Banner trang chủ

Thị xã Sơn Tây: Chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

02/03/2022

    Tính đến thời điểm hiện tại, TP. Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Riêng tại thị xã Sơn Tây, với quyết tâm chính trị cao cùng với sự đồng thuận và ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân - chủ thể xây dựng NTM, diện mạo nông thôn nơi đây đã có sự thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao.

Thị xã Sơn Tây đón bằng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019

    Thị xã Sơn Tây có 9 phường và 6 xã. Năm 2010, bắt tay vào xây dựng NTM, thị xã gặp rất nhiều khó khăn: 6/6 xã chưa có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển khu dân cư mới; chỉ có hơn 50% đường trục xã, liên xã, liên thôn được bê tông hóa; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; thu nhập bình quân chỉ đạt 16,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,86%... Mặt khác, quy hoạch xây dựng NTM và một số quy hoạch trên địa bàn thị xã phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và các quy hoạch phân khu. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư xây dựng NTM của Sơn Tây còn hạn chế... Những khó khăn này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng NTM trên địa bàn.

    Để tháo gỡ khó khăn, thị xã Sơn Tây đã đầu tư hơn 1,7 nghìn tỷ đồng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí NTM. Đến năm 2020, Sơn Tây đã có 6/6 xã đều đạt 19/19 tiêu chí NTM. Một số nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: 100% giao thông được cứng hóa; 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 89,73% số người dân trên địa bàn thị xã tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của thị xã chỉ còn 0,3% (thấp hơn bình quân chung của thành phố là 0,42%). Thu nhập bình quân đến hết năm 2019 đạt 46,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10%/năm. Quá trình xây dựng NTM, thị xã đã huy động sự đóng góp tích cực của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, nhân rộng các phong trào: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng ngõ xóm”... Nhân dân thị xã đã tham gia 94.688 ngày công, hiến 3.440 m2 đất thổ cư, 1.551 m2 đất nông nghiệp để mở rộng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đóng góp hơn 4,8 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật…

Xã Kim Sơn đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đợt 3) năm 2020

    Ngày 14/11/2020, thị xã Sơn Tây tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Đây là thành quả ghi nhận những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã trong công tác xây dựng NTM. Xác định xây dựng NTM “có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, ngay sau khi đạt chuẩn, Sơn Tây bắt tay ngay vào thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện Chương trình 09-CTr/TU của Thị ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021 - 2025, thị xã Sơn Tây phấn đấu có 4 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Hiện xã Kim Sơn - xã đầu tiên trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã về đích xây dựng NTM nâng cao năm 2020, tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu. Ít ai biết, xuất phát điểm của Kim Sơn tương đối thấp. Kim Sơn là xã cuối cùng của thị xã Sơn Tây về đích NTM năm 2018. Nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân, xã Kim Sơn đã từng bước đạt được các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Tính riêng quãng thời gian từ năm 2018 - 2020, xã Kim Sơn đã huy động gần 19 tỷ đồng nguồn lực xây dựng NTMnâng cao, trong đó nguồn vốn xã hội hoá từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đạt gần 3,4 tỷ đồng. Cùng với đó, Kim Sơn đầu tư một số hạng mục công trình dân sinh quan trọng như: nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông khu đồng Đạo A; cải tạo, nâng cấp nền mặt đường tuyến đường Thu Cát đi Cống Tròn; nâng cấp, cải tạo rãnh thoát nước thôn Nghĩa Sơn; nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ ngã ba chợ Kim Sơn đến cổng Học viện Hậu cần… Hiện hệ thống đường trục xã, liên xã, hệ thống đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp dần chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Ngày 13/4/2021, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 1721/QĐ-UBND về việc công nhân xã Kim Sơn đạt chuẩn NTM nâng cao (đợt 3) năm 2020.

Các đoàn viên thanh niên phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) dọn dẹp bụi cây, cỏ dại

    Năm 2021, thị xã Sơn Tây lựa chọn xã Thanh Mỹ xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, xã Thanh Mỹ có 7/19 tiêu chí đạt; 12/19 tiêu chí cơ bản đạt và chưa đạt với tổng điểm 71,3/100 điểm. Các tiêu chí cần phấn đấu gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, thu nhập, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

    Nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội, thị xã Sơn Tây cần tập trung thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Gà mía Sơn Tây, mật ong Kim Sơn, mít Sơn Đông, tương và bánh gai Đường Lâm… gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất đạt 9,9%/năm; thu nhập bình quân đạt từ 52 triệu đồng/người/năm trở lên... Bên cạnh đó, thị xã cần quan tâm phát triển dịch vụ, thương mại, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp nhưng giá trị đạt cao; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình về giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế; chú trọng gìn giữ và phát triển kinh tế làng nghề; tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường nông thôn theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Đức Anh

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

 

Ý kiến của bạn