Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững

03/10/2022

    Những năm gần đây, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đã gây ra những tác động tiêu cực, thiệt hại nặng nề đối với sự ổn định và phát triển của mọi quốc gia, đe dọa sự sinh tồn của cả nhân loại. Vì vậy, tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới tích cực áp dụng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

KTTH và phát triển bền vững

    Khan hiếm, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, suy thoái môi trường gia tăng, BĐKH diễn biến phức tạp đã và đang trở thành thách thức lớn cho nhân loại do hệ quả của gia tăng dân số, tốc độ tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế theo triết lý “nâu và tuyến tính” truyền thống. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 cùng với bất ổn về chính trị đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở phạm vi toàn cầu do hệ quả của giãn cách xã hội, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu, giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu gia tăng. Mặt khác, nhận thức cũng như nhu cầu của doanh nghiệp (DN) về sản xuất bền vững (SXBV), giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) còn hạn chế, DN chưa ý thức được vai trò, ý nghĩa cũng như trách nhiệm trong SXBV, giảm thiểu RTN, nên việc triển khai xây dựng trên thực tiễn vẫn là một thách thức. Do đó, Nhà nước phải tích cực thực hiện các chương trình, chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là cộng đồng DN về vấn đề này, đồng thời, Nhà nước cần có quy định, hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng các mô hình SXBV để giảm thiểu RTN, làm cơ sở cho việc thực thi ở các DN. Song, để triển khai các mô hình SXBV thì việc áp dụng, nâng cấp công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ xanh, tuần hoàn, tiêu thụ ít tài nguyên, giảm phát sinh chất thải là rất cần thiết. Điều này liên quan mật thiết đến vấn đề tài chính của DN, vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho DN được tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào các mô hình SXBV và giảm thiểu RTN.

    Ðể giải quyết thách thức trên, các tổ chức quốc tế, quốc gia, nhà khoa học cũng đã nỗ lực nghiên cứu, đề xuất một số sáng kiến mới như kinh tế tuần hoàn (KTTH), kinh tế xanh, kinh tế biển xanh, kinh tế các bon thấp, trong đó, KTTH đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn hơn cả. Như chúng ta đã biết, KTTH là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường”. Đây là cách tiếp cận thay thế cho kinh tế tuyến tính, đã được Liên hợp quốc cùng nhiều tổ chức trên thế giới đánh giá là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường, vừa tạo cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động nhưng vẫn đạt được mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát sinh chất thải, giảm tác động xấu đến môi trường, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

    Như vậy, tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa gắn với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mang lại những thành tự đáng kể về kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, phát sinh chất thải, ô nhiễm, suy thoái môi trường và BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp. Thực tiễn đó vừa là cơ hội để loài người nhìn nhận lại và tìm ra giải pháp để giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với hành tinh, vừa đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận, lựa chọn phương thức phát triển mới để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh mới.

Sản xuất năng lượng điện gió ở Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: TTXVN)

Chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển mô hình KTTH

    Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH, thiên tai khắc nghiệt”. Triển khai mô hình KTTH, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp, hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Cùng với đó, nhiều văn kiện của Trung ương, chiến lược phát triển được ban hành trong thời gian gần đây liên quan đến định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, miền tiếp tục đưa ra định hướng về phát triển mô hình KTTH gắn với đặc trưng và mục tiêu cụ thể.

    Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của RTN đối với môi trường, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chất thải nhựa như: Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay, Dự thảo Luật Thuế BVMT đang sửa đổi, bổ sung để tăng mức thuế đối với túi ni lông là một trong những đối tượng chịu thuế, việc đưa ra mức thuế phù hợp sẽ là một trong số giải pháp quan trọng, thiết thực, góp phần hạn chế sử dụng túi ni lông tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

    Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT tiếp tục được hoàn thiện. Để góp phần hoạch định chủ trương, chiến lược phát triển đất nước, toàn ngành đã hoàn thành tổng kết, sơ kết 3 Nghị quyết quan trọng, gồm: Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 19-NQ/CP về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Trên cơ sở kết quả tổng kết, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành TN&MT đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI.

    Mặt khác, Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra quy định về KTTH (Điều 142); Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH. Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện KTTH một cách toàn diện, hiệu lực, hiệu quả, như: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tính giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu; tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh... Đặc biệt, việc sớm công nhận, thể chế hóa khái niệm, quy định về KTTH vào trong hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam đã nhận được sự ủng
hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu hưởng ứng bằng hành động cụ thể của cộng đồng DN đối với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này.

Giải pháp triển khai hiệu quả mô hình KTTH ở Việt Nam

    SXBV theo mô hình KTTH là xu hướng phát triển tất yếu mà cả thế giới và Việt Nam đang hướng đến. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, để thích ứng cũng như thực thi quy định của Nhà nước, các DN cần phải nhận thức rõ, áp dụng mô hình SXBV, giảm thiểu RTN, mô hình KTTH. Điều này không những giúp DN nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường do giảm tiêu thụ tài nguyên, chi phí xử lý rác thải mà còn tạo ra vị thế, hình ảnh của DN về sản xuất xanh, SXBV, giảm RTN và BVMT trước công chúng. Về chính sách hỗ trợ DN, Luật BVMT năm 2020 đã quy định những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động BVMT; trợ giá, trợ cước vận chuyển sản phẩm thân thiện với môi trường cho các DN sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm, dịch vụ phục vụ yêu cầu về BVMT, gồm công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; công nghệ tiết kiệm năng lượng; dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; dịch vụ quan trắc môi trường xung quanh; dịch vụ vận tải công cộng sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu tái tạo; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất, cung cấp thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam. Đặc biệt, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghị định số 08/2022/NĐ- CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT, trong đó đưa ra quy định chi tiết về biện pháp đầu tư, chính sách ưu đãi để thực hiện KTTH… Có thể nói, các quy định về KTTH ở Việt Nam được xây dựng theo hướng mở, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, tổ chức tham gia thực hiện KTTH, tạo cơ hội cho tất cả mọi người đổi mới, sáng tạo trong áp dụng KTTH  nhằm giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa kinh tế, lợi nhuận với BVMT.

    KTTH là chủ đề rộng, được xem xét, đánh giá ở nhiều cấp độ khác nhau như vĩ mô (quốc gia, địa phương, đô thị); trung gian (cộng sinh công nghiệp, khu công nghiệp sinh thái); theo ngành, lĩnh vực và theo từng loại hình DN, sản phẩm. Các học giả trên thế giới đã đúc rút ra nhiều rào cản để thực hiện KTTH về thể chế, pháp luật, vốn, công nghệ, kỹ thuật, thị trường, cả khía cạnh văn hóa và hành vi tiêu dùng. Cùng với đó, mỗi quốc gia, địa phương, ngành, lĩnh vực, DN sẽ có đặc trưng khác nhau về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, mức sống, văn hóa, nên đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo, chủ động của các cấp, ngành và từng DN trong việc áp dụng giải pháp của KTTH phù hợp với đặc trưng của địa phương, vùng, miền và của từng DN, sản phẩm. Chính vì vậy, để thực hiện thành công chủ trương phát triển KTTH, đòi hỏi phải có cách tiếp cận hệ thống, phát huy vai trò của tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội và Nhà nước đóng vai trò then chốt, là nhạc trưởng để hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo dựng môi trường, kết nối nguồn lực, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, kêu gọi toàn xã hội tham gia phát triển nền KTTH, góp phần hình thành ngày càng nhiều mô hình quản lý, kinh doanh tuần hoàn.

    Việt Nam đang hướng tới mục tiêu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, ngay từ bây giờ, các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, DN, cộng đồng, người dân và toàn xã hội hãy chung tay cùng Chính phủ ứng dụng những thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng, phát triển KTTH để biến thách thức trong BVMT, ứng phó BĐKH thành cơ hội trong sản xuất, tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, để đưa KTTH từ lý luận, định hướng chính sách, quy định pháp luật vào thực tiễn đời sống đỏi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, thể chế hóa vào trong các quy định của pháp luật. Đặc biệt, KTTH chỉ có thể trở thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng DN và người dân, vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nỗ lực, chủ động, chuyển biến trong tư duy, hành động, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế theo hướng thực chất, hiệu quả, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

    Một là, cần phải tổ chức hướng dẫn, theo dõi, sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; lồng ghép KTTH vào chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển ở các cấp, các ngành.

    Hai là, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện KTTH, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31/12/2023; hướng dẫn, tổ chức đánh giá thực hiện KTTH cấp tỉnh, các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về KTTH trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với các Bộ, ngành, cộng đồng DN, tổ chức quốc tế xây dựng, vận hành diễn đàn đối thoại quốc gia về KTTH.

    Ba là, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lồng ghép KTTH vào trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; xây dựng, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH cho từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cụ thể.

    Bốn là, huy động cộng đồng DN tham gia vào đổi mới công nghệ, phương thức sản xuất, kinh doanh để đóng góp vào tiến trình chuyển đổi sang KTTH của đất nước.

    Năm là, các tỉnh lồng ghép tiêu chí, chỉ tiêu, giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực thi chính sách, quy định pháp luật về KTTH.

    Đặc biệt, cộng đồng DN cần chủ động, sáng tạo, đổi mới về tư duy, trước hết là tư duy về chất thải, xem chất thải là tài nguyên để thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp của KTTH được hướng dẫn trong pháp luật BVMT, góp phần giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng, tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT

ThS. Phan Thị Dung

Trường Đại học Hà Tĩnh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2022)

 

Ý kiến của bạn