Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang

01/11/2022

    Những năm qua, sự gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị (chủ yếu do mở rộng ranh giới các đô thị và di dân nông thôn - thành thị) đã và đang gây áp lực đến môi trường tỉnh An Giang, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Bên cạnh đó, CTRSH phát sinh ngày càng đa dạng về số lượng và chủng loại, xuất hiện ngày càng nhiều loại khó xử lý, trong khi công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành, triển khai các giải pháp và đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý CTRSH tại các địa phương trong tỉnh.

    Công tác thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh

    Theo kết quả điều tra, tổng hợp năm 2021, tổng khối lượng CTSRH phát sinh toàn tỉnh khoảng 1.150 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị khoảng 527 tấn/ngày (chiếm 45,8%) và khu vực nông thôn 623 tấn/ngày (chiếm 54,2%). Trong khi đó, tỉnh đã mở rộng và thu gom 156/156 xã, phường, thị trấn (tính theo tuyến thu gom trên các trục lộ chính). Toàn tỉnh thu gom được khoảng 922,58 tấn/ngày, trong đó: Công ty CP Môi trường đô thị An Giang thu gom 902,58 tấn/ngày; Các tổ tự quản thu gom của xã và 1 mô hình ủ phân compost thu gom khoảng 20 tấn/ngày; Lượng rác còn lại khoảng 208 tấn/ngày chủ yếu ở vùng sâu, cù lao, được người dân tự xử lý tại hộ gia đình (chôn, đốt…) hoặc thải ra môi trường. Trong tổng số 902,58 tấn/ngày được thu gom và xử lý thì khoảng 625,83 tấn/ngày (tương đương 69,3%) được xử lý tại 3 cụm xử lý rác chôn lấp hợp vệ sinh tập trung của tỉnh (cụm Bình Hòa, huyện Châu Thành, 341,6 tấn/ngày; Cụm Kênh 10, TP. Châu Đốc, 157,79 tấn/ngày và Cụm Phú Thành, huyện Phú Tân, 126,44 tấn/ngày); Khoảng 51,93 tấn/ngày (5,75%) được xử lý tại Nhà máy đốt CTRSH thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, do Công ty CP Môi trường đô thị An Giang làm chủ đầu tư; Khoảng 3 tấn/ngày được xử lý bằng mô hình ủ phân compost tại xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn; 220 tấn/ngày được xử lý bằng phương pháp chôn lấp không hợp vệ sinh tại 25 bãi rác lộ thiên trên địa bàn các huyện; Lượng chất thải rắn còn lại chưa được thu gom (khoảng 208 tấn/ngày), được người dân thu gom và tự xử lý bằng cách chôn lấp tại vườn, đốt thủ công hoặc bỏ trực tiếp ra sông, ao, hồ và khu đất trống gần nhà.

    Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt do Công ty CP Môi trường đô thị An Giang làm chủ đầu tư: Nhà máy xử lý chất thải rắn thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, công suất 50 tấn/ngày, đã vận hành chính thức từ tháng 9/2020; Nhà máy xử lý chất thải rắn thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, công suất 100 tấn/ngày, đã hoàn thành các hạng mục xây dựng, lắp đặt xong hệ thống lò đốt rác nhưng chưa vận hành thử nghiệm do phát sinh một số vấn đề; Lò đốt rác sinh hoạt xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, công suất 15 tấn/ngày, đã đề xuất UBND tỉnh dừng triển khai, không nghiệm thu lò đốt do kết quả xử lý khí thải lò đốt không đảm bảo quy chuẩn. Đối với 3 dự án nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư: Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, công suất 300 tấn/ngày do Công ty CP Xây dựng thương mại và đầu tư Huy Ngọc Hưng làm chủ đầu tư đang triển khai, dự kiến hoàn thành năm 2023; Còn lại 2 dự án: Nhà máy xử lý chất thải rắn TP. Châu Đốc, công suất 195 tấn/ngày và Nhà máy xử lý chất thải rắn cụm Phú Tân, công suất 120 tấn/ngày do không thống nhất các nội dung theo hợp đồng thương thảo nên hiện nay Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh kết thúc hợp đồng với nhà đầu tư Liên danh IDJ-Thăng Long.

    Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành xử lý 6/9 bãi rác (bãi rác Kênh 4, TP. Châu Đốc; bãi rác thị trấn Long Bình và bãi rác thị trấn An Phú, huyện An Phú; bãi rác Bình Đức, TP. Long Xuyên; bãi rác thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú; bãi rác thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân). Còn lại 3 bãi rác ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: Bãi rác Long Phú, thị xã Tân Châu, bãi rác thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn và bãi rác thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới. Trong đó, bãi rác Long Phú, Tân Châu, tỉnh đã giao UBND thị xã Tân Châu làm chủ đầu tư thực hiện (Công văn số 1935/VPUBND-KTN ngày 28/4/2021 về việc chủ trương điều chỉnh Dự án đóng cửa, xử lý ô nhiêm môi trường các bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh); 2 bãi rác còn lại, tỉnh giao Sở TN&MT điều chỉnh và tiếp tục làm chủ đầu tư thực hiện.

    Đối với 25 bãi rác lộ thiên, chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường còn lại trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã tham mưu UBND trình và được HĐND thông qua chủ trương đầu tư dự án (Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 8/12/2020), với tổng mức đầu tư là 182 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh (Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025), thời gian triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024.

