Banner trang chủ

Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam

13/03/2015

     Nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội 90 km, Quần thể danh thắng Tràng An (QTDTTA) gồm 3 khu vực bảo tồn: Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, với tổng diện tích 12.251 ha. QTDTTA được biết đến là Kinh đô của nước Đại Cồ Việt thế kỷ thứ X; Hành cung của nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Trải qua 250 triệu năm, Tràng An hiện là danh thắng có nhiều di tích lịch sử cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đẹp và nên thơ.

     QTDTTA có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với 2 dạng hệ sinh thái (HST) chính là HST trên núi đá vôi và HST thủy vực. ĐDSH thể hiện ở sự đa dạng về thành phần loài, nguồn gen với nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý, hiếm và nơi đây được xem là “Bảo tàng địa chất ngoài trời”. Về thực vật, đến nay đã thống kê được 134 họ với 384 chi, 577 loài, trong đó có tới 10 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ và 7 loài lần đầu tiên ghi nhận cho hệ thực vật Việt Nam. Ngoài ra, còn có 311 loài thuộc 240 chi, 105 họ thực vật bậc cao có mạch, có thể dùng làm thuốc như Bình Vôi, Vương Tùng, Kim Ngân, Hoàng Nàn, Mài Núi, Huyết Giác, Bách Bộ… Bên cạnh hệ thực vật phong phú, Tràng An cũng rất đa dạng về các loài động vật, trong đó, động vật thủy sinh gồm 30 loài nổi, 40 loài đáy; Động vật trên cạn chưa có thống kê đầy đủ nhưng hiện nay, địa phương cũng như khách du lịch vẫn còn gặp nhiều loài động vật quý, hiếm như khỉ, sơn dương, cầy đổi màu, tê tê, tắc kè, rái cá, mèo rừng, sáo, vẹt, le le… Đặc biệt, Tràng An có loài rắn mào đầu, phượng hoàng đất và rùa cổ sọc được coi là những loài động vật rất quý, hiếm cần được bảo vệ.

 

Lễ đón nhận Bằng ghi danh QTDTTA là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới do UNESCO trao tặng

 

     Không những thế, QTDTTA còn có giá trị nổi trội về địa mạo Karst quyến rũ nhất trên thế giới, là kết quả từ các hoạt động địa chất liên tục qua hàng trăm triệu năm. Phủ lên cảnh quan là thảm rừng và các tháp dạng nón hùng vĩ cao tới 200 m, với các hố trũng hẹp khép kín, bao quanh bởi sông, núi nối liền nhau, các đầm lầy thông nhau qua hệ thống suối xuyên ngầm có chiều dài lên tới 1 km. Vẻ hài hòa của đá, sông nước, rừng cây và bầu trời ở Tràng An tạo nên một thế giới tự nhiên sống động, đẹp và nên thơ. Theo nghiên cứu của các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, vùng Karst Tràng An là phần tận cùng về phía Đông Nam của các dải đá vôi thuộc nhánh đại dương Tethys cổ từ Trung Quốc kéo vào Việt Nam, tạo thành một loạt cao nguyên đá vôi Tây Bắc độc đáo, sau khi qua Vườn quốc gia Cúc Phương về tới Tràng An chuyển thành các khối núi, dãy núi hẹp xen các thung lũng. Có thể nói, không nơi nào trên thế giới có được cảnh quan của một Vịnh Hạ Long thực thụ nhưng đã trở thành “hóa thạch nổi lên trên cạn” như ở đây. Nguyên nhân làm cho “Vịnh biển cổ Hoa Lư” trở thành một “Vịnh Hạ Long trên cạn” là do đặc thù của quá trình phát triển đồng bằng châu thổ Sông Hồng và tiếp đó là hoạt động nhân sinh, đắp đê ngăn lũ và lấn biển của người Việt từ thế kỷ IX, X đến nay. Chính sự đa dạng của môi trường thiên nhiên và sự hài hòa giữa sinh vật, hang động, thủy vực, tạo nên cảnh sắc “non xanh nước biếc” hữu tình, thơ mộng như một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, khổng lồ. Các nhà địa chất quốc tế khẳng định, đây là một ví dụ điển hình cho tháp đá vôi nhiệt đới ẩm ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển địa mạo và là mô hình để nhận biết, so sánh với các khu vực khác trên thế giới.

     Hòa quyện với cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan Karst là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh, quanh năm có sương sớm, mây chiều, tạo ra phong cảnh mê hoặc lòng người. Khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư điển hình là một vùng cát-tơ đá vôi trồi lên giữa vùng đồng bằng ven biển tương đối bằng phẳng của miền Bắc Việt Nam, với rừng trên núi đá vôi đan xen với nhiều hang động đẹp như Thiên Hà, Vái Giời, Tiên Cá, Ba Cô, Tiên, Thủy Cung, hang Bụt, hang Sinh Dược... tạo nên những tuyến du lịch nổi tiếng như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động. Môi trường thiên nhiên đẹp tuyệt mỹ của Di sản pha trộn hoàn hảo với bức tranh cuộc sống nông thôn, với vườn tược và ruộng đồng bát ngát, xen lẫn những ngôi làng nhỏ nối nhau bởi các con đường mòn, cùng mạng lưới sông, suối, kênh rạch tạo ra bức tranh thủy mặc đẹp lung linh, huyền ảo. Những ngôi Chùa, Đền, Phủ tựa mình bên vách đá với mái ngói cổ kính, rêu phong, thâm trầm, tạo nên một yếu tố văn hóa kín đáo, gợi đến sự thầm kín, vĩnh hằng của tín ngưỡng tâm linh chứa đựng những giá trị bản địa đồng điệu với cảnh quan. Có thể nói, Tràng An là nơi rất đặc biệt, nơi văn hóa tiếp xúc với kỳ quan, bí ẩn và hùng vĩ trong sự hài hòa của thế giới tự nhiên và văn hóa cũng như lịch sử của vùng đất cố đô.

 

QTDTTA được coi là “Bảo tàng địa chất ngoài trời” với nhiều giá trị đặc biệt

 

     QTDTTA hội tụ đầy đủ các giá trị về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, tráng lệ, được hình thành từ sự kết hợp giữa hình sông, thế núi, hồ nước, hang động xuyên thủy; Các quần thể động, thực vật còn hoang sơ, nguyên vẹn với các di chỉ khảo cổ học mang đậm dấu ấn về truyền thống cư trú của con người qua hàng chục nghìn năm. Với việc đáp ứng ba tiêu chí nổi bật toàn cầu về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất - địa mạo, tại kỳ họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Qatar ngày 25/6/2014, QTDTTA đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trở thành Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam, đồng thời là Di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Thành tựu này là sự ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các nhà khoa học, cơ quan liên quan, cộng đồng doanh nghiệp… đã tích cực nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và tôn tạo các di sản văn hóa, thiên nhiên ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Tràng An được thế giới công nhận không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của Ninh Bình mà còn là cơ hội để giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại các khu du lịch, đặc biệt là vùng Di sản.

 

ĐDSH ở Tràng An thể hiện ở sự đa dạng về thành phần loài, nguồn gen

với nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý, hiếm

 

     Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) QTDTTA cho biết, với nhận thức đúng đắn về bảo tồn và phát huy di sản, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT, từ nhiều năm nay, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình được sự ủng hộ, hợp tác của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp phù hợp để vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ, tu bổ, tôn tạo QTDTTA. Đặc biệt, BQL QTDTTA và BQL Rừng đặc dụng Hoa Lư luôn chú trọng đến công tác bảo tồn các giá trị sinh học, bên cạnh việc đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm hạn chế tối đa những hoạt động có thể gây ra tác động xấu đến môi trường, BQL còn phối hợp với các nhà khoa học tiến hành khảo sát những địa điểm có giá trị ĐDSH cao; Những nơi có HST điển hình để khoanh vùng quản lý, bảo vệ với điều kiện riêng. Đồng thời, phối hợp với các Ban, ngành, đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ giá trị văn hóa - lịch sử của Tràng An; Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý những hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến ĐDSH. Ngoài ra, BQL Quần thể sẽ tiến hành nhân giống một số loài đặc hữu, quý, hiếm để nuôi, trồng bổ sung, hạn chế nguy cơ tuyệt chủng cũng như lựa chọn một số địa điểm thích hợp để xây dựng HST nhân tạo và đưa một số loài động, thực vật này vào nuôi trồng, bảo vệ.

 

Sự kết hợp hài hòa giữa núi non, sông nước và bầu trời ở Tràng An

tạo nên một thế giới tự nhiên sống động, đẹp và nên thơ

 

     Những nỗ lực, đóng góp cho QTDTTA chắc chắn cần được phát huy với niềm tự hào và trách nhiệm lớn hơn. Vì vậy, thời gian tới, các tổ chức quốc tế, các cấp chính quyền, tổ chức, nhà khoa học và toàn thể nhân dân trên cả nước cần tiếp tục quan tâm, đóng góp công sức vào việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị nổi bật toàn cầu của QTDTTA, để Tràng An, Ninh Bình như ý nghĩa vốn có, mãi là vùng đất yên bình, khang ninh, phồn vinh, hạnh phúc và là điểm đến lý tưởng của tất cả mọi người. Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Lễ đón nhận Bằng ghi danh QTDTTA là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới do UNESCO trao tặng.

 

     QTDTTA bao gồm 3 khu vực liền kề nhau: Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Giá trị nổi bật toàn cầu của QTDTTA được Ủy ban Di sản thế giới công nhận dựa trên 3 tiêu chí:

     Tiêu chí về văn hóa: Tràng An chứa đựng các bằng chứng về sự tương tác giữa con người và môi trường, thể hiện sự thích ứng của con người với sự biến đổi của địa lý và sự khắc nghiệt của môi trường trong lịch sử Trái đất, đặc biệt là hiện tượng biến đổi khí hậu.

     Tiêu chí về vẻ đẹp thẩm mỹ: Cảnh quan tháp Karst của Tràng An là một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với núi non hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh, điểm xuyết những ngôi đền, chùa, miếu linh thiêng.

     Tiêu chí về địa chất - địa mạo: QTDTTA là minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa Karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm.

 

                Thu Hằng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

 

 

Ý kiến của bạn