Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa

23/11/2022

    Ngày 22/11/2022, tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Khai mạc Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20, với chủ đề “Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa” và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

    Tháng 7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) với tên gọi Dak Nong UNESCO Global Geopark (Vietnam). Đắk Nông là địa phương thứ 3 của Việt Nam và thứ 164 trên thế giới có công viên địa chất được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO”. Mặc dù là thành viên “non trẻ” của Mạng lưới nhưng Đắk Nông đã có sự chủ động hội nhập quốc tế, mạnh dạn đề xuất và bảo vệ thành công hồ sơ, từ đó vinh dự được Ủy ban Hang động núi lửa thuộc Hiệp hội Hang động quốc tế thống nhất lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức ISV20 năm 2022.

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, việc chủ động đăng cai tổ chức một sự kiện khoa học quốc tế khẳng định quyết tâm của tỉnh Đắk Nông trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất; là cơ hội để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa, những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để tỉnh Đắk Nông học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

    Phát biểu trực tuyến từ Hà Nội, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực về công viên địa chất, hang động núi lửa. Việc tỉnh Đắk Nông đăng cai Hội nghị ISV20 đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác khoa học giữa Việt Nam với các quốc gia có hệ thống hang động trên thế giới, giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với Hiệp hội Hang động quốc tế nói chung, Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế nói riêng và với các thành viên thuộc Mạng lưới CVĐCTC. Mặc dù là thành viên trẻ trong Mạng lưới CVĐCTC, nhưng việc tỉnh Đắk Nông được lựa chọn để đăng cai hội nghị quan trọng này đã nâng cao vị thế của địa danh Đắk Nông với bạn bè quốc tế; tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất; khẳng định Việt Nam là quốc gia khá tiêu biểu về di sản tự nhiên của thế giới.

    Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, Việt Nam mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế để nghiên cứu đưa ra các giá trị của các di sản tự nhiên của Việt Nam, đặc biệt là các hang động và hang động núi lửa. Đồng thời cùng nhau đưa ra các giải pháp, chính sách toàn cầu để quản lý những giá trị di sản của thế giới, đặc biệt là đưa các di sản này để phục vụ cho đời sống phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT và thích ứng biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Ủy UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười phát biểu Khai mạc Hội nghị

    Tại Hội nghị, 7 tham luận đã được trình bày, tập trung vào địa chất, địa mạo, quá trình hình thành núi lửa, khám phá hang động và tư liệu liên quan. Cụ thể, Tổng quan về hang động núi lửa ở Việt Nam; Chu kì phun trào của núi lửa từ năm 2013 - 2021 tại Nishinoshima (Nhật Bản) tạo ra hòn đảo mới từ sự tích tụ của dòng dung nham và có một hình nón Scoria lớn duy nhất; Ước tính nhiệt độ dòng dung nham trong quá trình hình thành hang động dung nham là khoảng (10.000 năm trước công nguyên đến 1.000 năm sau công nguyên) của núi Phú Sĩ; Các hang động núi lửa ở Auckland, New Zealand - Thành công và thất bại trong việc bảo tồn; Sự giúp đỡ của những cư dân trong hang động Iceland về việc tìm kiếm sự sống trong không gian; Chương trình học về dung nham tại Kometsuka Geosite, Aso UGGp, Nhật Bản; Những quy định về khoanh vùng bảo vệ di sản và kế hoạch áp dụng thí điểm núi lửa và hang động núi lửa trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Hội nghị ISV20 còn là sự kiện tỉnh Đắk Nông tổ chức chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất; đồng thời, tiếp tục đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”, một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

    Các đại biểu tham dự đã ghi nhận những nỗ lực của Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc bảo tồn và phát triển bền vững các di sản địa chất quý giá; khẳng định sự cần thiết tổ chức Hội nghị nhằm trao đổi những giá trị khoa học mới về núi lửa và hệ thống hang động núi lửa trên toàn thế giới; từ đó đề xuất, xác định cách thức bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị di sản địa chất.

    Từ ngày 22 - 24/11, Hội nghị ISV20 sẽ diễn ra với các hoạt động chính gồm: Hội nghị ISV20; các hội thảo chuyên đề của Hội nghị ISV20; Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”; hoạt động giao lưu quốc tế của thành viên CVĐCTC UNESCO; các hoạt động khảo sát thực tế CVĐCTC UNESCO Đắk Nông…

    ISV là hoạt động quan trọng nhất của Hiệp hội Hang động Quốc tế và Ủy ban Hang động núi lửa (gọi tắt là UIS-CVC) nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi các thông tin, kết quả nghiên cứu và kết nối các thành viên trong lĩnh vực này. Được tổ chức 2 năm 1 lần, Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa và các kỳ Đại hội của UIS-CVC, UIS-CVC sẽ tổ chức họp Ban điều hành để bàn và biểu quyết các vấn đề quan trọng đối với các hoạt động của Hiệp hội trong những năm tiếp theo.

    Trong mạng lưới CVĐCTC khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ có khoảng 7/66 công viên địa chất sở hữu di sản địa chất hang động núi lửa, trong đó có CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Điểm đặc biệt nhất trong khu vực này là hệ thống hang động trong đá bazan đã được Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ… Đây là tiềm năng lớn để nơi đây phát triển các mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm.

    Công viên địa chất Đắk Nông là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, di tích cấp quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp quốc gia khác.

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn