Banner trang chủ

Huyện Mê Linh khoác lên mình “Tấm áo mới” sau hành trình hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới

08/06/2022

    Năm 2010, huyện Mê Linh bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp, toàn huyện chỉ có 1/19 tiêu chí đạt (an ninh trật tự), các tiêu chí còn lại đều đạt thấp (2/19 tiêu chí đạt 70 - 90%; 5/19 tiêu chí đạt 50 - 60%; 11/19 tiêu chí đạt dưới 50%). Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, đến nay, toàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn NTM và đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM; hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Huyện cũng tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quan tâm tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Ngày 26/4/2022, Đoàn thẩm định liên ngành Trung ương đã tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn NTM và đến ngày 8/6/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 690/QĐ-TTg công nhận huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội đạt chuẩn NTM năm 2020.

    Nét khác biệt trong xây dựng NTM ở Mê Linh

    Chia sẻ về hành trình xây dựng NTM của Mê Linh, ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, được công nhận huyện đạt chuẩn NTM là thành quả của cả quá trình phấn đấu của địa phương bởi xuất phát điểm thấp, không có nhiều thuận lợi so với một số huyện khác. Năm 2010, khi Mê Linh bước vào xây dựng NTM chỉ có 1/19 tiêu chí đạt là an ninh trật tự, các tiêu chí còn lại đều có tỷ lệ phần trăm đạt thấp, dưới chuẩn rất xa. Giai đoạn 2010 - 2020, huyện đã bố trí hơn 4.011 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Theo đó, giao thông, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững. Mặt khác, Mê Linh tập trung tối đa mọi nguồn lực để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành nên nhiều vùng hàng hóa lớn, những sản phẩm OCOP đặc trưng mang lại giá trị thặng dư cao hơn cho nhân dân. Bên cạnh đó, công tác giáo dục được huyện Mê Linh dặc biệt quan tâm, chăm lo, hiện toàn huyện có 56/72 trường công lập trực thuộc đạt chuẩn quốc gia, đến hết năm 2021 có 60/72 trường đạt chuẩn quốc gia; 16/16 xã đạt phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn xoá mù chữ cấp độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương đạt 95,53%. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, từ năm 2010 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng mới 20 nhà văn hóa, khu thể thao với số tiền gần 66 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo 6 nhà văn hóa với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng; hệ thống thiết chế văn hóa xã, thôn luôn phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người dân.

Diện mạo huyện Mê Linh có nhiều đổi thay nhờ xây dựng NTM

    Theo nhận xét từ các đoàn đánh giá NTM của Trung ương cũng như Thành phố Hà Nội thì công cuộc xây dựng NTM tại huyện Mê Linh có nhiều điểm nhấn: Hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế kết nối rất tốt với nhau, huyện có 18 xã, thị trấn nhưng hệ thống đường giao thông đi lại thuận lợi, dịch vụ phong phú. Bên cạnh đó, trước đây Mê Linh còn thiếu cây xanh, đường hoa, thiếu chỗ tập trung rác thải, nhất là tình trạng phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV trên địa bàn còn nhiều bất cập. Nhưng sau khi huyện tổ chức ra quân đồng loạt tổng vệ sinh, trồng thêm cây xanh, hoa ven đường thì tình trạng này đã được cải thiện hơn rất nhiều, ngay cả tuyến đê sông Hồng chạy qua xã Văn Khê, Hoàng Kim, các địa phương này đã xin ý kiến của Sở NN&PTNT cho phép được sử dụng mái đê để trồng thêm cây cảnh, hoa, tạo cảnh quan môi trường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp. Mặt khác, kinh tế - xã hội của huyện cơ bản đồng đều, năm 2021 thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 58 triệu/người; nông nghiệp đã tạo thành những vùng chuyên canh lớn như vùng rau rộng 200 - 300 ha ở xã Tráng Việt, vùng chuối ở Hoàng Kim, Văn Khê, vùng trồng hoa ở Mê Linh, vùng trồng đào ở xã Thanh Lâm, Kim Hoa, vùng trồng lúa trải dài từ xã Hoàng Kim, Văn Khê cho đến Liên Mạc.  

    Về văn hóa, nhiều nơi đã tổ chức đám hiếu, đám hỉ văn minh, gọn nhẹ, đơn cử ở xã Tiến Thắng trước đây vốn là nơi còn tồn tại việc cưới xin, ma chay hay giỗ chạp tổ chức to, ăn uống linh đình, hai đợt dịch Covid-19 bùng phát ở đây đều xuất phát từ đám giỗ, đám ma như vậy, sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt hành chính giờ cũng đã giảm dần. Để hiệu quả của việc tuyên truyền bền vững hơn, sắp tới chính quyền còn định hướng phải đưa những quy định cụ thể hơn về vấn đề này vào hương ước của các thôn để toàn dân cứ theo nề nếp ấy mà thực hiện. Tuy nhiên, NTM là quá trình không có điểm dừng nên Mê Linh phấn đấu đến năm 2025 sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện NTM, đồng thời xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cụ thể, huyện phấn đấu có từ 6 - 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 -  2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt từ 2,5 - 3,0%/năm; thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 65 - 70 triệu đồng/người/năm. Để đảm bảo phát triển nông thôn một cách bền vững thì Mê Linh xác định trọng tâm: Hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho người dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao F-FAME tại xã Đại Thịnh

