Banner trang chủ

Mô hình thu gom rác thải bằng tàu đánh cá lưới kéo tại Phú Yên

07/06/2022

    Ngày 6/6/2022, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Đức tài trợ, phối hợp với Tổng cục Thủy sản và Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Viêt Nam (FITES) thuộc Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đồng tổ chức “Hội thảo quốc gia về mô hình thu gom rác thải bằng tàu đánh cá lưới kéo nhằm giải quyết rác thải từ các nguồn trên biển” tại Phú Yên. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia  đại diện Tổng cục Thủy sản, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, Chi cục Thủy sản...

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất phụ trách chính sách khí hậu, môi trường, việc làm và xã hội tại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: “Trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” triển khai từ năm 2019 đến nay, chúng tôi hợp tác với các bên nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và quản lý nhựa tốt hơn với mục tiêu cuối cùng là giảm rác thải biển và hỗ trợ  các nước đối tác ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á hướng tới nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa với mục tiêu duy trì các nguồn tài nguyên lâu dài. Nhiều tác nhân, trong đó có cộng đồng ngư dân địa phương, nhằm thay đổi nhận thức và hành động. Cách đây vài tháng, tôi cũng thăm cảng cá Dân Phước và ngư dân tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên để hiểu hơn công việc của họ. Điều thực sự ấn tượng là ngư dân đã rất quan tâm tới tác hại của rác thải nhựa trên biển có ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lợi thủy sản và đời sống của chính ngư dân nên họ đã tự nguyện tham gia thu gom rác trên biển để mang về bờ.

    Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) và Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) triển khai bằng nguồn hỗ trợ tài chính của EU và Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ). Dự án hỗ trợ bảy nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, rác thải nhựa và giảm rác thải biển. Tại Việt Nam, Dự án đã được Bộ TN&MT Việt Nam phê duyệt thực hiện từ tháng 5/2019 - 4/2022. Triển khai hợp phần 4 của Dự án, Phú Yên là địa phương thực hiện thí điểm thành công mô hình cộng đồng ngư dân tham gia thu gom rác thải nhựa bằng tàu đánh cá lưới kéo tại cảng cá Dân Phước, thị xã Sông Cầu. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ Cục Hàng hải Việt Nam nâng cao chất lượng quản lý chất thải từ tàu và Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, xây dựng khung pháp lý về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Dự án hỗ trợ cho 4 dự án thí điểm tại Việt Nam và các nghiên cứu như tìm hiểu và đánh giá vai trò của các bên khác nhau trong chuỗi giá trị nhựa trong khuôn khổ triển khai chính sách EPR.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các bài tham luận về quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam; cách ngăn ngừa và quản lý rác thải biển phát sinh từ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, với sự tham gia của ngư dân; hoạt động và kết quả của dự án thí điểm. Đồng thời, các diễn giả cũng đã chia sẻ và nêu các bài học kinh nghiệm của các nước EU trong việc phối hợp triển khai các mô hình thu gom rác thải bằng tàu cá với cộng đồng ngư dân để Việt Nam tham khảo.

    Đánh giá về kết quả Dự án, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên chia sẻ, từ tháng 10/2021 - 31/03/2022, 37 tàu đánh cá lưới kéo đã tham gia tích cực vào Dự án để thu gom và mang 6.272 kg rác thải về cảng, gồm cả rác thải nhựa sử dụng một lần của thủy thủ và rác thải biển, trong đó có 20% là rác thải tái chế. Rác thải thu gom từ đáy biển chủ yếu từ vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) tới Cam Ranh (Khánh Hòa), lưới kéo đáy hoạt động cách bờ từ 6 đến 25 hải lý. Nhờ có Dự án, nhận thức của ngư dân địa phương về công tác BVMT biển được nâng lên; các thuyền trưởng, thuyền viên thay đổi hành vi, tích cực thu gom rác thải.

Rác thải từ biển được ngư dân cảng Dân Phước, thị xã Sông cầu, tỉnh Phú Yên thu gom về nơi chứa rác của cảng để phân loại và xử lý

    Theo ông Nguyễn Tử Cương, Điều phối viên dự án, kết quả của Dự án thí điểm “Thu gom rác thải bằng tàu đánh cá lưới kéo” được triển khai lần đầu tại Việt Nam cho thấy, ngư dân có thể đóng góp hiệu quả vào việc giải quyết vấn đề rác thải biển. Tuy nhiên, Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích để ngư dân tham gia lâu dài vào các hoạt động thu gom rác thải về cảng để rác thải được phân loại. Rác có thể tái chế có thể  bán cho người thu gom phế liệu và rác không thể tái chế sẽ được vận chuyển tới bãi chứa rác.

    Để duy trì các hoạt động thu gom rác thải của các tàu cá thường xuyên, hiện nay, Ban Quản lý (BQL) cảng cá Phú Yên cũng đã thành lập “Đội xung kích ngư dân khai thác thủy sản bằng lưới kéo đáy, kết hợp thu gom rác thải nhựa trên biển”, với sự tham gia tự nguyện của 37 tàu cá, bước đầu đã hình thành phong trào thu gom rác thải biển mang về bờ để xử lý. BQL kiến nghị, Expertise France tại Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhân rộng mô hình này tại các cảng cá Tiên Châu, Đông Tác, Phú Lạc và tại các tỉnh khác, với các loại nghề khai thác như: vây, rê, ngư cụ cố định.... Qua việc thực hiện mô hình thu gom rác tại nhiều vùng biển sẽ góp phần xây dựng bản đồ về mật độ rác tại đáy biển Việt Nam trong thời gian tới.

 Châu Long

Ý kiến của bạn