Banner trang chủ

Trồng lan ứng dụng công nghệ cao - Hướng đi bền vững cho nông nghiệp thông minh Thủ đô

14/04/2022

    Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về các mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao (CNC). Thành phố hiện có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản, 1 mô hình kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Riêng về trồng hoa lan, trên địa bàn Thủ đô có hơn 1.200 gia trại hoa lan, chủ yếu là lan VAR có quy mô từ 300 m2 lên, được đầu tư công nghệ thông minh. Cũng từ đây, nhiều mô hình trồng lan ứng dụng CNC, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và đang khẳng định được vị thế trên thị trường như mô hình ươm trồng lan Hồ Điệp của Công ty Toàn Cầu (Toàn Cầu JSC); Mô hình trồng hoa lan CNC của Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng)… 

Toàn bộ lan của HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam đều được trồng trong nhà kính, kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng...

    Là một trong những mô hình trồng hoa lan CNC đầu tiên của Hà Nội, HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam được coi là một hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại. Năm 2004, nhận thấy lợi thế đất đai màu mỡ ven sông Hồng cùng nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm hoa cao cấp, chị Bùi Hường Bích - Giám đốc HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam ấp ủ ý định biến vùng đất nơi đây thành địa chỉ cung cấp hoa lan hồ điệp. Sau vài năm tìm hiểu, HTX đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và đặc biệt là Tập đoàn hoa Flora quốc tế từng bước nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tiêu tự động, điều chỉnh ngoại cảnh... vào sản xuất hoa lan. Đến nay, diện tích sản xuất hoa lan của HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam được mở rộng lên tới 12.500 m2, với phòng nuôi cấy mô hiện đại, giúp HTX kiểm soát được nguồn cây giống, nhà lưới sản xuất điều khiển nhiệt độ tự động qua hệ thống cảm ứng nhiệt máy tính và hệ thống tưới nước giữ ẩm tự động. Ngoài ra, các công nhân sản xuất của HTX đều có kinh nghiệm trồng hoa và được các chuyên gia nước ngoài tập huấn. Chính vì vậy, sản phẩm hoa được tạo ra tại đây có màu sắc, hương thơm và độ bền khác biệt so với các nơi khác. Đặc biệt, từ cuối năm 2017, toàn bộ lan của HTX cung cấp ra thị trường đều được truy xuất nguồn gốc, điều không phải HTX nào cũng làm được. Hiện nay, sản phẩm hoa CNC của HTX được tiêu thụ chủ yếu cho các tỉnh thành phía Bắc, một phần được xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học, những năm qua, HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam sản xuất trung bình khoảng 250.000 cây hoa các loại, công suất cung ứng hoa cho thị trường mỗi năm hơn 800.000 cây hoa lan các loại. Doanh thu đạt từ 4 - 5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí sản xuất cho thu lãi hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động, với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Nhiệt độ trong phòng trồng lan của Toàn Cầu JSC được kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của cây

    Với quy mô sản xuất đã tăng từ 5.000 m2 diện tích nhà kính ban đầu lên thành 3 ha và dự kiến sẽ được mở rộng thành 10 ha vào năm 2025, mô hình ươm trồng lan Hồ Điệp của Công ty Toàn Cầu (Toàn Cầu JSC) đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Toàn Cầu JSC sở hữu hệ thống máy móc hiện đại bậc nhất được nhập khẩu nguyên máy từ Đài Loan (Trung Quốc). Nguyên vật liệu phục vụ nuôi trồng và cấy mô được nhập khẩu 100% từ Hoa Kỳ, Chi-lê, Đài Loan (Trung Quốc) theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của cây giống đạt chất lượng cao nhất. Lan Hồ Điệp thường nở tự nhiên vào tháng 2 - 3 Âm lịch. Tuy nhiên, để phục vụ thú chơi hoa của người dân vào dịp Tết Nguyên Đán, nhờ công nghệ kiểm soát nhiệt độ trong nhà kính mà lan có thể nở đúng vào dịp Tết. Hiện nay, công nghệ mà Toàn Cầu JSC đã mua lại của Đài Loan (Trung Quốc) và hoàn toàn có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng về thời gian hoa nở, chỉ cần có đơn hàng được đặt trước. Theo đó, lan Hồ Điệp được trồng trong nhà kính có đến 5 - 6 tầng mái để điều chỉnh ánh sáng sao cho phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây, sử dụng điều hòa trung tâm để khống chế nhiệt độ và độ ẩm nhằm đảm bảo tốt nhất quá trình sinh trưởng phát triển của cây giống, phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, Toàn Cầu JSC đang trong quá trình hoàn thiện và đưa vào vận hành nhà nuôi cấy mô có quy mô lớn nhất Việt Nam với diện tích trên 5.000 m2, sản lượng dự kiến đạt được xấp xỉ 10 triệu cây giống/năm. Theo Tổng Giám đốc Toàn Cầu JSC Nguyễn Minh Trí, một số thách thức mà Toàn Cầu JSC hiện đang gặp phải như: Áp lực cạnh tranh về giá với sản phẩm hoa lan Hồ Điệp giá rẻ từ Trung Quốc với số lượng lớn; sự tồn tại của các đối thủ cạnh tranh đáng gờm là các nhà vườn Đài Loan xuất khẩu cây giống lan Hồ Điệp sang thị trường Việt Nam; thói quen tiêu dùng trong nước vẫn mang tính thời vụ, nhu cầu tiêu dùng hoa Lan Hồ Điệp trong năm chưa cao, chủ yếu tập trung vào dịp Tết Âm lịch... Vượt qua những thách thức đó, trong thời gian tới, Toàn Cầu JSC sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất hoa và giống hoa lan Hồ Điệp, nhằm đưa cây lan Hồ Điệp thành một trong những mặt hàng nông nghiệp bền vững có giá trị kinh tế cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Hoa lan Hồ Điệp của Toàn Cầu JSC đặt tại Siêu thị hoa Anh Trí (Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội)

    Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song nông nghiệp CNC của thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Nguyên nhân là do năng lực của hộ nông dân, hợp tác xã còn nhiều hạn chế, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, CNC gặp nhiều khó khăn về vốn. Đáng nói là số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC được coi là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất trên địa bàn Hà Nội hiện rất khiêm tốn. Nói về những giải pháp trước mắt để nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC, ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". Trong đó, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Có 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM, 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Tăng diện tích hoa, cây cảnh đạt từ 8.500 ha đến 9.000 ha; Đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh phân tán cây ven đường giao thông lên 8 - 10 m2/ người; Quy hoạch phát triển làng nghề và kế hoạch bảo tồn làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương… Để phát triển hoa, cây cảnh nói chung cũng như đạt được mục tiêu của chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội nói riêng, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả, lợi ích của sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời, tập trung nguồn kinh phí khuyến nông để hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất an toàn và xây dựng mô hình tiến bộ kỹ thuật mới. Đặc biệt, trong năm 2022, Sở tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối và khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản tại địa phương, tạo hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, về phía Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các tỉnh, thành phố rà soát những chính sách liên quan đến phát triển hoa, cây cảnh để bổ sung, chỉnh sửa, tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện chính sách ở cơ sở nhằm ban hành cơ chế chính sách tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển ngành hoa, cây cảnh. Các Hội, Hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh cũng cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để định giá hoa cây cảnh, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thiết lập bản đồ số về hoa cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý và giám sát…

Phương Linh

(Trang báo có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn