Banner trang chủ

Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong chính sách, hành động bảo vệ môi trường

03/10/2022

    Khung chính sách về bình đẳng giới (BĐG) và BVMT của Việt Nam tương đối đầy đủ, phản ánh đầy đủ các cam kết quốc tế về BĐG và BVMT mà nước ta đã ký. Luật BVMT đã được xây dựng lần đầu năm 1993, sửa đổi năm 2005, 2014 và 2020 nhằm  hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về BVMT. Chiến lược BVMT quốc gia cũng đã được xây dựng và ban hành cho giai đoạn đến năm 2010, 2020 và 2030. Theo đó, vai trò và sự tham gia của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng ngày  càng được quan tâm hơn. Luật BVMT năm 2020 nhấn mạnh “BVMT cần kết hợp với an sinh xã hội, quyền trẻ em, thúc đẩy BĐG và đảm bảo  quyền con người sống trong môi trường sống an toàn và lành mạnh”. Một trong các giải pháp về đổi mới tư duy của các cấp, ngành; nâng cao nhận thức, ý thức BVMT của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân được đưa ra trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “Nâng cao nhận thức về BĐG, quyền trẻ em trong lĩnh vực môi trường; tăng cường vai trò, vị thế của phụ nữ trong BVMT”. Như vậy, có thể thấy các chính sách quan trọng về BVMT hiện nay đã đề cập đến vấn đề giới, BĐG, vai trò và vị thế của người phụ nữ.

Lồng ghép giới trong văn bản định hướng chung của Đảng và Nhà nước

    Vấn đề giới đã được lồng ghép trong chính sách về BVMT với mục tiêu quan trọng là thúc đẩy BĐG trong các hoạt động BVMT và giảm thiểu tác động của ô nhiễm, suy thoái môi trường đến sức khỏe người dân nói chung, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai… nói riêng.

    Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra quan điểm “BVMT phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trong phần III về các giải pháp thực hiện, tại giải pháp thứ nhất “Đổi mới tư duy của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, ý thức BVMT của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân” nêu rõ: “Nâng cao nhận thức về BĐG, quyền trẻ em trong lĩnh vực môi trường; tăng cường vai trò, vị thế của phụ nữ trong BVMT”. Trong 12 Chương trình, kế hoạch và đề án trọng điểm mà Chiến lược đưa ra, xếp ở vị trí đầu tiên là Chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT. Bên cạnh đó, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đưa ra các chỉ tiêu cụ thể liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân nói chung, các nhóm dễ bị tổn thương nói riêng. Ví dụ, chỉ tiêu về Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung, Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch từ các nguồn theo quy chuẩn, Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh…

Vai trò của phụ nữ trong các hành động về BVMT

    Thời gian qua, nhiều chương trình, hoạt động BVMT đã được triển khai thực hiện, trong đó có sự tham gia và giữ vai trò nòng cốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Ví dụ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đã giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, hướng dẫn thực hiện nội dung “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Nội dung này đã được triển khai hiệu quả ở các cấp với lực lượng nòng cốt là chi hội phụ nữ cấp cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều mô hình BVMT cũng được chi hội phụ nữ các cấp phát động, triển khai như: con đường hoa, mô hình thu gom rác thải, mô hình phân loại và xử lý rác thải bằng hố ủ có sử dụng men vi sinh, thu gom tái chế rác thải... Điều này đã khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc thu gom rác thải nói riêng và tham gia hoạt động BVMT nói chung từ cấp cơ sở.

    Tại một số địa phương, nhiều chương trình và phong trào về BVMT do phụ nữ khởi xướng đã triển khai thực hiện và mang lại kết quả tích cực. Ví dụ, tại tỉnh Quảng Ninh, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã được triển khai và duy trì thực hiện tại 177/177 cơ sở và 1.609/1.609 chi hội phụ nữ, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư, làm thay đổi diện mạo các thôn bản, khu phố thêm xanh, sạch, đẹp. Giai đoạn 2016 - 2021, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức trên 35.000 kỳ “Ngày Chủ nhật xanh” với 987.890 lượt người tham gia, đã tổng vệ sinh 25.145 lượt công trình, định kỳ làm sạch 75.215 km đường thôn/khu; duy trì 725 đoạn đường “xanh, sạch, đẹp” do phụ nữ làm nòng cốt; xây dựng 45 ha vườn hoa, chăm sóc 120.000 tuyến đường hoa, bức họa, cây cảnh. Còn tại tỉnh Tiền Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Cai Lậy đã tổ chức Câu lạc bộ "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông", mô hình "Đoạn đường không rác", "Một hố rác - một cây xanh", "Tuyến đường xanh - sạch - đẹp"… Hoạt động của các câu lạc bộ và mô hình được triển khai thường xuyên, thiết thực đã giúp lượng rác thải ra môi trường ngày càng giảm, ý thức BVMT của hội viên, người dân ngày càng nâng cao. Nhiều người dân đã hạn chế sử dụng túi ni lông, thay vào đó ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…

    Như vậy, có thể thấy rằng, đã có nhiều sáng kiến, hành động của phụ nữ tại các địa phương về BVMT. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn (một trong những vấn đề môi trường nổi cộm) mà chưa thể hiện rõ vai trò, vị thế trong việc giải quyết các vấn đề môi trường khác như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều sáng kiến về BVMT ở địa phương chủ yếu được thực hiện thông qua các chương trình quốc gia do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên… hay các dự án khởi xướng mà chưa xuất phát từ thực tiễn của địa phương, do phụ nữ địa phương làm chủ. Các hoạt động đôi khi còn mang tính phong trào, chưa thu hút được nam giới tham gia để giải quyết các vấn đề cụ thể về môi trường nên còn thiếu tính bền vững và chưa huy động được sự tham gia một cách chủ động của cộng đồng.

Một số giải pháp thúc đẩy BĐG trong chính sách, hành động BVMT

    Vấn đề BĐG đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, nỗ lực cải thiện, được lồng ghép trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhưng còn thiếu văn bản, hướng dẫn thi hành chi tiết. Thực tế hiện nay, yêu cầu lồng ghép giới, thúc đẩy BĐG mới chỉ áp dụng đối với văn bản QPPL như Luật, Nghị định mà chưa áp dụng đối với các văn bản chính sách mang tính định hướng như chiến lược, kế hoạch hành động… nên vấn đề giới nói chung, thúc đẩy BĐG nói riêng chưa được xem xét, lồng ghép một cách toàn diện trong chu trình chính sách. Bên cạnh đó, vai trò và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức đại diện cho phụ nữ như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Vụ Bình đẳng giới… trong quá trình xây dựng văn bản QPPL còn hạn chế và thiếu tính liên tục.

    Mặc dù việc lồng ghép giới đã được thực hiện trong một số chính sách, chương trình, kế hoạch về BVMT như quản lý nguồn nước, quản lý chất thải nhưng chủ yếu đề cập đến vai trò của phụ nữ, mà chưa gắn với trách nhiệm của toàn xã hội trong đó có vai trò của nam giới. Các sáng kiến, hành động BVMT do phụ nữ khởi xướng hoặc có sự tham gia của phụ nữ đã được triển khai tại nhiều địa phương trong thời gian qua nhưng chủ yếu tập trung vào quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa, vệ sinh môi trường… mà chưa mở rộng đối với các vấn đề môi trường khác như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, suy giảm đa dạng sinh học… Nhiều sáng kiến chủ yếu do phụ nữ thực hiện cũng chưa huy động được sự tham gia của nam giới nên chưa phát huy được tinh thần, trách nhiệm “chung tay BVMT” đã được đề cập trong nhiều văn bản QPPL.

    Qua thực tiễn xây dựng và thực thi pháp luật tại Việt Nam cho thấy, việc lồng ghép giới vào chính sách, pháp luật nói chung và BVMT nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: (i) Chưa có hướng dẫn thực hiện việc lồng ghép giới vào chính sách, pháp luật nhất quán giữa các cấp, ngành; (ii) Số lượng phụ nữ tham gia các hoạt động quản lý và hoạch định chính sách BVMT tại các cấp, ngành còn hạn chế; (iii) Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chưa chú trọng vấn đề giới, yêu cầu về lồng ghép giới, thúc đẩy BĐG; nhận thức của đội ngũ cán bộ, chuyên gia tham gia xây dựng chính sách, văn bản QPPL về giới và lồng ghép giới còn hạn chế; số liệu phân tách giới liên quan đến ô nhiễm môi trường còn thiếu nên việc nhận biết vấn đề giới gắn với nội dung chính sách, quy định pháp luật về BVMT gặp nhiều trở ngại; (iv) Sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động BVMT thường gắn với phát triển sinh kế ví dụ, thu gom chất thải nên đóng góp của họ về BVMT chưa được đánh giá một cách đầy đủ…

    Để thúc đẩy BĐG nói chung, nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ nói riêng trong hoạt động BVMT cần triển khai đồng thời các giải pháp sau đây:

(1) Nâng cao nhận thức và năng lực cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách về BĐG trong mối liên hệ với BVMT

    Nâng cao nhận thức về giới và năng lực lồng ghép giới trong quá trình hoạch định chính sách là yêu cầu cấp thiết. Cách tiếp cận này sẽ thúc đẩy quá trình vận động chính sách ở các cấp về BVMT gắn với thúc đẩy BĐG, góp phần đạt được các cam kết chính trị, cũng như khả năng huy động nguồn lực cho hoạt động BVMT có tính nhạy cảm về giới. Cần xem lồng ghép giới và bao trùm xã hội vừa là xu thế, vừa là mục tiêu trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình BVMT ở các cấp.

(2) Xây dựng và áp dụng các hướng dẫn kỹ thuật về lồng ghép giới vào chính sách BVMT

Các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT cần nghiên cứu, ban hành hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép giới, thông tin dữ liệu về tác động giới của ô nhiễm, suy thoái môi trường trong quá trình xây dựng chính sách về BVMT để có hướng dẫn thực hiện thống nhất, hiệu quả ở các cấp, ngành.

(3) Thực hiện nghiên cứu về tác động giới của ô nhiễm môi trường theo khu vực, xác định điểm đầu vào để lồng ghép giới trong chính sách liên quan

    Cần thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về tác động giới của ô nhiễm môi trường theo khu vực, xác định những vấn đề giới nổi cộm trong mối liên hệ với suy thoái, ô nhiễm môi trường để cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách bằng chứng cụ thể, số liệu minh chứng để có thể thiết kế và thực hiện các hành động chính sách liên quan về BVMT có tính đáp ứng giới.

(4) Xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình, chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG, vai trò và vị thế của người phụ nữ trong BVMT

    Để thúc đẩy BĐG nói chung, BĐG trong công tác BVMT nói riêng cần triển khai nhiều chương trình, chiến dịch truyền thông về tác động của ô nhiễm, suy thoái môi trường đến giới, mối liên hệ giữa ô nhiễm môi trường và BĐG, vai trò của phụ nữ để giải quyết vấn đề môi trường cụ thể. Bên cạnh đó, cần có chiến dịch truyền thông về sự đóng góp của phụ nữ, chung tay của nam giới trong công tác BVMT, hạn chế chuyển tải các thông điệp BVMT, giữ vệ sinh môi trường sống là công việc của phụ nữ. BĐG là đích đến, nhưng BVMT cần lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân (cả nữ giới và nam giới) làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống. Vì vậy, thông điệp truyền thông cần cụ thể hóa cho từng đối tượng, từng quy mô và cấp độ cũng như gắn với các vấn đề môi trường cụ thể gắn với công tác BVMT ở địa phương để mọi người thấy rõ được quyền lợi, trách nhiệm của mình.

    Bên cạnh đó cũng cần tổ chức các chương trình đào tạo về BVMT cho cán bộ làm công tác giới, cán bộ y tế về những vấn đề môi trường mới nổi, những tác động môi trường liên quan đến sức khỏe sinh sản…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Chủ nghĩa Việt Nam (2018), Rà soát Quốc gia tnguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Luật BVMT.

3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2006), Luật BĐG.

4. Chính phủ Việt Nam (2022), Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

5. Chính phủ Việt Nam (2021), Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030.

6. Thủ tướng Chính phủ (2017), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

7. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Cơ quan Liên hợp quốc về BĐG và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) (2021). Báo cáo đánh giá về BĐG và biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Lồng ghép giới trong chính sách biến đổi khí hậu.

Nguyễn Sỹ Linh, Nguyễn Thị Thu Hà, Vũ Hoàng Thùy Dương

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2022)

Ý kiến của bạn