Banner trang chủ

Đánh giá hiện trạng và đề xuất giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại khu du lịch biển Sầm Sơn

03/11/2021

1. Đặt vấn đề

    Du lịch Việt Nam những năm gần đây đã có những bước phát triển đột phá. Năm 2017, Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt khoảng 22,5%/năm đối với khách du lịch quốc tế và 10,5% đối với khách du lịch nội địa. Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo với bờ biển dài khoảng 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, khu vực biển - đảo thu hút khoảng 70% lượng khách và đóng góp khoảng 60% tổng thu từ khách du lịch.

    Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định 6 ngành kinh tế biển, thứ tự ưu tiên thứ nhất là du lịch và dịch vụ biển. Theo đó, sẽ chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển… với những định hướng trên du lịch biển đảo trong những năm tới sẽ phát triển mạnh mẽ. Khu du lịch biển Sầm Sơn có nhiều bãi biển đẹp, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thời gian tới, với nhiều dự án đầu tư du lịch cao cấp của các tập đoàn lớn như FLC, Sun Group..., dự báo lượng khách du lịch đến Sầm Sơn sẽ có mức tăng trưởng mạnh và kéo theo sự gia tăng chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa (RTN), trong khi đó, hạ tầng xử lý chất thải tại Sầm Sơn lại chưa đáp ứng được.

    Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã đề ra mục tiêu cụ thể: “Phấn đấu đến năm 2025, 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần”.

    Do vậy, việc đề xuất các biện pháp giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các khu du lịch biển nói chung và Sầm Sơn nói riêng có ý nghĩa thực tiễn cao góp phần đạt được mục tiêu đề ra.

2. Phương pháp nghiên cứu

    Trong nghiên cứu, nhóm tác giả đã sử dụng các phương pháp: Phương pháp thu thập tài liệu: Thu thập các thông tin, tư liệu cần thiết trên cơ sở kế thừa các số liệu, công trình nghiên cứu, số liệu điều tra cơ bản đã có để tổng hợp, phân tích phục vụ quá trình đánh giá; Phương pháp khảo sát: Khảo sát thực địa nhằm xác định các nguồn thải (quy mô, tính chất và tác động của nguồn gây ô nhiễm), lượng thải và các loại hình rác thải nhựa tại khu du lịch biển Sầm Sơn; Phương pháp điều tra xã hội học: Điều tra xã hội học để đánh giá lượng phát sinh chất thải nhựa, nhận thức và ứng xử về vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa của các đối tượng gồm: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khách du lịch, cộng đồng địa phương; Phương pháp đánh giá, tổng hợp: Đây là phương pháp quan trọng được thực hiện thông qua kết quả khảo sát thực địa, kết quả phân tích các tài liệu thu thập, báo cáo điều tra xã hội học... để đánh giá thực trạng quy mô, tính chất và tác động nguồn gây ô nhiễm, lượng phát sinh. Trên cơ sở đó xây dựng các biện pháp giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại khu du lịch biển Sầm Sơn.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận về việc đánh giá hoạt động phát sinh RTN

Nguồn phát sinh

    Nguồn phát sinh RTN từ các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại khu, điểm du lịch biển trên cả nước nói chung và Sầm Sơn nói riêng được xác định chủ yếu từ rác thải sinh hoạt từ người dân và hoạt động du lịch. Trong hoạt động du lịch, RTN phát sinh từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch.

a. Nguồn phát sinh RTN từ các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ

* Đối với cơ sở lưu trú: Kết quả đã điều tra 59 cơ sở lưu trú là các khách sạn từ 1 đến 4 sao, trong đó chủ yếu là khách sạn 1 và 2 sao (chiếm 84%), đặc điểm của các khách sạn này thường phục vụ cả ăn uống và lưu trú (chiếm 93,22%).  Tổng số buồng của 59 khách sạn điều tra là 3.578 buồng (trung bình 60 buồng/cơ sở), chiếm 18% tổng số buồng lưu trú tại Sầm Sơn.

    Các sản phẩm nhựa dùng 1 lần của các cơ sở lưu trú sử dụng chủ yếu trong quá trình phục vụ khách du lịch bao gồm: Nước uống đóng chai; túi ni lông đựng rác; dầu gội, sữa tắm; bàn chải đánh răng; tăm bông; mũ ủ tóc; dao cạo; bát, cốc, thìa, ống hút nhựa. Tổng khối lượng RTN vào ngày cao điểm của mỗi buồng lưu trú tại Sầm Sơn được tính toán khoảng 0,35 kg/ngày, đêm. Trong đó, vỏ chai nước (chiếm 32%), bát, cốc thìa ống hút nhựa dùng 1 lần (chiếm 17%) điều này phù hợp với đặc điểm kinh doanh lưu trú gắn với phục vụ ăn uống của các khách sạn tại đây. Bên cạnh đó, các sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng chiếm phần không nhỏ: Vỏ lọ dầu gội, sữa tắm (chiếm 14%); Bàn chải đánh răng (chiếm 14%); Dao cạo dùng 1 lần (chiếm 11%)…

Bảng 1. Khối lượng phát sinh RTN trung bình mỗi buồng lưu trú tại Sầm Sơn

Đơn vị: Kg

Thành phần RTN từ cơ sở lưu trú

 

Vỏ chai nước

Túi ni lông đựng rác

Vỏ lọ dầu gội, sữa tắm

Bàn chải đánh răng

Tăm bông, mũ ủ tóc

Dao cạo dùng 1 lần

Bát, cốc, thìa, ống hút nhựa dùng một lần

Khối lượng phát sinh

0,11

0,03

0,05

0,05

0,01

0,04

0,06

Tỷ lệ %

31,43%

8,57%

14,29%

14,29%

2,86%

11,43%

17,14%

(Nguồn: Kết quả điều tra và tính toán của nhóm tác giả)

* Đối với cơ sở ăn uống: Kết quả điều tra 44 cơ sở ăn uống phục vụ khách du lịch, chủ yếu là các cơ sở đã hoạt động trên 5 năm (chiếm 70%). Các sản phẩm nhựa dùng 1 lần của các cơ sở ăn uống sử dụng chủ yếu trong quá trình phục vụ khách du lịch bao gồm: Nước uống đóng chai; túi ni lông đựng rác; bao bì đựng đồ ăn làm từ nhựa; bát, cốc, thìa, ống hút nhựa. Tổng khối lượng RTN vào ngày cao điểm của mỗi bàn ăn uống (6 khách) tại Sầm Sơn được tính toán khoảng 0,286 kg. Trong đó, RTN phát sinh chủ yếu là vỏ chai nước (chiếm 53%), bát, cốc thìa ống hút nhựa dùng 1 lần (chiếm 27%); bao bì đựng đồ ăn làm từ nhựa (chiếm 12%) và túi ni lông đựng rác (chiếm 8%).

Bảng 2. Khối lượng phát sinh RTN trung bình của mỗi bàn ăn phục vụ khách du lịch tại Sầm Sơn

Đơn vị: Kg

 

Thành phần RTN từ cơ sở ăn uống

Tổng cộng

Vỏ nước uống đóng chai

Túi ni lông đựng rác

Bao bì đựng đồ ăn làm từ nhựa

Bát, cốc, thìa, ống hút nhựa dùng một lần

Khối lượng phát sinh/1 bàn ăn

0.152

0.022

0.034

0.078

0.286

Tỷ lệ %

53.15%

7.69%

11.89%

27.27%

100%

(Nguồn: Kết quả điều tra và tính toán của nhóm tác giả)

b. Nguồn phát sinh RTN từ khách du lịch

    Trong số 302 khách du lịch đã điều tra đến tham quan Sầm Sơn, đa số du khách điều tra đến từ các tỉnh phía Bắc Việt Nam và đã đến Sầm Sơn từ 2 lần trở lên (chiếm 81,32%), với mục đích chính là nghỉ dưỡng và tắm biển, tỷ lệ lưu trú chiếm 90%. Khách du lịch thường mang theo nước uống đóng chai; đồ ăn đóng gói bằng ni lông (bánh, kẹo, sữa, bim bim, mì gói…) và túi ni lông đựng đồ dùng khi đi du lịch tại Sầm Sơn. Trong quá trình lưu trú, khách du lịch có sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần trang bị sẵn tại khách sạn như: Nước uống đóng chai; dầu gội đầu, sữa tắm, xà bông rửa tay; bàn chải đánh răng; dao cạo… Bên cạnh đó, trong quá trình ăn uống, vui chơi giải trí khách du lịch còn sử dụng nước uống đóng chai; bát, đũa, cốc uống nước, ống hút bằng nhựa dùng một lần; túi ni lông đựng đồ ăn, đồ uống và đồ mua về…

    Trong quá trình đi du lịch tại Sầm Sơn, trung bình mỗi khách du lịch thải ra 0,38 kg RTN/ngày, đêm, trong đó chủ yếu là vỏ đồ ăn, đồ uống (chiếm 34,17%); vỏ chai nước uống chiếm 23,44%; các đồ dùng chăm sóc cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần trong khách sạn chiếm 21,30%; bát đũa, cốc uống nước, ống hút nhựa chiếm 14,20%; túi ni lông chiếm 6,89%.

Bảng 3. Khối lượng và thành phần RTN khách du lịch thải ra khi đi du lịch tại Sầm Sơn

Đơn vị: Kg

 

Vỏ chai nước uống

Túi ni lông

Vỏ đồ ăn, đồ uống

Vỏ lọ dầu gội, ủ tóc, dao cạo, bàn chải…

Bát, đũa, cốc uống nước, ống hút bằng nhựa dùng một lần

Tổng cộng

Trung bình 1 khách/ngày, đêm

0,089

0,026

0,130

0,081

0,054

0,38

Tỷ lệ (%)

23,44%

6,89%

34,17%

21,30%

14,20%

100%

(Nguồn: Kết quả điều tra và tính toán của nhóm tác giả)

    Như vậy, tính thêm lượng túi ni lông đựng rác và bao bì đựng đồ ăn làm từ nhựa phát sinh từ các cơ sở ăn uống và lưu trú sử dụng trong quá trình phục vụ khách du lịch, RTN từ sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy của hoạt động du lịch tại Sầm Sơn có thể quy đổi theo số lượt khách du lịch, ước tính mỗi lượt khách du lịch lưu trú thải ra xấp xỉ 0,4 kg RTN/ngày, đêm. Lượng thải này đã bao gồm lượng thải từ hoạt động lưu trú, ăn uống và vui chơi, giải trí của khách du lịch.

c. Nguồn phát sinh RTN từ người dân địa phương

    Kết quả điều tra 108 hộ gia đình với tổng số nhân khẩu là 382 người cho thấy, các sản phẩm nhựa dùng 1 lần chủ yếu được dùng trong sinh hoạt hằng ngày của hộ gia đình bao gồm: Túi ni lông đựng đồ; nước uống đóng chai; bao bì đóng gói đồ ăn, đồ dùng... Tổng lượng phát sinh RTN trong một ngày của mỗi người dân khoảng 0,13kg/ngày, đêm, trong đó, chủ yếu từ bao bì đóng các đồ ăn, đồ dùng và các sản phẩm làm từ nhựa khác (chiếm 80,81%); túi ni lông đựng đồ (chiếm 11,72%) và vỏ nước uống đóng chai (chiếm 7,47%).

Bảng 4. Khối lượng phát sinh RTN trung bình một ngày của mỗi người dân tại khu du lịch biển Sầm Sơn

Đơn vị: Kg/ngày.đêm

Sản phẩm nhựa

Thành phần RTN từ các hộ gia đình

Tổng cộng

Túi ni lông đựng đồ

Nước uống đóng chai

Bao bì đóng gói đồ ăn, đồ dùng và các sản phẩm làm từ nhựa khác

Trung bình một người dân

0,015

0,010

0,105

0,130

Tỷ lệ %

11,72%

7,47%

80,81%

100%

(Nguồn: Kết quả điều tra và tính toán của nhóm tác giả)

    Quy mô, tính chất các nguồn phát sinh RTN từ đất liền của khu du lịch biển Sầm Sơn

a. Đối với thời điểm chưa chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19

    Theo báo cáo của Công ty CP môi trường đô thị và dịch vụ du lịch Sầm Sơn, năm 2019 khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trung bình mỗi ngày tại Sầm Sơn với khoảng 105 tấn/ngày, đêm, Trong đó, RTN chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày, đêm. Rác thải sinh hoạt trên địa bàn Sầm Sơn phát sinh từ 2 nguồn chính là hoạt động dân sinh và hoạt động du lịch; còn lại là các nguồn khác.

    Đối với hoạt động du lịch: Năm 2019 được xác định là năm Sầm Sơn đón được nhiều khách du lịch nhất từ trước đến nay, với 4.950.000 lượt khách lưu trú (khách quốc tế 37.800 lượt, khách nội địa 4.912.200 lượt), ngày lưu trú trung bình là 1,97 ngày, tương đương với 26.716 lượt khách lưu trú/ngày. Theo số liệu điều tra và tính toán, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch được quy đổi về mỗi khách du lịch là 0,4 kg RTN/ngày. Theo đó, hoạt động du lịch thải ra 10,69 tấn RTN/ngày, đêm.

    Đối với hoạt động dân sinh: Theo số liệu điều tra, mỗi người dân trung bình thải ra 0,13 kg RTN/ngày, đêm, năm 2019, tổng số dân tại Sầm Sơn là 108.320 người. Theo đó, hoạt động dân sinh thải ra 14,08 tấn/ngày, đêm.

    Như vậy, xét về quy mô và tính chất các nguồn phát sinh RTN tại khu du lịch biển Sầm Sơn khi chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19:

    Nguồn phát sinh từ hoạt động dân sinh có quy mô lớn nhất, chiếm 55,87% khối lượng RTN thải ra mỗi ngày. Mặc dù lượng phát sinh RTN trung bình của mỗi người dân so với một số khu du lịch biển trên cả nước như Đà Nẵng: 0,17kg RTN/ngày, đêm; Phú Yên: 0,15kg RTN/ngày, đêm; Rạch Giá (Kiên Giang): 0,134kg RTN/ngày, đêm… không lớn, nhưng đây nguồn phát sinh thường xuyên.

    Nguồn phát sinh từ hoạt động du lịch có quy mô lớn thứ 2, chiếm 42,42%. Đặc điểm của nguồn thải này tập trung vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 8. Dịch vụ du lịch tại Sầm Sơn còn mang tính “bình dân” do vậy, các sở sở kinh doanh du lịch tại đây vẫn còn sử dụng nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong quá trình phục vụ khách du lịch.

    Các nguồn phát sinh khác được xác định từ các cơ quan, nơi công cộng và trên bãi biển… chiếm khoảng 1,71% tổng lượng RTN tại Sầm Sơn.

b. Đối với thời điểm hiện tại (chịu tác động của dịch bệnh COVID - 19)

    Năm 2020 và 2021, ngành du lịch Việt Nam nói chung và tại Sầm Sơn nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến Sầm Sơn giảm mạnh, theo đó lượng phát sinh CTR trong đó có RTN tại Sầm Sơn cũng được giảm đáng kể. Năm 2020, Sầm Sơn phục vụ được 5.900.000 ngày khách, tương đương với 16.164 lượt khách lưu trú/ngày. Theo đó, lượng RTN từ hoạt động du lịch khoảng 6,46 tấn RTN/ngày, đêm. Dân số năm 2020 của Sầm Sơn ước tính khoảng 120.000 người, theo đó lượng RTN thải ra mỗi ngày từ hoạt động dân sinh khoảng 15,6 tấn/ngày, đêm, gấp 2,41 lần lượng RTN phát sinh từ hoạt động du lịch. Như vậy, so với năm 2019, lượng RTN từ hoạt động du lịch đã giảm 4,23 tấn/ngày, đêm, tương đương với 1.544 tấn/năm. Đây là thời điểm thuận lợi để thực hiện biện pháp phục hồi cảnh quan và các thành phần môi trường tự nhiên tại khu du lịch biển Sầm Sơn.

Các loại hình rác thải nhựa tại khu du lịch biển Sầm Sơn

    Trên cơ sở phân tích, đánh giá quy mô, tính chất, đặc điểm các nguồn thải và khối lượng thải có thể xác định các loại hình rác thải nhựa từ sản phẩn nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy phát sinh bởi các nguồn thải trên đất liền tại khu du lịch biển Sầm Sơn theo Bảng 5.

Bảng 5. Tổng hợp các loại hình RTN chủ yến tại khu du lịch biển Sầm Sơn

STT

Loại rác thải nhựa

Nguồn phát sinh

Tỷ trọng (*)

1

Túi ni lông khó phân hủy

- Cộng đồng địa phương

- Hoạt động du lịch

- Hoạt động khác

9,62%

2

Vỏ chai nước nhựa

- Cộng đồng địa phương

- Hoạt động du lịch

- Hoạt động khác

14,1%

3

Vỏ chai đựng dầu gội, sữa tắm, dao cạo, mũ ủ tóc, tăm bông… dùng một lần

Hoạt động du lịch

9,03%

4

Vỏ đựng đồ ăn, đồ uống (vỏ bánh, kẹo, bim bim, thực phẩm đóng gói…) và vỏ bao bì có nguồn gốc từ nhựa khác.

- Cộng đồng địa phương

- Hoạt động du lịch

- Hoạt động khác

59,52%

5

Bát, đũa, thìa, cốc, ống hút dùng một lần

- Hoạt động du lịch

- Cộng đồng địa phương

6,02%

6

Khác

Các nguồn thải

1,71%

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra, đánh giá của nhóm tác giả)

Ghi chú: (*) Tỷ trọng của mỗi loại RTN so với tổng lượng RTN của Sầm Sơn năm 2019

    Như vậy, RTN gồm vỏ đựng đồ ăn, đồ uống như vỏ bánh, kẹo, bim bim, thực phẩm đóng gói… và các vỏ bao bì có nguồn gốc từ nhựa khác là loại hình RTN chủ yếu tại Sầm Sơn, chiếm 59,52%. RTN đặc trưng riêng cho hoạt động du lịch là các sản phẩm chăm sóc cá nhân dùng một lần được trang bị trong khách sạn như: Vỏ chai đựng dầu gội, sữa tắm, dao cạo, mũ ủ tóc, tăm bông… chiếm khoảng 9,03%. Các loại hình RTN khác: Vỏ chai nước nhựa, chiếm 14,1%; Túi ni lông khó phân hủy chiếm 9,62%; Bát, đũa, thìa, cốc, ống hút dùng một lần chiếm 6,02%. Bên cạnh đó, còn nhiều loại hình RTN sinh hoạt tổng hợp khác phát sinh từ các hoạt động khác chiếm khoảng 1,71%.

4. Khuyến nghị một số giải pháp giảm thiểu giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy

a. Biện pháp chung

    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BVMT và giảm thiểu RTN nhằm kịp thời phát hiện và có chế tài xử phạt thích hợp đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ vi phạm.

    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi trong tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ.

    Thực hiện phân loại CTR tại nguồn, đặc biệt là RTN; tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế các sản phẩm nhựa để thu hồi năng lượng và giảm áp lực cho môi trường, đồng thời ngăn chặn RTN thoát ra biển. Việc phân loại RTN tại nguồn cũng góp phần kiểm kê và đánh giá mức phát sinh và thành phần RTN của cơ sở, từ đó có những biện pháp kịp thời để điều chỉnh, giảm thiểu.

    Xây dựng quy định, bộ quy tắc ứng xử với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động du lịch tại khu du lịch biển Sầm Sơn. Các quy định trên có thể lồng ghép vào nội quy chung của các cơ sở.

b. Biện pháp cụ thể

* Đối với cơ sở lưu trú:

    Biện pháp hiệu quả nhất chính là thay thế toàn bộ sản phẩm chăm sóc cá nhân được làm từ sản phẩm nhựa dùng một lần như chai đựng dầu gội, sữa tắm, sữa rửa tay, bàn chải đánh răng, lược… để phục vụ khách du lịch lưu trú trong khách sạn bằng các sản phẩm có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Biện pháp này yêu cầu đầu tư ban đầu cao hơn, tuy nhiên sử dụng được trong thời gian dài, mặt khác còn tạo sự sang trọng trong các buồng lưu trú.

    Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích khách du lịch mang theo đồ chăm sóc và chai nước cá nhân thông qua việc tặng quà, tích điểm hoặc giảm giá thuê phòng nhằm hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong quá trình lưu trú của khách du lịch.

* Đối với cơ sở ăn uống:

    Không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần (bát, đũa, cốc, thìa, ống hút, hộp xốp…), khăn ướt đóng gói, túi lông khó phân hủy; hạn chế phục vụ nước uống đóng chai nhựa trong quá trình phục vụ ăn uống cho khách du lịch.

    Yêu cầu các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm, đồ uống cho các cơ sở ăn uống sử dụng bao bì thân thiện với môi trường để đóng gói các sản phẩm và yêu cầu thực hiện trách nhiệm hiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

    Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tối đa hoạt động bán hàng lưu động, cửa hàng bán đồ ăn nhanh cho khách mang đi. Khuyến khích các cơ sở này sử dụng bao bì thân thiện với môi trường để gói đựng đồ ăn, đồ uống cho khách du lịch.

* Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác

    Đối tượng này bao gồm dịch vụ bán hàng lưu niệm, dịch vụ xe điện và một số dịch vụ nhỏ lẻ khác (bán hàng rong, chụp ảnh lưu niệm, cho thuê phao bơi…). Đây là đối tượng phát sinh ít, tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng phát sinh không kiểm soát và gây thất thoát RTN ra đại dương. Do vậy cần có những biện pháp giám sát việc thực hiện các quy định như bỏ rác đúng nơi quy định; sử dụng bao bì thân thiện với môi trường trong quá trình bán hàng phục vụ khách du lịch.

    Tóm lại, để giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại Sầm Sơn cần có sự tham gia của các bên liên quan và thực hiện đồng bộ các biện pháp chung cùng các biện pháp cụ thể, đặc biệt đối với lĩnh vực du lịch.

TS. Trương Sỹ Vinh, ThS. Nguyễn Thùy Vân

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Viện Chiến lược chính sách TN&MT IUCN (2021), Ô nhiễm vi nhựa: Nghiên cứu điển hình tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.

2. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2020), Đánh giá sức chịu tải môi trường của một số khu, điểm du lịch, di tích quốc gia tại Việt Nam.

3. WWF - Việt Nam (2019), Cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa, Bộ thông tin về quản lý rác thải nhựa tại Đà Nẵng.

4. WWF - Việt Nam (2019), Cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa, Bộ thông tin về quản lý rác thải nhựa tại Phú Yên.

5. WWF - Việt Nam (2019), Cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa, Bộ thông tin về quản lý rác thải nhựa tại Rạch Giá.

6. WWW - Việt Nam (2019), Cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa, Bộ thông tin về quản lý rác thải nhựa tại Phú Quốc.

7. UBND Thành phố Sầm Sơn (2017), "Thuyết minh tổng hợp Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040".

 

Ý kiến của bạn