Banner trang chủ

Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD): Một thập kỷ đồng hành cùng cộng đồng dân cư ven biển

15/09/2015

     Với mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái biển và cải thiện đời sống của cộng đồng ven biển, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) triển khai nhiều mô hình phát triển bền vững. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm MCD về vấn đề này.   Bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm MCD phát biểu tại Hội nghị        Xin bà cho biết, một số kết quả nổi bật của MCD trong 10 năm hình thành và phát triển?      MCD là một tổ chức phi chính phủ trong nước, được thành lập từ năm 2003 với mục tiêu phát triển hài hòa nhu cầu của cộng đồng ven biển với gìn giữ môi trường biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong 10 năm qua, MCD không ngừng tăng cường năng lực và hỗ trợ cộng đồng địa phương tham gia BVMT, sử dụng và quản lý bền vững nguồn lợi biển để cải thiện đời sống, đồng thời hỗ trợ tác động chính sách quản lý TN&MT vùng ven biển ở các cấp.      MCD đã góp phần vào tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước, hướng tới sự phát triển bền vững vùng ven biển và hải đảo. Những đóng góp tích cực đó được các cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương đánh giá cao.      Địa bàn hoạt động của MCD là các vùng có cộng đồng nghèo sinh sống trong và quanh các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu bảo tồn biển và khu dự trữ sinh quyển có (DTSQ) yếu tố biển theo định hướng ưu tiên tầm quốc gia. Với đội ngũ nòng cốt gần 30 cán bộ chuyên môn, các nhà cố vấn giàu kinh nghiệm, các nhà tài trợ quốc tế, các đối tác trong và ngoài nước và hệ thống tình nguyện viên từ nhiều quốc gia trên thế giới, MCD đã và đang triển khai các mô hình và tư vấn kỹ thuật về quản lý tài nguyên ven biển, cải thiện sinh kế cộng đồng thích ứng BĐKH.      Ngoài việc tăng cường năng lực và hỗ trợ cộng đồng địa phương tham gia BVMT, sử dụng và quản lý bền vững nguồn lợi biển… MCD đã có đề xuất, góp ý gì cải thiện chính sách cho người dân ven biển, thưa bà?      MCD là cầu nối giữa các cơ quan Chính phủ và cộng đồng ven biển, hỗ trợ đóng góp cải thiện chính sách đảm bảo sự tham gia, nhu cầu và lợi ích của người dân và các bên liên quan trong quản lý tài nguyên ven biển và phát triển sinh kế hài hòa với mục tiêu bảo tồn và phát triển. Năm 2013, MCD đã thành công trong việc thúc đẩy cách tiếp cận Khu DTSQ tại Việt Nam thông qua tăng cường năng lực, xây dựng quy chế phối hợp quản lý bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng (đã được UNESCO phê duyệt) và đang trong quá trình lồng ghép thích ứng BĐKH/Giảm thiểu rủi ro thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã. MCD đã bước đầu thử nghiệm công cụ đánh giá rủi so sinh thái (ERA/TRIAD) tại Khu DTSQ Cát Bà và khuyến nghị áp dụng công cụ này trong công tác quản lý tài nguyên bền vững. Năm 2012, MCD đã góp phần xây dựng các khuyến nghị về phát triển bền vững nghề cá quy mô nhỏ ở Việt Nam tăng cường quản lý có sự tham gia của các tổ chức xã hội (Hội nghề cá và các tổ chức cộng đồng) và lồng ghép báo cáo khu vực trong quá trình xây dựng hướng dẫn nghề cá quy mô nhỏ do tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) xây dựng.      Tình nguyên viện Trung tâm MCD làm sạch bờ biển        Gần đây, MCD đã khởi xướng Chương trình “Hải Đăng Xanh - Thanh niên xung kích ứng phó BĐKH vùng biển đảo”, xin bà cho biết ý nghĩa của Chương trình này?      Chương trình “Hải Đăng Xanh - Thanh niên xung kích ứng phó BĐKH vùng biển đảo” nhằm mục tiêu thu hút các bạn thanh nhiên, sinh viên và tình nguyện viên tham gia truyền thông về BĐKH và tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng ven biển. Chương trình bắt đầu năm 2013 và sẽ kéo dài đến năm 2014, cho đến nay đã huy động được sự tham gia của 25 tình nguyên viên  Hải Đăng Xanh và 30 cộng đồng ưu tú. Với mục tiêu đẩy mạnh vai trò xã hội hóa về công tác BVMT nói chung và ứng phó BĐKH tại các vùng ven biển đảo Việt Nam nói riêng, MCD là cầu nối tạo cơ hội cho các bạn trẻ và thanh niên cùng tham gia, trao đổi và truyền tải các thông tin, kiến thức cho các nhóm mục tiêu hưởng lợi là các nhóm cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương trước BĐKH. MCD tin rằng, với sự phối kết hợp của các tổ chức, các đơn vị quan tâm (đặc biệt các cơ quan báo chí và truyền thông) tới các vấn đề về môi trường, BĐKH và sự phát triển của cộng đồng ven biển, Chương trình Hải Đăng Xanh sẽ có sức lan tỏa rộng và trở thành chương trình tiêu biểu dành cho thanh niên Việt Nam trong các hoạt động mang tính sáng tạo vì môi trường, BĐKH và phát triển bền vững cộng đồng ven biển.      Được biết, MCD phấn đấu tới năm 2015 trở thành một tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực kết hợp tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên và cải thiện đời sống cộng đồng vùng ven biển, vậy MCD đã làm gì để đạt được mục tiêu trên, thưa bà?      MCD đã xây dựng chiến lược hoạt động của tổ chức trong giai đoạn (2010 - 2015) và tầm nhìn với các hoạt động can thiệp tập trung các khu vực đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung và mở rộng đồng bằng sông Mê Công. MCD duy trì cách tiếp cận mang tính tổng hợp, dựa trên các kinh nghiệm của quốc tế và Việt Nam, chia sẻ và nhân rộng các sáng kiến và mô hình thực tiễn ở trong nước và khu vực, xây dựng các mạng lưới hợp tác, trong đó có các tổ chức xã hội dân sự, mở rộng quan hệ hợp tác đối tác với các tổ chức chính phủ, cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ trẻ. Bên  cạnh đó, MCD nỗ lực tìm các sáng kiến và ý tưởng mới trong lĩnh vực phát triển sinh kế và quản lý tài nguyên trong bối cảnh ứng phó BĐKH và các vấn đề xã hội quan tâm, hoàn thiện các mô hình phát triển sinh kế và quản lý tài nguyên, tài liệu hóa kinh nghiệm và bài học nhằm chia sẻ và nhân rộng các khu vực ven biển khác.      Xin cảm ơn bà!         Phạm Đức Trí (Thực hiện) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013      
Ý kiến của bạn