    Phát biểu tại Hội nghị thẩm định hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn NTM được tổ chức ngày 26/4/2022, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, nhưng Mê Linh đã triển khai tuyên truyền đến toàn thể nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực. Nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, bước đầu xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Chí cũng thống nhất với các thành viên trong đoàn kiểm tra khi cho rằng, đối với tiêu chí môi trường, Mê Linh cần có những giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt hơn công tác vệ sinh môi trường; duy trì phong trào trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa; bố trí, xây dựng không gian xanh… Đồng thời, huyện cần có chiến lược giảm nghèo bền vững; có kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm; chú trọng phát huy lợi thế về du lịch, di tích lịch sử văn hóa; tiếp tục đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất văn hóa, trường học, khu vui chơi, xây dựng cảnh quan đô thị, nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh...

    Sự đóng góp không nhỏ của hội viên phụ nữ

    Với hơn 35.800 hội viên tham gia sinh hoạt ở 25 cơ sở hội, 122 chi hội, 349 tổ hội, những năm qua, cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Mê Linh luôn tích cực hưởng ứng, chung tay tham gia xây dựng NTM bằng những phần việc cụ thể, thiết thực, qua đó góp phần không nhỏ vào thành công của Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Theo đó, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) trên địa bàn huyện Mê Linh đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn nội dung và hình thức triển khai phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương. 100% cơ sở hội đã đăng ký thực hiện có hiệu quả các phong trào, hoạt động, phần việc của mình, trọng tâm là đăng ký đảm nhận công tác vệ sinh môi trường, quét dọn, trồng đường hoa đảm bảo cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp; vận động hội viên hiến đất, góp công, góp của xây dựng các các công trình công cộng.

Chi hội phụ nữ thôn Mạnh Trữ, xã Chu Phan xây dựng đoạn đường nở hoa do phụ nữ tự quản

    Bà Ngô Minh Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mê Linh cho biết, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động hội viên tham gia xây dựng NTM, bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Vận động hội viên lắp đặt đèn đường chiếu sáng trên các trục đường liên xóm; ra quân tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom rác thải; lắp đặt thùng rác tại khu vực công cộng và trên một số cánh đồng; vận động hội viên duy trì tham gia vệ sinh môi trường vào sáng thứ 7 hàng tuần; tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hiện 8 tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và tiêu chí “sạch ruộng đồng”, “phát động ra quân vệ sinh môi trường - làm sạch đồng ruộng tham gia xây dựng NTM”, thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; tham gia trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa... góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM của huyện, tạo động lực để 16/16 xã đạt chuẩn NTM, đưa huyện Mê Linh đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2021. Đặc biệt, hàng năm, huyện hội chỉ đạo các hội cơ sở đăng ký thực hiện, xây dựng các điểm sinh hoạt cộng đồng Xanh - Sạch - Đẹp và thân thiện với môi trường, xây dựng các đoạn đường nở hoa, vẽ tranh bích họa một số trường học, nhà văn hóa… Đến nay, toàn hội đã vận động hội viên và gia đình ủng hộ trên 3 tỷ đồng để cải tạo, làm đẹp 26 sân chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng thân thiện với môi trường; xây dựng và duy trì 247 đoạn đường do phụ nữ tự quản.

    Bên cạnh đó, các cấp hội cũng tích cực trong công tác tuyên truyền cho trên 44.500 lượt hội viên về nội dung Phong trào Chống rác thải nhựa và mô hình phụ nữ nói không với bếp than tổ ong, mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông… Tích cực truyền thông về chống rác thải nhựa, các cáp Hội đã phát 10.000 chai thủy tinh cho đại biểu, nhiều chị em đã sử dụng làn nhựa và một số sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường để đi chợ, có 192 gia đình hội viên ký cam kết không sử dụng bếp than tổ ong, thay vào đó là bếp thế hệ xanh, tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi (khí ga) để xây hầm bioga. Ngoài ra, để giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế, thúc đẩy hoàn thành tiêu chí thu nhập, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã chủ động khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Quỹ TYM, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển Hà Nội và vận động hội viên tiết kiệm tại chi hội…cho hội viên vay với lãi suất ưu đãi. Trong 5 năm qua, tổng số vốn do các cấp hội khai thác đạt hơn 250 tỷ đồng cho 12.037 lượt hội viên phụ nữ vay vốn, phát triển kinh tế. Các cấp hội cũng giúp 823 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo (vượt 82,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra); giúp thường xuyên, giúp có địa chỉ bằng ngày công, con giống, cây giống, tiền... được quy đổi thành tiền trên 13 tỷ đồng; đồng thời, phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho 4.250 lao động nông thôn học nghề miễn phí. Bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 51,6 triệu đồng/năm.

    Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp hội LHPN huyện Mê Linh sẽ tiếp tục chỉ đạo 100% cơ sở hội tham gia xây dựng NTM; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng NTM, phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân, tập thể có thành tích cao trong xây dựng NTM để khen thưởng, biểu dương… Qua đó, phát huy vai trò của phụ nữ trong phong trào xây dựng NTM, góp phần lan tỏa ý nghĩa Chương trình, huy động cả cộng đồng cùng chung tay thực hiện, góp phần hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí NTM, tiến đến xây dựng NTM nâng cao.

Sơn Tùng

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn