Banner trang chủ

TP. Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

30/03/2022

    Như nhiều ngành nghề kinh tế khác, nông nghiệp cũng không nằm ngoài vòng chuyển đổi số. Tại Việt Nam, giá trị cốt lõi của chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay là đưa được những giải pháp công nghệ đột phá dựa trên nền công nghệ số đến người sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, với nhiều nỗ lực, ngành Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong đó, chuyển đổi số được đánh giá là “chìa khoá” để ngành tận dụng được những cơ hội mới sau đại dịch, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí phát biểu tại Hội thảo "Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội" ngày 8/3/2022

    Chương trình chuyển đổi số TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định 4098/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND TP. Hà Nội) đã xác định, đối với lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành Nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Thành phố cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Đồng thời đặt mục tiêu: Mỗi nông dân được định hướng đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về giá, thời vụ... nông sản; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.

    Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX nông nghiệp, chủ trang trại tiêu biểu đại diện các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP trên địa bàn thành phố, các đơn vị xúc tiến thương, sàn thương mại điện tử, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị… nắm bắt được các nội dung của chuyển đổi số, kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 8/3/2022, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam và UBND huyện Hoài Đức đã tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội". Hội thảo là tiền đề để các đơn vị quản lý nhà nước và các doanh nghiệp chuyển đổi số nghiên cứu tham mưu và có giải pháp thực hiện linh hoạt, phù hợp, hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố.

Các đơn vị, doanh nghiệp và HTX trao nhận hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm

    Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, để chương trình liên kết và hợp tác cũng như chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch hàng năm. Cùng với đó, các đơn vị trong ngành nông nghiệp trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chuyển đổi số và các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm. Về phía địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã cần chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị tư vấn, các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai Kế hoạch chuyển đổi số, chuyển đổi số nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025 theo chỉ đạo UBND TP. Hà Nội tại Quyết định 4098/QĐ-UBND; đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm kết nối các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ như Egap… để người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện được những sản phẩm đặc hữu của Thủ đô. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chuyển đổi số cần gắn kết chặt chẽ với các đơn vị phân phối, tiêu thụ và đơn vị sản xuất để tạo thành một hệ sinh thái minh bạch thông tin về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; các doanh nghiệp phân phối và tiêu thụ sản phẩm chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực để được tham vấn về cơ chế chính sách, quy hoạch và định hướng phát triển ngành hàng của từng cơ sở để liên kết hiệu quả bền vững. Liên kết chặt chẽ, bền vững giữa đơn vị sản xuất với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra cho sản phẩm với phương châm Win - Win (cùng thắng). Ngoài ra, các đơn vị sản xuất tập trung cải tiến và ứng dụng công nghệ, như công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, chế biến sâu, kinh tế tuần hoàn đặc biệt là kinh tế số để tạo giá trị gia tăng và minh bạch sản phẩm. Đặc biệt, sản xuất phải gắn với liên kết từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm để tăng tính bền vững, hiệu quả.

HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là một điển hình về ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất rau quả sạch

    Thực tế đã có rất nhiều hợp tác xã (HTX) trong thời gian vừa qua đã từng bước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh… để vượt qua những tác động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giúp ổn định, tăng doanh thu cho HTX. Trong số đó, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội, nhờ áp dụng các giải pháp đồng bộ như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu. Từ năm 2016, HTX đã tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực là: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ eGap. Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Còn công nghệ số eGap giúp HTX thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Từ thành công này, rau của HTX đã vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định hơn nhiều so với bán rau ở chợ thông thường. Năm 2021, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục thí điểm hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Kinhpeec/vn và Cadosa.vn có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm. Đến nay, HTX đã số hóa được 15 sản phẩm rau. Với việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, ứng dụng các hệ thống giám sát minh bạch đến các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã giúp cho nông dân của HTX mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tương tác giữa người nông dân với người tiêu dùng. Chính vì vậy, mặc dù thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn vẫn duy trì, phát triển ổn định. Doanh thu của HTX năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.

HTX Rau quả sạch Chúc Sơn minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất, sử dụng mã vạch để người tiêu dùng có thể cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch

    Rõ ràng, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là việc người dân, HTX có thể làm. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều HTX nông nghiệp, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai. Nguyên nhân là đa số người lao động, thành viên HTX xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương giữa người dân, HTX với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạn chế, chưa thường xuyên. Đi kèm với đó là đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều thiếu vốn, kinh nghiệm… Để khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động cho các HTX; triển khai hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo chuỗi và đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử của tthành phố, website OCOP... Qua đó, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng các HTX bắt nhịp với thời kỳ kinh tế số, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu và xây dựng Thủ đô.

Hương Mai

(Trang báo có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn