Banner trang chủ

Biến bùn thải thành đất sạch và khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

28/10/2021

    Bước ra từ Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sinh viên toàn quốc do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức năm 2017, Nguyễn Hữu Huy Hào đã vinh dự đạt được Giải Nhì với nghiên cứu biến bùn thải thành đất sạch, vừa có ích cho cây trồng, vừa góp phần BVMT. Năm 2018, chàng trai 9X tiếp tục mạnh dạn khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với mô hình trồng dưa lưới hữu cơ trong nhà kính. Điểm nhấn của mô hình chính là việc nghiên cứu và thử nghiệm thành công các giống dưa mới phù hợp với thổ nhưỡng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Biến bùn thải thành đất sạch có ích cho cây trồng

    Nguyễn Hữu Huy Hào sinh năm 1995, sinh ra và lớn lên ở Cà Mau, nơi có nhiều công ty chế biến thủy, hải sản hoạt động. Chứng kiến việc các công ty xả thải khiến nhiều dòng sông, kênh, rạch bị tích tụ bùn thải trong thời gian dài, tác động đến môi trường nước, Huy Hào đã quyết định theo học ngành xử lý môi trường, trường Đại học Cần Thơ. Năm 2016, trong một buổi thực nghiệm tại trường, được tiếp thu nhiều thông tin bổ ích về cách xử lý nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản và nhận thấy bùn thải sau xử lý vẫn có ích cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, vì vậy, Hào đã lên ý tưởng rồi kêu gọi sự giúp đỡ từ bạn Phan Hồng Mức (chuyên ngành Kinh tế, trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ) cùng nghiên cứu giải pháp biến bùn thải thành bùn vi sinh. Hào cùng Hồng Mức tìm đến các thầy cô trình bày ý tưởng, nhờ hướng dẫn kỹ hơn về cách thức xử lý bùn. Được thầy cô ủng hộ, phân tích bùn thải từ các nhà máy chế biến hải sản chứa rất nhiều hữu cơ và hoàn toàn không có hóa chất hoặc kim loại nặng, nếu xử lý đúng quy trình, đây sẽ là lượng phân bón rất tốt cho cây trồng, khiến hai bạn sinh viên trẻ càng có thêm động lực thực hiện.

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm NaTa

trong Chương trình gặp gỡ, đối thoại với nông dân lần thứ 2, tổ chức ngày 10/12/2019 tại TP. Cần Thơ

    Quy trình biến bùn thải thành đất sạch trải qua ba giai đoạn, gồm tách nước lấy bùn khô; khử UV; Bổ sung thêm một số thành phần phối trộn để cho ra bùn vi sinh phù hợp với từng loại cây trồng. Nhờ sự tư vấn, giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô từ khâu phác thảo quy trình, phân tích mẫu bùn thu về từ nhà máy, đến so sánh với các thành phần của bùn vi sinh sau xử lý… năm 2017, Huy Hào và Hồng Mức đã thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Bùn thải được thu mua từ các công ty chế biến tôm có chứa đầu, vỏ, chỉ tôm... sau khi xử lý thành đất trồng, hoàn toàn chứa chất dinh dưỡng là hữu cơ, ngoài việc giúp tăng trưởng tốt cho cây trồng, còn giúp khôi phục dinh dưỡng cho những vùng đất bạc màu. Trên cơ sở đánh giá thể hiện bằng chỉ số phân tích của các chuyên gia Trường Đại học Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, sản phẩm đất sạch từ bùn thải của hai bạn đã giảm được tối đa mức độ độc hại từ nước thải chứa hàm lượng các chất hữu cơ, vô cơ, các loại vi khuẩn, virus, động vật nguyên sinh gây hại cho môi trường cũng như sức khỏe con người. Hơn nữa, hàm lượng hữu cơ trong đất sạch ngang với phân bón, đảm bảo an toàn cho hệ sinh thái phát triển, tránh tác động gây ô nhiễm môi trường nước mặt và nước ngầm, đặc biệt là tạo nguồn thu từ phụ phẩm của quá trình xử lý nước thải, vì vậy, nhà vườn không cần sử dụng thêm phân bón hoặc các loại hóa chất bảo vệ thực vật khác, rất thân thiện với môi trường, lại tiết kiệm thời gian và 30% lượng nước tưới so với sản phẩm đất sạch khác. Cũng trong năm 2017, nhóm đã tung ra thị trường sản phẩm đất sạch hữu cơ NaTa, rồi có các đại lý ủy quyền. Ban đầu, doanh thu chỉ ở mức 40 - 50 triệu đồng/tháng, những tháng cuối năm 2017, doanh thu đã đạt 60 - 70 triệu đồng/tháng (tính riêng bán sản phẩm sau chế biến). Năm 2018, Hào tiếp tục phát triển khu sản xuất 2.000 m2, chuyên sản xuất đất sạch hữu cơ NaTa và xử lý bùn thải; đồng thời, thành lập Công ty TNHH Xử lý môi trường Nguyễn Trần, chuyên xử lý bùn thải thành đất sạch hoặc phân bón. Công ty của Hào đã liên kết với nhiều doanh nghiệp thủy sản tại Cà Mau vì nơi đây có lượng bùn thải ổn định để làm nguồn nguyên liệu đầu vào. Thời điểm này, sản phẩm đất sạch hữu cơ NaTa cũng được nhiều cơ quan chức năng tại Cần Thơ hỗ trợ quảng bá nên lượng khách hàng luôn ổn định. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Hào chuyển hướng sang bán cho các nông trại với giá ưu đãi hơn nhưng tiêu thụ được số lượng lớn nên thời gian qua, đất sạch của Công ty vẫn được phân phối đều đặn. Đến nay, hệ thống đại lý bán lẻ và nhà phân phối NaTa có mặt khắp các tỉnh, thành phố phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long… Trung bình mỗi tháng, Công ty bán ra thị trường từ 20 - 30 tấn đất hữu cơ khô và đất trồng.

Đất sạch hữu cơ NaTa được sản xuất từ bùn thải, vừa có ích cho cây trồng, vừa góp phần BVMT

    Tiên phong làm nông nghiệp CNC trên vùng đất nhiễm phèn, mặn

    Trên nền tảng sản phẩm đất sạch hữu cơ NaTa, Huy Hào mạnh dạn “lấn sân” sang lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC. Hào xây dựng nhà kính và trồng dưa lưới ngay tại vùng đất nhiễm phèn, mặn, biên độ nhiệt cao, không ổn định, khởi điểm từ Cà Mau rồi phát triển sang nhiều tỉnh, thành khác như Hậu Giang, Bạc Liêu, TP. Cần Thơ… Tính đến thời điểm hiện tại, Hào đã có 40 trang trại trồng dưa lưới ở các tỉnh, mỗi trang trại rộng 500 m2, riêng tại TP. Cần Thơ, Hào đang trồng dưa lưới tại 3 nhà kính, tổng diện tích 3.000 m2. Trung bình mỗi tháng, các trang trại cho thu hoạch từ 10 - 12 tấn dưa, không chỉ đáp ứng nhu cầu ở địa phương, phân phối tại hệ thống các siêu thị khu vực miền Nam như Co.opMart, Co.opFood, mà còn xuất khẩu sang Malaixia, Singapo, Nhật Bản... lợi nhuận thu về trên 2 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, với giống dưa nhập khẩu từ Nhật, Hào đã mày mò nghiên cứu và phối hợp cùng bạn bè, các chuyên gia để lai tạo thành công 2 giống dưa mới: DeHa vỏ xanh, ruột cam và dưa lưới trắng HaVu (dưa lưới Bạch Tuyết), có trọng lượng từ 2 - 5 kg/quả, mẫu mã đẹp, giòn, ngọt; thời gian canh tác chỉ 75 ngày, lại phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất nhiễm phèn, mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ khâu chăm sóc dưa lưới tại trang trại đều thực hiện theo quy trình khép kín, sử dụng đất sạch, bón phân hữu cơ. Khi thụ phấn bằng ong, bã ong được tận dụng để tạo dinh dưỡng cho cây. Lá và thân cây sau khi vệ sinh nhà trại cũng được tận dụng, kết hợp với vỏ tôm để tạo ra đất trồng. Sau vụ dưa giống DeHa đầu tiên trồng thử nghiệm thành công, Hào đã trồng lứa dưa thứ 2, với tổng số 6.000 dây dưa DeHa vỏ xanh, ruột cam và 4.500 dây dưa lưới trắng HaVu, ra mắt thị trường vào cuối tháng 9/2021.

Huy Hào bên nhà trại trồng dưa lưới CNC trên nền tảng đất sạch NaTa

    Thành công với mô hình dưa lưới, Huy Hào có thêm động lực để tiên phong thử nghiệm và trồng thêm các loài cây mới ở Cà Mau như ớt chuông, dâu tây… Hiện Hào đang phát triển một khu ở xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau, chuyên nghiên cứu trồng các loại cây độc, lạ, lần đầu xuất hiện ở địa phương. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh, hiệu quả, Hào còn xây dựng mô hình nông trại kết hợp du lịch sinh thái, thu hút khách tham quan trực tiếp thu mua sản phẩm ngay tại vườn, nên thường chỉ sau vài ngày, trái cây trong trang trại đã được tiêu thụ hết. Hào chia sẻ “Việc thử nghiệm thành công mô hình dưa lưới, dâu tây là minh chứng rõ nhất về chất lượng cũng như hiệu quả của đất sạch hữu cơ NaTa với nhiều loại cây trồng, điều kiện vùng miền, từ đó tạo niềm tin, thuyết phục khách hàng yên tâm sử dụng sản phẩm đất sạch hữu cơ và nông sản của chúng tôi”. Trải qua nhiều năm gây dựng và nỗ lực không ngừng, Huy Hào đã gặt hái nhiều thành quả khi sáng lập và điều hành 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH xử lý môi trường Nguyễn Trần, chuyên xử lý dịch vụ bùn thải cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất tôm tại Cà Mau; Công ty TNHH tổ thức sự kiện Tám Hồng; Công ty đất sạch hữu cơ NaTa. Trong lĩnh vực nông nghiệp CNC, hiện gia đình Hào đã xây dựng được hệ thống nông trại Cà Mau Farm gồm 6 nhà trại nông nghiệp CNC. Nhiều trang trại cũng đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành khác: TP. Cần Thơ có 3 nhà trại và 1 nhà thí nghiệm; tại Bạc Liêu đang xây dựng 2 nhà trại, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương lẫn thời vụ, thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Từ những kết quả trên, Dự án Biến bùn thải từ các nhà máy sản xuất thủy sản thành đất sạch của Huy Hào đã đoạt Giải Nhất Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” nằm trong Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan. Đồng thời Hào cũng vinh dự được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI; được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2020 cùng nhiều thành tích khác.

    Có thể thấy, thành công của chàng trai 9X đến từ quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc và chắc chắn, như phương châm Hào đưa ra: “Làm giàu trên chính quê hương mình, cống hiến cho cộng đồng là khát vọng mà bản thân luôn theo đuổi”.

Lê Ngọc - Gia Linh

Liên hiệp hội Thanh niên Việt Nam

 

 

 

Ý kiến của bạn