Banner trang chủ

Thanh Trì: Điểm sáng trong nâng tầm, phát triển sản phẩm OCOP

28/07/2021

   Thanh Trì là huyện nằm ven phía Nam và Đông Nam TP. Hà Nội, với 15 xã, 1 thị trấn, diện tích đất tự nhiên hơn 6.000 ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp hơn 3.000 ha. Cơ cấu kinh tế của huyện phát triển theo hướng Công nghiệp - Thương mại dịch vụ - Nông nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất đã đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc, rau an toàn ở xã Yên Mỹ, nuôi thủy sản ở xã Đông Mỹ, lúa chất lượng cao ở xã Vĩnh Quỳnh… tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Thanh Trì còn có nhiều làng nghề truyền thống: Bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà), miến dong (xã Hữu Hòa), dệt (xã Tân Triều)... với hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia. Đây là những tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, địa phương đã có 49 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cán bộ và nhân dân huyện nhà trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người dân trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từng bước thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất.

Các đại biểu tham quan Điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP Thanh Trì

    Quán triệt tinh thần Quyết định số 490 ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 và cụ thể hóa Quyết định số 3629/QÐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” của huyện Thanh Trì giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm cho Ban chỉ đạo và thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Thanh Trì đến năm 2020 để triển khai thực hiện. Quan điểm chính của huyện trong giai đoạn này là phải đưa và coi Chương trình OCOP là chương trình kinh tế, từ đó có sự lãnh đạo chỉ đạo nghiêm túc trong hệ thống chính trị, kiện toàn công tác lãnh đạo, chỉ đạo yêu cầu các ngành, địa phương lập kế hoạch triển khai đồng bộ từ huyện đến xã; Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại; Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP và các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Mục tiêu cụ thể đến hết 2020, huyện phấn đấu có 40 sản phẩm đạt sản phẩm cấp huyện, cấp Thành phố và có sản phẩm quốc gia để tạo nên thương hiệu của huyện. Đến nay, với 49 sản phẩm được công nhận, Thanh Trì đã hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra (Năm 2019, huyện có 30 sản phẩm được TP. Hà Nội gắn 3 sao, 4 sao; năm 2020, huyện tiếp tục có 19 sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao). Theo đó, các sản phẩm được công nhận chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống và dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch đã được lựa chọn. Tiêu biểu như: Trà cam thái lát, trà hoa hòe, trà hoa bách hợp, tinh bột nghệ… của Công ty TNHH sản xuất và thương mại nông sản hữu cơ Việt (xã Tả Thanh Oai); sản phẩm rượu nếp cái, rượu hoa cúc của Hợp tác xã rượu Ngâu (xã Tam Hiệp); sản phẩm cao ngựa bạch, đông trùng hạ thảo khô và rượu đông trùng hạ thảo của Công ty cổ phần Nghiên cứu chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Vạn An (xã Yên Mỹ)… Tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể, công ty, hợp tác xã… đều được tư vấn, hỗ trợ xây dựng bao bì sản phẩm với thiết kế đẹp mắt, hấp dẫn người tiêu dùng; đồng thời được hỗ trợ, quảng bá sản phẩm trên thị trường.

Khai trương Điểm quảng bá sản phẩm OCOP và 17 Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn huyện Thanh trì ngày 24/11/2020

   Cùng với đó, để nâng cao năng lực quản lý, điều hành triển khai Chương trình OCOP, từ năm 2019 đến nay, Phòng NN&PTNT của huyện đã phối hợp với các đơn vị như: Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện… tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các phòng ban chuyên môn của huyện; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách Chương trình OCOP ở các xã, thị trấn và các chủ thể, HTX tham gia chương trình OCOP. Trong những đợt tập huấn này, các đại biểu đã được cung cấp kiến thức về tổng quan, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, nông nghiệp 4.0; mục tiêu và nội dung cơ bản của chương trình OCOP; các khái niệm cơ bản về công đồng và phát triển cộng đồng, sản phẩm OCOP, tổ chức kinh tế OCOP; chu trình phát triển OCOP; bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng OCOP; kỹ năng tuyên truyền về Chương trình OCOP; các hướng đa dạng hóa sản phẩm, xu hướng thị trường, các yếu tố cấu thành sản phẩm, tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP…

