Banner trang chủ

Vai trò của vốn tự nhiên trong thực hiện các mục tiêu về Tăng trưởng xanh

17/10/2014

     Nguồn vốn tự nhiên” là một khái niệm được mở rộng để miêu tả các cấu phần của môi trường tự nhiên có thể tạo ra thu nhập, hàng hóa và các dịch vụ. Ưu điểm cách tiếp cận dựa trên vốn tự nhiên là xem xét môi trường tự nhiên như các tài sản có giá trị, cần được quản lý, định giá, hạch toán và xem xét đến những tác nhân có thể ảnh hưởng đến tài sản vốn tự nhiên trong việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ trong tương lai.

     Nguồn vốn tự nhiên là nền tảng để con người xây dựng nền kinh tế - xã hội và sự thịnh vượng. Hàng hóa và dịch vụ được cung cấp từ nguồn vốn tự nhiên có giá trị quan trọng cho đời sống và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, nguồn vốn này thường được coi là tài sản miễn phí và được định giá kinh tế không phù hợp, dẫn đến việc quản lý không bền vững. Bên cạnh đó, nếu vai trò của vốn tự nhiên được ghi nhận thì các yếu tố cụ thể liên quan đến vốn tự nhiên, như sử dụng như thế nào và việc sử dụng vốn tự nhiên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến phúc lợi con người vẫn chưa được xem xét đầy đủ.

     Nguồn vốn tự nhiên bao gồm nhiều hợp phần cụ thể, có thể phân loại hoặc khái niệm hóa theo các cách thức khác nhau. Một cách phân loại đơn giản của hàng hóa và dịch vụ liên quan của vốn tự nhiên được thể hiện trong hình dưới đây:

 

VỐN TỰ NHIÊN

 

Nguồn vốn vật chất

Tính chất và chu trình vật chất

Nguồn vốn sinh thái

Hệ thống & các quá trình sinh thái

 

Hàng hóa

Khoáng sản, các nguyên tố của trái đất, nguyên liệu hóa thạch...

Dịch vụ

Cung cấp năng lượng, phương tiện vận tải…

Hàng hóa

Sản phẩm từ cấu trúc và chức năng của HST

Dịch vụ

  • Dịch vụ hỗ trợ
  • Dịch vụ cung cấp
  • Dịch vụ điều tiết
  • Dịch vụ văn hóa

 

     Vốn tự nhiên đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phúc lợi của con người. Những dịch vụ hệ sinh thái (HST) như nguồn nước, lương thực, năng lượng là nguồn lực trụ cột để phát triển kinh tế, tuy nhiên đóng góp của các dịch vụ này hiện nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức trong tài khoản quốc gia.

     Hầu hết các kế hoạch kinh tế vĩ mô mặc dù không trực tiếp liên quan nhưng vẫn ảnh hưởng gián tiếp đến môi trường và vốn tự nhiên do mối liên kết chặt chẽ giữa HST và các hoạt động kinh tế. Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế là sự suy giảm nguồn vốn tự nhiên cũng như khả năng duy trì dịch vụ của các HST. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng gấp trên hai lần kể từ năm 1981 nhưng 60% HST toàn cầu đã và đang bị suy thoái, đồng thời lượng khí thải nhà kính cũng cao hơn gấp 5 lần khả năng hấp thụ của trái đất. Ước tính cho đến năm 2050, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế không thể tách rời so với mức độ tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, con người sẽ cần khoảng 140 tỷ tấn khoáng sản, quặng, nhiên liệu hóa thạch và sinh khối mỗi năm - gấp 3 lần mức tiêu thụ hiện nay. Nhu cầu khai thác tài nguyên của con người cao hơn khả năng cung ứng của trái đất 25%.

 

Tài sản thiên nhiên là các thành phần thiết yếu của vốn tự nhiên ở mỗi cấp độ HST

 

     Giá trị kinh tế và giá trị hiện tại của các dịch vụ HST có thể được ước tính là một phần cơ bản của "vốn tự nhiên". Tài sản thiên nhiên như rừng, đất ngập nước và lưu vực sông là các thành phần thiết yếu của vốn tự nhiên ở mỗi cấp độ HST. Những thành tố này của tự nhiên có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của chu trình nước và lợi ích đối với nông nghiệp, chu kỳ các bon và vai trò trong giảm nhẹ khí hậu, độ màu mỡ của đất và giá trị đối với sản xuất cây trồng, điều tiết khí hậu địa phương cho môi trường sống an toàn... Đó là tất cả những yếu tố quan trọng đóng góp vào Tăng trưởng xanh ở mỗi quốc gia.

