Banner trang chủ

Trồng và bảo vệ cây xanh - Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam

19/09/2022

    Hiện nay, thực trạng ô nhiễm môi trường không khí là một trong những vấn đề nóng, luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng trong xã hội. Để giải quyết vấn đề nổi cộm này ngoài việc thực hiện nghiêm túc các đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách pháp luật của Nhà nước, việc trồng bảo vệ cây xanh cũng là một giải pháp góp phần chống ô nhiễm, môi trường không khí ở Việt Nam.

Ý nghĩa và tầm quan trọng của cây xanh

    Trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, cây xanh không những chỉ có vai trò trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, mà còn có chức năng quan trọng trong bảo vệ môi trường không khí. Các quần thể cây xanh trong tự nhiên cùng với cây xanh do con người trồng đã trải qua biết bao thăng trầm dưới tác động của các yếu tố tự nhiên, các cuộc chiến tranh và quá trình phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ. Việc tìm hiểu, khám phá để hiểu về giá trị, vai trò, chức năng to lớn của cây xanh không đơn thuần là vấn đề khoa học, mà còn là vấn đề lí‎ trí, vấn đề của trái tim, của tình yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc. Sự hiểu biết về vai trò, giá trị đích thực của cây xanh đối với cuộc sống, với phát triển kinh tế - xã hội chính là điều kiện làm động lực cho sự gắn bó, yêu quý‎ để con người có trách nhiệm giữ gìn vốn quý‎ mà thiên nhiên cũng như con người tạo nên.

    Cây xanh, đặc biệt là cây cổ thụ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là nguồn gen, là tài sản thiên nhiên vô giá. Cây xanh mang lại nhiều lợi ích cho con người và sinh giới như: Giá trị dịch vụ của cây xanh làm nền tảng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí ở các thành phố, thị trấn, các khu công nghiệp, các làng nghề; ngăn chặn tình trạng xói mòn, sạt lở đất bờ sông, bờ biển, chắn sóng, ngăn chặn cát bay, cát nhảy dọc các bờ biển; giữ độ ẩm cho nền đất, bảo vệ nguồn nước, điều hòa khí hậu lưu giữ carbon, thải khí CO2; duy trì sự sống cho các loài động vật, vi sinh vật, nấm; ngăn chặn hạn chế dịch bệnh… Điều quan trọng, cây xanh còn tạo dựng cảnh quan sinh thái xanh tươi phục vụ văn hóa, tinh thần của con người, giúp cải thiện chất lượng môi trường không khí các tiểu vùng, giảm thiểu tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm không khí.

    Ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, vào mùa hè, cây xanh thông qua cơ chế quang hợp giúp điều hòa không khí, mỗi một cây xanh sống riêng rẽ có thể chuyển đổi 400 lít nước/ngày (nếu cung cấp đủ độ ẩm), ban đêm cây xanh mất nhiệt chậm hơn tạo ra bức màn chắn giữa nhiệt độ đêm lạnh, nhiệt độ dưới tán cây ban đêm ấm hơn ngoài chỗ trống và ban ngày mát hơn nhiệt độ nơi không có cây xanh từ 3 - 50C, cây xanh có chức năng ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, ngăn chặn gió làm thoát hơi nước ngăn chặn dòng chảy của nước mưa trên mặt đất.

    Cây xanh, cây cổ thụ Việt Nam được đánh giá như là nhà máy duy nhất lấy khí CO2 và thải khí O2 thông qua quá trình quang hợp. Ví dụ cây cao khoảng 30m, có tán lá rộng có thể hấp thụ được 22,7kg CO2 trong mỗi ngày, một số loài cây xanh còn có khả năng tiết ra chất phytoncide có tác dụng diệt khuẩn, diệt côn trùng có hại.

    Các thảm cây xanh có khả năng chặn tiếng ồn hiệu quả bởi các cây có cành to, lá dày, mọng nước. Chẳng hạn một dãy cây xanh rộng 30 m, cao 15 m có thể làm giảm tiếng ồn xe cộ trên đường khoảng 10dB, hoặc một đai cây xanh rộng khoảng 500 m bao quanh nhà máy góp phần giảm khí thải SO2 (70%) và Nitra Oxide là 67% và cây xanh có khả năng hấp thụ các chất gây ô nhiễm như: NO2, CO2, NH3; 1 ha cây xanh đô thị có thể thanh lọc được từ 50 - 70 tấn bụi/năm.