    Một số giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt trong thời gian tới

    Theo dự tính đến năm 2030, định mức phát sinh rác thải sinh hoạt đối với khu vực đô thị loại I và loại II (khu vực đô thị Long Xuyên và Châu Đốc) là khoảng 1,2 -1,4 kg/người, ngày; đô thị loại III và loại IV (khu vực đô thị Tân Châu, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Phú Tân, Chợ Mới) là 1,0 - 1,2, kg/người, ngày, đô thị loại V (các thị trấn) là 0,8 - 1,0 kg/người, ngày và khu vực nông thôn là 0,4 - 0,5 kg/người, ngày. Trên cơ sở định mức phát thải, dự báo khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh đến năm 2030 là khoảng 1.500 tấn/ngày (tăng so với năm 2021 là 350 tấn/ngày), trong đó: Rác thải sinh hoạt ở khu vực đô thị là 850 tấn/ngày, rác thải ở khu vực nông thôn là 650 tấn/ngày. Như vậy, quá trình đô thị hóa cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, áp lực lên môi trường sống ngày càng cao. Vì vậy, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh là nhu cầu cấp bách đảm bảo môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân.

Hoạt động thu gom rác thải tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang (Ảnh: Báo An Giang)

    Đặc biệt, quản lý chất thải rắn trong sinh hoạt là một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Luật BVMT năm 2020, với 6 Điều (từ Điều 75 - Điều 80) quy định cụ thể các nội dung: Phân loại, lưu giữ, chuyển giao; Điểm tập kết, trạm trung chuyển; Thu gom, vận chuyển; Xử lý CTRSH; Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp nhằm thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu CTRSH phát sinh tại nguồn. Đồng thời, quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý CTRSH. Do đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện một số nội dung:

    Thứ nhất, tổ chức thực hiện tốt các quy định mới của Luật BVMT 2020 và văn bản quy định chi tiết thi hành, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp; Triển khai thực hiện hiệu quả quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp chủ động xây dựng hệ thống thu gom, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau xử lý; Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH, đặc biệt là trong việc khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý CTRSH, triển khai áp dụng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về BVMT và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án, phát huy và đa dạng hóa nhiều nguồn lực cho xử lý chất thải.

    Thứ hai, thu hút đầu tư, triển khai các dự án quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách, bộ máy quản lý về CTRSH nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của tỉnh.

    Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thường xuyên hướng dẫn về công tác thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động của nhân dân; nâng cao ý thức tự giác thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại ngu n, đổ rác thải sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện, người thực hiện thu gom.

    Thứ tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội các cấp theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước cấp trên trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện và các tồn tại, vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

    Thứ năm, hoàn thiện mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Kiện toàn tổ chức mạng lưới các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo mục tiêu cụ thể đề ra cho từng giai đoạn.

    Thứ sáu, tổ chức vận hành các công trình xử lý rác theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 khu xử lý rác thải tập trung của tỉnh theo phương pháp đốt gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên, xử lý chất thải rắn cho phân vùng TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành, và một phần huyện Châu Phú, huyện Tri Tôn (khi đóng cửa bãi rác lộ thiên huyện Tri Tôn); Nhà máy xử lý chất thải rắn TP. Châu Đốc, xử lý chất thải rắn cho phân vùng thành phố Châu Đốc, huyện An Phú, và một phần huyện Châu Phú, huyện Tịnh Biên (khi đóng cửa bãi rác lộ thiên huyện Tịnh Biên); Nhà máy xử lý chất thải rắn cụm Phú Tân, xử lý chất thải rắn cho phân vùng thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân. Đồng thời, tổ chức vận hành các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước đã giao cho Công ty CP Môi trường Đô thị An Giang kết hợp với các huyện đầu tư. Tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị vận hành - xử lý các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đã được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, cụ thể: Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Thoại Sơn, xử lý chất thải rắn cho phân vùng huyện Thoại Sơn; Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Chợ Mới, xử lý chất thải rắn cho phân vùng huyện Chợ Mới; Lò đốt rác xã Vĩnh Gia, công suất 12 tấn/ngày, xử lý chất thải rắn cho phân vùng 3 xã thuộc huyện Tri Tôn và khu vực cửa khẩu Vĩnh Gia.

    Thứ bảy, tiếp tục đầu tư các công trình, biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt; Phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, tầng lớp nhân dân và các tổ chức trong công tác xã hội hóa về BVMT; đưa công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trở thành tiêu chí thi đua của các cấp, ngành, địa phương và hộ gia đình.

    Thứ tám, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật về công nghệ xử lý rác thải; lựa chọn, tổ chức triển khai mô hình xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp, hiệu quả và nhân rộng các mô hình hiệu quả trên địa bàn; Tập trung nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đối với khu dân cư không tập trung, vùng sâu, vùng xa phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương góp phần BVMT.

Đoàn Quang Trung, Nguyễn Thị Trà

 (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

    Tài liệu tham khảo

    1. Luật BVMT năm 2020.

    2. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

    3. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

    4. Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 tỉnh An Giang.

    5. Báo cáo Công tác quản lý nhà nước về TN&MT năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Sở TN&MT An Giang.

Ý kiến của bạn