Banner trang chủ

Ô nhiễm môi trường làng nghề Vĩnh Phúc: Thực trạng và các giải pháp

15/09/2015

     Trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn coi việc phát triển làng nghề là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó chính sách phục hồi phát triển làng nghề truyền thống và làng có nghề nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 77 làng nghề, trong đó 22 làng nghề được công nhận, 55 làng nghề và làng có nghề mới, với 12 nhóm nghề: mộc, mây tre đan, rèn kim khí, đá, chế biến bông vải sợi, chế biến lương thực, thực phẩm, nuôi và chế biến sản phẩm rắn, gốm, thêu, tái chế phế liệu, chế biến tơ nhựa, vận tải đường thủy. Theo Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 5/1/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2015 Vĩnh Phúc sẽ hình thành 20 cụm công nghiệp, với diện tích 367,6 ha nhằm đưa hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư, tạo điều kiện phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, BVMT.     Sở TN&MT Vĩnh Phúc phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức tập huấn công tác BVMT các cấp bộ đoàn        Hiện trạng môi trường làng nghề     Sự phát triển sản xuất nghề đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, ngoài các mặt tích cực của làng nghề thì hoạt động sản xuất của làng nghề đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường.      Kết quả điều tra năm 2012 cho thấy, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực làng nghề vào khoảng 40 - 55%; biện pháp xử lý chất thải tại các làng nghề còn thô sơ và chưa đồng bộ. Qua khảo sát 22 làng nghề cho thấy, chỉ có 11 làng nghề chất thải rắn được thu gom, xử lý và 9 làng nghề có bãi chôn lấp chất thải rắn. Nước thải và khí tại các làng nghề chưa được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường; cơ sở hạ tầng kỹ thuật xây dựng chắp vá, không đồng bộ, nhiều nơi không có dẫn đến nước thải bị ứ đọng cục bộ. Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Tài nguyên và Bảo vệ môi trường Vĩnh Phúc, nước mặt khu vực làng nghề truyền thống có dấu hiệu ô nhiễm, 9/22 làng nghề nước mặt bị ô nhiễm COD, BOD5 (BOD5 vượt TCCP từ 1,02 - 11,7 lần, COD vượt từ 1,13 - 6,4 lần), ô nhiễm nhất là làng nghề tái chế nhựa Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc COD vượt 2,9 lần, BOD5 vượt 3 lần, TSS vượt 3,6 lần). Có 6/22 mẫu nước thải làng nghề bị ô nhiễm COD, BOD5 (BOD5 vượt TCCP từ 1,02 - 11,7 lần, COD vượt từ 1,13 - 6,4 lần), 2/22 làng nghề ô nhiễm COD; Tổng chất rắn lơ lửng vượt từ 1,24 - 17,3 lần, trong đó làng nghề gốm Hương Canh ô nhiễm nhất (TSS vượt TCCP 17,3 lần). Phân tích mẫu không khí tại một số làng nghề năm 2012 cho thấy, có 1 làng nghề (rèn Lý Nhân) ô nhiễm SO2 vượt 1,42 lần, còn một số làng nghề chưa vượt QCCP về CO, NO2, hơi xăng, độ ồn, độ rung ... tuy nhiên nồng độ các chỉ số tương đối cao.   TT Tên làng nghề CTRSH (kg/ngày) CTRSX (kg/ngày) Σ CTR phát sinh (kg/ngày) 1 Làng nghề rắn Vĩnh Sơn - Vĩnh Tường 1750 9000 10 750 2 Làng nghề mộc truyền thống Lũng Hạ - xã Yên Phương - Yên Lạc 212.8 804 1 016.8 3 Làng nghề mây tre đan xã Triệu Đề - huyện Lập Thạch 2912 4160 7 072 4 Làng nghề gốm Hợp Lễ - Thị trấn Thanh Lãng - Bình Xuyên 3525.2 15780 19 305.2 5 Làng nghề gốm Xuân Lãng - Thị trấn Thanh Lãng 1762.6 10460 12 222.6 6 Làng nghề mộc truyền thống Vĩnh Đoài - Thị trấn Yên Lạc 786.8 17000 17 786.8        Môi trường đất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng. Tuy nhiên, về lâu dài, hoạt động sản xuất tại các làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí mà hệ lụy của nó là ô nhiễm môi trường đất trong tương lai.      Những tồn tại, hạn chế của làng nghề      Phần lớn các cơ sở sản xuất tại các làng nghề có quy mô nhỏ, tận dụng lao động nông nhàn, cơ sở sản xuất đặt ngay tại các hộ gia đình và trong các khu dân cư đông người. Các chất ô nhiễm do hoạt động sản xuất tác động trực tiếp tới cộng đồng xung quanh.      Lĩnh vực sản xuất nghề tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ sản xuất tại các làng nghề ở trình độ thấp, lạc hậu, tận dụng các máy móc trang thiết bị cũ, không đồng bộ, lượng chất thải lớn. Các cơ sở sản xuất không có các phương tiện giảm thiểu, xử lý các chất ô nhiễm, xả chất thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.      Cơ sở hạ tầng của các địa phương làng nghề ở mức thấp, không có các hệ thống thu gom xử lý chất thải hoặc không đáp ứng được yêu cầu sản xuất làng nghề. Triển khai các biện pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, bất cập và chưa có các biện pháp BVMT hiệu quả.      Một số lĩnh vực sản xuất nghề sử dụng nguyên liệu tại chỗ, khai thác số lượng lớn tài nguyên thiên nhiên trong thời gian dài, tác động lớn tới tài nguyên và cảnh quan môi trường khu vực.      Nhận thức của cộng đồng của một số cán bộ lãnh đạo về BVMT còn hạn chế; ý thức chấp hành luật BVMT của nhiều tổ chức, cá nhân còn yếu; đầu tư cho công tác BVMT của địa phương và các cơ sở sản xuất không đáp ứng được yêu cầu thực tế.      Các giải pháp BVMT trong thời gian tới      Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT: Chú trọng công tác truyền thông về BVMT trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, đặc biệt là trên loa phát thanh của xã, thôn. Nâng cao năng lực công tác truyền thông môi trường trong các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là cán bộ cấp huyện và cấp xã, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng trong các hoạt động truyền thông. Đa dạng hóa công tác truyền thông môi trường nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân tại các làng nghề, các hộ sản xuất, kinh doanh.      Về cơ chế, chính sách: Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động BVMT làng nghề; có chế hỗ trợ, ưu đãi vốn đầu tư của tỉnh vào hoạt động BVMT làng nghề.      Nâng cao năng lực quản lý: Tiếp tục kiện toàn tổ chức quản lý môi trường, đồng thời tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý môi trường cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách quản môi trường cấp huyện và xã. Xác định trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý giữa các cấp, các ngành; tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý BVMT làng nghề. Tăng cường các hoạt động phối hợp thanh, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BVMT.   Làng nghề sản xuất bún bánh Lũng Hòa (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)        Tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT: Đảm bảo các nguồn lực về tài chính cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về BVMT ở khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy. Có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút các dự án BVMT, thúc đẩy xã hội hóa công tác BVMT. Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động BVMT để khen thưởng, phổ biến, nhân rộng; duy trì và phát triển Giải thưởng môi trường hàng năm. Đưa nội dung BVMT vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và vào tiêu chuẩn xét khen thưởng.      Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ: Chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả.      Làng nghề truyền thống là nét đặc trưng của văn hóa nông thôn, là giá trị của văn hóa dân tộc; khôi phục và phát triển làng nghề là chủ trương đúng đắn, nhằm bảo tồn giá trị của văn hóa dân tộc, tuy nhiên hoạt động làng nghề đang gây ra những tác động đến môi trường, làm gia tăng ô nhiễm. Điều này là thách thức đối với Vĩnh Phúc trong phát triển làng nghề theo hướng bền vững.   Phạm Mạnh Cường Chi cục BVMT Vĩnh Phúc Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013        
Ý kiến của bạn