Banner trang chủ

Một số kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Nam Định

12/11/2020

    Vừa qua, tỉnh Nam Ðịnh đã tiến hành tổng kết Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, tỉnh nhận ra rằng, có hai yếu tố được coi là then chốt nhất mang lại sự thành công trong quá trình xây dựng NTM ở Nam Ðịnh đó là: Sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; Làm thật tốt công tác định hướng, vận động quần chúng nhân dân đồng thuận tham gia xây dựng NTM, trên quan điểm: Xây dựng NTM chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; Cộng đồng dân cư được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng NTM theo phương châm Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ.

    So với câu Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra; trong phương châm chỉ đạo, Nam Ðịnh bổ sung thêm cụm từ Dân cần, Dân hưởng thụ chính là sự tổng kết cả về mặt lý luận, lẫn thực tiễn ở Nam Ðịnh. Ðó là, khi các cấp ủy đảng, chính quyền nhận thấy: Tiến độ xây dựng NTM chỉ được đẩy nhanh, đẩy mạnh khi tư tưởng của người dân được đả thông đến mức họ nhận ra xây dựng NTM là vì họ, vì miền quê đáng sống của họ thì họ mới nhiệt tình hưởng ứng và hăng hái tham gia. Ðúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên báo Sự thật năm 1949 về Dân vận: Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Mấu chốt thành công của Nam Ðịnh trong xây dựng NTM chính là điều đó. Và nhờ làm tốt phương châm đó mà Nam Ðịnh đã thực hiện thành công hàng loạt các công việc lớn, việc khó, việc phức tạp mang tính quyết định trong quá trình xây dựng NTM như:

    Công tác dồn điền, đổi thửa: Nam Ðịnh xác định dồn điền đổi thửa là công việc khó, phức tạp nhưng là một khâu quan trọng, mang tính quyết định. Do vậy ngay từ năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về dồn điền, đổi thửa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ðến hết năm 2015, đã có 2.976 trong số 2.986 thôn, đội hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, đạt tỷ lệ 99,7%. Sau dồn điền, đổi thửa, hiệu quả to lớn được tạo ra: Các địa phương đã dồn gọn được quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng NTM và hình thành được các cánh đồng mẫu lớn. Thông qua dồn điền, đổi thửa; các cấp ủy, chính quyền đã vận động các hộ gia đình, nhân dân tự nguyện hiến, góp hàng nghìn ha đất nông nghiệp để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi.

    Công tác vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng để thi công các công trình kết cấu hạ tầng: Ðây là cách làm sáng tạo của Nam Ðịnh, dựa trên kinh nghiệm giải phóng mặt bằng của huyện Nghĩa Hưng đã vận động 100% các hộ dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công; Sau đó tỉnh tổng kết và đặt tên là: Phương án giải phóng mặt bằng theo cơ chế xây dựng NTM. Bài học này đã được Nam Ðịnh nhân rộng ra toàn tỉnh. Kết quả là, toàn bộ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn đến nay đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư cải tạo, nâng cấp; bộ mặt nông thôn đã đổi thay rõ rệt.

    Công tác xã hội hóa các nguồn lực cho xây dựng NTM: Xuất phát từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước sẽ không hoàn thành được mục tiêu xây dựng NTM. Ðây là bài toán khá nan giải khi mới bắt đầu thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, Nam Ðịnh đã sớm đề ra quan điểm: Xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm Người dân là chủ thể xây dựng NTM; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, các xã, thị trấn, các thôn, đội và người dân nông thôn phải chủ động trong xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tính đến tháng 7-2019, tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của tỉnh được hơn 22 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm 26,3%, còn lại là các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

    Xây dựng hệ môi trường sinh thái nông thôn: Xuất phát từ cách làm của huyện Hải Hậu đã xây dựng mô hình Nhà có số, phố có tên; đường có điện, có hoa; sông không rác; cán bộ chuyên cần; nhân dân đồng thuận, đến nay, Nam Ðịnh đã nhân rộng mô hình này thành phong trào rộng khắp trên địa bàn nông thôn: Hàng loạt các con đường đã được các cấp hội, đoàn thể và nhân dân trồng hoa ven đường. Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn đã được nhân dân đóng góp đầu tư hệ thống đèn đường chiếu sáng; 100% các xã, thị trấn đã có các nhà đầu tư đã và đang xây dựng các nhà máy nước sạch; 100% các xã, thị trấn có lò đốt rác sinh hoạt. Các dòng sông và kênh mương thường xuyên được dọn dẹp rác thải nên đã dần lấy lại sự hiền hòa của các dòng chảy vùng nông thôn.

    Xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; các tiêu chí NTM phải không ngừng được củng cố, nâng cao về chất và đảm bảo tính bền vững. Thời gian tới, tỉnh Nam Ðịnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Ðề án xây dựng thí điểm mô hình NTM kiểu mẫu Sáng - Xanh - Sạch - Ðẹp để phát triển bền vững ở huyện Hải Hậu; Thực hiện các nội dung Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu, góp phần xây dựng tỉnh Nam Ðịnh ngày càng giàu đẹp, văn minh; nông thôn Nam Ðịnh là những miền quê đáng sống, yên bình.

An Bình

Ý kiến của bạn