    Mặc dù Thanh Trì có nhiều lợi thế để thực hiện Chương trình OCOP, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản... chưa hiểu và còn lúng túng khi tham gia vào OCOP. Nhằm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất cho các chủ thể OCOP, huyện Thanh Trì còn chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn hướng dẫn lập hồ sơ sản phẩm đăng ký tham dự Chương trình, chỉ đạo khảo sát các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký để lựa chọn đánh giá, phân hạng. Cùng với đó, phối hợp với UBND TP. Hà Nội khảo sát, lựa chọn và khai trương các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đây là khâu then chốt, mang lại động lực và quyết tâm giữ vững chất lượng của các chủ thể OCOP bởi nếu chỉ sản xuất mà không tiêu thụ được thì người sản xuất dễ nản lòng và việc công nhận chất lượng cũng không đạt được hiệu quả cao nhất. Trên cơ sở đó, ngày 24/11/2020, Sở Công Thương Hà Nội đã khai trương Điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và gắn biển nhận diện các Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn trên địa bàn huyện Thanh Trì. Điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP huyện Thanh trì được đặt tại thôn Văn Điển, xã Tứ Hiệp với không gian gần 200 m2, trưng bày, quảng bá các mặt hàng là đặc sản địa phương, sản phẩm có nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ, được công nhận sản phẩm OCOP.

Sản phẩm rượu nếp cái, rượu hoa cúc của Hợp tác xã rượu Ngâu (xã Tam Hiệp) được gắn 4 sao

    Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động kinh doanh, thương mại trên địa bàn, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng, tạo ý thức trách nhiệm và tình yêu quê hương trong nhân dân, huyện Thanh Trì còn thường xuyên tổ chức Chương trình giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề hàng tuần vào các ngày từ thứ 6 đến Chủ nhật, với sự tham gia của khoảng 70 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh của huyện và các đơn vị bạn tại khắp mọi miền Tổ quốc. Ngoài việc giới thiệu thành tựu kinh tế thương mại trên địa bàn, còn tập trung trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề tiêu biểu và là nơi giao thương hợp tác kinh tế cũng như tổ chức hoạt động vui chơi cộng đồng, trò chơi dân gian, ẩm thực đường phố… góp phần tôn vinh giá trị văn hóa và phát triển kinh tế của huyện Thanh Trì. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm kích cầu tiêu dùng nhằm vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19; giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

   Song song với việc thực hiện Chương trình OCOP, TP. Hà Nội cũng đang triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025”, trong đó phấn đấu hết năm 2021, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm và được cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn. Thanh Trì là một trong những đơn vị đi đầu trong việc cấp biển nhận diện kể từ khi triển khai thực hiện Đề án. Qua khảo sát, trên địa bàn huyện hiện có 224 cửa hàng kinh doanh trái cây. UBND huyện đã hướng dẫn 17 cửa hàng hoàn thiện các điều kiện tại Đề án để được cấp biển nhận diện. Việc cấp biển nhận diện giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn mua sắm tại các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, các cửa hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh, doanh thu bán hàng.

Chương trình giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Thanh Trì kết hợp với tổ chức Hội chợ Xuân Tân Sửu 2021 diễn ra từ ngày 18 - 24/1 và từ 1 - 7/2/2021

    Xác định OCOP nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, là một trong những giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hoạt động trên để nhân dân biết, tham quan và mua sắm. Đồng thời, tang cường kiểm tra giám sát chất lượng của các sản phẩm OCOP để doanh nghiệp duy trì và giữ vững, nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần tạo thành công của điểm quảng bá, cũng như thuận lợi hơn trong việc vận động các chủ thể tiếp theo tham gia Chương trình OCOP…

Hồng Cẩm

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn