Banner trang chủ

Huyện Thanh Oai: Trên con đường xây dựng nông thôn mới

04/08/2021

    Ngày 30/3/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 488/QĐ-TTg công nhận huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020. Kết quả về đích huyện NTM có được là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà trong công cuộc xây dựng NTM trên quê hương Thanh Oai. Không dừng lại ở đó, xác định nhiệm vụ này là việc làm thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, huyện tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới với những quyết tâm ở phía trước.

Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng phát biểu tại Hội nghị Thẩm tra huyện đạt chuẩn NTM năm 2020

    Thanh Oai nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam TP. Hà Nội. Đây là vùng đất cổ, có bề dày văn hóa, lịch sử và nền sản xuất lúa nước phát triển từ rất lâu. Trải qua thời gian, người dân nơi đây đã phát huy những tiềm năng sẵn có, biến vùng đất này trở thành vựa lúa, rau, hoa, cây ăn quả nổi tiếng khắp miền Bắc với các thương hiệu: Cam Canh Kim An, gạo thơm Bối Khê, gạo Bồ Nâu… Thực hiện chương trình số 02/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội và Chương trình 07-CTr/HU về phát triển nông nghiệp xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020, huyện Thanh Oai đã đạt được thành tựu nổi bật, đáng ghi nhận với 20/20 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 2 xã đạt NTM nâng cao, Huyện đạt chuẩn NTM. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng chung do đại dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt nhưng kinh tế - xã hội của huyện Thanh Oai vẫn phát triển ổn định và đạt được những thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận. Trong đó: Tốc độ tăng trưởng đạt 8,9% (giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,2%; công nghiệp xây dựng tăng 9,1%; thương mại dịch vụ tăng 9,8%). Thu ngân sách đạt 111%, giải ngân đạt gần 90%; thu nhập bình quân đạt 55 triệu/người/năm.

    Cùng với đó, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi huyện Thanh Oai được đầu tư nâng cấp đáp ứng yêu cầu phát triển. 100% hệ thống trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, xóm đã được xây dựng xong đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; 100% các tuyến ngõ, đường xóm đã được đảm bảo sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 100% các tuyến đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Các sản phẩm OCOP huyện Thanh Oai năm 2020

    Bên cạnh những khởi sắc về kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội ghi nhận chuyển biến mới. Trong lĩnh vực giáo dục: Mạng lưới trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường như xây mới 60 trường học với kinh phí 821 tỷ 891 triệu đồng; cải tạo, sửa chữa 17 lượt trường học với kinh phí 344 tỷ 066 triệu đồng. Đầu tư trang thiết bị dạy học, các phòng bộ môn theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, đã có 57/74 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 77,02%. Bênh viên đa khoa huyện, Trạm y tế các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Về văn hóa, 100% các xã đã quy hoạch khu trung tâm văn hóa thể thao, tập trung đầu tư xây mới, nâng cấp, tu sửa nhà văn hóa các thôn; 100% các thôn đã có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt hội họp. Cơ sở vật chất của mạng lưới nhà văn hóa - khu thể thao từ huyện đến cơ sở đáp ứng nhu cầu tổ chức hội họp và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân. Công tác thông tin tuyên truyền có hiệu quả, kịp thời đưa những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao, các chế độ chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn được thực hiện tốt. An ninh nông thôn, an ninh tôn giáo đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Du khách lựa chọn sản phẩm nón làng Chuông, xã Phương Trung

    Điểm đáng chú ý là việc nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nâng cao đời sống nhân dân được huyện Thanh Oai xác định là nhiệm vụ quan trọng đột phá mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Để đẩy mạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, Ban chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/HU đã ban hành Đề án số 03-ĐA/BCĐ về thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; Đề án số 04-ĐA/BCĐ về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020; Kế hoạch thực hiện chương trình OCOP mỗi xã 1 sản phẩm. Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGap, từng bước ứng dụng công nghệ cao, sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi liên kết. Đến tháng 12/2020 các xã, thị trấn đã thực hiện chuyển đổi với tổng diện tích là: 1.333,78 ha. Trong đó: Cây rau: 178,16 ha bằng 2.623 hộ; Cây ăn quả: 435,3 ha bằng 2.606 hộ; Lúa: 126,8 ha bằng 84 hộ; Nuôi trồng thủy sản: 424,13 ha bằng 389 hộ; Trang trại tổng hợp: 116,5 ha bằng 241 hộ; Chăn nuôi xa khu dân cư: 52,95 ha bằng 98 hộ. Việc sản xuất theo mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã đem lại giá trị cao hơn hẳn so với cấy lúa truyền thống. Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap Hợp tác xã Hoàng Long; Trồng dưa lưới và táo VietGap 5.300 m2 tại Thanh Cao; Trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng với diện tích 2500 m2; sản xuất rau hữu cơ an toàn ứng dụng công nghệ cao tại 2 xã Hồng Dương và Dân Hòa do Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Hiệp Thành thực hiện… Trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng trên địa bàn huyện đã có sự liên kết với các doanh nghiệp, các đầu mối tiêu thụ tạo sự bền vững cho sản phẩm. Năm 2020, huyện đã được TP. Hà Nội công nhận thêm 20 sản phẩm đạt chứng nhận OOCP, trong đó có 8 sản phẩm từ nông nghiệp và 12 sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đến nay, huyện đã có 31 sản phẩm được chứng nhận OCOP (30 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 3 sao).

Anh Nguyễn Văn Mùa, xã Kim An phát triển mô hình trồng bưởi cảnh

    Với những kết quả trên, huyện Thanh Oai đã được TP. Hà Nội và Trung ương trao tặng nhiều bằng khen, danh hiệu và hình thức khen thưởng để ghi nhận. Riêng lĩnh vực xây dựng NTM, huyện có 1 tập thể, 1 hộ gia đình được Chính phủ tặng bằng khen; 10 tập thể, 54 cá nhân hộ gia đình được UBND TP. Hà Nội tặng bằng khen.

    Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, xây dựng NTM và NTM nâng cao không chỉ là nhiệm vụ mà đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp các vùng quê ngoại thành Hà Nội và đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức được điều này, mặc dù đã về đích huyện NTM, Thanh Oai vẫn xác định tinh thần “không có điểm dừng” trong xây dựng NTM. Đặc biệt, năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, với khát vọng đổi mới phương pháp tiếp cận, cách làm mới cùng với sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, huyện Thanh Oai quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu thu ngân sách đạt 1038,5 tỷ đồng (chỉ tiêu TP. Hà Nội giao là 538,5 tỷ đồng); tốc độ tăng trưởng đạt 12,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3% theo chuẩn mới; thêm 3 trường đạt Chuẩn quốc gia; thêm 2 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao… Tạo nền tảng quan trọng để Thanh Oai tiếp tục hoàn thành xây dựng huyện NTM nâng cao, xây dựng huyện giàu đẹp văn minh.

Tuyến đường hoa tại thôn Thị Nguyên, xã Cao Dương

Vũ Hồng

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

 

Ý kiến của bạn