 

 Bảng 1. Vốn tự nhiên: Những hợp phần cấu thành và các minh họa về dịch vụ và giá trị

Đa dạng sinh học

Hàng hóa và dịch vụ HST (ví dụ)

Giá trị kinh tế (ví dụ)

HST (loại hình và diện tích/quy mô)

  • Giải trí
  • Điều hòa nước
  • Lưu giữ các bon

Tránh phát thải khí nhà kính (KNK) thông qua bảo tồn rừng: 3,7 nghìn tỷ USD (NPV)1

Các loài sinh vật (mức độ phong phú, đa dạng)

  • Thức ăn, sợi, nhiên liệu
  • Cảm hứng thiết kế
  • Thụ phấn

Các côn trùng giúp thụ phấn đã đóng góp cho sản lượng nông nghiệp: khoảng 190 tỷ USD/năm2

Nguồn gen (khả năng biến đổi và dân số)

  • Khám phá trong y học
  • Kháng bệnh
  • Khả năng thích nghi

25 - 50% thị trường dược phẩm Mỹ (trị giá 640 tỷ USD) được trích từ nguồn gen3

 

     Các hàng hóa và dịch vụ môi trường được cung cấp từ nguồn vốn tự nhiên là trụ cột để để đo đạc tăng trưởng kinh tế từ việc cung cấp đầu vào cho nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ, tăng năng suất nông nghiệp và sự phụ thuộc vào dịch vụ cơ sở hạ tầng thông qua kiểm soát khí hậu. Việc hài hòa giữa vốn tự nhiên, vốn con người, vật chất và xã hội sẽ góp phần tăng năng lực sản xuất. Như vậy, cần quản lý tốt hơn nguồn vốn tự nhiên để đạt được mục tiêu Tăng trưởng xanh. Quản lý bền vững nguồn thủy sản đánh bắt có thể tăng doanh thu cho kinh tế. Phục hồi và tăng cường các dịch vụ của rừng đầu nguồn có thể góp phần tăng năng suất nông nghiệp. Bảo tồn đa dạng sinh học có thể tạo ra doanh thu thông qua du lịch dựa vào thiên nhiên. Thu nhập từ khai thác khoáng sản có thể được đầu tư vào vốn hạ tầng và vốn con người, từ đó tạo ra doanh thu kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được các kết quả đó là không dễ dàng do các thất bại liên quan đến thể chế và thị trường. Việc cần làm ở đây là kết hợp các giải pháp thị trường và phi thị trường để quản lý nguồn vốn tự nhiên. Quản lý bền vững nguồn vốn tự nhiên là thiết yếu để đạt được mục tiêu về Tăng trưởng xanh ở các lĩnh vực khác nhau. Các cấu phần của vốn tự nhiên không thế đứng riêng biệt mà cần được xem xét trong quá trình phát triển của nền kinh tế.

     Tại Việt Nam, các ưu tiên về sử dụng hiệu quả và bảo tồn nguồn vốn tự nhiên đã được đề cập trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012. Theo đó, Chiến lược đã xác định rõ "Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế". Đồng thời, vốn tự nhiên cũng được đề cập như là một trong những giải pháp thực hiện Chiến lược. Cần nghiên cứu và ban hành cơ chế chính sách kinh tế và tài chính về phục hồi, phát triển nguồn “vốn tự nhiên”, khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế đầu tư vào cơ sở hạ tầng dịch vụ HST, các khu bảo tồn và phục hồi vào các HST đã bị suy giảm. Đây chính là cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị và vai trò của vốn tự nhiên nhằm hài hòa các mục tiêu phát triển và bảo tồn nguồn vốn tự nhiên.

 

Kim Thị Thúy Ngọc

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 9/2014

 

Ý kiến của bạn