Banner trang chủ

Hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững

19/08/2014

     Từ một nước thiếu lương thực, hiện nay, Việt Nam là một trong số 15 quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu trên thế giới. Có thể nói, nông nghiệp thực sự đã trở thành trụ cột của nền kinh tế, đóng góp tới 20% vào GDP của Việt Nam, mang lại 1/4 doanh thu xuất khẩu quốc gia và tạo việc làm cho một nửa lực lượng lao động nông thôn trong 10 năm qua.

     Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho sự phát triển kinh tế và xem sự phát triển nông nghiệp bền vững là ưu tiên chiến lược. Vì thế, trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế hiện nay, nông nghiệp sẽ tiếp tục là ngành đi đầu trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

 

Hội thảo Tầm nhìn nông nghiệp đến năm 2020

 

     Tuy nhiên, chỉ ngành nông nghiệp hội nhập với các ngành khác trong nền kinh tế là chưa đủ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp hiện cũng đang gặp không ít thách thức như: Trong bối cảnh các nền kinh tế tiến tới vị trí cao hơn trên con đường phát triển, cùng với tiến trình đô thị hóa, tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp vẫn sẽ tiếp diễn, ngay cả khi diện tích chuyển đổi nhỏ, dẫn tới hoạt động canh tác manh mún; Việc áp dụng hạt giống, phân bón và triển khai các biện pháp gia tăng năng suất đến người nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục các đặc tính của tài nguyên thiên nhiên bao gồm độ chua của đất, xói mòn đất và thiếu vi chất dinh dưỡng đất cũng như mức nước ngầm suy giảm ở các khu vực; Hạ tầng nông nghiệp còn lạc hậu và thiếu liên kết với thị trường các nước. Không những thế, ngành nông nghiệp sử dụng tới 70% lượng nước ngọt, do vậy, ngoài những khó khăn về nguồn nước ngọt, ngành nông nghiệp còn phải thích nghi với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

     Để hiện thực hóa sứ mệnh của mình, ngành nông nghiệp cần chuyển dịch từ mô hình tập trung vào số lượng sang mô hình chất lượng. Tại Việt Nam, các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ cần hoạt động hiệu quả hơn theo hướng tăng hàm lượng khoa học đầu vào và liên kết chặt chẽ giữa các ngành. Đồng thời, cần chú trọng vào công tác đổi mới và hợp tác, gắn nông dân với sản xuất công nghiệp, với các tổ chức nghiên cứu và phát triển, sao cho khi người nông dân nâng cao được sản lượng thì cuộc sống của họ cũng được cải thiện.

     Các chuyên gia trên thế giới cho rằng, để tạo dựng một nền nông nghiệp bền vững, việc gia tăng sản lượng trên mỗi mẫu ruộng phải là trọng tâm của các chiến lược, nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời, nông nghiệp phải trở thành một hoạt động kinh tế giúp tạo ra lợi nhuận và từ đó sẽ tự động tạo ra các biện pháp gia tăng năng suất. Song song với đó, cần bảo vệ và cải thiện môi trường xung quanh… Việt Nam không nằm ngoại lệ với quy luật phát triển tự nhiên này.

     Việc tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, hình thành các hiệp hội, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, có sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ là động lực để nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị và phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Đặc biệt, trong điều kiện phát triển hiện nay, Việt Nam cần tập trung đổi mới không chỉ ở giống cây trồng mà còn cần đổi mới đến gói giải pháp tổng thể bao gồm giống, giải pháp canh tác, các chương trình chuyển giao khoa học công nghệ, giải pháp cải thiện khâu thu hoạch và sau thu hoạch, vừa tạo ra giá trị cho cây trồng, vừa đảm bảo an ninh lương thực, nhằm ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

      Hiện nay, các nhà khoa học đang tiến hành những nghiên cứu về việc nâng cao chất lượng cây trồng thông qua biện pháp nhân giống truyền thống và nhân giống phân tử cùng với áp dụng công nghệ sinh học, nhằm tạo ra những giống cây lương thực và sợi thích ứng được với điều kiện nhiệt độ ngày một tăng lên, nguồn nước suy giảm, độ nhiễm mặn ngày một gia tăng. Việc này được triển khai cùng với các chính sách khuyến khích đổi mới, cạnh tranh và đầu tư trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu, từ đó tạo dựng nền nông nghiệp bền vững cho Việt Nam.

 

An ninh lương thực luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với các quốc gia trên thế giới

 

     Trong một thế giới luôn phải đối mặt với những thách thức làm sao để cung cấp đủ lương thực trong khi dân số ngày càng gia tăng? Sử dụng như thế nào cho phù hợp và có hiệu quả các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt?... Do đó, cần có sự hợp tác giữa các Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội thông qua mô hình hợp tác công - tư, nhằm nâng cao năng suất và hướng đến tăng trưởng xanh toàn diện. Để tối đa hóa hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình với các giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy vai trò của quan hệ hợp tác công - tư.

     Ông Jesus Madrazo, Phó Chủ tịch Tập đoàn Monsanto, một trong những doanh nghiệp tham gia mô hình PPP tại Việt Nam cho rằng, cải thiện nông nghiệp chính là cải thiện cuộc sống và Monsanto sẽ tập trung vào việc cải tiến chất lượng sản phẩm, khoa học công nghệ để áp dụng tại Việt Nam. Hiện Monsanto đang áp dụng phương pháp tiếp cận Đối tác công - tư (PPP) vào sáng kiến của Bộ NN&PTNT về luân canh lúa - ngô ở Đồng bằng sông Cửu Long dưới hình thức hợp tác với nông dân, Sở NN&PTNT và ngành Công nghiệp thực phẩm. Hạt giống năng suất cao của Monsanto đã giúp 8.800 người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng doanh thu thêm hơn 1 triệu USD, tiết kiệm tới 80% thời gian, chi phí và lao động trên diện tích 2.200 ha và 4.400 ha chuyển đổi từ đất canh tác lúa tương ứng vào năm 2013 và 2014.

     Theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn Đặng Kim Sơn, hiện nay, ngân sách nhà nước cho nông nghiệp còn rất khiêm tốn trong khi các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đang giảm, các nguồn hỗ trợ tư nhân và cá nhân cũng thấp. Do vậy, khoa học công nghệ và hợp tác công - tư (PPP) sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp sử dụng các nguồn lực từ khoa học và công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý của các tập đoàn và công ty đa quốc gia, qua đó thúc đẩy quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

     Có thể nói, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn, bên cạnh đó, những thách thức gặp phải cũng không ít. Để vượt qua những thách thức này và trở thành quốc gia có nhiều đóng góp vào ngành nông nghiệp toàn cầu, Việt Nam cần xây dựng những mối quan hệ hợp tác mới, đồng thời không ngừng đổi mới và đối thoại.

 

            Gia Linh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn