Banner trang chủ

Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp

13/10/2022

    Nhằm giúp các doanh nghiệp và các bên liên quan cập nhật chính sách của Chính phủ liên quan đến phát thải ròng bằng 0; cũng như nhận diện những cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới; đồng thời, góp phần đưa ra những kiến nghị, giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh, góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại COP 26, ngày 11/10/2022, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng “0” là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam. Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Ngay sau khi Hội nghị ở Glasgow kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng… Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn. Do đó, việc các doanh nghiệp cần làm là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, đặc biệt chuẩn bị về nhân lực có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

    Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đưa ra Lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước theo Luật BVMT năm 2020. Về vấn đề này, PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường chỉ rõ, thị trường các-bon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi. Ông cũng nêu một số kiến nghị nhằm phát triển thị triển thị trường các-bon và sự chủ động tham gia của doanh nghiệp. Thứ nhất, hoàn thiện quy định của pháp luật về phát triển thị trường các-bon. Thứ hai, vai trò chủ động của doanh nghiệp. Thứ ba, sự vào cuộc các bên liên quan. Thứ tư, công tác truyền thông. Thứ năm, sự vào cuộc của chính quyền.

    Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc FiinRatings, đơn vị Việt Nam được tổ chức Trái phiếu khí hậu Quốc tế ủy quyền các nhận trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế, gợi ý việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này trong đó có việc xây dựng các định chế tài chính phát hành trái phiếu xanh để có thể cho vay lại theo các tiêu chí xanh cụ thể của nhà đầu tư.

    Trong khi đó đại diện Ngân hàng Nhà nước, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, điều mà Việt Nam phải làm trước tiên là có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh...

    Cũng tại Hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp đã phân tích những cơ hội và thách thức, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, công nghệ, đào tạo… nhằm góp sức thực thi giảm phát thải khí nhà kính. Một số đại biểu phân tích kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo/công nghệ mới đang giúp các chuỗi sản xuất tiên tiến chuyển mình theo hướng giảm phát thải.

Trần Tân

Ý kiến của bạn