Banner trang chủ

Tự hào những vùng quê trù phú ở quê hương của “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Khu Cháy Anh hùng”

02/08/2022

    Là huyện nghèo nhất nhì của Thành phố Hà Nội nhưng không vì thế mà công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Ứng Hòa không có những điểm độc đáo, sáng tạo... Ngược lại, với việc triển khai, phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức và ban hành các văn bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM, nông nghiệp, nông dân, nông thôn huyện Ứng Hòa đã có sự khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2021, huyện có 28/28 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỉ lệ 100%), đặc biệt, năm 2022, xã Liên Bạt đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trở thành xã dầu tiên của huyện Ứng Hòa vinh dự được nhận Danh hiệu này.

    Xây dựng NTM sáng tạo theo hướng hiện đại, bền vững

    Theo Bí thư Huyện ủy huyện Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền, năm 2010, Chương trình xây dựng NTM của huyện được bắt đầu triển khai và xã Đồng Tân được Thành phố chọn làm điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn. Vốn là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp nên khi bắt đầu thực hiện, huyện gặp rất nhiều khó khăn, so với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, khi đó, hầu như các xã đều chỉ đạt 1/19 tiêu chí; 6/19 tiêu chí đạt trên 50%; 12/19 tiêu chí chưa đạt hoặc đạt thấp... Cùng với phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, bám sát Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020 và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của huyện Ứng Hòa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân. Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện, huyện luôn xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của xây dựng NTM, qua đó huy động được sức mạnh toàn dân. Cùng với đó, huyện phát huy tối đa quy chế dân chủ trong xây dựng NTM, thực hiện công khai, minh bạch các nguồn lực để người dân bàn bạc, quyết định, kiểm tra, giám sát và chính người dân được thụ hưởng thành quả xây dựng NTM. Vì vậy, nhân dân đã vào cuộc tích cực, tham gia góp công sức, tiền của cùng chính quyền địa phương tạo thêm nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các công trình xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Quang cảnh huyện Ứng Hòa nhìn từ trên cao

    Từ khi triển khai thực hiện xây dựng NTM đến nay, huyện đã huy động tổng nguồn vốn hơn 6.189.959 triệu đồng, đáng chú ý, Chương trình nhận được sự chung tay ủng hộ của đông đảo người dân. Nổi bật như gia đình ông Nguyễn Vạn Xuân, xã Đại Hùng ủng hộ 196 triệu đồng làm đường giao thông ngõ xóm; gia đình ông Đào Đức Chính ở xã Đông Lỗ ủng hộ 476 triệu đồng làm sân bóng, xây dựng giếng làng, xây cầu, cổng chào... Bên cạnh đó, người dân còn hiến 393 m2 đất thổ cư, 80.900 m2 đất nông nghiệp để mở đường, góp phần tạo dựng các công trình hạ tầng khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Không chỉ nhân rộng những mô hình Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, huyện Ứng Hòa còn tập trung giải quyết nhiều “điểm nóng” ô nhiễm môi trường. Đơn cử, tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu có khoảng 800 hộ dân, trong đó 170 hộ thu gom, tái chế phế liệu, hoạt động này đã phát sinh một lượng lớn chất thải rắn với thành phần chủ yếu là các loại nhãn mác, bao bì, nhựa không tái chế. Để giải quyết vấn đề trên, UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tổ chức đợt cao điểm “100 ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường” tích cực vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp BVMT như quản lý, phân loại chất thải phát sinh từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào có lượng thải bỏ ít. Ngoài ra, UBND huyện đã liên hệ với Công ty CP Môi trường đô thị và Công nghiệp thị trấn Bắc Sơn - Urenco Bắc Sơn để phối hợp thực hiện Dự án “Biến rác thải nhựa sinh hoạt thành năng lượng” để xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu từ ngày 10/11/2021 đến hết ngày 31/12/2022. Đặc biệt, nhằm tiếp tục xử lý hiệu quả lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thôn Xà Cầu, UBND huyện đã giao Phòng TN&MT liên hệ với các đơn vị chức năng giới thiệu cho UBND xã Quảng Phú Cầu thực hiện phương án thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu. Hiện UBND xã Quảng Phú Cầu đã ký hợp đồng với Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình thu gom, xử lý rác thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu thôn Xà Cầu hàng ngày theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất hạn chế lượng rác thải thu gom trên địa bàn. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch dài hạn, đảm bảo giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

    Phấn đấu đạt chuẩn NTM, huyện Ứng Hòa cũng tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu. Trên địa bàn huyện có 7 trạm cấp nước sinh hoạt với tổng công suất thiết kế khoảng 7.780 m3/ngày, đêm, nhờ đó, đến tháng 10/2021, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh của huyện đạt 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh (kể cả hộ sử dụng hệ thống lọc nước RO) là 74,8%; tỷ lệ hộ được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 34%. Đối với công tác chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, vệ sinh môi trường nông thôn, UBND huyện Ứng Hòa đã triển khai Cuộc thi “Giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp” được triển khai, duy trì từ năm 2019 đến nay cùng thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc thi “Ứng Hòa chung sức xây dựng diện mạo NTM” năm 2022. Huyện cũng duy trì phong trào vào sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, toàn dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc, trồng mới cây xanh dọc các tuyến đường. Huyện đã có 370 đoạn đường phụ nữ tự quản; 272 đoạn đường hoa với tổng chiều dài trên 40 km; trồng mới hơn 60.000 cây xanh các loại; triển khai vẽ gần 300 bức bích họa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa… Nhờ đó, địa phương đã gặt hái được “trái ngọt” khi Thành phố Hà Nội đã có Tờ trình số 12/TTr-UBND về việc đề nghị thẩm định, xét công nhận huyện Ứng Hòa đạt chuẩn NTM năm 2020.

    Có thể nói, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện Ứng Hòa đã được đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 12,38 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2021, con số này là 54,67 triệu đồng/người/năm (tăng 42,29 triệu đồng/người/năm so với năm 2010). Cùng với đó, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững, an sinh xã hội ngày càng đảm bảo; đường làng ngõ xóm, hệ thống thoát nước được kiên cố hóa, đáp ứng yêu cầu, 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; 504/504 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, thuận lợi cho giao thông nội đồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp; cải tạo, xây mới các công trình trường học, 79/90 trường học đã đạt chuẩn quốc gia; 28/28 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 145/145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa; 28/28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

    Huy động mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng NTM nâng cao

    Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng chia sẻ, những kết quả đạt được trong công cuộc xây dựng NTM chính là tiền đề để huyện cán đích mục tiêu mới. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ứng Hòa đặt mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn NTM, có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 53,6%); 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 28,6%); có từ 10 khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu trở lên; đường giao thông trục xã, trục thôn, ngõ xóm 100% được kiên cố hóa; 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa; tỷ lệ kênh mương cấp 3 được kiên cố hóa đạt trên 85%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90%; duy trì số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; đào tạo nghề cho 20.000 lượt người, bình quân mỗi năm số người được qua đào tạo nghề khoảng 4.000 lượt người (trong đó tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trình độ cao đẳng và trung cấp lên 25% - 30% đến năm 2025). Số lao động được tạo việc làm mới hàng năm là 4.000 lao động, duy trì tỷ lệ lao động có việc làm đạt 98,5%; 100% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Môi trường nông thôn được bảo đảm vệ sinh, tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý trong ngày đạt 100%; 60% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch; tỷ lệ làng văn hóa đạt trên 95%... Giai đoạn 2025 - 2030, huyện Ứng Hòa phấn đấu có 5 xã đạt xã NTM nâng cao, 3 xã đạt NTM kiểu mẫu; bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu như: Đường giao thông trục xã, trục thôn, ngõ xóm 100% được kiên cố hóa; 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa; tỷ lệ kênh mương cấp 3 được kiên cố hóa đạt trên 95%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 100%; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/người/năm. Huyện phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo tương ứng từng giai đoạn. Môi trường nông thôn được bảo đảm, tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý trong ngày đạt 100%; 95% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch; tỷ lệ làng văn hóa đạt trên 100%... Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo huyện đã triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với BVMT, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đặc biệt, UBND huyện sẽ tiếp tục duy trì các cuộc thi chủ đề về BVMT để toàn dân cùng chung tay xây dựng huyện Ứng Hòa Xanh - Sạch - Đẹp, phát triển giàu đẹp, văn hóa, văn minh.

Huyện Ứng Hòa chú trọng công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM

    Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí Để, việc xây dựng NTM là quá trình không ngừng nghỉ. Sau khi đạt chuẩn, Thành phố yêu cầu các xã của huyện Ứng Hòa tiếp tục có kế hoạch xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; quá trình chấm điểm không nên chạy theo thành tích, kể cả các xã đã đạt chuẩn vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM bởi cốt lõi của việc xây dựng NTM chính là tạo điều kiện cho nhân dân thực sự được hưởng lợi...

    Xã điểm đầu tiên đạt chuẩn NTM nâng cao

    Những ngày này, về nhiều xã của huyện Ứng Hòa như: Đông Lỗ, Hoa Sơn, Liên Bạt… bức tranh làng quê xanh, sạch, đẹp, khang trang khiến ai đi xa trở về cũng rưng rưng xúc động, tự hào... Điển hình trong số đó là xã Liên Bạt, đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

    Câu chuyện xây dựng NTM ở Liên Bạt cũng như nhiều làng quê khác ở Ứng Hòa, đó là nhờ vào sự chung sức, đồng lòng, sẵn sàng vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Người Liên Bạt còn nổi tiếng với sự khéo léo, tài hoa trong lao động, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng trong vùng, tên làng gắn với tên nghề như Bặt Bún (ba làng Bặt), Bặt Rào (Vũ Nội, Vũ Ngoại). Nhiều công trình kiến trúc cổ, có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc và ý nghĩa lịch sử như các đình làng Lưu Khê, Bặt Chùa, Bặt Ngõ... là minh chứng cho sự tài hoa, khéo léo đó. Những truyền thống quý báu được hình thành từ hàng nghìn năm lịch sử luôn được các thế hệ người Liên Bạt trân trọng, giữ gìn và phát huy để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt là Liên Bạt đã thực hiện hiệu quả các cuộc vận động: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, nay là Cuộc vận “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Đại diện xã Liên Bạt nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021

    Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng NTM, Đảng ủy xã Liên Bạt đã chỉ đạo cán bộ, Đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện để người dân làm theo và đã dần thành nếp trong hầu hết các gia đình ở địa phương. Nhiều công trình công cộng, nhà ở của dân được xây dựng mới khang trang, bền vững; trình độ dân trí, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao… Để đạt được thành quả này phải kể đến những việc làm thiết thực mà người dân trong xã luôn hưởng ứng như hiến đất, góp công, góp của xây dựng công trình văn hóa; vận động họ hàng, làng xóm đưa người quá cố đi hỏa táng… là những nét đẹp trong phong trào xây dựng Làng văn hóa ở miền quê này, nhờ đó mà Liên Bạt ngày càng đổi thay từ nếp sống đến cảnh quan... Hiện nay, 100% các đôi nam nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn đảm bảo đúng quy định, các khu dân cư thực hiện việc cưới theo Chỉ thị số 11/CT-TU của Thành ủy Hà Nội. Từ 4 - 5 năm trước đây, các đám cưới của con em trong xã đều được tổ chức văn minh; không mời thuốc lá; không mở loa đài to sau 22h đêm; làng xóm giúp gia chủ dựng rạp, làm cỗ, tiếp đón khách thân tình như người trong nhà… điều này vừa giúp gia chủ tiết kiệm chi phí, vừa củng cố mối quan hệ làng xóm. Việc tang thực hiện đúng theo nghi thức của địa phương, các thủ tục phúng viếng gọn nhẹ, trong lễ tang thực hiện nghiêm túc, trang trọng, phong tục lạc hậu đang dần được xóa bỏ, tổ chức nghi lễ chôn cất hợp vệ sinh, không tổ chức ăn uống linh đình, đặc biệt, trong các đám tang ở Liên Bạt hiện nay không có tình trạng quàn thi hài người quá cố trong nhà quá 36 giờ; các hủ tục trong đám tang như lăn đường, rải tiền vàng... đều không còn. Thực hiện tang văn minh tiến bộ, năm 2020 toàn xã có 18/32 người qua đời được đưa đi hỏa táng, đạt tỷ lệ 62,2%, điển hình là thôn Vũ Ngoại đạt 70%. Về lễ hội: Việc làng ở các thôn đều tổ chức trang trọng, tiết kiệm, nghi lễ được tổ chức chặt chẽ từ phần lễ đến phần hội, không gây lãng phí thời gian, tiền bạc, tổ chức lễ hội có ý nghĩa đúng nội dung mục đích, đúng nghi lễ, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước, đồng thời mang tính giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, động viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Bên canh đó, việc nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM được nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng; cảnh quan môi trường ngày một cải thiện, các khu dân cư được chỉnh trang… Ngoài ra, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng, toàn xã có 8/8 làng đều được công nhận Làng văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục ở địa phương, bảo vệ và phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng.

Cổng làng Văn hóa thôn Lương Xá, xã Liên Bạt

    Ông Nguyễn Xuân Bán - người dân thôn Bặt Chùa phấn khởi cho biết, Nhà nước hỗ trợ kinh phí để nạo vét, kè hồ thì người dân góp công sức mua ghế đá, trồng cây xanh, đèn chiếu sáng; Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang thì người dân góp tiền mua trang thiết bị, lắp đặt dụng cụ khu vui chơi cho trẻ em, thể dục cho người lớn. Nhà ai có điều kiện thì hiến đất mở rộng đường ngõ, các gia đình khác đóng góp kinh phí xây dựng cổng làng, giao thông nông thôn… Ở Liên Bạt, tính riêng xây dựng cổng làng, các thôn đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, 8/8 thôn đều xây dựng cổng làng bề thế, to đẹp, là “món quà” của hôm nay gửi tặng các thế hệ sau, dù đi xa vẫn nhớ về quê hương với cổng làng đậm đà bản sắc...

    Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết, xã Liên Bạt đã hoàn thành xây dựng NTM năm 2015, kể từ đó, xã tiếp tục vận động mọi nguồn lực xây dựng NTM nâng cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, Liên Bạt đã có hệ thống hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, cụ thể, xã có 3/3 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó, Trường Mầm non Liên Bạt đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 8/8 thôn có nhà văn hóa; 100% số hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó, 87,1% số hộ được sử dụng nước sạch... Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao như: Trồng bưởi tại thôn Lưu Khê với quy mô 13.820 m², được cấp giấy chứng nhận VietGAP; nuôi trồng thủy sản "sông trong ao" áp dụng công nghệ cao quy mô 2 ha tại thôn Lưu Khê; mô hình nuôi ếch quy mô 2,3 ha tại thôn Bặt Ngõ... Năm 2021, thu nhập bình quân của xã đạt 62,3 triệu đồng/người; xã không còn hộ nghèo. Chủ tịch UBND huyện đề nghị chính quyền và nhân dân Liên Bạt tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu, chung sức với huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện NTM năm 2022.

    Sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền, địa phương Liên Bạt, đến nay đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi, quả ngọt ấy chính là việc Liên Bạt được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trở thành xã đầu tiên của huyện Ứng Hòa đạt được danh hiệu này. Ngày 31/7/2022, UBND xã Liên Bạt đã long trọng tổ chức Lễ Công bố và đón nhận Danh hiệu xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Nhân dịp này, UBND huyện Ứng Hòa khen thưởng 1 tập thể, 4 cá nhân; UBND xã Liên Bạt khen thưởng 7 tập thể, 7 hộ gia đình, 5 cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực trong thực hiện xây dựng NTM nâng cao của xã. Xóm làng ngập tràn tiếng cười, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, sự no ấm, bình yên hiện hữu trong từng căn nhà. Tin rằng, người dân Liên Bạt sẽ luôn đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh và phồn vinh hơn.

Bảo Bình

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn