Banner trang chủ

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải nông thôn ở Ba Bể

24/05/2014

     Là một trong những huyện nghèo của cả nước nhưng Ba Bể (Bắc Cạn) luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn của địa phương này đang được người dân hưởng ứng nhiệt tình và mang lại hiệu quả rõ rệt.

     Xác định nội dung bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng để thực hiện chương trình  mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2013, huyện Ba Bể đã đầu tư trên 200 triệu xây dựng 4 lò xử lý rác thải nông thôn tại các chợ đầu mối, trung tâm tại các xã Hà Hiệu, Chu Hương, Khang Ninh, Cao Thượng. Ngoài việc xây dựng hệ thống lò đốt nhỏ gọn, các xã còn được cấp quạt thông gió, xe chở rác và thùng đựng rác để đảm bảo cho việc vận chuyển và thu gom. Để mô hình lò đốt thực sự đem lại hiệu quả, ngay khi huyện bàn giao đưa vào sử dụng hệ thống lò đốt rác, chính quyền các xã đã  tổ chức họp bàn giao việc vận hành cho các chi hội, tổ chức đoàn thể trực tiếp quản lý  và thu gom rác thải. Nhờ đó, việc triển khai được tổ chức một cách thuận lợi và góp phần tăng nguồn quỹ hội.

 

 

    Người dân thôn Nà Nàng (xã Khang Ninh) cho biết, mô hình này tuy mới được triển khai từ đầu năm 2014 nhưng đã thực sự phát huy hiệu quả kép. Bởi trước  đây việc thu gom và xử lý rác thải ở khu vực chợ và thôn vẫn được thực hiện theo kiểu “ mạnh ai người ấy làm”, chỗ nào có đất trống là người dân mang rác đến  đổ, nhất là rác thải sau mỗi phiên chợ luôn tràn ngập và không có người thu gom. Khi có lò đốt rác tập trung, chi hội phụ nữ thôn Nà Nàng đã đứng ra quản lý và thu gom rác thải, khiến môi trường xanh - sạch hơn. Đặc biệt, người dân và người bán hàng cũng ký kết quản lý,  bảo vệ môi trường nên đã có ý thức  trong việc thu gom và xử lý rác thải. Lãnh đạo các xã đều cho rằng, qua thực tế triển khai mô hình thu gom rác thải cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn đã dần được cải thiện.

     Thời gian qua, Bắc Cạn cũng đã triển khai xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt khu vực chợ xã ở một vài địa phương với kinh phí đầu tư mỗi mô hình khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, việc triển khai gặp khó khăn về quỹ đất xây dựng và kinh phí dành cho vận hành. Cách làm ở Ba Bể là hoàn toàn mới mẻ và hiệu quả là đáng ghi nhận. Do vậy, cần phải nghiên cứu để nhân rộng.

 

Theo Monre

Ý kiến của bạn