Banner trang chủ

Dấu ấn 10 năm bảo tồn Cây Di sản Việt Nam

24/06/2020

    Ngày 22/6, tại tỉnh Cao Bằng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng tổ chức Tọa đàm 10 năm bảo tồn Cây Di sản Việt Nam.

 

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm

 

    Nhận thức rõ giá trị to lớn của cây cổ thụ; vai trò của cộng đồng trong BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, từ năm 2010, VACNE đã khởi xướng, tổ chức Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh cả nước cùng hướng về Đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội; các ngành, các cấp và người dân cùng hưởng ứng Năm quốc tế về đa dạng sinh học (2010); Kế hoạch quốc gia bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

    Để có niềm tin của cộng đồng, mọi hoạt động liên quan đến mô hình đều được VACNE phổ biến công khai và rộng rãi, với những quy định cụ thể. Từ việc thành lập Hội đồng, hồ sơ đăng ký và quy trình xét duyệt, đến phương thức tổ chức công nhận Cây Di sản tại địa phương. Chính nhờ mục tiêu rõ ràng, không vụ lợi, tổ chức hoạt động minh bạch vì cộng đồng, nên ngay từ đầu, mọi hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ, thu hút mọi tầng lớp trong xã hội tham gia, đặc biệt là những người cao tuổi, các vị chức sắc tôn giáo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan truyền thông. Từ đây, mô hình Bảo tồn Cây Di sản đã nhanh chóng trở thành phong trào rộng khắp cả nước.

    Sau khi cây cổ thụ của địa phương được công nhận, một số nơi ở tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, TP. Hà Nội, Hải Phòng… đã thành lập Ban quản lý và Quỹ Bảo vệ chăm sóc Cây Di sản. Vì thế, trong thời gian qua, mô hình vẫn phát triển và lan tỏa rộng khắp.

    Trong 10 năm qua, VACNE đã xét hàng nghìn hồ sơ, trong đó đã công nhận 3.975 Cây di sản, thuộc 125 loài ở 54 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại tỉnh Cao Bằng, nơi có trên 90% đất rừng, đất lâm nghiệp, đến nay đã có 13 cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, 2 rừng cây quý nguyên sinh, trong đó có cây nghiến di sản cổ thụ ở Lũng Tũng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang tuổi đời trên 1.000 năm; cây nghiến cổ thụ 600 tuổi tại làng Bó Bẩm, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng; cây sấu cổ thụ hơn 300 tuổi tại rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình; rừng gỗ nghiến nguyên sinh tại xóm Bó Dường, xã Vân Trình, huyện Thạch An… Có được thành quả này là do mô hình đáp ứng được mong muốn của cộng đồng. Bảo tồn cây cổ thụ không chỉ khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, mà còn góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây còn là cơ hội tôn vinh nét đẹp truyền thống của người Việt - một cộng đồng các dân tộc biết trân trọng quá khứ, yêu thiên nhiên, môi trường. Những tộc người luôn xác định, cây cổ thụ là cầu nối lịch sử; hoạt động bảo vệ Cây Di sản là cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân.

    Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chăm sóc, bảo vệ cây di sản; chung tay bảo vệ nguồn gen bản địa, bảo vệ cảnh quan môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; các giải pháp bảo vệ, chống sâu bệnh, sinh vật xâm nhập Cây Di sản…

 

Phương Linh

Ý kiến của bạn