Banner trang chủ

Thành quả và bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới tại xã Phù Đổng

02/08/2021

    Nằm ở phía Bắc huyện Gia Lâm, là quê hương của Đức Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) là một trong những địa phương tiêu biểu của huyện Gia Lâm trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM), trở thành 1 trong 29 xã của TP. Hà Nội được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao tính đến thời điểm hiện tại.

Lãnh đạo xã Phù Đổng thăm, chỉ đạo mô hình trồng hoa, cây cảnh

    Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí, tính đến tháng 5/2021, TP. Hà Nội đã có 368/382 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 29 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Riêng xã Phù Đổng, do khởi động chương trình xây dựng NTM từ sớm (năm 2011), với cách làm bài bản, hiệu quả, sau 4 năm, xã Phù Đổng đã về đích vào năm 2015. Không dừng lại ở đó, xã tiếp tục thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Sau hơn 2 năm thực hiện Bộ tiêu chí NTM nâng cao tại Quyết định 4212/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội và Hướng dẫn 434/HD-SNN của Sở NN&PTNT, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí. Đến năm 2020, Phù Đổng là một trong hai xã đầu tiên của huyện Gia Lâm được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Tại thời điểm này, xã đạt 15/19 tiêu chí, 4 tiêu chí cơ bản đạt, với 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa bằng bê tông hoặc trải nhựa apphal; 100% đường ngõ xóm trên 2 m có điện chiếu sáng; Trạm y tế xã được xây mới, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (trong đó trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2); 100% các thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 92,1% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 90,7% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo QCVN. Đến cuối năm 2020, nhân dân đã chuyển đổi trên 266,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có 87,5 ha trồng hoa, cây cảnh; 142,5 ha trồng cây ăn quả và 36,5 ha chuyển đổi các mô hình VA, VAC. Giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm, còn đối với cây ăn quả là 350 triệu đồng/ha/năm... Bên cạnh đó, xã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng sạch tại khu đồng Pheo với diện tích 9,5 ha, thực hiện mô hình trồng cà tại xứ đồng bãi thôn Đổng Viên với diện tích gần 0,3 ha. Từ một xã chủ yếu trồng lúa, đến nay hầu hết các diện tích đất nông nghiệp, người dân đã chuyển sang trồng hoa, cây cảnh và cây ăn quả, với tổng diện tích trên 200 ha. Từ đó tạo ra giá trị thu nhập cao, góp phần nâng cao cuộc sống người dân. Đây là tiền đề để xã tiếp tục phát huy, tiến tới xây dựng thành công NTM kiểu mẫu, hoàn thành các tiêu chí trở thành đơn vị cấp phường.

Các đại biểu đến từ Hội Nông dân 6 huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức và Thanh Trì tham quan mô hình cánh đồng sạch tại xã Phù Đổng

    Cánh đồng xã Phù Ðổng xưa vốn trồng lúa, trồng cỏ nuôi bò sữa, nhưng người dân từ lâu có nghề làm cây cảnh nổi tiếng. Khoảng 20 năm trở lại đây, nghề trồng hoa giấy được du nhập về. Nhận thấy tiềm năng của loại cây này, chính quyền xã Phù Ðổng đã hỗ trợ, vận động nhân dân phát triển nghề trồng hoa giấy, hình thành vùng chuyên canh với tổng diện tích trồng hoa giấy khoảng 300 ha. Nghề trồng cây cảnh truyền thống đã đem lại lợi thế lớn khi người dân xã Phù Ðổng chuyển sang trồng hoa giấy. Thay vì chỉ trồng những cây hoa giấy thông thường, người dân Phù Ðổng tạo dáng, thế cho những cây hoa giấy; ghép nhiều loại hoa trên cùng một gốc, nhờ đó tăng giá trị cho cây. Hiện, toàn xã có khoảng gần 500 hộ trồng hoa giấy. 

    Tuy nhiên, Phù Ðổng nổi tiếng lâu nay không phải bởi nghề trồng hoa giấy, mà là "quê hương" của Thánh Gióng. Quần thể đền thờ Thánh Gióng nằm trên địa bàn xã đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể này gồm 10 điểm di tích thành phần, gồm: Ðền Phù Ðổng, đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban, đình Hạ Mã, bãi Soi Bia, bãi Ðống Ðàm... phân bố trên địa bàn ba thôn của xã. Trên nền của quần thể di tích ấy diễn ra Lễ hội Gióng. Vào những dịp chính hội, màn diễn xướng tại Hội Gióng có sự tham gia của hàng nghìn diễn viên quần chúng, trở thành màn "hội trận" (tái hiện cảnh Thánh Gióng đánh giặc) lớn nhất nước ta. Cùng với Lễ hội Gióng ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Lễ hội Gióng tại Phù Ðổng được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2010). Ðây chính là một "bảo tàng văn hóa" của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng...

Nông dân xã Phù Đổng nâng cao thu nhập từ nghề trồng hoa giấy

    Đặc biệt, khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park, với các hạng mục như: Khu vui chơi, khu trải nghiệm làm nông nghiệp, rừng sưa, vườn hồng, vườn cam quýt, khu gieo trồng thủy canh, thung lũng hoa, hồ cá koi, hồ nước lớn, vườn thú (ngựa, hươu sao, cừu, dê, chim bồ câu, khỉ, đà điểu, ngỗng…), khu vườn trồng hơn 20 loại dược liệu, nằm trên trục đường kết nối không gian tâm linh Đền Gióng, xã Phù Đổng với khoảng cách 500 m, rất thuận tiện cho các hoạt động du lịch tâm linh. Đây là điểm dịch vụ phụ trợ, nơi du khách có thể dừng chân ăn uống trước khi đi thăm quan Đền Gióng với đội ngũ hướng dẫn viên được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu du lịch tại địa phương, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP quanh vùng như các sản phẩm từ sữa bò, hoa, cây cảnh…

    Từ những "đặc sản" này, UBND huyện Gia Lâm đã đồng ý xây dựng, triển khai Ðề án Phát triển du lịch Phù Ðổng, huyện Gia Lâm giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Không chỉ tiếp tục nâng cao các chỉ số trong bộ 19 tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia, trong giai đoạn 2020 - 2025, xã Phù Đổng xác định hướng đi trọng tâm là phát triển xanh, bảo vệ môi trường, trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô. Để xây dựng NTM kiểu mẫu, Phù Đổng tập trung hai hướng đi mũi nhọn là phát triển du lịch trải nghiệm và chuyển đổi cơ cấu tổ chức sản xuất, đây cũng chính là mô hình kinh tế xanh khi vừa mang tới không gian sinh thái, vừa tích cực cải tạo môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Một số chỉ tiêu cụ thể được xã Phù Đổng đề ra từ nay đến năm 2025 là: Thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm; các chỉ tiêu khác đều đạt cao. Phấn đấu năm 2021, xã hoàn thành công nhận Điểm du lịch Phù Đổng; năm 2022, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về lĩnh vực du lịch; đến hết năm 2023, chuyển đổi 100% diện tích trồng lúa mầu kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả; đồng thời triển khai 1 - 2 điểm chăn nuôi xa khu dân cư. Đến hết năm 2023, cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn thành lập phường.

Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park - Điểm dã ngoại lý tưởng

    Trên cơ sở kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 của xã Phù Đổng có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

    Thứ nhất, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM có ý nghĩa quyết định đến kết quả xây dựng NTM. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng NTM bền vững. Đặc biệt, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn NTM tại xã Phù Đổng đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong xã hội, giúp chính quyền các cấp có cơ sở khi quyết định công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bên cạnh đó, những vấn đề người dân chưa hài lòng, chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý nhằm đảm bảo xây dựng NTM bền vững.

    Thứ hai, phải bám sát định hướng xây dựng NTM của Nhà nước, vận dụng linh hoạt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các địa phương, cơ sở, triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí, có lộ trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng xã, từng thôn, tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích, cách làm thiếu dân chủ hoặc trông chờ, ỷ lại, mà cần chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng NTM phải có kế hoạch cụ thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những thiếu sót, thậm chí sai lầm trong quá trình xây dựng NTM. Cùng với đó, kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tế của địa phương và nguyện vọng của người dân. Thực hiện phân cấp cho cơ sở trong thực hiện, nhất là cộng đồng dân cư và quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi nội đồng, tập trung cho các công trình do thôn và cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức thực hiện, tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có phù hợp tiêu chí NTM.

    Thứ ba, kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tế của địa phương và nguyện vọng của người dân. Thực hiện phân cấp cho cơ sở trong thực hiện, nhất là cộng đồng dân cư và quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất (giao thông, thuỷ lợi nội đồng); tập trung cho các công trình do thôn và cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức thực hiện; tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có phù hợp tiêu chí NTM.

    Thứ tư, để thực hiện thành công xây dựng NTM, việc xây dựng và triển khai các mô hình điểm có vai trò rất quan trọng, giúp đúc kết, phát hiện cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, làm cơ sở nhân rộng, tạo sự lan tỏa tới các địa bàn khác. Cùng với việc xây dựng mô hình điểm, phải có hệ thống chính sách đủ mạnh để hỗ trợ chính quyền, nhân dân các địa phương, đồng thời, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn xã hội…

Nguyệt Minh

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn