Banner trang chủ

Phú Thọ: Khơi thông, tạo chỗ đứng và nâng tầm cho dòng sản phẩm OCOP

24/11/2021

    Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Phú Thọ đã có 115/247 xã đạt chuẩn. Cái khó nhất của địa phương trong triển khai xây dựng NTM chính là số xã nhiều, địa bàn trải rộng, khó đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân. Để khắc phục hạn chế, khó khăn, Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có phát triển kinh tế nông thôn dựa vào thế mạnh vùng miền. Đây cũng chính là lợi thế để Phú Thọ triển khai Chương trình mỗi nhà một sản phẩm (OCOP), từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm nông sản của địa phương vươn xa. Ngay năm đầu tiên triển khai Chương trình OCOP, tỉnh đã có 28 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, trong đó, 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 20 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đến tháng 10/2021, Phú Thọ đã có 55 sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ được công nhận và cấp sao. Các sản phẩm OCOP đều được hoàn thiện tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã QR... tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, xác lập chỗ đứng trên thị trường.

    Tạo chỗ đứng trên thị trường

    Từ một món ăn dân dã của đồng bào dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn, đến nay, thịt chua Thanh Sơn đã trở thành đặc sản mang hương vị riêng của Đất Tổ, được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến. Trước đây, các hộ dân ở Thanh Sơn chủ yếu sản xuất thịt chua với quy mô nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu của gia đình và phần nhỏ cung cấp cho thị trường trong huyện. Năm 2018, được sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, các hộ dân có kinh nghiệm làm thịt chua đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) thịt chua Thanh Sơn với 9 thành viên. Năm 2020, sản phẩm thịt chua Thanh Sơn được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, đạt chất lượng 3 sao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện sản phẩm được giới thiệu tại nhiều siêu thị lớn như Vinmart, Coopmat, BigC; các điểm du lịch của tỉnh như: Vườn quốc gia Xuân Sơn, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và cung ứng ra 25 thị trường trong nước (Hà Nội, Hà Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…). Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 20.000 sản phẩm. Năm 2020, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7 - 8 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
    Cùng với thịt chua Thanh Sơn, nhiều sản phẩm nông nghiệp tại các làng quê Đất Tổ giờ không còn là mặt hàng tự cung tự cấp, tiêu thụ trong phạm vi nhỏ mà đã trở thành sản phẩm du lịch, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước, thậm chí vươn mình ra quốc tế. Điển hình như sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP chè Bát Tiên Long Cốc của HTX sản xuất Chè an toàn Long Cốc, huyện Tân Sơn; Bưởi Bằng Luân của HTX Dịch vụ, sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân, huyện Đoan Hùng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; sản phẩm chè Đinh và chè Nhài của Công ty TNHH Chè Hoài Trung, xã Chí Tiên huyện Thanh Ba đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao… Sau khi đạt chứng nhận OCOP với chất lượng 3 sao, sản phẩm chè Đinh và chè Nhài của Công ty TNHH Chè Hoài Trung đã có dấu mốc quan trọng, xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Trung Đông… Để giữ vững thị trường, thời gian tới, Công ty tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, với chất lượng 4 sao, mì gạo Hùng Lô của HTX mỳ gạo Hùng Lô, TP. Việt Trì ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, có chỗ đứng trên thị trường cả nước. Sau hơn một năm đạt chứng nhận OCOP, mỗi tháng HTX sản xuất và tiêu thụ từ 40 - 45 tấn sản phẩm, tăng từ 10 - 15 tấn so với những năm trước. Nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn như Công ty thiên nhiên xanh Việt Nam, Công ty Golden scorpio, Công ty TNHH nông nghiệp Phú Nam, Siêu thị Mường Thanh... đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, HTX còn liên kết xây dựng được đầu mối bán buôn ở 8 tỉnh thành trong cả nước như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội, Nghệ An, Cà Mau...

Bưởi Bằng Luân của HTX Dịch vụ, sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân, huyện Đoan Hùng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao

    Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, Phú Thọ là tỉnh có nhiều cây, con, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phong phú, mang tính đặc trưng, đặc sản với nhiều lợi thế để triển khai Chương trình OCOP mang bản sắc riêng. Tiêu biểu như bưởi Đoan Hùng, chè xanh, chuối phấn vàng, hồng không hạt Hạc Trì, hồng không hạt Gia Thanh, gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, khoai tầng vàng, cá sông Đà, gà nhiều cựa... Để tạo chỗ đứng, nâng tầm cho sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT đã liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội… nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP cũng như nông sản nói chung của tỉnh; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp.

    Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể… các địa phương cũng nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình HTX, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đặc biệt là sự thay đổi từ sản xuất theo kinh nghiệm mang nặng tính truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; từ năng suất lao động thấp sang áp dụng hàm lượng khoa học - công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận, gắn với an toàn thực phẩm của sản phẩm nông sản... 

Siêu thị Co.opmart Việt Trì giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP của địa phương

    Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Phú Thọ đặt mục tiêu, đến hết năm 2021 có ít nhất 78 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, 25 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt hạng 3 sao và có 1 - 2 sản phẩm đạt hạng 5 sao; mỗi xã, phường có ít nhất 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng 2 mô hình , dự án sản phẩm du lịch công đồng, điểm du lịch đạt hạng 3 sao trở lên; hỗ trợ xây dựng thêm điểm quảng bá sản phẩm OCOP gắn với hoạt động các tour, tuyến du lich lễ hội trong tỉnh. Mục tiêu dài hạn đến năm 2025, sẽ có 125 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; tiếp tục hỗ trợ, phát triển du lịch dịch vụ cộng đồng Xuân Sơn; du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, xã Hùng Lô đạt hạng 3 sao gắn với các điểm tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và là điểm giới thiệu, quảng bá, trao đổi các sản phẩm OCOP… nhằm từng bước xây dựng sản phẩm OCOP Phú Thọ thành thương hiệu, lợi thế có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tiêu và từng bước hướng tới xuất khẩu.

    Đổi mới tư duy, nâng tầm OCOP

    Có thể thấy, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã mang đến làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh dòng sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương; hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân cũng được sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế ở địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định, bởi hiện nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phần lớn quy mô hộ nhỏ lẻ, số lượng hàng hóa ít, chưa tạo được nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Đội ngũ cán bộ thực hiện Chương trình OCOP của một số huyện chưa có kinh nghiệm; kiến thức về Chương trình còn hạn chế, dẫn đến lúng túng trong hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia. Lãnh đạo cấp xã một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của Chương trình OCOP với phát triển kinh tế của địa phương.

    Đặc biệt, hai năm gần đây, do tác động bởi đại dịch Covid-19, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương bị gián đoạn; hoạt động ở một số huyện, xã có các sản phẩm đặc trưng, đặc sản hiệu quả chưa cao, số sản phẩm tham gia và được công nhận chưa nhiều; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Chương trình hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ, phát triển và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm theo quy định… Song, nút thắt lớn nhất khiến cho các sản phẩm OCOP của tỉnh chưa thể vươn xa và tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường lớn chính là vấn đề liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc đưa vào hệ thống kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, các cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác, hộ kinh doanh mới tiếp cận với nội dung triển khai của Chương trình, chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia Chương trình nên chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm khiến chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều; mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, thiếu tính thương mại; số lượng sản phẩm đăng ký tham gia nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu còn ít... nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, xúc tiến thương mại chưa có chiến lược, giải pháp cụ thể nên chưa tạo được thương hiệu và đầu ra ổn định cho hàng hóa nông - lâm sản của tỉnh...

    Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Phú Thọ Nguyễn Nam Cường, mục tiêu của Chương trình OCOP không chỉ là tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Quan trọng là khi các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được “đóng dấu” OCOP phải là những sản phẩm rất đáng tự hào, là một “sứ giả” mang nét đặc trưng riêng của con người, vùng đất Phú Thọ. Những năm gần đây, nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh từ “lượng” sang “chất”, hình thành các vùng sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 90 vùng trồng lúa chất lượng cao với tổng diện tích 8,7 nghìn ha; 159 vùng sản xuất chè xanh với tổng diện tích 2,45 nghìn ha; 147 vùng sản xuất bưởi với tổng diện tích 720 ha; 34 vùng rau với tổng diện tích 375 ha; hàng chục doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn và trên 800 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại; 75 làng nghề, nhiều nghề truyền thống và trên 500 HTN… Đây là những lợi thế để Phú Thọ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trong những năm tiếp theo. 

Người dân trải nghiệm các giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại gian trưng bày của VNPT Phú Thọ

tại Hội chợ OCOP tổ chức từ ngày 27/11 - 1/12/2020

    Để nâng tầm giá trị chất lượng sản phẩm nông nghiệp vì lợi ích cộng đồng, Phú Thọ đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, nhất là thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, đầu năm 2021, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP năm 2021 và những năm tiếp theo, đồng thời, giao các huyện, thành, thị xã rà soát thực trạng sản phẩm hiện có tại các địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế thực hiện Chương trình OCOP; thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng quy định. Tỉnh cũng ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, trong đó, tập trung hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tập huấn, thuê cán bộ kỹ thuật cho các tổ chưc kinh tế, chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP; hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, in tem, giấy chứng nhận, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng logo, in tem, bao bì, đăng ký mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm các sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng chủ trương hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử; tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh...

    Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP gắn với bảo tồn và phát huy các sản phẩm lợi thế, dịch vụ du lịch nông thôn bằng những hành động thiết thực như: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức kinh tế - xã hội hiểu rõ lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi tham gia và thực hiện Chương trình. Các cấp, chính quyền phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phù hợp để từ đó kịp thời động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng, tham gia Chương trình; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP gắn với du lịch; ứng dụng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ và thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, truy suất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện trọng tâm Chương trình là phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Các cơ quan hữu trách tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quản lý và phát triển sản phẩm OCOP; thực hiện thanh tra, kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa, nhãn hiệu, logo của tổ chức, cá nhân đã được công nhận sản phẩm OCOP, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách mạnh, phù hợp để huy động nguồn lực xã hội, ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, quốc gia gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; Khơi dậy, thúc đẩy tính sáng tạo từ chủ thể, doanh nghiệp, HTX, làng nghề tham gia Chương trình OCOP. 

Châu Long

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn