Banner trang chủ

Tăng cường sản xuất điện năng từ chất thải, góp phần phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường

12/06/2020

    Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu trong việc tăng cường sản xuất điện năng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế theo hướng “xanh”, bền vững. Theo đó, sản xuất năng lượng từ chất thải hiện đang trở thành giải pháp hữu hiệu để giải quyết các thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất tại các đô thị. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang bị lãng phí mà nước ta chưa tận dụng hết cho sản xuất năng lượng.

Tiềm năng sản xuất điện từ rác

    Báo cáo tại Hội thảo tham vấn “Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án phát điện nối lưới từ chất thải rắn tại Việt Nam” do Tổng Cục năng lượng, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức mới đây cho thấy,  với dân số hơn 93 triệu người, hàng năm lượng rác thải sinh hoạt được thải ra tại Việt Nam rất lớn, trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7 - 8.000 tấn rác thải ra/ ngày. Lượng rác hiện nay chưa được sử dụng triệt để biến thành nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống.

    Trong khi đó, công tác thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế, phần lớn lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất. Diện tích đất dùng làm bãi rác thì không thể dùng cho các hoạt động khác như bất động sản hay phát triển kinh tế, đây là nguồn lãng phí lớn. Ngoài ra, có tới 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Công tác vận chuyển hiện còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.

    Lượng rác thải khổng lồ thải ra mỗi ngày là gánh nặng cho xử lý môi trường, nhưng lại là tiềm năng lớn cho việc sử dụng để sản xuất thành điện ở Việt Nam. Việc biến chất thải rắn thành năng lượng có thể giúp cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch và có giá trị hợp lý, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm rác thải rắn, góp phần BVMT. Vì vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam cần ưu tiên các dự án phát triển điện rác quy mô lớn sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến chuyển hóa chất thải thành năng lượng.

 

Vận hành xử lý rác tại Nhà máy phát điện từ chất thải công nghiệp thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

 

Thúc đẩy đầu tư

    Hiện nay trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như có thể giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp... Nắm được xu thế phát triển, một số nhà máy đốt rác phát điện ở nước ta đã đi vào hoạt động, như: Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB có công suất thiết kế là 400 tấn/ngày đêm, công suất hiện tại đạt 350 tấn/ngày đêm tại Cần Thơ. Tổng kinh phí đầu tư là 1.057 tỷ đồng, thời gian bắt đầu xây dựng là tháng 6/2017, hoạt động từ tháng 11/2018. Đến năm 2019, Nhà máy đã xử lý khoảng 175.000 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố, tạo ra 53,2 triệu kWh điện. Hiện nay, mỗi ngày, nhà máy xử lý từ 400-430 tấn rác, chiếm khoảng 70% lượng rác thải hàng ngày của Cần Thơ…; Còn tại Quảng Bình, Nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón hóa hữu cơ trực thuộc Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam (VNP) là một tổ hợp xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất năng lượng tái tạo có tổng công suất 10MW điện, sử dụng 100% thiết bị, công nghệ đồng bộ, khép kín, hiện đại và tiên tiến của Cộng hòa Liên bang Đức. Ngoài ra, còn có một số nhà máy đốt rác đã được khởi công xây dựng và đang chuẩn bị đưa vào hoạt động, như: Dự án nhà máy điện rác Vĩnh Tân, tỉnh Đồng Nai (công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW); Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội (công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW); Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản, Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (công suất 500 tấn/ngày); hai Nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh (của Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, công suất mỗi nhà máy 1.000 tấn/ngày)…

    Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng. Để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Song hiệu suất của các nhà máy điện rác khoảng 20 - 25%, kém hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện khoảng 40 - 42%. Do công suất điện phát lên lưới quốc gia nhỏ nên thời gian thu hồi vốn của các dự án này thường kéo dài, từ 10 - 20 năm. Trong khi đó, giá điện bán lên lưới cho loại hình dự án này được nhà nước ưu đãi là 10,05 US cents/kWh cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn sử dụng công nghệ đốt trực tiếp theo Thông tư số 32/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu. Với mức giá này, nhà đầu tư có lãi. Nhưng giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Các công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: Khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện... lại có giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.

    Bên cạnh đó, mặc dù, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2014/QD-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam. Theo đó, các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn được hưởng các ưu đãi về vốn đầu tư và thuế, được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện. Hiện nay, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài. Ngoài ra, các thủ tục cho đầu tư xử lý rác thường phức tạp, kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác triển khai.

    Trong những năm tới, để thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối, các chuyên gia đề xuất: cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…); Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch quản lý chất thải rắn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên BVMT.

 

Dương Văn Mão

Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)

Ý kiến của bạn