Banner trang chủ

Nhân nuôi bảo tồn thành công loài Cá cóc Việt Nam

02/01/2020

     Hiện nay, ở Việt Nam, đã ghi nhận 7 loài cá cóc, bao gồm: Cá cóc Tam Đảo (Paramesotriton deloustali), Cá cóc Quảng Tây (Paramesotriton guangxiensis), Cá cóc sần (Tylototriton asperrimus), Cá cóc gờ sọ mảnh (Tylototriton anguliceps), Cá cóc Nam Lào (Tylototriton notialis), Cá cóc Việt Nam (Tylototriton vietnamensis), Cá cóc zig-lơ (Tylototriton ziegleri). Trong đó có nhiều loài mới được phát hiện trong thời gian gần đây như Cá cóc zig-lơ và Cá cóc gờ sọ mảnh.

     Tuy nhiên, do môi trường sống bị phá hủy, bị săn bắt nuôi làm sinh vật cảnh và lây nhiễm dịch bệnh khiến cho quần thể của các loài cá cóc bị suy giảm nghiêm trọng. Chính vì thế, 4 trong số 7 loài Cá cóc ở Việt Nam được đưa vào Danh lục đỏ IUCN (2019), trong đó 2 loài Cá cóc Việt Nam và Cá cóc Quảng Tây được xếp ở bậc EN (Nguy cấp), 2 loài Cá cóc Nam Lào và Cá cóc zig-lơ ở bậc VU (sẽ nguy cấp). Loài Cá cóc Tam Đảo và Cá cóc Việt Nam có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) ở bậc EN (Nguy cấp). Hơn nữa, tất cả các loài cá cóc phân bố ở Việt Nam đã được đưa vào Nhóm IIB, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/1/2019 và Phụ lục II của CITES (2019) để kiểm soát tình trạng buôn bán trái phép các loài này. Vì vậy, các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành nghiên cứu, nhân nuôi bảo tồn các loài cá cóc, nhằm nghiên cứu về đặc điểm sinh học sinh thái, xây dựng mô hình nhân nuôi sinh sản trong điều kiện bán hoang dã làm gia tăng số lượng cá thể để thả về tự nhiên.

     Thí điểm nhân nuôi loài Cá cóc Việt Nam tại Trạm Đa dạng sinh học (ĐDSH) Mê Linh

     Cá cóc Việt Nam được mô tả là loài mới, được ghi nhận vào năm 2005, với mẫu chuẩn thu thập ở Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tây Yên Tử (Bắc Giang). Đây là một loài lưỡng cư quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam, hiện nay chỉ có ở một số địa điểm: Bắc Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn. Loài này đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng do sinh cảnh sống bị thu hẹp, suy thoái và khai thác quá mức để làm sinh vật cảnh.

     Về đặc điểm hình thái, loài Cá cóc Việt Nam có thân thuôn dài, 4 chân, chân trước 4 ngón, chân sau 5 ngón, đuôi dẹt bên, dài thân trung bình 50 mm; đầu dẹt, mõm ngắn, gần như vuông, da sần sùi, gờ sống lưng nổi rõ; mỗi bên sườn có một hàng củ lồi, mỗi củ tương ứng với đầu mỗi xương sườn. Toàn thân xám thẫm (nhiều cá thể gần như đen), bụng sáng hơn lưng, con non có màu vàng giống màu đất sét; đầu các chi, mép dưới đuôi, viền lỗ hậu môn có màu đỏ cam (các củ lồi bên sườn và mép trên đuôi ở nhiều cá thể cũng có màu đỏ cam). Loài này sống ở các vực nước (ao, vũng...), nơi có nhiều bùn và lá mục, trong rừng kín tán trên núi. Thức ăn của chúng là côn trùng, ấu trùng, giun đất, nhện, sên và những loài không xương sống nhỏ khác...

 

Các nhà khoa học của Vườn thú Cologne (Đức) bàn giao cá thể Cá cóc Việt Nam cho cán bộ của Trạm ĐDSH Mê Linh để bảo tồn và nhân nuôi

 

     Trong 2 năm 2014 - 2015, các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã tiến hành khảo sát thực địa và thu thập 2 ổ trứng (50 quả/ổ năm 2014), (60 quả/ổ năm 2015) tại Khu BTTN Tây Yên Tử. Trứng được ấp trong bể ấp trứng tại phòng nuôi ếch nhái tại Trạm ĐDSH Mê Linh, ở nhiệt độ từ 27 - 300C, độ ẩm từ 70 - 90%, thường xuyên được phun ẩm để tránh trứng bị khô. Trứng nở sau 15 - 17 ngày được 40 cá thể nòng nọc đạt tỷ lệ 80% (năm 2014) và 50 cá thể nòng nọc đạt tỷ lệ 83% (năm 2015). Thời gian phát triển từ nòng nọc thành con non là 97 - 100 ngày với kích thước 16,2 mm và 16,3 mm, tỷ lệ sống đạt 70% năm 2014 (28 cá thể) và 78% năm 2015 (39 cá thể).

     Ở trong điều kiện nhân nuôi, loài Cá cóc Việt Nam có sự tăng trưởng cả về trọng lượng và chiều dài cơ thể. Cá cóc nuôi sau 12 tháng tuổi có kích thước trung bình 66,7 mm - 67,1 mm, tỷ lệ sống đạt 61% năm 2014 (17 cá thể) và 64% năm 2015 (25 cá thể). Cá cóc 24 tháng tuổi có kích thước trung bình 74,4 mm. Tỷ lệ sống đạt 35% (10 cá thể). Như vậy, tại Trạm ĐDSH Mê Linh, các nhà khoa học đã cho nở và nhân nuôi thành công loài Cá cóc Việt Nam với 25 cá thể 12 tháng và 10 cá thể 24 tháng. Việc nhân nuôi thành công loài Cá cóc Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo tồn ĐDSH của đất nước.

    Hợp tác nghiên cứu và bảo tồn loài Cá cóc Việt Nam

     Từ năm 2007, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Vườn thú Cologne (Đức) đã hợp tác nghiên cứu về ĐDSH và bảo tồn các loài bò sát, lưỡng cư của Việt Nam. Qua đó đã thực hiện thành công nhiều chương trình nghiên cứu đa dạng các loài bò sát và lưỡng cư ở Khu BTTN Tây Yên Tử (Bắc Giang), Khu BTTN Bắc Mê (Hà Giang), Hạ Lang (Cao Bằng), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang). Cùng với đó là các chương trình nghiên cứu bảo tồn các loài bò sát, lưỡng cư quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam như Thằn lằn cá sấu (Shinisaurus crocodilurus), Thạch sùng mí (Goniurosaurus spp.), các loài Cá cóc (Paramesotriton spp. và Tylototriton spp.) ở phía Bắc Việt Nam, Tắc kè đuôi vàng (Cnemaspis psychedelica) ở đảo Hòn Khoai (Cà Mau) ở phía Nam Việt Nam.

     Một trong các loài lưỡng cư được đặc biệt chú trọng nghiên cứu và bảo tồn đó là Cá cóc Việt Nam. Các chương trình nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái, quan hệ di truyền và đánh giá hiện trạng quần thể đã được thực hiện. Kết quả nghiên cứu được sử dụng để xây dựng hồ sơ đưa loài Cá cóc Việt Nam vào Danh lục Đỏ IUCN (năm 2016), Phụ lục II CITES (năm 2019), Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo tồn loài. Chương trình bảo tồn tại chỗ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương cũng đã được triển khai ở một số khu BTTN như Tây Yên Tử (Bắc Giang), Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh), rừng quốc gia Yên Tử .

     Một trong những nỗ lực gần đây nhất là việc chuyển giao các cá thể Cá cóc Việt Nam được nhân nuôi thành công tại Vườn thú Cologne (CHLB Đức) về Việt Nam để nhân nuôi bảo tồn. Ngày 7/11/2019, 8 cá thể Cá cóc Việt Nam được gửi từ Vườn thú Cologne, sau đó các cá thể Cá cóc Việt Nam đã được chuyển đến Trạm ĐDSH Mê Linh (Vĩnh Phúc) để nuôi cách ly và tạo nguồn con giống để phục vụ nhân nuôi bảo tồn. Việc bàn giao Cá cóc Việt Nam tại Trạm ĐDSH Mê Linh giữa Vườn thú Cologne và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn ĐDSH, góp phần phục hồi quần thể loài lưỡng cư quý hiếm này ở Việt Nam.

 

Đặng Huy Phương

Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật

 Phạm Thị Nhâm

Hội Sinh thái học Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 
Ý kiến của bạn