rừng tự nhiên chiếm 64.3% (80.866,42 ha), rừng trồng chiếm 1,2% (1.502,41 ha). Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp do Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé, UBND 11 xã thuộc huyện và các cộng đồng, hộ gia đinh quản lý. Biện pháp quản lý chủ yếu là tuyên truyền, vận động người dân, phối hợp với các ban, ngành của huyện, các chủ rừng tiến hành kiểm tra, truy quét và ngăn chận các vụ vi phạm, xâm lấn, chặt phá rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép...

Quyết tâm bảo vệ và phát triển rừng Mường Nhé

    Những năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể, Ban quản lý KBT đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát tại những khu vực trọng điểm về tình trạng phá rừng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã; Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa phận được giao quản lý. Bên cạnh đó, để công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả và huy động được đông đảo các lực lượng đứng chân trên địa bàn tham gia, trong nhiều năm qua Ban Quản lý luôn thực hiện nghiêm túc công tác phối hợp theo quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm - Đồn Biên phòng - Quân sự - Công an trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé. Quý I/2022, đơn vị đã tổ chức được 272 lượt tuần tra, kiểm tra với sự tham gia của 2.388 lượt người. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cán bộ kiểm lâm đã phát hiện, ngăn chăn được nhiều vụ khai thác gỗ và phát rừng làm nương, rẫy trái phép. Ban Quản lý cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến sâu rộng đến nhân dân các bản vùng đệm, về các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, ngành và địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy. Theo đó, quý I/2022, tổ chức được 6 buổi tuyên truyền với sự tham gia của 276 lượt người; vận động 1.921 hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng mùa khô 2021 - 2022.

    Ngày 21/7/2021, Đoàn công tác của Sở TN&MT, Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên phối hợp với Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé, chính quyền các xã Chung Chải và Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé), cơ quan chức năng tiến hành giao đất, giao rừng cho Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé. Theo đó, Đoàn công tác đã tiến hành giao cho Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé quản lý, bảo vệ diện tích 1.598 ha; trong đó có gần 1.560 ha đất có rừng và gần 39 ha đất chưa có rừng, tại địa bàn các xã: Chung Chải và Leng Su Sìn để sử dụng vào mục đích đất rừng đặc dụng. Với diện tích 1.598 ha có gần 970 ha thuộc địa bàn xã Leng Su Sìn; diện tích còn lại nằm trên địa bàn xã Chung Chải. Đây là những diện tích quy hoạch theo Quyết định số 1199/QĐ-UBND, ngày 27/9/2016 của UBND tỉnh chưa được quy chủ do UBND các xã quản lý. Việc giao các diện tích trên cho Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó, đơn vị chủ rừng sẽ quyết liệt hơn, tránh tình trạng người dân tự ý phá rừng làm nương và kiên quyết xử lý với những trường hợp vi phạm. Trên cơ sở đó, việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại KBTTN Mường Nhé đã phát huy hiệu quả khi không chỉ giúp người dân vùng đệm tăng thu nhập từ rừng mà còn trực tiếp giúp cán bộ cơ quan chuyên môn nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong quý I/2022, Ban Quản lý đã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường với diện tích là 36.075,77 ha gắn với mục tiêu quản lý bảo vệ và phát triển diện tích đất lâm nghiệp thành rừng. Từ khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân được tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của rừng, từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, giúp cho đơn vị có được nguồn thu sự nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tự chủ 60% kinh phí chi thường xuyên trong năm. 

    Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH tại KBTTN Mường Nhé cũng còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Đời sống nhân dân trong vùng đệm còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán canh tác lạc hậu nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao; Tình hình dân di cư tự do vào rừng để phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép ở một số xã vùng đệm vẫn đang diễn ra thuờng xuyên... Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng là một trong những hạn chế khiến công tác quản lý, bảo vệ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ban Quản lý KBT được thành lập theo Quyết định số 1019/QĐ-UBND ngày 3/10/2005 của UBND tỉnh Điện Biên, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Song đến nay, đơn vị chưa có trụ sở, phải sử dụng nhà của Trạm quản lý, bảo vệ rừng xã Chung Chải để làm việc. Hạt Kiểm lâm KBT (gồm văn phòng hạt và 4 trạm quản lý bảo vệ rừng) có tổng số 12 người. Theo quy định, 1 cán bộ kiểm lâm quản lý tối đa 500 ha rừng đặc dụng (Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng) nhưng hiện nay, mỗi kiểm lâm của đơn vị đang phụ trách quản lý hơn 5.000 ha (gấp 10 lần). Nhân lực thiếu nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng rất lớn là nỗ lực vượt bậc của cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm KBT.

    Vượt qua những khó khăn, hạn chế trên, trong thời gian tới, Ban Quản lý KBT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH cho người dân sống trong vùng đệm KBT; Ứng dụng công nghệ thông tin và GIS vào công tác điều tra, giám sát ĐDSH; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hiện hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đồng thời, có chính sách phù hợp thu hút sự đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học tại KBT, đặc biệt là các đề tài, dự án bảo tồn các loài động, thực vật quý, hiếm có giá trị bảo tồn cao; Tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, môi trường và cán bộ làm công tác bảo tồn... Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, yếu tố tiên quyết là phải sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng đệm, vùng lân cận, sớm dịch chuyển các hộ gia đình, cá nhân hiện đang sinh sống, sản xuất và chăn thả gia súc trong vùng lõi KBT ra ngoài vùng đệm. Mặt khác, cần bổ sung đủ biên chế và tăng cường nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, nghiên cứu khoa học và bảo tồn ĐDSH… 

Vũ Thị Hoa, Trần Hương

Đại học Lâm nghiệp

Ý kiến của bạn