Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Việt Nam dẫn đầu ASEAN trong phát triển năng lượng tái tạo

02/11/2021

    Điện mặt trời và điện gió đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu nhờ giá thành ngày một cạnh tranh hơn. Một nghiên cứu mới công bố quốc tế gần đây do Đại học Quốc gia Ôxtrâylia chủ trì đã phân tích nguyên nhân của thành công ban đầu của Việt Nam khi đạt vị trí dẫn đầu ASEAN về phát triển nguồn năng lượng sạch này. Thành công của Việt Nam là bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm môi trường. Bài viết này tóm lược các kết quả chính của nghiên cứu trên.

Việt Nam dẫn đầu ASEAN về điện mặt trời và điện gió

    Kể từ năm 2019, Việt Nam đã trở thành nước dẫn đầu ASEAN về phát triển điện mặt trời và điện gió trên ba phương diện: tổng công suất lắp đặt, tỷ lệ tăng trung bình năm, và tổng công suất lắp đặt trên bình quân đầu người. Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió đạt hơn 17 GW vào cuối năm 2020, vượt xa Thái Lan và Philippines, hai nước có công suất lớn nhất ASEAN cho đến năm 2019 (Hình 1).

Hình 1. Công suất điện mặt trời và điện gió ASEAN 2017-2020

Nguồn: Do et al. 2021

    Sản lượng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam tăng từ 4,7 TWh năm 2019 lên 9.5 TWh năm 2020, tương đương khoảng 2 điểm phần trăm. Đây là mức tăng cao nhất ASEAN và cao hơn mức trung bình của các nước khu vực Châu Á Thái Bình dương (Hình 2).

 Hình 2. Mức tăng trung bình năm 2020 của tỷ lệ sản lượng điện mặt trời và điện gió trong tổng sản lượng điện của ASEAN

Nguồn: Do et al. 2021.

    Tổng công suất lắp đặt trên bình quân đầu người của Việt Nam là 176 W năm 2020, vượt xa Thái Lan (64 W), Singapore (56 W), và Malaysia (48 W) (Hình 3).

Hình 3. Công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió trên bình quân đầu người năm 2020 (W). Nguồn: Do et al. 2021

Nguyên nhân của thành công

Quyết tâm chính trị và sự đồng thuận của xã hội

    Nghị quyết số 55 - NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Định hướng này được triển khai qua các văn bản như Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo và các Quyết định của Thủ tướng về ưu đãi phát triển điện mặt trời và điện gió.  Các chủ trương chính sách này đã nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp và cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và phát triển kinh tế. Cam kết của Việt Nam trong chung tay với cộng đồng quốc tế giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng là động lực quan trọng phát triển năng lượng tái tạo.

Chính sách hợp lý

    Giá mua điện ưu đãi từ các nhà sản xuất điện mặt trời và điện gió là động lực chính phát triển thị trường tiềm năng này. Ngoài ra, ưu đãi về thuế thu nhập và chính sách thuê đất cũng đã thu hút được các nhà đầu tư. Sự thận trọng trong cân nhắc áp dụng phương thức đấu thầu các dự án điện từ năng lượng tái tạo cũng tạo đà phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn đầu của ngành công nghiệp non trẻ này. Sự linh hoạt trong áp dụng các chính sách giúp thích ứng kịp thời với điều kiện thực tiễn.

Môi trường đầu tư thuận lợi

    Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư, vươn lên từ vị trí thứ 99 năm 2013 đến vị trí 70 năm 2020 trong bảng xếp loại mức độ thuận lợi cho doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới. Từ năm 2019, Việt Nam luôn được xếp trong số 40 nước dẫn đầu về môi trường thuận lợi cho đầu tư vào năng lượng tái tạo theo xếp hạng của Earns and Young.

Cải thiện trong giảm trợ cấp năng lượng hóa thạch

    Trong các nước ASEAN, Việt Nam có tỷ lệ trợ cấp cho năng lượng hóa thạch khá thấp tính trên bình quân đầu người. Tỷ lệ này của Việt Nam trong năm 2019 là 3 đô la, trong khi Inđônêsia là 71 đô la, Malaysia 57 đô la, và Thái Lan 8 đô la. Mức giảm trợ cấp cho năng lượng hóa thạch hàng năm của Việt Nam là 56%, cao hơn các nước trong khu vực. Đây cũng là động lực giúp phát triển năng lượng tái tạo.

Thay cho lời kết

    Mặc dù có một số bất cập như chưa phát triển kịp hệ thống truyền tải và lưu trữ năng lượng dẫn đến quá tải lưới, hay thiếu thông báo sớm về cơ chế chính sách gây khó khăn trong cân nhắc đầu tư, song có thể thấy sự phát triển nhanh điện mặt trời và điện gió trong thời gian ngắn đã thể hiện vai trò tiên phong của Việt Nam trong phát triển năng lượng tái tạo. Khó khăn là khó tránh khỏi trong bất cứ một quá trình chuyển đổi nào. Quan trọng là sự kiên định trong định hướng phát triển đúng đắn này, nhằm tạo sự chuyển đổi căn bản trong phát triển đất nước theo hướng xanh, bền vững. Quyết tâm chính sách và đồng thuận của xã hội là chìa khóa của thành công.

TS. Đỗ Nam Thắng

Đại học Quốc gia Ôxtrâylia

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)

Tài liệu tham khảo

- Do, T.N., Burke, P., Nguyen, N.H., Overland, I., Suryadi, B., Swandaru, A., Yurnaidi, Z., 2021. Vietnam’s solar and wind power success: Policy implications for the other ASEAN countries. Energy for Sustainable Development 65, 1-11.

    Nghiên cứu gốc bản tiếng Anh có thể truy cập miễn phí tại đây.

Ý kiến của bạn