Banner trang chủ

Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ nỗ lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học

10/03/2020

     Khu bảo tồn biển đảo (KBTBĐ) Cồn Cỏ là một trong những hệ sinh thái biển có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của Việt Nam, với các hệ sinh thái (HST) điển hình của vùng biển nhiệt đới như rạn san hô (RSH), rong cỏ biển và các loài cá. Trong những năm qua, Ban Quản lý (BQL) KBTBĐ đã làm tốt công tác bảo tồn ĐDSH và quản lý tài nguyên biển đảo, nghiên cứu, thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển trong KBTBĐ.

     KBTBĐ Cồn Cỏ có tổng diện tích 4.532 ha, bao gồm 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 534 ha; phân khu phục hồi sinh thái 1.392 ha; phân khu phát triển 2.376 ha. KBTBĐ Cồn Cỏ có mức độ ĐDSH cao với khoảng 113 loài san hô, 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá RSH, 164 loài thực vật phù du, 68 loài/nhóm động vật phù du; trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực, san hô sừng. Tổng trữ lượng nguồn hải sản vùng biển đảo Cồn Cỏ ước tính đạt khoảng 40.000 tấn, sản lượng khai thác bền vững khoảng 12.000 tấn/năm.

     Trong những năm qua, BQL KBTBĐ Cồn Cỏ đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH tại KBTBĐ. Trong đó, tiêu biểu là đề tài: “Điều tra hiện trạng cua đá tại đảo Cồn Cỏ”. Kết quả nghiên cứu làm cơ sở để xây dựng các giải pháp quản lý bền vững nguồn lợi cua đá tại đảo; nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và môi trường, thu thập kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xây dựng, quản lý dự án có sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, BQL cũng đã xây dựng đề xuất các chương trình nghiên cứu khoa học, điều tra đánh giá nguồn lợi sinh vật biển đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2016-2020; chương trình điều tra bổ sung bảo tồn gen của các loài động, thực vật quý hiếm tại KBTBĐ. Qua đó, từng bước thu thập, phân loại và xây dựng tủ mẫu vật trưng bày các loài động thực vật biển quý hiếm, đặc trưng của đảo Cồn Cỏ nhằm lưu trữ nguồn gen; Những tiêu bản các loài đặc trưng có ở KBTBĐgồm: 100 bộ mẫu vật tươi (tôm hùm, cá mú, ghẹ sao, ghẹ đỏ, ốc tù và, cá hồng, cua đồi, cá chim, cá bướm, cá dìa, cua đá...) bảo quản bằng hóa chất ngâm trong chậu kính, và các tiêu bản thuộc bộ ốc và hai mảnh vỏ gồm: trai tai tượng, trai ngọc nữ, bào ngư chín lỗ, ốc hương, ốc vú nàng, ốc đụn, ốc mặt trăng, ốc nón, ốc gai, ốc sứ, điệp và một số loài san hô.

 

BQL KBTBĐ Cồn Cỏ phối hợp với Đồn biên phòng Cửa Tùng thả về tự nhiên một cá thể rùa biển

 

     Ngoài ra, BQL KBTBĐ Cồn Cỏ cũng đã đẩy mạnh hoạt động điều tra, nghiên cứu, công tác giám sát đánh giá các HST, tài nguyên biển, nhất là vùng Đông Nam,Đông Bắc và Tây Bắc đảo Cồn Cỏ. BQL phối hợp với các đối tác trong việc triển khai các đề tài khoa học, thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển trong KBTBĐ được kịp thời và đạt hiệu quả cao. Tháng 8/2015, BQL đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng tiếp tục theo dõi ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi cấy san hô tại Bến Nghè đảo Cồn Cỏ. Theo kết quả giám sát vườn ươm san hô, năm 2011 đã trồng mới 360 tập đoàn san hô cứng tại Bến Nghè, sau 230 ngày tỷ lệ sống đạt 71,1%. Sau 4 năm, đến năm 2015, một số tập đoàn san hô đã phủ nền đáy khoảng 1/10 m2 và hiện nay đang sinh trưởng phát triển tốt.

     Hàng năm, BQL tổ chức định kỳ 4 đợt lặn kiểm tra HSTRSH, thảm rong cỏ và nền đáy biển nhằm theo dõi giám sát sự sinh trưởng, phát triển, phát hiện kịp thời các sự cố về sinh vật và môi trường biển nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó. Từ ngày 24/6 - 2/7/2018, BQL đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng tiến hành lặn kiểm tra RSH, thảm rong cỏ biển và nền đáy biển tại 5 mặt cắt bao quanh đảo: Mặt cắt Bến Tranh và các phía Đông, Nam, Bắc, Tây của đảo. Qua kết quả kiểm tra giám sát cho thấy, tại Bến Tranh, RSH cứng bị tẩy trắng cuối năm 2017 đã phục hồi gần như hoàn toàn (đến 90%). Đặc biệt, tại khu vực từ Bến Tranh đến Bến Nghè, hệ ốc phát triển rất mạnh, trứng và ốc con bám vào hệ rong cỏ biển với khối lượng rất lớn, chủ yếu là các loại ốc mặt trăng, ốc đụn và một số loại khác... Điều này cho thấy, HSTRSH, rong cỏ biển phát triển tốt, là bãi đẻ cho nhiều loài hải sản sống trong KBTBĐ. Ngoài ra, tại 4 mặt cắt còn lại, san hô phát triển tốt, đặc biệt là san hô mềm, các loài hải miên, hải sâm có sự tăng trưởng về thành phần và khối lượng.

     Ngoài ra, BQL KBTBĐ Cồn Cỏ còn phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) triển khai chương trình “Bảo tồn, cứu hộ rùa biển” nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt, mua bán, xẻ thịt, cứu hộ kịp thời rùa biển, song song với đó là không ngừng tăng cường nhận thức cho người dân về công tác bảo tồn rùa biển. Từ tháng 5/2017 - 5/2019,BQL đã kịp thời cứu hộ và thả 45 cá thể rùa biển về biển. Đây là những cá thể rùa bị mắc lưới của ngư dân, kiếm ăn tại ngư trường Quảng Trị, rùa vào bờ đẻ trứng, rùa bị săn bắt trái phép... BQL đã triển khai được 20 lớp tập huấn bảo tồn và cứu hộ rùa biển, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Luật Thủy sản, Luật Biển và các nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản cho lực lượng ngư dân, chủ tàu thuyền, thuyền trưởng và cán bộ quản lý các xã ven biển nhằm nâng cao năng lực quản lý, nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi biển và ĐDSH theo hướng bền vững.

     Nhằm phát huy những thành tích đã đạt về công tác bảo vệ HSTRSH, bảo vệ tài nguyên KBTBĐ, bảo vệ và cứu hộ rùa biển..., BQL KBTBĐCồn Cỏ đã đề ra một số biện pháp trong những năm tiếp theo:

     Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động ngư dân, khách du lịch, cán bộ công nhân viên đang sinh sống và công tác trên đảo Cồn Cỏ thực hiện tốt Quy chế bảo tồn biển để nguồn lợi biển ngày càng được nâng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên biển; Lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục môi trường và BVMT trong các lớp tập huấn nhằm trang bị cho các em học sinh, ngư dân, khách du lịch, các doanh nghiệp hiểu sâu hơn về lợi ích của KBTBĐ mang lại vì sự nghiệp phát triển kinh tế biển bền vững;

     Tăng cường quản lý tài nguyên biển, đặc biệt trong việc phối hợp tuần tra, giám sát, truy quét và ngăn chặn các tác động xâm hại tới RSH, rong cỏ biển, môi trường nước biển trong KBTB; tích cực phối họp với các lực lượng chức năng của huyện đảo và các đơn vị liên quan như Chi cục Thủy sản, các đồn biên phòng ven biển và đảo cồn cỏ trong việc tuần tra kiểm soát các tàu cá hoạt động, neo đậu trong khu BTB, nhất là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt phân khu Phục hồi sinh thái, phân khu phát triển và các vùng xung quanh đảo cồn cỏ. Lắp đặt thêm và bảo dưỡng hệ thống phao phân vùng nhằm quản lý tốt hơn tài nguyên biển.

     Đẩy mạnh hoạt động điều tra, nghiên cứu, công tác giám sát đánh giá các HST, tài nguyên biển, nhất là vùng Đông Nam, Đông Bắc và Tây Bắc đảo Cồn Cỏ. Phối hợp với các đối tác trong việc triển khai các đề tài khoa học, thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển trong KBTBĐ Cồn Cỏ được kịp thời và đạt hiệu quả cao.

     Tăng cường công tác cứu hộ, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp được ưu tiên bảo vệ có tên trong sách Đỏ Việt Nam, cũng như sách Đỏ thế giới; các loài quý, hiếm, nguy cấp được ưu tiên bảo vệ Nghị định số 160/2013/NĐ-CP;  Nghị định số 26/2019/NĐ-CP như 5 loài rùa biển, cá heo, trai tai tượng, các loài san hô...

 

Phạm Thị Nhâm

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn