Banner trang chủ

Nông dân Quảng Ninh chung tay bảo vệ môi trường

30/09/2021

     Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, huy động sự vào cuộc của toàn thể cán bộ, hội viên nông dân cùng chung tay BVMT, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển du lịch tại địa phương theo hướng bền vững.

     Thiết thực những mô hình Xanh - Sạch - Đẹp

     Là thành phố du lịch sở hữu di sản thiên nhiên thế giới nhưng cho đến nay, Hạ Long vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải. Để chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biển, vì một Hạ Long xanh, HND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các đoàn thể triển khai xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý RTN vùng ven biển vịnh Hạ Long. Sau hơn 1 năm triển khai, Dự án đã bước đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhất là trong việc chuyển đổi ý thức, hành động của người dân vùng ven biển đối với môi trường vịnh.

     Dự án xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý RTN vùng ven biển vịnh Hạ Long triển khai từ tháng 1/2020, được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu, thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP/GEF SGP) của Chính phủ Na Uy cùng một phần vốn đối ứng của tỉnh. HND tỉnh là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện Dự án tại 4 phường Tuần Châu, Hà Phong, Hồng Hải, Hồng Hà, cùng một số bến tàu du lịch, bến cá, tàu cá của TP. Hạ Long và tại 2 trường TPHT Chuyên Hạ Long, Lê Thánh Tông. Mục tiêu của Dự án nhằm kêu gọi ộ cộng đồng ven biển vịnh Hạ Long tham gia thu gom RTN, làm giảm thiểu ô nhiễm RTN vùng ven vịnh. Qua đó, góp phần BVMT, hệ sinh thái vịnh Hạ Long nói riêng, đại dương nói chung.

HND tỉnh bàn giao thùng đựng và phân loại rác 3R cho người dân phường Hà Phong (TP. Hạ Long)

     Phường Hà Phong (TP. Hạ Long) hiện có trên 12.000 nhân khẩu, trong đó có 1.700 ngư dân làng chài về tái định cư tại khu phố 8. Tuy nhiên, do nhiều năm sinh sống lênh đênh trên biển nên các hộ dân vẫn có thói quen lạm dụng các sản phẩm từ nhựa và vứt rác thải trực tiếp xuống biển sau khi sử dụng. Trước thực trạng đó, HND tỉnh đã chọn Hà Phong là địa bàn đầu tiên tham gia Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”. Triển khai mô hình, HND tỉnh và HND phường đã tổ chức tập huấn, thực hiện kiểm toán rác tại 20 hộ gia đình trồng rau màu ở khu 6 và hướng dẫn việc phân loại rác theo 3R gắn với xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm sinh học để ủ phân compost trên 36 tàu cá của các hộ dân ở khu 8. Toàn bộ lượng rác thải thu gom được trên các tàu cá và rác thải của các hộ dân sau khi được ủ phân được dùng để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở khu 6. Đồng thời, các hộ dân cũng được tham gia chiến dịch “Làm sạch biển” tại khu vực bến cá neo đậu trên địa bàn phường. Chỉ sau một thời gian ngắn, hoạt động của các mô hình đã từng bước lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng xung quanh, mọi người cũng đã có thói quen phân loại rác và ý thức về tác hại của RTN đối với sức khỏe cũng như môi trường.

     Còn tại phường Tuần Châu (TP. Hạ Long), với vai trò là phường dịch vụ, du lịch của Thành phố, Ban điều hành Dự án cũng đã hướng dẫn Hội phụ nữ phường thành lập mô hình Chi hội ve chai với 14 thành viên tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt để vận động, hướng dẫn hội viên và nhân dân cùng tham gia. Vì là lần đầu người dân phường Tuần Châu thực hiện phân loại rác ngay tại nhà nên thời gian đầu, chi hội còn cử người đứng trông thùng rác để hướng dẫn bà con phân loại, để rác đúng nơi quy định. Sau vài tháng triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ ràng khi lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường đã giảm đi đáng kể, lượng rác thải tái chế cũng đã trở thành một nguồn thu gây quỹ để hỗ trợ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với 2 địa bàn trên, phường Hồng Hải, Hồng Hà, cùng một số bến tàu du lịch, bến cá, tàu cá của TP. Hạ Long và trường THPT Chuyên Hạ Long, THPT Lê Thánh Tông cũng được lựa chọn để tham gia dự án. Đây đều là những địa bàn đông dân có các hoạt động liên quan trực tiếp đến vùng ven biển của vịnh Hạ Long.

     Thông qua gần 30 đợt tập huấn, các chiến dịch làm sạch biển, cụ thể hóa bằng xây dựng các mô hình phù hợp với đặc thù của địa phương, đối tượng… Dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho gần 2.100 người dân. Qua đó xây dựng và hình thành các nhóm hộ gia đình có kỹ năng, phương pháp để nắm rõ quy trình kiểm toán rác, cách thức phân loại rác, cách thức xử lý rác thải hữu cơ, rác thải tái chế. Nhiều hộ dân đã bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm sinh học để thay thế túi ni lông trong sử dụng hàng ngày và phục vụ sản xuất kinh doanh.

     Được triển khai từ năm 2014, mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng” do HND huyện Hải Hà phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân. Hiện đã có 59 chi hội nông dân trên địa bàn huyện triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình này. Để phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, các chi hội nông dân thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, hướng dẫn quy trình vệ sinh môi trường sống như: Sử dụng bể bioga thân thiện với môi trường; phân loại rác thải theo quy định; tích cực tham gia “Ngày chủ nhật xanh” và thực hiện vệ sinh đồng ruộng đảm bảo các tiêu chí về xây dựng NTM. Đến nay, mô hình "Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng" được các cấp HND và đông đảo hội viên trên địa bàn huyện duy trì, phát huy. Qua đó, đem lại những thay đổi tích cực cho đời sống nhân dân, mang lại diện mạo khang trang, sạch đẹp cho nông thôn Hải Hà.

     Bên cạnh đó, tại các cấp hội, nhiều mô hình, phong trào nông dân tham gia BVMT cũng đã được xây dựng. Nhiều cánh đồng dã áp dụng  mô hình thu gom rác thải sinh hoạt gắn với việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tiêu biểu là các địa phương: Quảng Yên, Đông Triều, Hạ Long, Đầm Hà... các cơ sở hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, thực hiện mô hình cánh đồng không vỏ thuốc BVTV. Việc làm này, từng bước khắc phục dần thói quen xả thải phế phẩm nông nghiệp tùy tiện, bừa bãi khắp nơi như trước đây. Tại Bình Liêu, một trong những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức của người dân còn hạn chế, công tác vệ sinh môi trường nông thôn luôn được HND huyện quan tâm. Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, nêu cao ý thức của người dân, hội viên xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, HND huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huy động nguồn lực, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Qua đó, đồng hành cùng chính quyền các xã thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng NTM.

     Tiếp tục chung tay vì môi trường

     5 năm gần đây, các cấp HND trong tỉnh đã xây dựng và duy trì được gần 100 bể thu gom bao bì thuốc BVTV tại các khu sản xuất; 215 hầm biogas; xây dựng các mô hình xử lý rác thải, mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; xây dựng 638 chi hội thực hiện tiêu chí “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”...

     Theo ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh, trong những năm qua, HND các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hoạt động BVMT, đặc biệt là các hoạt động hưởng ứng sự kiện, chủ đề lớn về môi trường như Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Tuần lễ quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường... Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức BVMT; kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV; vận động, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất theo quy trình trồng trọt, chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.


Hội viên nông dân phường Đông Triều (TX Đông Triều) tham gia tổng vệ sinh môi trường trên các tuyến đường

     Hàng năm, HND tỉnh đều xác định chỉ tiêu “Tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh và BVMT” là một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại. Trên cơ sở đó, các cấp hội xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành để thực hiện các chương trình, hoạt động. Đặc biệt, qua chương trình xây dựng NTM đã huy động được sự tham gia tích cực của hội viên nông dân trong thực hiện tiêu chí môi trường.

     Để đẩy mạnh và thể hiện rõ hơn nữa vai trò của nông dân trong công tác BVMT nông thôn, thời gian tới, HND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi và thái độ về BVMT cho hội viên; hướng dẫn, vận động hội viên nông dân thu gom, phân loại chất thải ngay tại gia đình; huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn. Đồng thời, mở các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng về thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải; nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn nguồn nước sạch, môi trường sinh thái; tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông về chống ô nhiễm môi trường và tích cực BVMT nông thôn, nhằm thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia.

Hồng Nhung

 

 

Ý kiến của bạn