Banner trang chủ

Giải pháp phát triển du lịch hạn chế tác động đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Ba Bể

26/08/2019

     Hồ Ba Bể là hồ tự nhiên duy nhất trên núi, có diện tích rộng khoảng 500 ha với độ cao 178 m so với mực nước biển. Hồ là địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch miền núi Ðông Bắc của Việt Nam. Tại Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới (tổ chức ở Mỹ vào năm 1995), hồ Ba Bể được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể được công nhận là Vườn Di sản ASEAN và đến năm 2011 được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1.938 của thế giới và thứ 3 của Việt Nam.

     VQG Ba Bể có 1.281 loài thực vật thuộc 162 họ và 672 chi, trong đó có rất nhiều loài thực vật quý hiếm, giá trị kinh tế cao có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như trúc dây, đinh, nghiến, lim… Điển hình trúc dây là loài cây đặc hữu của VQG Ba Bể, thường mọc ở những vách núi, thân thả mành xuống hồ, tạo nên cảnh quan đẹp mắt. Hệ động vật cũng khá đa dạng, phong phú, bao gồm: 81 loài thú, 322 loài chim, 27 loài bò sát, 106 loài cá, 17 loài lưỡng cư, 553 loài côn trùng và nhện.

     Bên cạnh hệ sinh thái phong phú và đa dạng, VQG Ba Bể còn có cộng đồng cư dân bản địa sinh sống với nền văn hóa phong phú và lâu đời của các tộc người Tày, Nùng, Dao, H Mông. Nơi đây, những mái nhà sàn của đồng bào Tày ven hồ Ba Bể là nét chấm phá độc đáo, tạo nên vẻ đẹp nên thơ, độc đáo, mà cũng rất mộc mạc, gần gũi hòa quyện với thiên nhiên. Điểm nhấn của VQG là hồ Ba Bể, bao bọc xung quanh là núi đá vôi, được phủ lên bởi những cánh rừng nguyên sinh soi bóng hồ, vì thế mà nơi đây được nhiều người ví như một “Hạ Long trên núi” của khu vực miền núi Đông Bắc của nước ta.

 

Biểu đồ số lượng du khách đến thăm hồ Ba Bể và lượng rác thải rắn thải tự nhiên

ra hồ qua từ năm 2014 đến năm 2018 (Nguồn: Ban Quản lý VQG Ba Bể)

 

     Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể là Di tích quốc gia đặc biệt. Nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của hồ Ba Bể trong phát triển kinh tế du lịch, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có sự đầu tư, quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế ưu tiên chủ đạo của tỉnh. Điều này được thể hiện rõ trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

     Trong 5 năm (2014 - 2018) gần đây, khách du lịch tới thăm hồ Ba Bể tăng cao (năm 2014 là 34,361 người; năm 2018 là 74,774), trung bình khoảng 20%/năm, đặc biệt khách du lịch quốc tế năm 2018 tăng 50% so với năm 2014. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển du lịch cũng tạo sức ép về môi trường đối với hồ Ba Bể nói riêng và hệ sinh thái (HST) VQG nói chung, do lượng rác thải từ sinh hoạt của người dân bản địa, các hoạt động du lịch, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường. Hiện các hoạt động chạy xuồng chở khách du lịch đang gây ô nhiễm nguồn nước, do rò rỉ dầu máy xuống môi trường nước và HST thủy sinh của hồ Ba Bể.

     Theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam), lượng chất thải rắn bình quân của du khách khoảng 0,5 kg/người/ngày đối với khách tham quan và khoảng 1 - 1,2 kg chất thải rắn/người/ngày đối với khách lưu trú. Như vậy, chất thải rắn do du khách thải ra khu vực hồ Ba Bể khoảng 10 tấn trong năm 2014 và 50 tấn trong năm 2018. Lượng chất thải rắn do du khách thải ra môi trường trung bình năm tăng khoảng 10%.

 

Chất thải rắn được địa phương đốt, gây ảnh hưởng cảnh quan môi sinh và ô nhiễm môi trường không khí

 

     Bên cạnh đó là các hiện tượng bồi lắng phù sa từ lưu vực của sông Năng và 3 con suối Pác Ngòi, Nam Cường và Tả Han; tình trạng chặt phá rừng, xâm lấn, sử dụng đất và xây dựng bất hợp pháp khu vực ven hồ Ba Bể, các hoạt động phát triển du lịch đang đe dọa tới HST phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá của VQG Ba Bể.

     Do vậy, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và cộng đồng cư dân trong vùng, cùng với những giải pháp khắc phục hiệu quả thì HST thủy sinh của hồ Ba Bể mới không bị ảnh hưởng. Để khắc phục hạn chế những khó khăn, cần thực hiện những giải pháp sau:

     Kiện toàn cơ chế quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn bồ Ba Bể, trong đó có cơ chế phối hợp liên ngành giữa Ban Quản lý VQG Ba Bể, Ban Quản lý khu Du lịch Ba Bể, UBND xã Nam Mẫu và cộng đồng người dân ven hồ Ba Bể trong việc thu gom, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn HST hồ Ba Bể.

     Xây dựng và hoàn thiện các văn bản, chính sách; tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng và du khách về bảo tồn HST hồ Ba Bể.

     Quy định rõ vai trò trách nhiệm, lợi ích và sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt các hộ cung cấp dịch vụ homestay, phục vụ du lịch trong xử lý môi trường và bảo tồn HST.

     Thu hút sự tham gia của cộng đồng vào quá trình quản lý và sử dụng khôn khéo tài nguyên của VQG Ba Bể trên cơ sở hài hòa lợi ích của cộng đồng với sự hỗ trợ, giám sát độc lập của các bên liên quan.

     Xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn cụ thể thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 lồng ghép với các quy hoạch, kế hoạch quản lý, BVMT của UBND huyện Ba Bể và UBND xã Nam Mẫu.

 

Ngân Ngọc Vỹ

Viện Tài nguyên và Môi trường

 Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn