Banner trang chủ

Đề xuất một số tiêu chí đánh giá mức độ suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước ở Việt Nam

30/12/2022

    Việt Nam có khoảng 12 triệu ha đất ngập nước (ĐNN), chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Các hệ sinh thái (HST) ĐNN tự nhiên quan trọng như các hồ, đầm, các khu rừng ngập mặn, các vùng ĐNN ven biển rất có giá trị về đa dạng sinh học (ĐDSH). Tuy nhiên, chất lượng ĐDSH các HST ĐNN của nước ta đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là các HST vùng triều, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn cùng các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm đang bị giảm sút nhanh chóng cả về số lượng và quy mô diện tích phân bố. Bài viết phân tích cơ sở lý luận về việc đánh giá suy thoái HST ĐNN, từ đó đề xuất một số tiêu chí đánh giá mức độ suy thoái HST ĐNN có thể áp dụng tại Việt Nam.

Đất ngập nước có vai trò quan trọng đối với đời sống con người

Suy thoái HST

    Thuật ngữ về suy thoái HST được nêu trong nhiều văn bản có tầm quan trọng quốc tế. Cụ thể, mục tiêu Aichi về ĐDSH được Ủy ban Môi trường Liên hợp quốc xây dựng và thông qua các quốc gia thành viên năm 2010 đã nêu: “Đến năm 2020, khả năng phục hồi của HST và sự đóng góp của ĐDSH vào trữ lượng các-bon đã được nâng cao, thông qua bảo tồn và phục hồi, bao gồm phục hồi ít nhất 15% HST bị suy thoái, góp phần vào khí hậu giảm thiểu và thích ứng với thay đổi và chống sa mạc hóa”[1]. Thông cáo Thập kỷ 2021-2030 về phục hồi HST của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 1/3/2019 [5] cũng đề xuất việc mở rộng quy mô phục hồi các HST bị suy thoái như một giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và bảo tồn ĐDSH trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù các mục tiêu trên được đưa ra khó rõ ràng nhưng nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc xác định chính xác trạng thái suy thoái HST [5].

    Để tiếp cận trong đánh giá suy thoái hệ sinh thái, một vài phương pháp hiện đại liên hệ chặt chẽ giữa suy thoái hệ sinh thái với sự suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái [4]. Theo cách tiếp cận này, suy thoái hệ sinh thái là sự suy giảm liên tục khả năng cung cấp các dịch vụ của hệ sinh thái bao gồm: a) Sự suy giảm các dịch vụ cung cấp, sản lượng các sản phẩm của hệ sinh thái (sản phẩm gỗ từ rừng, sản lượng thủy sản từ HST sông, hồ, biển…); b) Giảm lợi ích thu được từ dịch vụ điều chỉnh và hỗ trợ như dịch vụ giữ và điều tiết nước của HST rừng; c) Sự thay đổi trong các đặc điểm của hệ sinh thái làm giảm khả năng cung cấp các dịch vụ văn hóa ví dụ như đối với các khu vực rừng thiêng, khu rừng văn hóa, tín ngưỡng… Tuy nhiên, tiếp cận này được cho là còn hạn chế do chưa có phương pháp toàn diện tính toán được đầy đủ tất cả giá trị của tất cả dịch vụ của hệ sinh thái, đặc biệt là các dịch vụ không quy đổi được.

    Tiếp cận đánh giá hệ sinh thái trong phục hồi hệ sinh thái cũng là cách tiếp cận phổ biến. Phục hồi hệ sinh thái được hiểu như là quá trình hỗ trợ việc hồi phục của một hệ sinh thái đã bị thoái hóa, tổn thương hoặc phá hủy. Khi thực hiện phục hồi, phải xây dựng các tiêu chí và thực hiện phục hồi được tất cả các tiêu chí để có thể đưa HST trở về một trạng thái mong muốn. Với cách tiếp cận này, nhà khoa học cần đánh giá trạng thái hệ sinh thái tại thời điểm bị suy thoái và đánh giá trạng thái hệ sinh thái mong muốn.

    Gần đây, nhiều nhà khoa học và quản lý áp dụng tiếp cận đánh giá suy thoái hệ sinh thái dựa trên đánh giá rủi ro sụp đổ hệ sinh thái theo hướng dẫn của Tổ Chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế -IUCN [2]. IUCN xác định khung đánh giá các biểu hiện đánh giá HST sụp đổ theo 4 loại nhóm tiêu chí chính bao gồm (A): sự giảm diện tích và phân mảnh hst dẫn đến giảm sức chịu tải hay khả năng mang của quần xã sinh vật; (B) sự suy thoái môi trường sống làm giảm chất lượng và sự đa dạng của hệ sinh vật; (C) Sự phá vỡ các quy trình sinh thái; (D) Sự tương tác qua lại giữa các thành phần và chức năng của HST. Phương pháp đánh giá này này được cho là khá toàn diện vì đã tiếp cận theo khung khái niệm về hệ sinh thái và các thành ơhaanf hệ sinh thái và đã có nhiều nghiên cứu áp dụng thử nghiệm đối với nhiều kiểu loại HST khác nhau [2].

Đánh giá Suy thoái HST ĐNN

    Ban thư ký công ước về bảo tồn các vùng ĐNN quan trọng (Công ước Ramsar) đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm xác định sự suy thoái ĐNN. Theo đó, các nghiên cứu đã đưa ra khái niệm Suy thoái ĐNN là sự suy giảm các chức năng của ĐNN do hoạt động của con người[1]. Ngoài ra, trong tài liệu hướng dẫn Quản lý ĐNN của Ban Thư ký công ước [1] đã đưa ra định nghĩa về “đặc tính sinh thái” và “thay đổi đặc tính sinh thái” của khu ĐNN. Những biến đổi về đặc tính sinh thái nằm ngoài dải biến động tự nhiên có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng khu DNN đã bị sử dụng quá mức hoặc bị tác động xấu từ bên ngoài, dẫn tới sự suy thoái các quá trình tự nhiên, và cuối cùng là phá vỡ các chức năng thủy văn, sinh học và sinh thái của khu vực. Theo hướng dẫn của Công ước, việc đánh giá đặc tính sinh thái HST ĐNN cần đánh giá về: (i) thành phần vô sinh của HST bao gồm môi trường nước, đất, trầm tích, chế độ khí hậu, thủy văn, diện tích, các kiểu sinh cảnh và kết nối sinh cảnh… Đối với thành phần sinh vật cần đánh giá cấu trúc, thành phần các loài động vật, thực vật; thành phần các loài chính của HST. Ngoài ra, đặc tính sinh thái của khu ĐNN còn phải bao gồm các quá trình sinh thái và các dịch vụ HST ĐNN bao gồm bốn dịch vụ chủ yếu như sau: (i) Dịch vụ Cung cấp (gồm các sản phẩm thu được từ hệ sinh thái như thực phẩm, nhiên liệu và nước ngọt); (ii) Dịch vụ điều tiết (bao gồm các lợi ích thu được từ việc điều chỉnh các quá trình của hệ sinh thái như điều hòa khí hậu, điều tiết nước và điều tiết tai biến thiên nhiên); (iii) Dịch vụ văn hóa (là những lợi ích mà con người có được thông qua việc bồi bổ tinh thần, giải trí, giáo dục và thẩm mỹ); Và (IV) Dịch vụ hỗ trợ (là các dịch vụ cần thiết cho việc sản xuất tất cả các dịch vụ hệ sinh thái khác như chu trình tuần hoàn nước, chu trình dinh dưỡng và môi trường sống cho quần thể sinh vật).

Đề xuất các tiêu chí khung đánh giá mức độ suy thoái của các HST ĐNN ở Việt Nam

    Từ thực tiễn các nghiên cứu trên thế giới, có thể thấy, việc đánh giá mức độ suy thoái của HST nói chung và HST ĐNN nói riêng có thể dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau, tùy theo mục tiêu đánh giá. Tuy nhiên, các nghiên cứu có tính toàn diện thường cần tiếp cận đánh giá theo các khung khái niệm về các thành phần, cấu trúc chính của HST, đó là (1) Các thành phần vô sinh và môi trường (2) Sự đa dạng và đặc thù của hệ sinh vật và (3) Các mối tương tác qua lại giữa hệ sinh vật và môi trường. Tùy vào đặc thù các thành phần của hệ sinh thái, kỹ thuật sử dụng cũng như nguồn số liệu mà sau đó, mỗi kiểu loại HST lại được đánh giá bởi các chỉ tiêu hay yếu tố chi tiết khác nhau.

    Ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa đưa ra khái niệm và đánh giá về suy thoái HST nói chung và suy thoái HST ĐNN nói riêng. Riêng đánh giá đối với HST rừng, Bộ NN&PTNT hiện đang hướng dẫn xác định rừng tự nhiên suy thoái theo mức nghèo, nghèo kiệt, rừng không có trữ lượng và dựa trên chỉ tiêu cơ bản là trữ lượng gỗ rừng. Tuy nhiên, các chỉ tiêu đánh giá HST rừng hiện đang tập trung vào đặc điểm của hệ thực vật mà chưa bao gồm các thành phần khác của HST, do đó, khó áp dụng đối với các HST khác.

    Trên cơ sở khái niệm suy thoái môi trường đã được quy định trong Luật BVMT [3] là “sự suy giảm về chất lượng, số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên”. Gắn với khái niệm suy thoái HST ĐNN được công nhận bởi Công ước Ramsar, theo đó, suy thoái HST ĐNN là sự suy giảm các chức năng của ĐNN do hoạt động của con người[1]. Với cách hiểu như vậy, nghiên cứu này đề xuất nội hàm của suy thoái hệ sinh thái ĐNN ở Việt Nam sẽ gắn liền với sự suy giảm về chất lượng, số lượng thành phần/cấu trúc HST, đồng thời tác động của sự suy giảm đó làm giảm các các dịch vụ của HST, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật và tự nhiên đến con người và sinh vật. Với nội hàm đó, nghiên cứu này đề xuất việc đánh giá suy thoái ĐNN phải bao gồm bốn tiêu chí chính sau:

(1) Tiêu chí về sự suy giảm số lượng, chất lượng các thành phần vô sinh (yếu tố phi sinh vật) của HST ĐNN

    Đối với HST ĐNN, ngoài các thành phần cơ bản như đất và nước, các đặc điểm khí hậu và địa mạo, định hình ảnh hưởng đến các đặc điểm của vùng ĐNN. Thông qua lượng mưa, bốc hơi và thoát hơi nước, khí hậu ảnh hưởng đến dòng chảy bề mặt, nước ngầm, thủy văn và sự biến đổi thủy văn của các vùng ĐNN. Địa chất ảnh hưởng đến địa mạo của khu vực, do đó ảnh hưởng đến nguồn nước; kích thước, hình dạng và vị trí; tính chất hóa lý; và các loại đất của vùng ĐNN. Với các đặc điểm như vậy, tiêu chí về sự suy thoái các thành phần vô sinh của HST ĐNN cần đánh giá: (i) Sự suy giảm chất lượng môi trường đất/trầm tích đáy của HST; (ii) Sự suy giảm chất lượng môi trường nước của HST; (iii) Tác động của chế độ khí hậu, thủy văn, địa chất, địa mạo làm suy giảm chất lượng, số lượng thành phần đất và nước của HST.

(2) Tiêu chí về sự suy giảm số lượng, chất lượng các thành phần hữu sinh hay quần xã sinh vật của HST ĐNN

    Thành phần hữu sinh của HST bao gồm hệ thực vật, hệ động vật và các vi sinh vật. Đối với HST ĐNN, có sự đa dạng rất cao các kiểu loại HST và đa dạng các loài sinh vật đối với mỗi kiểu HST. Nhìn chung, theo hướng dẫn của Công ước Ramsar về việc đánh giá đặc tính sinh thái của một HST ĐNN, khi đánh giá hệ sinh vật cần xem xét các yếu tố chính (i) hệ thực vật ĐNN; (ii) Hệ động vật có xương sống (ví dụ: cá, lưỡng cư, bò sát, chim nước, động vật có vú); (iii) Thực vật phù du, bao gồm tảo cát; (iv) Động vật không xương sống thủy sinh

(3) Tiêu chí về suy thoái các quá trình sinh thái hay chính là tương tác giữa các thành phần của HST ĐNN

    Khi một HST bị giảm diện tích hoặc phân mảnh có thể đe dọa sự toàn vẹn của hệ thống hoặc dẫn đến giảm sức chịu tải hay khả năng mang của quần xã sinh vật. Ngoài ra, những tác động cộng gộp từ sự suy giảm từng chức năng, thành phần của HST cũng dẫn những trạng thái trung gian trong quá trình suy thoái của HST. Do đó, trong tiêu chí này cần đánh giá được các vấn đề sau: (i) Sự suy giảm diện tích hay phân mảnh HST dẫn đến giảm sức chịu tải hay khả năng mang của quần xã sinh vật; (ii) Các tác động cộng gộp đe dọa sự tồn tại của HST.

Kết luận

    Dựa trên tiếp cận phân tích nội hàm khái niệm về hệ sinh thái và suy thoái môi trường đã được quy định tại Việt Nam, nghiên cứu này đã đề xuất cần đánh giá suy thoái HST ĐNN tại Việt Nam theo 3 nhóm tiêu chí về (i) sự suy giảm số lượng, chất lượng các thành phần vô sinh của HST; (ii) Sự suy giảm số lượng, chất lượng các thành phần hữu sinh hay quần xã sinh vật của HST; và (iii) Sự suy thoái các quá trình sinh thái hay chính là tương tác giữa các thành phần của HST. Tùy vào đặc thù các thành phần của hệ sinh thái, kỹ thuật sử dụng cũng như nguồn số liệu đánh giá, mỗi kiểu loại HST ĐNN cần được đánh giá bởi các chỉ tiêu hay yếu tố chi tiết khác nhau.  

    Bài viết được hoàn thành dựa trên kết quả nghiên cứu của Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, xây dựng bộ tiêu chí và hướng dẫn đánh giá mức độ suy thoái của HST ĐNN ở Việt Nam” Mã số: TNMT 2020.04.02.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Thư ký Công ước Ramsar, 2010. Sổ tay số 18: Quản lý ĐNN, Khung quản lý các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế và các vùng ĐNN khác.

2. Bland, L. K. (2017). Guidelines for the application of IUCN Red List of Ecosystems Categories and Criteria, Version 1.1. Gland, Switzerland: IUCN. ix + 99pp.

3. Luật Bảo vệ môi trường 2020 số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020.

4. Millennium Ecosystem Assessment, 2005. Ecosystems and Human Well-being: Synthesis. Island Press, Washington, DC.

5. UN, New UN Decade on Ecosystem Restoration offers unparalleled opportunity for job creation, food security and addressing climate change; https://www.unenvironment.org/news-and-stories/press-release/new-un-decade-ecosystem-restoration-offers-unparalleled-opportunity.

Vũ Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Thu Hà

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2022)

 

Ý kiến của bạn