Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Chính sách của Hàn Quốc và một số khuyến nghị cho Việt Nam nhằm hướng tới trung hòa các bon vào năm 2050

01/06/2022

    Năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Hàn Quốc đã cam kết giảm hơn nữa lượng khí thải các bon của mình bằng cách đệ trình một khoản đóng góp mới do quốc gia xác định nhằm giảm lượng khí nhà kính (KNK) xuống 40% so với mức năm 2018 vào năm 2030. Cam kết mới được thiết kế phù hợp với cam kết của Seoul về trung hòa các bon vào năm 2050 và sẽ yêu cầu Hàn Quốc giảm lượng khí thải ít nhất 4% mỗi năm. 

    Để thực hiện được các cam kết đã đề ra, Hàn Quốc nhanh chóng chuyển đổi trong các bước hành động cần thiết để đạt được mục tiêu từ việc xây dựng, ban hành và hoàn thiện các chính sách có liên quan để thực hiện, bao gồm Đạo luật, chiến lược, xây dựng lộ trình thực hiện và tổ chức lồng ghép thực hiện trong hệ thống nền kinh tế. Bài viết đề cập đến một số chính sách, giải pháp thực thi hướng tới trung hòa các bon của Hàn Quốc vào năm 2050 và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong thời gian tới.

Chính sách hướng tới trung hòa các bon vào năm 2050 của Hàn Quốc

    Tháng 9/2021, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật khung về tăng trưởng xanh trung hòa các bon để ứng phó với khủng hoảng khí hậu (Đạo luật số 18469, 2021). Ngoài mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050, Đạo luật còn quy định, Đóng góp do Quốc gia tự quyết (NDC) của Hàn Quốc đạt mục tiêu giảm phát thải là 40% so với mức của năm 2018 vào năm 2030. Đạo luật này có hiệu lực vào tháng 3/2022 và Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới lập luật về mục tiêu các bon. Đạo luật gồm 11 chương và 83 Điều, trong đó có các quy định quan trọng mang tính quyết định, bao gồm: Kế hoạch tổng thể quốc gia về tăng trưởng xanh trung hòa các bon (chương 3); Quy định Thành lập Ủy ban Tăng trưởng xanh trung hòa các bon, thúc đẩy tăng trưởng xanh trung hòa các bon vào năm 2050 (chương 4); Chính sách giảm thiểu KNK (chương 5); Các biện pháp thích ứng với khủng hoảng khí hậu (chương 6); Thành lập và vận hành Quỹ Ứng phó với khí hậu (chương 10). Đạo luật khung này bao gồm các lựa chọn chính sách khác nhau để giúp đạt được mục tiêu trung hòa các bon và đã đặt ra các mục tiêu giảm phát thải.

    Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua “Chiến lược trung hòa các bon” vào tháng 12/2020, gồm 5 chương, trong đó đưa ra con đường hướng tới một xã hội xanh và bền vững. Chiến lược nêu ra 5 yếu tố chính đã định hướng cho việc hoạch định chính sách, chuyển đổi xã hội và đổi mới công nghệ của Hàn Quốc cho quá trình chuyển đổi xanh bao gồm: Mở rộng việc sử dụng năng lượng sạch và hydro trên tất cả các lĩnh vực; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng lên một mức đáng kể; Triển khai thương mại loại bỏ các bon và các công nghệ khác trong tương lai; Mở rộng quy mô nền kinh tế tuần hoàn để cải thiện tính bền vững của ngành công nghiệp; Tăng cường bồn rửa các bon.

    Tháng 10/2021, Hàn Quốc đã xây dựng và công bố 2 kịch bản lộ trình nâng cấp cho mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050. Theo Ủy ban Tăng trưởng xanh trung hòa các bon, cả hai kịch bản đều hướng tới mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, tuy nhiên lại có các đề xuất khác nhau trong các lĩnh vực như cung cấp điện, giao thông vận tải, hydro và thu giữ, sử dụng và lưu trữ các bon (CCUS). Kịch bản đầu tiên nhằm loại bỏ tất cả các sản xuất nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để không phát thải trong lĩnh vực cung cấp điện. Kịch bản thứ 2 cũng nhằm mục đích xóa bỏ sản xuất nhiệt điện than nhưng sẽ giữ LNG như một nguồn điện linh hoạt, tạo ra một số khí thải. Cả hai kịch bản cũng bao gồm các đề xuất mở rộng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà. Đặc biệt, Hàn Quốc đã nâng mức mục tiêu giảm KNK từ 26,3% lên 40% vào năm 2030 so với mức năm 2018 nhằm trung hòa các bon vào năm 2050. Theo đó, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, Chính phủ Hàn Quốc đặt ra mục tiêu cắt giảm phát thải KNK trong lĩnh vực cung cấp điện 44,4% từ 269,6 triệu tấn năm 2018 xuống còn 149,9 triệu tấn năm 2030. Trong lĩnh vực công nghiệp, nước này đặt mục tiêu giảm phát thải KNK từ 260,5 triệu tấn năm 2018 xuống 222,6 triệu tấn vào năm 2030.

Cuộc họp Ủy ban về trung hòa các bon của Hàn Quốc tại Seoul

Một số giải pháp thực thi

    Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành các giải pháp nhằm trực tiếp thúc đẩy thực hiện Cam kết trung hòa các bon vào năm 2050, cụ thể:

    Thành lập Ủy ban Tăng trưởng xanh trung hòa các bon, Ủy ban đóng vai trò kiểm soát hoạt động trung hòa các bon của quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành viên Ủy ban hiện tại gồm có 18 quan chức Chính phủ và 77 thành viên từ khu vực tư nhân. Thành lập Quỹ ứng phó với khí hậu nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi các quy trình công nghiệp theo hướng giảm phát thải trong quá trình triển khai các nội dung của Đạo luật khung trung hòa các bon. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã điều hành một quỹ từ tháng 1/2022 để thu được các nguồn tài chính thiết yếu và dự kiến ​​chi 2,4 triệu KRW (1,98 tỷ USD) để hỗ trợ giảm phát thải KNK, xây dựng các hệ sinh thái công nghiệp các bon thấp...

    Bộ Môi trường Hàn Quốc tham gia các nội dung quan trong góp phần đạt mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050: Bộ đã tiến hành đánh giá tác động môi trường của các chính sách và dự án lớn của Chính phủ bắt đầu từ tháng 9/2021 như một phần trong lộ trình đạt được mức trung hòa các bon vào năm 2050; Thực hiện giám sát ngân sách nhà nước và các quỹ để đảm bảo chúng góp phần giảm thiểu KNK bắt đầu từ năm 2023. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, Bộ sẽ tăng cường các quy định liên quan để khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo; Bộ xây dựng kế hoạch nhấn mạnh sự tham gia của các cá nhân, từ đó sẽ khởi động một hệ thống “điểm hành động trung hòa các bon”, cung cấp các ưu đãi thông qua tiền mặt hoặc điểm thẻ tín dụng cho các cá nhân dựa trên sự tham gia của họ để giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không.

    Bộ Công nghiệp đã phát động một cuộc triển lãm về tính trung hòa các bon từ tháng 10/2021 để quảng bá các sản phẩm và công nghệ không phát thải khác nhau, đồng thời khám phá các định hướng chính sách trong tương lai cho mục tiêu trung hòa các bon. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Hội chợ Triển lãm trung hòa các bon tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Hàn Quốc (KINTEX) ở Ilsan, phía Tây Bắc Seoul, quy tụ khoảng 300 Công ty địa phương, chính quyền cấp tỉnh và các tổ chức nhà nước. Các công ty đã trình bày một loạt các sản phẩm áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo mới và các dự án không phát thải của họ và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng đã hợp tác với khoảng 60 đối tác từ 55 quốc gia để giúp các công ty nhỏ hơn thâm nhập vào thị trường nước ngoài.

    Hàn Quốc đẩy mạnh thực hiện các nội dung về chống phá rừng thông qua các nỗ lực tái trồng rừng ở nước ngoài, bao gồm cả ở Triều Tiên. Hàn Quốc dự định ngừng hoạt động 24 nhà máy nhiệt điện than đã lỗi thời vào năm 2034 và loại bỏ tất cả các hoạt động phát điện bằng than vào năm 2050. Chính phủ cũng tăng cường đầu tư vào các bon thấp, các dự án truyền thống và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân cũng làm như vậy. Đến năm 2025, Chính phủ Hàn Quốc ước tính 94 triệu KRW (77,61 tỷ USD) sẽ đầu tư vào lĩnh vực này.

    Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm các bon thấp (SPCBT) và thị trường cho các sản phẩm thân thiện môi trường. Tại Hàn Quốc, SPCBT được sản xuất năm 2009, việc sản xuất các SPCBT được Chính phủ quan tâm và thúc đẩy mạnh vào năm 2010 nhằm xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh, phát thải ít các bon. Chương trình cấp nhãn “Nhãn dấu chân các bon - Carbon footprint Labeling” được tổ chức thực hiện tại Hàn Quốc. Năm 2017, tại Hàn Quốc đã có trên 150 Công ty tham gia sản xuất các sản phẩm các bon thấp trong lĩnh vực đồ uống, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ… và 14.647 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn các bon thấp và tăng mạnh qua các năm. Đồng thời, Hàn Quốc mở rộng cho người tiêu dùng thông qua thẻ tín dụng xanh, thưởng cho 20 triệu người Hàn Quốc đã đăng ký chương trình để chi tiêu cho các sản phẩm được chứng nhận. Từ tháng 6/2022, những khách hàng có nhu cầu sử dụng cốc dùng một lần tại các cửa hàng nhượng quyền cà phê hoặc thức ăn nhanh sẽ phải đặt cọc từ 200 đến 500 won (16 đến 41 xu). Họ có thể lấy lại tiền đặt cọc khi trả lại cốc cho cửa hàng. Các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm các cửa hàng tiện lợi và tiệm bánh, sẽ không được phép sử dụng túi nhựa dùng một lần kể từ ngày 24/11/2022. Đồng thời, các cửa hàng cà phê sẽ không được phép sử dụng cốc giấy dùng một lần.

    Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy tăng gần gấp đôi số lượng ô tô chạy bằng điện và hydro lên khoảng 500.000 chiếc vào năm 2022, từ con số 248.000 chiếc hiện tại. Xe ô tô mới mua cho khu vực công phải là phương tiện thân thiện với môi trường từ năm 2022. Đồng thời, Hàn Quốc thúc đẩy tăng cường hợp tác, chuyên giao công nghệ, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới trong công tác tiến hành các nội dung, hành động đạt được mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050.

Khuyến nghị cho Việt Nam nhằm hướng tới trung hòa các bon vào năm 2050

    Việt Nam đã công bố cam kết thực hiện đạt trung hòa các bon vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Để thực hiện cam kết này đòi hỏi sự nổ lực của Việt Nam và sẽ là sự chuyển biến lớn trong phát triển tổng thể nền kinh tế. Trên cơ sở nghiên cứu về chính sách của Hàn Quốc hướng tới trung hòa các bon vào năm 2050, Việt Nam cần tham khảo các kinh nghiệm về xây dựng các chính sách và các giải pháp thực thi từ đó có thể rút ngắn thời gian hướng tới mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050 phù hợp và tối ưu nhất. Theo đó, Việt Nam cần sớm tập trung triển khai các nội dung:

    Tiến hành đánh giá, dự báo khả năng đóng góp trong cắt giảm các bon của từng ngành/lĩnh vực kinh tế từ đó xác định các ngành/lĩnh vực mũi nhọn ưu tiên cần thực hiện cắt giảm (công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vân tải…);

    Xây dựng và ban hành chiến lược, lộ trình, kế hoạch hành động quốc gia trung hòa các bon, trong đó cụ thể các chỉ tiêu mà mỗi ngành/lĩnh vực phải cắt giảm để đạt mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050;

    Mỗi ngành/lĩnh vực kinh tế cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động cụ thể, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch nhằm giảm áp lực về nhu cầu năng lượng và giảm phát thải các bon;

    Cần sớm ban hành và thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó lồng ghép các nội dung hướng tới góp phần giảm phát thải KNK;

    Tăng cường hợp tác quốc tế, tìm kiếm cơ hội học hỏi cách thức chuyển đổi các mô hình kinh tế nhằm giảm phát thải KNK, giảm phát thải các bon.

Nguyễn Thị Thu Hoài

Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022)

Tài liệu tham khảo

  1. The Government of republic of Korea, 2020, 2050 Carbon Neutral Strategy of the Republic of Korea towards a sustainable and green society
  2. Https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2021/05/371_309612
  3. Https://en.yna.co.kr/view/AEN20210901005900315
  4. Https://cleanenergynews-ihsmarkit-com/south-korea-passes-bill-to-mandate-carbon-neutrality-by-2050.
  5. Https://climate-laws.org/geographies/south-korea/laws/carbon-neutral-green-growth-framework-act-to-tackle-the-climate-crisis
  6. Https://www.greengrowthknowledge.org/national-documents/2050-carbon-neutral-strategy-republic-korea-towards-sustainable-and-green-society
  7. Https://www.senecaesg.com/insights/south-koreas-carbon-neutrality-law-takes-effect-on-march-25/
  8. Https://enplusgroup.com/upload/iblock/5b8/Toward-Zero-Carbon-for-Korean-industry-ENG.pdf
  9. https://www.law.go.kr/LSW/lsInfoP.do?efYd=20220325&lsiSeq=235581&_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=op,sc#0000 (Act No. 18469, 2021).

 

Ý kiến của bạn