Banner trang chủ

Phúc Thọ: Trên con đường xây dựng nông thôn mới

04/08/2022

    Phúc Thọ là huyện ngoại thành, nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, với diện tích tự nhiên 118,63 km2, gồm 20 xã và 01 thị trấn. Phát huy bề dày lịch sử 200 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và TP. Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo; tích cực lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật; đặc biệt là trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho đại diện lãnh đạo huyện Phúc Thọ

    Hơn 10 năm trước, Phúc Thọ là một trong những địa phương có xuất phát điểm thấp nhất khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ yếu; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển... Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của huyện mới đạt 12,3 triệu đồng/người/năm; toàn huyện còn 4.801 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,84%... Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, huyện đã tổ chức quán triệt sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn những chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và TP. Hà Nội trong phát triển “tam nông”. Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố, từ năm 2010 đến nay, huyện Phúc Thọ đã ban hành hàng trăm văn bản, bao gồm các đề án, nghị quyết, kế hoạch… để tổ chức thực hiện. Chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng NTM được Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở nghiêm túc tiếp thu, triển khai sâu rộng bằng hình thức phong phú, thông qua nhiều cuộc vận động… đến cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao bằng công nhận huyện Phúc Thọ đạt chuẩn NTM năm 2020

Với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Diện mạo nông thôn, đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, 20/20 xã của huyện Phúc Thọ đã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí “Huyện nông thôn mới”. Đáng chú ý, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đời sống của nhân dân huyện Phúc Thọ không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người dân trên địa bàn huyện cuối năm 2021 đạt hơn 62 triệu đồng/năm (tăng hơn 5 lần so với năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang…

Huyện Phúc Thọ hôm nay khang trang, sạch đẹp

    Bên cạnh đó, Phúc Thọ cũng là vùng có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn của vùng đất xứ Đoài, tiêu biểu như rau muống Linh Chiểu, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, tương nếp xã Tam Hiệp… Đây là điều kiện thuận lợi để Phúc Thọ phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội, Phúc Thọ là huyện có gần 60 làng có nghề; đặc điểm tự nhiên đã tạo thuận lợi cho Phúc Thọ phát triển sản xuất nông nghiệp. Một số làng đang phát triển nghề mới như: Nghề chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ ở các xã: Hát Môn, Thanh Đa, Liên Hiệp…; nghề sản xuất sản phẩm từ kim loại tại các xã: Võng Xuyên, Liên Hiệp, Tích Giang… Mỗi làng có nghề đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và lực lượng lao động tại các xã lân cận với thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tận dụng lợi thế, những năm qua, huyện đã phát triển nhiều sản phẩm chủ lực như bưởi Phúc Thọ, thịt lợn sinh học Thọ Lộc, rau an toàn Thanh Đa, chuối Vân Nam… Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, khai trương, mở điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các địa phương.

Khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP năm 2022 từ ngày 30/7 - 3/8/2022

    Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Phúc Thọ, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-TTg công nhận huyện Phúc Thọ đạt chuẩn NTM năm 2020. Ngày 26/11/2021, Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 2168/QĐ-CTN về việc tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Ngày 3/8/2022 vừa qua, huyện Phúc Thọ đã long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện Phúc Thọ đạt chuẩn NTM năm 2020”; đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, kỷ niệm 200 năm thành lập huyện Phúc Thọ (1822 - 2022).

    Có thể nói, từ một huyện đứng nhóm cuối trong phong trào xây dựng NTM, Phúc Thọ đã có nhiều sáng tạo, nỗ lực vươn lên, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu TP. Hà Nội, được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Đây vừa là nền tảng, vừa là động lực để Phúc Thọ tiếp tục vươn lên xây dựng NTM nâng cao, NTM điển hình tiên tiến.

Một số sản phẩm OCOP của huyện Phúc Thọ được trưng bày tại Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP năm 2022

    Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phúc Thọ lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định mục tiêu xây dựng NTM là khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là nhân tố con người, quyết tâm xây dựng Phúc Thọ trở thành huyện NTM điển hình tiên tiến, có kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp. Để đạt được mục tiêu trên, huyện Phúc Thọ đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng huy động tối đa mọi nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch; Hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nhằm tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, giao thương… Với lợi thế ven đô, được quy hoạch thành vành đai xanh của Thủ đô, thời gian tới, huyện Phúc Thọ cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa; Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; Thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm; gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh của địa phương… Từ đó mở ra hướng phát triển bền vững cho người dân, tạo sức bật để đưa Phúc Thọ trở thành huyện NTM điển hình tiên tiến trong tương lai không xa.

Trần Tân

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn