Banner trang chủ

Xây dựng nông thôn mới ở Thái Thụy: “Quả ngọt” nhờ ý Đảng hợp lòng dân

22/11/2021

    Bắt tay triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình gặp không ít khó khăn bởi điểm xuất phát thấp. Tuy vậy, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhất là sự đồng thuận, nỗ lực, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, sau 10 năm phấn đấu, địa phương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Tháng 10/2019, Thái Thụy được công nhận huyện đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM với 47/47 xã đạt tiêu chuẩn.

    ​Những chuyển biến tích cực

    Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng NTM, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng của những người có uy tín trong cộng đồng. Đồng thời, Tỉnh ủy định hướng các địa phương tập trung xây dựng đề án, kế hoạch triển khai xây dựng NTM cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi với phương châm “làm từ ngoài đồng làm vào làng, làm từ ngõ xóm ra ngoài xã”; ưu tiên những tiêu chí thuận lợi triển khai trước và giữ vững các tiêu chí đã đạt; lấy người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, định hướng; ưu tiên thực hiện các tiêu chí phục vụ hỗ trợ sản xuất…

Ngày 1/2/2020, huyện Thái Thụy tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam,

đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM

    Thực hiện phương châm này, huyện Thái Thụy đã lựa chọn các nội dung, tiêu chí thuận lợi, cần ít vốn đầu tư triển khai trước; chọn dồn điền đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, huyện ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế như: Giao thông, thủy lợi, công trình phúc lợi xã hội, đồng thời, kế thừa tối đa các công trình hiện có, kết hợp với bổ sung, nâng cấp và xây dựng mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cùng với đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự thay đổi mang tính đột phá trong nhận thức của người dân, giúp người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình, từ đó thu hút được sự hưởng ứng tích cực tham gia của nhóm đối tượng này với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực, sáng kiến của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Mặt khác, cách làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM là tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, chủ động huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng dân cư triển khai xây dựng NTM. Các địa phương thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”; phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ban Giám sát cộng đồng, từ đó tạo niềm tin của quần chúng nhân dân với công cuộc xây dựng NTM.

    Bên cạnh chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện đã có những cơ chế phù hợp, kích hoạt, dẫn dắt để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất. Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt trên 3.874.814,7 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước cấp 968 tỷ đồng (chiếm 24.98%), nhân dân đóng góp hơn 2.172 tỷ đồng (chiếm 56.69%), vốn huy động khác hơn 734 tỷ đồng (chiếm 19,17%). Nguồn lực đầu tư Nhà nước là một phần, nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã quán triệt quan điểm đúng đắn: “Xây dựng NTM là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, nhân dân làm, nhân dân hưởng thụ, Nhà nước hỗ trợ”, toàn huyện đã huy động được nguồn lực to lớn từ trong nhân dân và thực hiện xã hội hóa rất tốt, nhất là đã vận động nhân dân hiến hàng chục nghìn m2 đất, đóng góp hàng vạn ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

    Đến nay, nhiều chương trình, dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn; hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm, từng bước hiện đại, toàn huyện có 219,4 km (100%) trục đường xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; 213,9 km (100%) trục đường thôn được bê tông hóa đạt chuẩn; 517,8 km đường nhánh cấp I trục thôn và 290,4 km đường ngõ xóm được cứng hóa; 331 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt chuẩn. 100% km đường huyện do huyện quản lý được bảo trì hàng năm. Công trình thủy lợi trên địa bàn huyện cũng được thiết kế và xây dựng phù hợp với quy hoạch thủy lợi chung, bảo đảm nước tưới tiêu cho 37,198 ha (100%) diện tích đất nông nghiệp. Kiên cố hóa 312,813 km kênh mương (100%); tổ chức quản lý khái thác hệ thống thủy lợi đạt hiệu quả bền vững; 100% số xã có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn; Bệnh viện Đa khoa huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3; Ttrung tâm y tế đạt chuẩn quốc gia; Trung tâm văn hóa huyện đạt chuẩn, hoạt động có hiệu quả; Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn theo quy định; hiện Thái Thụy không còn tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM; UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cấp huyện, có Văn phòng điều phối Chương trình, hoạt động hiệu quả… Với những kết quả trên, tháng 10/2019, Thái Thụy đã được Trung ương công nhận là huyện đạt chuẩn NTM. Tháng 8/2020, xã Thụy Chính (Thái Thụy) là xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; tháng 10/2021, huyện có xã Thụy Liên đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Thụy Ninh đã được đoàn thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao của tỉnh (đạt 11/11 tiêu chí). Năm 2021, huyện có 6 xã (Thụy Duyên, Thụy Thanh, Thái Đô, Thái Thượng, Thụy Văn, Thụy Trình) xây dựng kế hoạch, lộ trình phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2022, hiện các xã này đã cơ bản đạt từ 6 - 9 tiêu chí trong tổng số 11 tiêu chí NTM nâng cao.

Cảnh quan môi trường nông thôn ở xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy

    Có thể nói, kết quả trên thể hiện sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, sự hưởng ứng đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân. Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nhiều vùng nông thôn Thái Thụy đã thay đổi rõ nét, đời sống người nông dân ngày càng được nâng lên đáng kể. Người dân ở các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao tự hào, tin tưởng hơn vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đây sẽ là cơ sở quan trọng, là tiền đề giúp Thái Thụy vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để các địa phương tiếp tục đăng ký phấn đấu thực hiện xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xác định NTM là cuộc “cách mạng” ở nông thôn, làm thay đổi diện mạo, cuộc sống trực tiếp của nông dân, do đó người dân sẽ đóng vai trò quan trọng, là chủ thể trong cuộc cách mạng”này.

    Thành công khi ý Đảng, lòng dân đồng thuận

    Thái Thụy là huyện đồng bằng ven biển, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Thái Bình, là vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Hồng, có đường bờ biển 27 km, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua, kết nối giao thông vùng kinh tế biển tỉnh Thái Bình với tuyến đường bộ ven biển. Với diện tích tự nhiên hơn 26.000 ha, 48 đơn vị hành chính, người dân Thái Thụy cần cù, sáng tạo trong lao động, giàu truyền thống thâm canh. Tuy nhiên, điểm xuất phát của địa phương là nền sản xuất quy mô nhỏ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đó, địa bàn rộng, địa giới hành chính lớn, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nguồn lực hạn hẹp, các tiêu chí chưa hoàn thành cần vốn đầu tư lớn nên số tiêu chí đạt chuẩn còn thấp… Đây là những thách thức không nhỏ khi huyện bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

    Người xưa có câu “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “có lật thuyền mới biết sức dân như nước”, đó chính là sức mạnh của lòng dân. Chính vì thế, giải pháp cơ bản và then chốt đầu tiên mà Thái Thụy áp dụng trong công cuộc xây dựng NTM là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để mọi người hiểu rằng, công cuộc xây dựng NTM là nhằm nâng cao mức hưởng thụ cho chính họ, cho các thế hệ con cháu của họ, cho vùng đất họ đang sinh sống. Do vậy, người dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ cùng Nhà nước và cộng đồng xã hội chung tay kiến tạo nên những điều kiện về vật chất, tinh thần để thụ hưởng. Từ nhận thức đầy đủ đó, một hiện thực đã diễn ra trong suốt 10 năm qua ở Thái Thụy là người dân đã trở thành chủ thể công cuộc xây dựng NTM, ngoài việc hiến hàng vạn m2 đất, đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công xây dựng các công trình phúc lợi, giao thông công cộng, sự đồng thuận, đồng hành thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng đã thể hiện vai trò làm chủ, lòng yêu nước, yêu quê hương của người dân Thái Thụy. Sau chiến tranh, chưa có thời kỳ nào mà vị thế người dân tự ý thức được vai trò làm chủ như công cuộc xây dựng NTM này, đến nay, 100% xã trong huyện đã đạt tiêu chuẩn xã NTM, đây là kết quả của sức mạnh lòng dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

    Thứ hai, làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất, quyết tâm thực hiện. Quá trình chỉ đạo thực hiện, Huyện ủy đã làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được đây là chương trình tổng thể, lâu dài, cần có bước đi, cách làm phù hợp với từng địa phương, không nóng vội, chủ quan, chạy theo thành tích hoặc trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. NTM đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, lập đề án, thành lập Ban Chỉ đạo của các xã và huyện, phân công các đồng chí trong cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp phụ trách từng phần việc. Những nghị quyết khi xây dựng đều được bàn bạc, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo của các xã, huyện, họp HĐND, quán triệt đến các thôn, tổ dân cư để nhân dân có quyền tham gia ý kiến.

    Thứ ba, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở có ý nghĩa quyết định thành công trong xây dựng NTM. Huyện ủy xác định, nhiệm vụ trọng tâm của huyện là phải xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, quy hoạch sắp xếp lại nông nghiệp của các xã và toàn huyện; xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã và huyện phù hợp với điều kiện của địa phương; xây dựng NTM của các xã và huyện đạt tiêu chuẩn quy định. Quá trình thực hiện phải bảo đảm tính khoa học, sát với thực tế, xác định bước đi, lộ trình phù hợp, chọn từng nội dung chỉ đạo, việc nào làm trước, việc nào làm sau, tập trung vào những vấn đề trọng tâm. Từng cấp ủy viên phải hiểu rõ công việc được phân công, hàng tháng, hàng quý có kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những sai sót và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Huyện đã chỉ đạo làm điểm để rút kinh nghiệm, mở các hội nghị chuyên đề, lớp tập huấn nghiệp vụ từ huyện đến các xã; các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình hành động, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia.

    Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp. Thực hiện Quyết định số 19/2003/QĐ-UBND ngày 7/11/2013 của UBND tỉnh Thái Bình bổ sung Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND sửa đổi, quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt việc hỗ trợ xi măng cho các xã, thôn để xây dựng công trình hạ tầng. Huyện có quyết định về khen thưởng, động viên những cá nhân, tập thể có thành tích và ứng dụng thành công về khoa học, góp phần xây dựng NTM hiệu quả.

    Một yếu tố quan trọng nữa quyết định thành công trong xây dựng NTM ở Thái Thụy là sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ huyện đến xã, thôn, khu dân cư; phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, chi bộ, thôn, tổ dân cư, bố trí cán bộ từ huyện đến xã, thôn, bảo đảm đúng người, đúng việc. Đặc biệt, phải phát huy được năng lực, sở trường của từng cán bộ, nhất là cán bộ trong cấp ủy xã, ban chi ủy thôn, tổ dân cư, phải là những cán bộ có phẩm chất đạo đức, nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu, nói đi đôi với làm, có uy tín trong nhân dân.

    Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng NTM, bảo đảm vấn đề tài chính ở tất cả các dự án, công trình đều được công khai, minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng, các xã, thôn đều có ban kiểm tra, giám sát. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát với thanh tra nhân dân, tổ an ninh bảo vệ của thôn, tổ dân cư. Các thành viên đều được tập huấn.

Trung tâm câu lạc bộ thôn Hòe Nha, xã Thụy Chính

    Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhận thức đây là vấn đề quan trọng bảo đảm thành công trong xây dựng NTM, Huyện ủy Thái Thụy đã có nghị quyết chuyên đề chỉ đạo các xã thực hiện, chỉ đạo công khai, minh bạch những vấn đề xây dựng NTM như: Xây dựng, thực hiện quy hoạch, thu, chi tài chính và đóng góp của nhân dân, dự toán, quyết toán các công trình xây dựng cơ bản... Kinh nghiệm cho thấy, khi người dân được tham gia bàn bạc dân chủ, có sự giám sát của cộng đồng, họ thấy mình thực sự là người chủ nên tích cực tham gia, đóng góp, hạn chế vấn đề nợ đọng trong xây dựng NTM. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, các thôn, xã đều tổ chức hội nghị để nhân dân góp ý với cấp ủy, chính quyền, những ý kiến đúng đắn đều được tiếp thu, xử lý kịp thời, mọi vấn đề vướng mắc đều được tập trung giải quyết, không để kéo dài.

    Phương hướng để tạo nền tảng xây dựng NTM bền vững trong tương lai

    Trên cơ sở đến nay Thái Bình đã hoàn thành xây dựng NTM, về đích trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng NTM ở cơ sở, ngày 21/12/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp đó, ngày 18/3/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu. Từ các nghị quyết nêu trên, Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có 15% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí NTM nâng cao, 5% số xã trở lên đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu, hiện đã có nhiều xã trong tỉnh đăng ký phấn đấu đạt các tiêu chí nêu trên. Cùng chung tay đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM ở tỉnh nhà, thời gian tới, huyện Thái Thụy sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

    Thứ nhất, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được ở tất cả các xã được công nhận đạt chuẩn NTM; kiểm soát chặt chẽ và có giải pháp xử lý đối với những địa phương phát sinh nợ đọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và ổn định ở cơ sở.

    Thứ hai, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con nông dân theo hướng chuyển đổi mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi khép kín; thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

    Thứ ba, duy trì và giữ gìn cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa, phát huy dân chủ trong các hoạt động ở thôn, xã; tạo điều kiện để người dân nông thôn tham gia vào tất cả các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể và xã hội, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư một cách bền vững.

    Có thể thấy, khi vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định, lòng tin của nhân dân với Đảng ngày càng nhân lên, không khí dân chủ được phát huy, thì phong trào càng phát triển, lan tỏa. Năm 2021 đang dần khép lại, đi trên những con đường làng quê đã được bê tông hóa, hai bên là những hàng cây xanh, đường hoa được cắt tỉa gọn gàng, đèn điện thắp sáng, cảm nhận được sự đổi thay của cuộc sống trong từng nếp nhà, từng thôn, xóm ở Thái Thụy hôm nay mới thấy hết ý nghĩa, giá trị của sự đoàn kết, đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân trong xây dựng NTM nơi đây.

Bùi Hằng

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

 

Ý kiến của bạn