Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Phát huy vai trò của cộng đồng trong tham gia quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển

03/11/2021

    Sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km (không kể bờ các đảo), trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và diện tích vùng biển hơn 1 triệu km2, trải dài 15 vĩ độ từ Bắc xuống Nam, nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, biển Việt Nam là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên rất đa dạng, phong phú, bao gồm cả tài nguyên sinh vật tài nguyên phi sinh vật và tài nguyên vị thế.

1. VAI TRÒ CỦA TÀI NGUYÊN BIỂN ĐỐI VỚI SINH KẾ CỦA CỘNG ĐỒNG

    Về tài nguyên sinh vật: Đến nay, đã phát hiện được trên 11.000 loài sinh vật biển cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học (ĐDSH) biển khác nhau. Đặc biệt, ở vùng bờ tập trung hàng trăm cửa sông, đầm phá, vũng vịnh, các đảo và quần đảo... tạo nên một hệ thống các loại hình sinh cảnh phức tạp, đa dạng và hiện diện đa dạng các hệ sinh thái: bãi triều lầy, rừng ngập mặn, cửa sông, đầm phá, vũng vịnh nhỏ, rạn san hô, châu thổ, bãi cát, bãi bùn triều, nước trồi, đầm nuôi thủy sản nước lợ, đất ngập nước ven biển... Một số hệ sinh thái có năng suất sinh học cao là rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Trên các hải đảo còn phát hiện 1.290 loài động thực vật. ĐDSH của các hệ sinh thái biển là nền tảng cho việc phát triển bền vững một số ngành kinh tế biển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như du lịch, thủy sản, y dược biển.

    Về tài nguyên phi sinh vật: Hiện nay, trong vùng biển Việt Nam đã xác định  khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu (nổi bật là dầu khí với trữ lượng khoảng 3- 4 tỉ tấn dầu quy đổi), kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Dọc ven biển đã phát hiện được các sa khoáng khoáng vật nặng của các nguyên tố quý hiếm như titan, ziacon và xeri. Biển nước ta còn có tiềm năng băng cháy, tài nguyên nước biển, đất ven biển, gió, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng và dòng chảy cũng rất lớn. Đặc điểm địa hình ven biển nhiều đảo, bờ biển dài khúc khuỷu, nhiều cửa sông, các mũi nhô và vũng, vịnh, bãi cát...là tiềm năng để nước ta phát triển các loại hình du lịch biển, hàng hải. 

    Về tài nguyên vị thế: Việt Nam có lợi thế mặt tiền hướng biển và biển chiếm vị trí địa chính trị rất quan trọng trong khu vực Biển Đông và thế giới với tuyến hàng hải quốc tế lớn từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương cắt qua. Các cảng biển lớn và các trung tâm kinh tế trọng điểm “hướng biển” giúp cho quá trình đô thị hóa nhanh, mạnh và tạo ra các cực phát triển quan trọng quyết định bình đồ phát triển kinh tế biển, ven biển của đất nước. Quan hệ giữa các cấu trúc không gian kinh tế được xem là tiềm năng vị thế quan trọng trong tổ chức lãnh thổ phát triển kinh tế biển của đất nước. Vùng biển rộng lớn ở phía ngoài (gấp hơn 3 lần diện tích đất liền) là không gian đặc biệt quan trọng để phát triển giao thông đường biển, các hoạt động đánh cá trên biển, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản rắn trên thềm lục địa, đồng thời sẽ là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế biển sôi động giữa nước ta với thế giới.

    Chính nguồn tài nguyên biển phong phú và đa dạng như trên đã tạo ra không gian sinh tồn và là nguồn sinh kế quan trọng của cộng đồng ven biển và hải đảo Việt Nam. Ở nước ta, cộng đồng dân cư vùng ven biển và trên các hải đảo cư trú trải dài trên một không gian ven biển từ Móng Cái đến Hà Tiên, từ các đảo ven bờ đến các đảo ngoài khơi sống gắn bó với biển và có cuộc sống phụ thuộc vào tài nguyên biển.

2. SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TRONG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN

    Các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển chủ yếu của cộng đồng dân cư bao gồm: đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất muối biển, cung cấp dịch vụ du lịch biển, dịch vụ vận tải biển, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Mỗi cộng đồng dân cư trong các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển đều gắn với phương thức khai thác, sử dụng nhất định. Do vậy, cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo có vai trò to lớn trong phát triển bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo thông qua nhận thức và hành động của họ. Khi cộng đồng ven biển và hải đảo được đào tạo, cung cấp các kiến thức, kỹ năng vận hành các hoạt động thay thế, tạo được sinh kế gắn với việc phát huy các kiến thức bản địa, sẽ góp phần tạo ra hành vi tích cực của họ trong việc làm thay đổi tính chất khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo môi trường biển và hải đảo. Ngược lại, cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo có nhận thức chưa đầy đủ và có những hành vi khai thác tài nguyên biển và hải đảo thiếu tính bền vững thì sẽ có tác động tiêu cực đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

    Nhằm cụ thể hóa những quy định được ghi nhận trong Hiến pháp về bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội, trong đó có sự tham gia quản lý tài nguyên, BVMT biển cũng như hướng hành vi tích cực của cộng đồng trong khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển, chính sách, pháp luật của Việt Nam đã có những quy định về sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, BVMT biển. Đó là các quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm bảo đảm sự tham gia thuận lợi, có hiệu quả của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo”; “Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT”; “Tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi đáp ứng các điều kiện”; “Xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý tài nguyên, sinh cảnh và các hệ sinh thái biển và ven biển dựa vào cộng đồng”. Những quy định này đã tạo hành lang pháp lý để cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên, BVMT biển.

    Trên thực tế, một số mô hình cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên, BVMT biển đã được triển khai ở một số địa phương và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tiêu biểu như sau:

Mô hình đồng quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm dựa vào cộng đồng (Quảng Nam)

    Người dân đã tham gia quản lý Khu bảo tồn biển với các hoạt động: thảo luận về dự thảo kế hoạch phân vùng và quy chế quản lý Khu bảo tồn; xác định các vị trí, ranh giới và thực hiện thả phao phân vùng bảo tồn biển ở ngoài thực địa; hội thảo khoa học thực địa; khảo sát nguồn lợi và nuôi cấy phục hồi tài nguyên thiên nhiên; hưởng ứng chương trình “Cù Lao Chàm nói không với ống hút nhựa” với việc sử dụng những ống hút thân thiện với môi trường từ cây sậy, tre, trúc thay thế ống hút nhựa. Cộng đồng còn tham gia với các bên liên quan thảo luận, thống nhất và tổ chức hoạt động đào tạo và hỗ trợ các hộ gia đình phát triển các hoạt động sinh kế thay thế. Cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm còn tích cực tham gia giám sát và thông báo ngay đến lực lượng chức năng đối với những trường hợp vi phạm quy định bảo tồn.

    Chính sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, BVMT ở khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã góp phần phục hồi tài nguyên thiên nhiên cho khả năng khai thác bền vững; giảm chi phí quản lý, đánh giá và giám sát bảo tồn tài nguyên; cải thiện sinh kế các hộ gia đình và phát triển địa phương; tạo nguồn tài chính bền vững cho công tác quản lý bảo tồn tài nguyên; đóng góp giá trị kinh tế lớn trong sự phát triển ngành du lịch của địa phương; góp phần ổn định trật tự xã hội tại đảo; cải thiện độ phủ của rạn san hô và bảo tồn nguồn tài nguyên thủy sản tại vùng biển Cù Lao Chàm.

Mô hình giao quyền quản lý cho cộng đồng để thực hiện đồng quản lý nguồn lợi sò lông tại xã Thuận Quý (Bình Thuận)

    Tổ chức “Hội cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý” được thành lập với số lượng thành viên ban đầu là 30 hộ và hiện nay đã phát triển trên 60 hộ ngư dân thành viên. Hội đã hỗ trợ tích cực cơ quan nhà nước ngăn chặn, xử lý vi phạm và tham gia hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở người dân, thực hiện công tác thả giống tái tạo, giám sát, đánh giá môi trường - nguồn lợi; xây dựng phương án khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển được giao quyền.

    Nhằm khôi phục nguồn lợi sò lông cạn kiệt, Hội đã vận động ngư dân thành viên đóng góp công, phương tiện, kinh phí thả xuống biển trên 112,4 tấn sò lông con; thực hiện tạo 17 cụm rạn nhân tạo làm nơi sinh cư cho nguồn lợi và ngăn chặn hoạt động của tàu lưới kéo. Hoạt động trực theo dõi vùng biển được Hội phân công thực hiện hàng ngày; kịp thời báo cáo lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Việc khai thác sò lông được tuân thủ theo đúng quy định nhằm đảm bảo nguồn lợi phát triển một cách bền vững.

    Mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và các bên liên quan về khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; không còn tình trạng khai thác bừa bãi nguồn lợi sò lông như trước đây; tình hình vi phạm tại vùng biển được giao quyền giảm đáng kể (giảm trên 90% số vụ vi phạm so với trước đây).

Mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên ở Sóc Trăng

    Các nhóm đồng quản lý và các tổ trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn ở Sóc Trăng là những hộ dân vùng ven biển sống gần rừng và gắn bó với rừng ngập mặn. Công việc chính của thành viên các tổ là đánh bắt thủy sản dưới tán rừng, ven bờ kết hợp đi tuần tra theo kế hoạch của tổ trưởng, kể cả phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng ở địa phương nhằm bảo vệ rừng. Để công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, hàng tháng các tổ tiến hành cuộc họp cùng hạt kiểm lâm, chính quyền địa phương thông tin tình hình thực tế tại các khu vực rừng đã tuần tra, thông tin thuận lợi, khó khăn trong quá trình bảo vệ rừng để cùng nhau tháo gỡ.

    Mô hình này đã góp bảo vệ rừng và BVMT sinh thái để phát triển sinh kế hợp lý về sinh thái nhưng vẫn đảm bảo quản lý rừng bền vững, góp phần bảo vệ bờ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG THAM GIA QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN

    Cơ chế tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, BVMT biển có vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển. Thông qua cơ chế này, giúp nâng cao nhận thức và hướng hành động của cộng đồng về việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển; đồng thời giúp chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng với nhà nước, gia tăng nguồn lực cho công tác quản lý tài nguyên, BVMT biển.

    Mặc dù, cơ chế tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, BVMT biển đã được luật hóa, được triển khai trên thực tế thông qua một số mô hình và đã đạt được một số kết quả khả quan song cơ chế này vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là pháp luật chưa quy định cụ thể cơ chế bảo đảm sự tham gia của cộng đồng, nhận thức của cộng đồng về sự tham gia còn chưa đầy đủ, việc triển khai còn lúng túng, không thực chất…Đặc biệt, pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mới chỉ quy định sự tham gia của cộng đồng ở giai đoạn khởi đầu việc lập các chiến lược, chương trình mà chưa quy định về sự tham gia của cộng đồng trong triển khai, giám sát việc thực hiện chiến lược, chương trình quản lý tài nguyên, BVMT biển.

    Để phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong tham gia quản lý tài nguyên, BVMT biển trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

    Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển. Trong đó, cần xây dựng những quy định về bảo đảm cơ chế tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, BVMT biển. Đặc biệt, xây dựng cơ chế bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo với việc quy định về cơ chế bảo đảm nhân lực thực hiện, tài chính; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động tổ chức triển khai các công cụ cụ quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực thi các công cụ quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo.

    Thứ hai, kiện toàn thiết chế quản lý tài nguyên, BVMT biển và hải đảo theo hướng tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đó là, nâng cao trình độ, kỹ năng lập kế hoạch, triển khai kế hoạch bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, BVMT biển.

    Thứ ba, bảo đảm nguồn lực tài chính cho sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, BVMT biển. Nguồn lực tài chính phải bảo đảm cho sự tham gia của cộng đồng từ khâu lập chương trình, kế hoạch đến khâu tổ chức triển khai chương trình, kế hoạch và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, kế hoạch quản lý tài nguyên, BVMT biển.

    Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tận dụng nguồn lực cần thiết, tạo đà cho sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, BVMT biển. Đặc biệt, chú trọng đến hợp tác với các tổ chức quốc tế về bảo tồn tài nguyên, môi trường biển nhằm tận dụng tối đa nguồn tài chính, phương pháp quản lý, kiến thức khoa học để thiết lập các mô hình quản lý tài nguyên, môi trường biển dựa vào cộng đồng.

    Thứ năm, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức đối với cộng đồng về vai trò của tài nguyên, môi trường biển, về sự cần thiết khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển. Từ đó, thúc đẩy cộng đồng có những hành động tích cực trong việc tham gia quản lý tài nguyên, BVMT biển.

ThS. Hoàng Nhất Thống

Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Việt Hạnh, Vũ Thị Ngọc (2019), Sự tham gia của người dân địa phương trong quản lý tài nguyên Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam - Bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý các khu bảo tồn biển ở Bình Thuận, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh”, Bình Thuận.

2. Hoàng Nhất Thống, Nguyễn Văn Thành (2021), Hoàn thiện cơ chế bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số 7, tháng 4/2021.

3. Trần Chí Trung, Đinh Vũ Thùy (2019), Hiệu quả của mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn và tài nguyên thiên nhiên cho vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, Trang thông tin điện tử Trung tâm Tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân.

4. Quỹ Môi trường toàn cầu/Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (2017), Báo cáo đánh giá cuối kỳ dự án “Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý Sò lông (Anadara antiquata line) góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận”, Hà Nội.

5. Luật BVMT (năm 2014, năm 2020).

6. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Ý kiến của bạn