Banner trang chủ

Nốt trấm trong năm 2019 và thông điệp đầu xuân về môi trường

07/02/2020

     “Nốt trầm” trong năm 2019

          Thường sau mỗi năm, người ta dành thời gian để “nhìn lại” một cách khái quát những sự kiện lớn, thành tích nổi trội đã đạt được trong năm qua, chuẩn bị “hành trang” cho bước đường đi lên trong năm mới. Vừa qua, báo chí nước ta đã bình chọn những (thường là 10) sự kiện tiêu biểu trong năm 2019, trong đó có những thành tích ấn tượng, nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, đối ngoại, thể thao, phòng, chống tham nhũng... được đông đảo bạn đọc đồng tình. Đằng sau những thành tích, sự kiện tiêu biểu này ít nhiều, gián tiếp hoặc trực tiếp đều có đóng góp của lĩnh vực môi trường. Bởi vì môi trường là của chung, đồng thời là vấn đề thiết yếu của mỗi một con người. Nói một cách hình ảnh thì có thể gọi những thành tích tiêu biểu trong năm qua là những “nốt thăng” cao vút trong bản hòa ca của đất nước ta trong năm qua. Bên cạnh những “nốt thăng” thì cũng có những “nốt trầm” đặt ra như là một sự thách thức đối với loài người chúng ta.  

     Vừa qua, trước thềm năm mới 2020, Hội nghị lần thứ 25 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP 25) được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha (từ ngày 2 - 13/12/2019), lần đầu tiên, hơn 10 nghìn nhà khoa học đến từ hơn 150 quốc gia đã cùng đưa ra cảnh báo, Trái đất đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Thế giới năm qua liên tục trải qua nhiều tháng nóng, một tháng 6 nóng nhất trong vòng 140 năm. Tại Ấn Độ hay Ôxtrâylia, người dân phải gánh chịu những đợt nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ lên tới hơn 50 oC. Còn ở những xứ lạnh như châu Âu, người dân đã phải chịu cái nóng lên tới 41oC khiến nhiều người tử vong. Năm 2019, rừng Amazon ở Brazil đã hứng chịu hàng nghìn đám cháy, khiến khói lan rộng một nửa đất nước và tràn sang các quốc gia láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu dân. Gần 79.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2013 và một nửa trong đó xảy ra tại rừng mưa Amazon, nơi được coi là "lá phổi xanh" của hành tinh. Lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng BĐKH, đã lên mức kỷ lục mới trong năm 2019. Ngay trong những ngày đầu Năm Mới 2020, “giặc lửa” vẫn tiếp tục hoành hành chưa dứt tại các khu rừng ở Ôxtrâylia mà lần đầu tiên, nước này gọi là “thảm họa về môi trường”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng về sống hòa hợp với thiên nhiên, môi trường

 

     Tại Hội nghị nói trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, BĐKH đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết và đây là mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh chúng ta, đây là vấn đề sống còn của thời đại chúng ta. Còn Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc cũng lên tiếng cảnh báo thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội tránh được các thảm họa khí hậu nếu không giảm ngay lập tức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

     Ở nước ta, trong năm qua, nhiều sự cố môi trường liên tiếp xảy ra cũng đã được nhiều báo chí bình chọn là sự kiện tiêu biểu năm 2019. Vụ cháy tại Nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông tại quận Thanh Xuân; việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) gây khủng hoảng nước sạch cho nhiều quận, huyện ở Hà Nội trong nhiều ngày; ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra tại các TP. Hà Nội, Hồ Chí Minh, tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường sống của người dân... cũng là  “nốt trầm” mà chúng ta phải nhắc lại trong đầu năm mới này.

     Không ai muốn những sự cố, tác hại về môi trường, BĐKH xảy ra, nhưng nhìn dưới góc độ tích cực thì chính “nốt trầm” nói trên làm chúng ta sáng tỏ ra nhiều điều. Với sự nỗ lực, tích cực, chủ động của những tổ chức, cơ quan, cá nhân quản lý và hoạt động môi trường, nhiều vấn đề môi trường ngày càng được nghiên cứu, tìm hiểu một cách công phu, cụ thể sau đó công khai đến với xã hội và người dân, từ đó nói đúng sự thật để mọi người đều biết, có biện pháp hạn chế, ngăn chặn, đối phó với vấn đề BĐKH, ô nhiễm môi trường sống của chúng ta. Trong thời đại của kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tất cả những sự cố, sự kiện môi trường trên trái đất và ở trong nước ta đều được thông tin một cách nhanh chóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, đến với mỗi người dân, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, sự hiểu biết ngày càng sâu sắc, cụ thể về tầm quan trọng của môi trường và ý nghĩa, sự cần thiết BVMT, khắc phục tác hại của BĐKH, chung ta bảo vệ cuộc sống cũng như trái đất xanh của chúng ta.

     Trong thời đại công khai, dân chủ, mọi hành vi hủy, làm ảnh hưởng đến môi trường sống từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xả thải trong cuộc sống hằng ngày đều dễ dàng bị phát hiện, lên án, đồng thời những tấm gương tốt về phong trào BVMT (loại bỏ chất thải nhựa dùng một lần, những điển hình về BVMT...) đều nhanh chóng được lan rộng, hưởng ứng thành phong trào mạnh mẽ. Đồng thời, các tổ chức, cơ quan, nhà quản lý, hoạt động môi trường cần đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu cuộc sống nói chung và công tác BVMT nói riêng.

     Thông điệp đầu Xuân về môi trường

     Đứng trước tình trạng BĐKH trên trái đất ngày đe dọa nặng nề cuộc sống người dân nhiều nơi trong đó có nước ta tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán đến sớm đã và đang đe dọa, gây khó khăn cho sản xuất đời sống tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, ngay trong ngày bản lề của năm mới 2020, các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ nước ta đã ban đi thông điệp mạnh mẽ về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề môi trường. Trong bài phát biểu của mình trước Hội nghị trực tuyến của Chính phủ, ngày 30/12/2019, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, lối sống và phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội”; “Tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT, phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH”. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”

     Như vậy, Thông điệp đầu Xuân của người đứng đầu Chính phủ ta đã gắn bó hữu cơ vấn đề môi trường với vấn đề văn hóa-đạo đức-văn minh của mỗi một con người, mỗi một dân tộc. Điều này là vô cùng cần thiết, đúng đắn và sâu sắc. Đã từ lâu, Đảng ta, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững”. Cho nên, ý Đảng, lòng dân và tinh thần doanh nghiệp cùng với kinh tế, xã hội và môi trường đều là công thức “3 trong 1” của sự phát triển thịnh vượng và bền vững.

     Từ lâu, Đảng, Nhà nước ta coi đạo đức là “gốc” của người cán bộ cách mạng. Người cán bộ cách mạng phải có cả đức lẫn tài, nhưng đạo đức cách mạng là cái nguồn, cái gốc của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng được giao. Đạo đức cách mạng là một nội dung, một yếu tố trong một con người có văn hóa. Văn hóa-đạo đức-văn minh của mỗi con người là yếu tố mang tính quyết định, chi phối ý thức, hành động BVMT của con người đó. Người không có văn hóa-đạo đức thì cũng không thể là người làm tốt công tác giữ gìn và BVMT sống của chính họ và cho mọi người.

     Ngày nay, đã hình thành môn học nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người với các nhân tố sinh học và phi sinh học trong tự nhiên, đồng thời nhằm giáo dục phẩm cách của con người đối với môi trường được gọi là giáo dục đạo đức môi trường. Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sống hòa hợp với thiên nhiên, môi trường. Đồng thời, trên cơ sở những phẩm chất đạo đức cách mạng được Bác Hồ rèn luyện, chỉ dẫn, và tấm gương của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân có đầy đủ 3 phẩm cách sau đây thì được gọi là những người có đạo đức môi trường. Đó là: Có tri thức, hiểu biết sâu sắc về môi trường sống; Có thái độ ứng xử, sống thân thiện, tôn trọng và sống hòa hợp với thiên nhiên-môi trường; Có khả năng hành động cụ thể để tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục mọi người cùng xây dựng, giữ gìn, BVMT nhằm phát triển bền vững.

 

Vũ Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

         

 

         

 

Ý kiến của bạn