Cây xanh có ‎ý nghĩa và tầm quan trọng đối với môi trường không khí và tình hình biến đổi khí hậu hiện nay

Vai trò của cây xanh đối với biến đổi khí hậu

    Cây xanh có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ không khí khác như: Anhydrid, Sunfua, Fuo, Amoniac do quá trình quang hợp. Cây xanh sản xuất các Ion âm, có khả nang hấp thụ những chất dạng hạt lơ lửng và thanh lọc nguồn không khí. Cây còn có thể chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước. Bên cạnh đó, cây xanh như tấm lá chắn có khả năng cản bụi ở các đô thị, thị trấn, khu công nghiệp. Theo Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, một cây xanh có tán rộng - lớn có thể cản được 10 – 30 kg bụi, nhờ đó nồng độ bụi thổi qua một cây xanh có thể giảm đi 20 - 60%. Hệ thống rễ cây đâm sâu giúp đất tơi, xốp hơn, nhờ đó khi mưa lớn, nước sẽ thẩm thấu nhanh góp phần giảm tình trạng ngập úng tại đô thị. Tại trung du và miền núi, cây xanh giữ vai trò chủ chốt trong điều hòa dòng chảy, rễ cây cũng tạo cho đất kết cấu chắc chắn hơn, giảm xói mòn, sạt lở khi mưa lớn. Nhờ hệ rễ tạo ra khoảng trống trong đất, hệ rễ cây góp phần dự trữ mạch nước ngầm cho mùa khô, tán lá rộng lớn của cây xanh có khả năng điều tiết nhiệt độ, giảm sự bốc hơi nước, cải thiện tình trạng hạn hán ở nhiều nơi.

    Trên thế giới, nhiều nước đã quan tâm bảo vệ và trồng cây xanh. Chẳng hạn như người Nhật rất coi trọng giá trị của cây xanh. Họ có văn hóa bảo vệ cây xanh, đặc biệt cây sống lâu năm. Họ quan niệm con người chìm đắm vào màu xanh của thiên nhiên có thể giúp chữa lành vết thương về tâm trí và thân thể. Chính vì vậy, bảo vệ cây xanh trong đó có cây cổ thụ đang mang lại sức khỏe cho con người, giúp con người có sự thoải mái. Bảo tồn cây xanh nói chung và cây cổ thụ ở các địa phương nói riêng còn là bảo tồn nguồn gen thực vật - làm phong phú sự đa dạng sinh học ở vùng miền.

Tình trạng quản lý‎ cây xanh hiện nay

    Mặc dù cây xanh có ‎ý nghĩa và tầm quan trọng đối với môi trường không khí và tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, nhưng trên thực tế vẫn còn một số cá nhân thiếu‎ ý thức bảo vệ, chăm sóc và có hành vi gây hại đến sự khỏe mạnh của cây, nhất là cây cổ thụ như: Đổ rác, phóng uế bừa bãi dưới các gốc cây, đóng đinh treo biển quảng cáo một cách tự do hoặc đóng đinh căng dây làm trụ treo dẫn dây cáp điện, điện thoại, làm nơi gửi xe, làm nơi đổ vật liệu xây dựng, thậm chí chặt phá, hủy diệt cây xanh. Đó là những hành vi thiếu văn minh, sống thiếu trách nhiệm với môi trường nói chung, cây xanh nói riêng. Chính vì thế, hiện nay một số cây không còn gặp ngay cả ở Hà Nội như: Cây ô môi, cây gụ mật, cây đào tiêu, cây bơ, cây phượng tím...

    Bên cạnh đó, việc duy trì, chăm sóc, bảo vệ và phát triển các quần thể cây xanh trên đường phố, đại lộ, trên các bờ sông, bờ biển, trên đường làng, hẻm phố, các vùng xây dựng nông thôn mới chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có một chương trình giám sát, kiểm tra tổng thể về kết quả của chương trình trồng cây xanh trong quá trình kiến thiết, xây dựng, phát triển đất nước qua các thời kỳ. Việc thiếu đầu tư chăm sóc, bảo vệ đã làm suy giảm hiệu quả vai trò cây xanh trong bảo vệ môi trường, trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí. Chính vì vậy, việc bảo vệ, trồng, chăm sóc cây xanh là một chiến lược quan trọng, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong thời kỳ biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hiện nay.

Đề xuất các giải pháp bảo vệ quản lý cây xanh

    Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, trong đó có đưa ra các biện pháp cấp bách để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường không khí. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất lượng không khí, Bộ Tài nguyên Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng, bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

    Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn còn xảy ra trong các thành phố và vùng nông thôn do cháy rừng, đốt rơm rạ, thậm chí đốt vàng mã. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức lớn trong công tác quản lý, nguyên nhân là do sự phát triển ồ ạt của đô thị, của công nghiệp, giao thông, xây dựng... đang phá vỡ sự cân bằng giữa con người và môi trường sống tự nhiên.

    Để góp phần giải tỏa được những thách thức trên, tạo cho con người có một môi trường sống hài hòa trong phát triển bền vững, trước hết cần phải tăng cường trồng - chăm sóc - quản lý cây xanh ở khắp mọi miền đất nước. Nghiên cứu để quy hoạch trồng, chăm sóc, bảo vệ hệ thống cây xanh một cách khoa học nhằm đảm bảo gìn giữ cảnh quan và góp phần bảo vệ không khí trong lành.

    Cần có một kế hoạch bài bản, khoa học để triển khai hiệu quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ đề ra. Trồng cây xanh đi liền với đầu tư chăm sóc bảo vệ - giám sát - kiểm tra thường xuyên số lượng, chất lượng các loài cây đã được trồng, cần quan tâm đúng mức trồng các loài cây có nguồn gốc, bản địa ở từng vùng sinh thái một cách phù hợp để sinh tồn và phát triển.

    Việc trồng cây xanh cần phải gắn liền với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ môi trường, nghiên cứu vận dụng các lí luận khoa học về hệ thống sinh thái đô thị, sinh thái nông thôn, sinh thái kinh tế, sinh thái xã hội nhằm làm cơ sở điều chỉnh hợp lý, hài hòa trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Trồng nhiều cây xanh chính là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, giảm thiểu các tác hại do biến đổi khí hậu. Giảm thiểu tác hại môi trường không khí bị ô nhiễm.

    Trong giai đoạn 2021 - 2025, cần có một cách nhìn tổng hợp để kiểm kê, đánh giá khách quan, khoa học, cụ thể các mô hình trồng, chăm sóc - bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ của cộng đồng, hợp tác xã, các doanh nghiệp trong việc phát huy tiềm năng, lợi ích của cây xanh trong phát triển kinh tế; trong cuộc sống, trong bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp nhằm rút ra những bài học tốt để tuyên truyền, phát huy lan tỏa trong xã hội cũng như những bất cập, tồn tại trong quản lý‎, sử dụng để góp phần hướng đến một nền kinh tế xanh của đất nước.

    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối mọi thành phần trong xã hội, cộng đồng, để bảo vệ môi trường không khí trong lành, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn ĐDSH, sử dụng khôn khéo các nguồn vốn xanh tự nhiên trong nhân tạo để góp phần thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH trong phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ TN&MT - TCMT, 2022 - Báo cáo đề dẫn các thành phần môi trường. Hội nghị Môi trường toàn quốc.

2,. VACNC, 2020 - Sách cây di sản Việt Nam (tập 3) Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

3. Janowiak, 2017 - Considering forest and Grassland Carbonia Land management - United States Departmenl of agricultur general technical report.

4. Bộ TN&MT, 2008 Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

5. VACNE, 2020 - Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nxb Chính trị Quốc gia. Sự thật.

6. VACNE, Hội Liên hiệp bảo tồn thiên nhiên, Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm, 2022.

7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế "tác động của ô nhiễm môi trường đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022)

Ý kiến của bạn