Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Tăng cường công tác bảo vệ chim di cư tại Việt Nam

01/12/2022

    Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 10, khi thời tiết ở vùng phương Bắc dần trở nên giá lạnh, các loài chim sinh sống ở đây rủ nhau về phương Nam để tránh rét. Hiện tượng này gọi là chim di cư. Đối với các loài chim di cư, chúng không phải cứ bay về phương Nam một cách ngẫu nhiên, mà các tuyến đường di cư thường là những tuyến đường đã được tổ tiên chúng sử dụng qua hàng ngàn năm và chúng di cư theo những tuyến đường cố định này. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ở châu Á cũng như ở Việt Nam có một số tuyến đường di cư chính, họ gọi đó là đường bay Đông Á - Úc châu (EAAF).

Vai trò của chim di cư đối với tự nhiên và con người

    Chim di cư được coi là loài động vật chỉ thị cho môi trường, đặc biệt là các hệ sinh thái ngập nước. Việc bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư là nhiệm vụ cấp thiết, đảm bảo một hệ sinh thái khoẻ mạnh, góp phần bảo tồn quần thể chim di cư không chỉ của Việt Nam mà còn trong khu vực và thế giới. Chim di cư có vai trò quan trọng đối với tự nhiên và con người, thể hiện qua các giá trị:

    Chim di cư mang lại giá trị tinh thần vô giá cho con người: Từ lâu, vẻ đẹp và tiếng hót của các loài chim đã đóng góp vào đời sống tinh thần của con người, cả trong đời sống và sáng tạo nghệ thuật. Tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới, các tour du lịch xem chim (bird-watching) là một trong những thú vui giải trí hàng đầu giành cho trẻ em và người trưởng thành. Tại Nhật Bản, du khách trong nước và người ngoài có thể tham gia vào 9 tour xem chim nổi tiếng tại các đảo, nơi mà Chính phủ đầu tư để bảo tồn và hỗ trợ nhân giống các loài chim hoang dã đặc hữu như vành khuyên, gà nước, cò phương Đông hoang dã... Tại Việt Nam, các hoạt động diễn giải chim tại VQG Xuân Thủy, VQG Bạch Mã từ việc xem chim, chụp ảnh chim hoang dã trong tự nhiên được đánh giá là giúp con người hòa mình với thiên nhiên, thư giãn và bồi đắp tình yêu của con người với thiên nhiên cũng như nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên và ĐVHD của cộng đồng.

    Chim di cư là mắt xích quan trọng trong chu trình sinh thái, hỗ trợ quá trình sinh trưởng của thực vật và kiểm soát sâu bệnh gây hại. Chim di cư là nhân tố tích cực, hỗ trợ quá trình thụ hoa, phát tán hạt giống trên tuyến đường bay, từ đó, thúc đẩy quá trình sinh trưởng, phát tán các loài thực vật, hỗ trợ mùa màng khắp nơi trên thế giới. Trong quá trình phát triển, chim di cư cũng tiêu diệt các loài sâu bệnh, côn trùng gây hại cho con người và mùa vụ, từ đó gián tiếp làm giảm các nguy cơ gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

    Mối liên hệ giữa biến động môi trường (BĐKH) và chim di cư: Theo một nghiên cứu mới đây bằng sóng radar của nhóm chuyên gia tại Trường Đại học ở Bang Colorado, Mỹ đã chỉ ra rằng sự di cư vào mùa xuân và mùa thu của các loài chim di cư tại Bắc Mỹ đang chuyển dịch sớm hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Truyền thống dân gian Việt Nam cũng quan niệm "đất lành chim đậu". Việc thay đổi trong tập tính sinh thái của các loài chim cũng phản ánh những thay đổi tương ứng trong môi trường sống và hệ sinh thái mà chúng phụ thuộc. Do đó, việc nghiên cứu các loài chỉ thị chim nước di cư có thể sẽ đóng góp vào những hiểu biết của con người về biến đổi khí hậu.

    Tính nhạy cảm  và dễ tổn thương với những thay đổi của môi trường cũng khiến bảo tồn chim nước di cư cần có sự quan tâm và cân nhắc cụ thể: Sự di cư của chim là sự di chuyển theo mùa thường xuyên, theo hướng Bắc và Nam dọc theo các tuyến đường bay, chủ yếu thực hiện trong quá trình sinh sản và trú đông. Theo một số nghiên cứu của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Tổ chức Birdlife International, chim di cư tại Việt Nam chủ yếu theo các mùa: Thu (từ tháng 09-11), Thu Đông (tháng 12-02), và Xuân (từ tháng 03-05). Như vậy, thời điểm để các loài chim di cư dừng lại kiếm ăn, sinh sản và trú đông tương đối ngắn. Nhưng di cư là một hành trình nguy hiểm và bao gồm nhiều mối đe dọa, thường do các hoạt động của con người gây ra như săn bắn, bẫy, ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng từ các tòa nhà cao tầng, thay đổi môi trường sống, chuyển đổi sử dụng đất...

Vào mùa thu, những đàn ngỗng trời bay về phương nam để tránh rét

Hiện trạng về các loài chim di cư trên thế giới và ở Việt Nam

    Ngày nay, số lượng các loài chim di cư hàng năm trên thế giới ngày càng giảm. Trong tuyến đường bay Úc- Đông Á mà Việt Nam là một trong những điểm dừng chân, tỷ lệ đe dọa tuyệt chủng đối với chim di cư là gần 18%. Theo đánh giá của EAAF, các loài chim nước di cư và môi trường sống ven biển, nội địa của chúng trong tuyến đường bay đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ sự tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế nhanh chóng, đặc biệt là  ở khu vực Đông và Đông Nam Á.

    Nguyên nhân chính là do các loài chim di cư mất sinh cảnh sống, sinh cảnh sống này bao gồm sinh cảnh tại quê hương của chúng và sinh cảnh tại các nơi chúng di cư đến. Sinh cảnh sống tại nơi chúng di cư đến thường ở các vùng nhiệt đới, nơi tốc độ đô thị hóa diễn ra cao hơn dẫn đến việc bị tác động nhiều hơn. Trên một tuyến đường di cư sẽ có các điểm dừng để nghỉ chân và bổ sung năng lượng. Các loài chim thường chọn dừng chân ở các khu vực có nhiều thức ăn để bổ sung năng lượng cho hành trình di cư, tuy nhiên các tuyến đường di cư truyền thống và các điểm dừng chân của chim liên tục bị thay đổi do các hoạt động của con người gây ra sự bất an trong hành trình di cư của các loài chim.

    Hiện có 2 nhóm chim di cư đến Việt Nam là nhóm chim rừng và nhóm chim ven biển. Đối với các loài chim rừng, chúng di cư phân tán đến các khu vực rừng núi, các loài này thường có kích thước nhỏ (trừ các loài đại bàng) và mật độ thấp do các khu vực rừng núi còn diện tích khá lớn. Đối với nhóm chim di đến các khu vực ven biển, các loài này thường có kích thước to, số lượng khá lớn và hầu như tập trung ở các cửa sông, bãi bồi ven biển. Các khu vực này thường là các khu vực trống trải, không có cây cối, rất dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh điển hình như là việc săn bắt. 

    Ở Việt Nam, các loài chim thường di cư với số lượng lớn đến các khu vực ven biển là do các khu vực này có nhiều thức ăn (tôm, cua, cá, nhuyễn thể…) để tích trữ năng lượng cho hành trình di cư khá dài, một số loài chọn luôn điểm đến cuối của hành trình là Việt Nam. Nhưng trong những năm gần đây, sự phát triển nở rộ của các dự án kinh tế ven biển như khu đô thị lấn biển, nhà máy điện gió… đã làm mất không ít sinh cảnh sống và kiếm ăn của các loài này khiến cho việc tồn tại của chúng vô cùng bấp bênh. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể kể đến như các khu vực ven biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, các cửa sông ở miền Trung, Cần Giờ, Gò Công, Bình Đại, Ba Tri.

    Không những bị ảnh hưởng do mất sinh cảnh sống và kiếm ăn, các loài chim khi di cư đến Việt Nam còn bị tác động bởi nạn săn bắn quá mức bởi các hội nhóm săn bắn chim di cư có truyền thống lâu đời và quy mô lớn ở Việt Nam, các hội nhóm này dễ dàng tìm thấy trên facebook. Bên cạnh đó là các chợ chim lâu đời và là điểm nóng về việc buôn bán các loài chim trong sách Đỏ như chợ chim Thạnh Hóa ở tỉnh Long An…

Tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam

    Nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư, ngay từ năm 2014, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 34 của Chương trình Hợp tác Đối tác Đường bay Chim di cư Đông Á - Úc Châu (EAAFP). Ngoài ra, Việt Nam cũng đã cùng 84 quốc gia trên thế giới cam kết chấm dứt chuỗi cung ứng và buôn bán động vật hoang dã trái phép, hợp tác với các cộng đồng quốc tế để đảm bảo các giải pháp bền vững.

    Bên cạnh đó, đứng trước nạn săn bắt chim di cư trái phép làm ảnh hưởng đến mục tiêu quốc gia và cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định pháp luật trong việc bảo tồn các giống loài động thực vật hoang dã (bao gồm các loài chim di cư). Cụ thể như Luật Đa dạng sinh học; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Lâm nghiệp; Bộ Luật Hình sự (có 2 tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; đồng thời quy định xử lý hình sự cả pháp nhân thương mại nếu phạm các tội này); Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp…

    Đặc biệt, ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam nhằm bảo vệ, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt, tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư. Đây là lần đầu tiên, nước ta có một Chỉ thị riêng được ban hành để bảo vệ các loài chim hoang dã, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ về vấn đề này. Chỉ thị nêu rõ yêu cầu cụ thể đối với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp bảo tồn chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam. Chỉ thị thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc bảo vệ, ngăn chặn những hành vi săn bắt trái phép các loài chim trong mùa di cư, cũng như tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật xử lý các vi phạm liên quan đến chim hoang dã, di cư. Bên cạnh đó, Chỉ thị góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về bảo tồn chim di cư. Cụ thể, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường rà soát các quy định liên quan để phù hợp với tình hình thực tế, giảm sự chồng chéo giữa các văn bản; Thúc đẩy công tác tuần tra, giám sát, kiểm soát tình trạng săn bắt, buôn bán chim di cư, hoang dã trái phép…

    Ngay sau khi Chỉ thị số 04/CT-TTg được ban hành, tại nhiều địa phương, nhiều chiến dịch triệt phá các tụ điểm buôn bán chim hoang dã được triển khai. Việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị được tiến hành rộng rãi trong quần chúng tạo nên những ảnh hưởng tích cực cho công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học với vai trò cơ quan tham mưu cho Bộ TN&MT thúc đẩy việc triển khai Chỉ thị tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và hướng dẫn bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ các tuyến đường bay di cư của các loài chim hoang dã. Các cơ quan quản lý tiếp tục rà soát các quy định về bảo vệ chim hoang dã, di cư, đặc biệt là các danh mục loài được ưu tiên bảo vệ. Chỉ thị số 04/CT-TTg là cơ sở tạo điều kiện cho việc xử lý triệt để các sai phạm này, là bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

    Hiện nay đang là mùa chim di cư (từ đầu tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau), tình hình săn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư tại các địa phương gia tăng và diễn biến phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư. Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn. 

    Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư. Các tỉnh, thành phố hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh trên địa bàn ký cam kết không mua, bán, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định. Cơ quan thú y và các cơ quan có liên quan tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.

Tạ Thị Kiều Anh

Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

 

Ý kiến của bạn